Trên thị trường năng lượng, giá dầu quay đầu giảm khi giới đầu tư lo ngại nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu nhiên liệu trên thế giới.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 5/2019 giảm 0,42 USD xuống 63,98 USD/thùng, dầu Brent giao tháng 6/2019 giảm 0,49 USD xuống còn 70,61 USD/thùng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 9/4/2019 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2019 từ 3,5% xuống còn 3,3%. Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng qua, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo tăng trưởng có thể sẽ còn chậm lại thêm nữa do những căng thẳng thương mại và sự cố Anh rời EU quá trắc trở. Những yếu tố này không chỉ cản trở giá dầu tăng thêm nữa, mà thậm chí có thể ảnh hưởng tới tiêu thụ nhiên liệu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 9/4/2019 cho biết Nga không ủng hộ việc giá dầu tăng ngoài tầm kiểm soát, và cho rằng mức giá hiện nay hợp lý cho Moscow.
Cùng ngày, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) thông báo lượng dầu thô dự trữ của Mỹ trong tuần vừa qua đã tăng thêm 4,09 triệu thùng. Trước đó, trong tuần kết thúc vào ngày 29/3/2019, API thông báo lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng thêm 2,96 triệu thùng, trong lúc Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng 7,2 triệu thùng trong tuần này. Theo dự kiến, EIA trong ngày 10/4/2019 sẽ công bố số liệu về lượng dầu dự trữ của Mỹ và thị trường dự đoán con số này sẽ tăng thêm 2,29 triệu thùng.
Gần đây, việc Mỹ trừng phạt Iran và Venezuela đã khiến cho nguồn cung dầu thế giới sụt giảm trong bối cảnh OPEC vẫn đang thực hiện thỏa thuận giảm cung.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần do USD và chứng khoán yếu đi và IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra việc các ngân hàng trung ương tăng cường mua vàng vào cũng góp phần đẩy giá tăng lên.
Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.303,98 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 28/3 là 1.306,09 USD/ounce; vàng giao tháng 6/2019 6,40 USD (0,49%) lên khép phiên ở mức 1.308,30 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh với giỏ sáu tiền tệ chủ chốt, đã giảm nhẹ 0,06% xuống 97 điểm. Hiện giới đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng Ba của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trung Quốc, nước thu mua vàng lớn nhất thế giới, trong tháng Ba đã tăng dự trữ vàng tháng thứ tư liên tiếp. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng lượng vàng nắm giữ.
Về những kim loại quý khác, giá bạch kim giao ngay giảm 1,5% xuống 891,75 USD/ounce, giá bạc giảm 0,1% xuống 15,23 USD/ounce, trong khi đó giá palađi tăng 0,2% lên 1.386,01 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng lên mức cao nhất 1 tuần bởi hoạt động mua đầu cơ mang tính kỹ thuật trong bối cảnh USD yếu đi và tâm lý lạc quan về khả năng kinh tế Trung Quốc hồi phục. Kết thúc phiên giao dịch, đồng giao sau 3 tháng tại London tăng 0,2% lên 6.487 USD/tấn, sau khi có lúc đạt 6.540 USD/tấn, cao nhất kể từ 1/4/2019.
Chuyên gia Gianclaudio Torlizzi của hãng tư vấn T-Commodity ở Milan cho biết: "Có vẻ như bức tranh vĩ mô ở Trung Quốc gần đây đã được cải thiện, và thị trường cũng phấn khích hơn khi cho rằng USD sẽ giảm giá trong những ngày tới".
Trái với đồng, giá kẽm giảm bởi lo ngại nguồn cung gia tăng từ phía các nhà luyện kẽm Trung Quốc. Kẽm giao sau 3 tháng tại London giảm 1,6% xuống 2.816 USD/tấn.
Giá thép và quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục đi lên phiên thứ 7 liên tiếp do nhu cầu tăng từ lĩnh vực xây dựng. Thép cây – dùng trong lĩnh vực xây dựng - trên sàn Thượng Hải có lúc giá tăng 2,9% lên 3.795 CNY (565,23 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, trước khi kết thúc phiên ở mức tăng 1,9% lên 3.757 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng – sử dụng trong ngành sản xuất ô tô và đồ gia dụng – tăng 0,6% lên 3.941 CNY/tấn. Toàn bộ 13 thành phố ở Trung Quốc đang xảy ra tình trạng phải sử dụng tới thép dự trữ, cho thấy nhu cầu đang tăng mạnh.
Giá quặng sắt do đó cũng tăng theo (đã tăng tổng cộng 15% trong vồng 6 phiên, từ 29/3 đến 8/4/2019), trong bối cảnh xuất khẩu quặng từ Brazil và Australia sang Trung Quốc sụt giảm.
Quặng sắt trên sàn Đại Liên trong phiên vừa qua có lúc đạt 720 CNY/tấn, cao nhất kể từ 2013, khi sàn giao dịch này được thành lập. Kết thúc phiên, giá tăng 0,7% lên 706,5 CNY/tấn, kết thúc phiên thứ 7 tăng liên tiếp – dài nhất kể từ tháng 11/2017. Quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc giá tăng 1,1% lên 94 USD/tấn, theo số liệu của SteelHome. Đây cũng là mức cao nhất trong vòng gần 5 năm.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica hồi phục sau phiên đầu tuần sụt giảm. Arabica giao tháng 5 trên sàn New York tăng 0,7 UScent tương đương 0,8% lên 93,65 UScent/lb. Tuần trước hợp đồng này đã xuống mức giá thấp nhất 13 năm là 91,25 UScent. Tuy nhiên, robusta vẫn giảm 6 USD tương đương 0,4% xuống 1.420 USD/tấn.
Đường thô giao tháng 5 trên sàn New York tăng 0,21 UScent tương đương 1,7% lên 12,78 UScent/lb do dự báo El Nino sẽ gây khô hạn cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thái Lan hiện đã có dấu hiệu của khô hạn và Rabobank nhận định vụ mía 2019/20 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Mùa mưa ở Ấn Độ năm nay cũng sẽ có ít nước hơn bình thường.
Đường trắng cũng tăng giá 2 USD tương đương 0,6% trong phiên vừa qua lên 328,2 USD/tấn bởi diện tích củ cải đường của Pháp dự báo giảm 6,3% so với năm ngoái.
Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo đã giảm trong phiên vừa qua theo xu hướng tại Thượng Hải. Hợp đồng giao tháng 9/2019 giảm 3,4 JPY (0,0306 USD) xuống 187,6 JPY/kg, còn trên sàn Thượng Hải giảm 185 CNY (27,57 USD) xuống 11.700 CNY/tấn.
Giá cao su đang chịu tác động từ một số yếu tố trái chiều. Trong khi JPY yếu đi gây áp lực giảm giá cao su thì giá dầu tăng lại hậu thuẫn tích cực cho mặt hàng này.
Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

63,98

-0,42

-0,65%

Dầu Brent

USD/thùng

70,61

-0,49

-0,69%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

46.590,00

-350,00

-0,75%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,71

+0,01

+0,41%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

202,01

+2,11

+1,06%

Dầu đốt

US cent/gallon

205,88

+1,39

+0,68%

Dầu khí

USD/tấn

625,00

-2,50

-0,40%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

63.790,00

-400,00

-0,62%

Vàng New York

USD/ounce

1.308,50

+0,20

+0,02%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.650,00

+12,00

+0,26%

Bạc New York

USD/ounce

15,20

-0,02

-0,11%

Bạc TOCOM

JPY/g

54,20

-0,40

-0,73%

Bạch kim

USD/ounce

890,98

-0,89

-0,10%

Palađi

USD/ounce

1.390,92

+1,24

+0,09%

Đồng New York

US cent/lb

293,35

-0,05

-0,02%

Đồng LME

USD/tấn

6.487,00

+12,00

+0,19%

Nhôm LME

USD/tấn

1.878,00

+7,00

+0,37%

Kẽm LME

USD/tấn

2.861,00

-45,00

-1,55%

Thiếc LME

USD/tấn

20.875,00

+50,00

+0,24%

Ngô

US cent/bushel

360,00

0,00

0,00%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

459,50

-5,75

-1,24%

Lúa mạch

US cent/bushel

281,25

-6,25

-2,17%

Gạo thô

USD/cwt

10,29

-0,13

-1,25%

Đậu tương

US cent/bushel

898,75

0,00

0,00%

Khô đậu tương

USD/tấn

309,10

-0,10

-0,03%

Dầu đậu tương

US cent/lb

29,04

+0,16

+0,55%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

455,30

+0,80

+0,18%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.418,00

+6,00

+0,25%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

93,65

+0,70

+0,75%

Đường thô

US cent/lb

12,90

+0,22

+1,74%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

109,40

-2,05

-1,84%

Bông

US cent/lb

78,47

-0,53

-0,67%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

340,00

-5,50

-1,59%

Cao su TOCOM

JPY/kg

188,80

+1,20

+0,64%

Ethanol CME

USD/gallon

1,31

-0,01

-0,53%

Nguồn: Bloomberg, Reuters, CafeF