Tại Diễn đàn Bác Ngao ngày 10/4, ông Tập cam kết "một giai đoạn mở cửa mới" với đề xuất tăng cường nhập khẩu (trong đó có ô tô), gỡ bỏ hạn chế quyền sở hữu của nước ngoài đối với sản xuất và mở rộng bảo hộ sở hữu trí tuệ - tất cả những vấn đề mà ông Trump quan tâm.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nhận định bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy nước này đang di chuyển đúng hướng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau đó đã ca ngợi "những lời tử tế” về thuế quan" của ông Tập. Trên trang Twitter cá nhân, ông Trump viết: "Rất biết ơn những lời tử tế của Chủ tịch Tập về thuế và các rào cản ôtô cũng như sự thấu hiểu của ông về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Chúng tôi sẽ có những bước tiến to lớn cùng nhau!”.
Thái độ hòa hoãn của ông Tập khiến thị trường chứng khoán đồng loạt khởi sắc trên toàn cầu, nhưng làm cho USD và Yen Nhật sụt giảm. Chỉ số dollar index giảm 0,15% xuống còn 89,69.
Chính những điều này đã chi phối thị trường hàng hóa nguyên liệu trong phiên vừa qua.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng trên 3% khi các nhà đầu tư thêm tin tưởng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp thương mại mà không gây thiệt hại tới kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông gia tăng.
Dầu Brent tăng 2,39 USD tương đương 3,5% lên 71,04 USD/thùng, là phiên giá tăng nhiều nhất kể từ tháng 9 năm ngoái; dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 3,3% tương đương 2,09 USD lên 65,51 USD/thùng.
Liên tiếp tăng mạnh, giá cả 2 hợp đồng dầu mỏ tham chiếu đã tăng trên 5% chỉ trong 2 phiên vừa qua, trái ngược hẳn với sự sụt giảm hơn 4% trong tuần trước khi lo ngại gia tăng liên quan đến thuế hàng hóa nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc.
Căng thẳng ở Trung Đông cũng hỗ trợ giá. Nhà phân tích Phillip Streible thuộc RJO Futures ở Chicago cho biết: “Thị trường ngày càng đồn đoán nhiều về ông Trump và Syria”. Tổng thống Mỹ đã tuyên bố sẽ có phản ứng ngay đối với vụ nghi ngờ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Theo ông Streible, phản ứng như vậy chắc chắn sẽ khiến Mỹ nhanh chóng rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, vì Iran ủng hộ Syria. Không còn thỏa thuận này thì Iran sẽ lại bị trừng phạt, và nguồn cung dầu mỏ thế giới sẽ bị tổn hại.
Tuy nhiên, thị trường dầu vẫn trong giai đoạn rất dễ bị tổn thương. Việc công ty Saudi Aramco chật vật nâng giá bán dầu sang thị trường châu Á chứng tỏ điều này.
Khi Saudi Aramco thông bán nâng giá bán thì ngay lập tức Sinopec - nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á - đã giảm 40% lượng nhập khẩu dầu thô từ Saudi Arabia kỳ hạn giao trong tháng 5. Điều đó phát đi hai thông điệp rất rõ ràng: (1) Sinopec không đồng ý tăng giá và (2) nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có thể bù đắp thiếu hụt từ các nhà cung cấp khác. Không chỉ có Sinopec mà 2nhà máy lọc dầu Bắc Á cũng thông báo kế hoạch giảm 10% khối lượng nhập từ Saudi Arabia trong tháng 5.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do USD giảm. Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.341,29 USD/ounce, cao nhất kể từ 4/4; vàng giao tháng 6 tăng 5,8 USD tương đương 0,4% lên 1.345,9 USD/ounce. Tuy nhiên, phát biểu của ông Tập tỏ thái độ ôn hòa không chỉ khiến USD giảm mà còn đẩy chứng khoán toàn cầu tăng điểm – yếu tố ngăn giá vàng tăng mạnh.
Giá bạc cũng tăng 0,7% trong phiên vừa qua lên 16,57 USD/ounce, trong khi palađi tăng 2,3% lên 950,72 USD/ounce vào lúc đóng cửa giao dịch, sau khi có lúc chạm mức cao nhất 12 ngày (961,30 USD/ounce). Chỉ riêng bạch kim giảm 0,1% xuống 930,80 USD/ounce. Thị trường kim loại quý đang chịu tác động từ những thị trường khác. Các loại xe chạy bằng dầu diesel sử dụng chủ yếu là bạch kim trong bộ chuyển đổi xúc tác, còn với xư chạy xăng thì sử dụng palađi, nhưng doanh số bán diesel ở các thị trường lớn nhất của châu Âu đang sụt giảm khiến bạch kim giảm giá theo.
Giới đầu tư đang chờ xem khả năng Mỹ sẽ hành động ra sao đối với vụ nghi ngờ Syria dùng vũ khí hóa học trong chiến tranh. Mới đây, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vassily Nebenzia đã kêu gọi Washington kiềm chế đối với những kế hoạch dự định triển khai để chống lại chính quyền Damacus. Trước đó vào ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington có rất nhiều lựa chọn về mặt quân sự đối với Syria và sẽ hành động nhanh chóng và mạnh mẽ nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Giới phân tích cho rằng tuyên bố trên của Tổng thống D.Trump ám chỉ một giải pháp quân sự đối với Syria.
Theo chuyên gia phân tích hàng hóa Jonathan Butler thuộc Mitsubishi, nhân tố địa chính trị vẫn là yếu tố chính chi phối giá vàng trong tuần này. Thị trường hiện đang chú ý theo dõi những động thái giữa Nga, Syria, Iran và những quốc gia khác có thể liên quan đến sự kiện nêu trên.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá nhôm vừa lập kỷ lục cao nhất 2 tháng sau khi Sàn gia dịch kim loại London (LME) ra những quy định hạn chế đối với sản phẩm của hãng sản xuất Nga Rusal do bị Mỹ trừng phạt.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá nhôm tăng 4,2% lên 2.229 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức 2.242 USD/tấn, cao nhất kể từ 29/1. Và kim loại này cũng đang trong đợt tăng giá dài nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Mỹ hôm 6/4 đã công bố các lệnh trừng phạt đối với hàng loạt quan chức, nhà tài phiệt và tổ chức của Nga, trong đó có “gã khổng lồ” trong ngành nhôm là Rusal vì cho rằng Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ cùng nhiều hành động “phá hoại” khác.
Theo các biện pháp trừng phạt này, tất cả tài sản của các nhà tài phiệt Nga nằm trong quyền tài phán của Mỹ sẽ bị đóng băng, và công dân Hoa Kỳ bị cấm “giao dịch kinh doanh” với các đối tượng bị chế tài. Bất kỳ ai sở hữu từ 50 % trở lên tài sản của các nhà tài phiệt này cũng sẽ bị chế tài.
Chuyên gia kinh tế Caroline Bain thuộc Capital Economics nhận định: ”Chắc chắn các hành động trừng phạt này sẽ khiến sản lượng của Nga sụt giảm, và hãng Rusal đủ lớn để gây tác động mạnh tới giá nhôm”.
Rusal sản xuất 3,7 triệu tấn nhôm trong năm 2017, theo tính toán của Argonaut thì khối lượng đó tương đương 7% tổng sản lượng của toàn thế giới. Rusal cho biết xuất khẩu sang Mỹ chiếm trên 10% tổng sản lượng của họ.
Dự trữ nhôm tại các kho hàng có xuất xứ từ các nhà sản xuất Đông Âu (chủ yếu do Rusal sản xuất) trên sàn London còn 450.650 tấn tính đến ngày 6/4.
Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto sẽ là một trong những công ty hưởng lợi nhiều nhất khi Mỹ trừng phạt tập đoàn United Company Rusal – nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc – quốc gia sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, chỉ nhập khẩu 14.631 tấn nhôm nguyên khai từ Nga trong năm 2017 dù nước này là nước xuất khẩu nhôm số 1 thế giới, theo số liệu của hải quan Trung Quốc.
Với những kim loại khác, giá đồng cũng tăng 1,7% lên 6.945 USD/tấn, cao nhất kể từ 16/3. Thị trường đồng dự báo sẽ chuyển sang thiếu hụt từ năm 2020 sau khi cân đối trong suốt thập kỷ này, đó là nhận định của lãnh đạo công ty Rio Tino.
Sắt thép cũng tăng giá trong phiên vừa qua. Giá quặng sắt tại trung Quốc tăng gần 3% sau 3 phiên trượt giảm trước đó khi lo ngại về chiến tranh thương mại dịu lại sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ mở cửa hơn nữa nền kinh tế nước này và đồng thời giảm thuế đối với nhiều sản phẩm trong đó có ô tô – thái độ được coi là góp phần hóa giải mối đe dọa Mỹ sẽ đánh thuế đối với hàng chục tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Phát ngôn của ông Tập đã giúp chứng khoán Mỹ và châu Á tăng điểm, đồng thời làm hạn chế nhu cầu mua những tài sản an toàn như vàng hay yen Nhật.
Giá quặng sắt và thép tăng cũng do dự báo nhu cầu của Trung Quốc sắp bước vào mùa tăng, và dự trữ thép liên tục sụt giảm.
Quặng sắt giao tháng 9 tại Đại Liên tăng 2,7% lên 451 NDT (72 USD)/tấn, đảo chiều tăng sau 3 phiên giảm trước đó. Quặng sắt giao ngay tại cảng Tần Hoàng Đảo (TQ) tăng 0,6% lên 63,95 USD/tấn.
Các thương gia Trung Quốc cho biết nhu cầu nhìn chung đang bước vào mùa tăng, ở một số nơi thời tiết lạnh thì có thể phải chờ khoảng 2-3 tuần nữa mới thấy biểu hiện rõ nét.
Xuất khẩu quặng sắt từ cảng Hedland (Australia) sang Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng gần 12% so với tháng trước đó, lên 35 triệu tấn.
Thép cây trên sàn Thượng Hải cũng tăng 1,7% lên 3.419 NDT/tấn bởi những dấu hiệu về nhu cầu tăng và dự trữ thép xây dựng của các thương gia Trung Quốc giảm tuần thứ 3 liên tiếp xuống 8,73 triệu tấn vào ngày 4/4, so với mức cao nhất gần 5 tuần hồi giữa tháng 3 (9,78 triệu tấn), theo số liệu của SteelHome. Số liệu của Morgan Stanley cho thấy dự trữ của các thương gia còn giảm nhanh hơn nữa do nhu cầu mạnh, theo đó chỉ trong một tuần đã giảm 6,5% trong cùng kỳ.
Mặc dù vậy, triển vọng thị trường thép trong những tháng tới còn rất khó đoán. Trong một cuộc phỏng vẫn của kênh CNBC-TV18, nhà quản lý cấp cao của S&P Global Platts,
Paul Bartholomew, cho rằng giá thép thế giới có thể sẽ giảm về cuối năm marketing 2018.
Trên thị trường nông sản, giá đường xuống mức thấp nhất 2 năm rưỡi, sau khi số liệu cho thấy sản lượng tăng mạnh ở những khu vực trồng mía chính của Brazil và lo ngại xuất khẩu từ Ấn Độ sẽ khiến thị trường thêm dư thừa nguồn cung.
Đường thô giao tháng 5 giá giảm 0,23 US cent tương đương 1,9% xuốn 12,24 US cent/lb, sau khi có lúc rơi xuống chỉ 11,96 US cent, thấp nhất kể từ tháng 9/2015. Đường trắng cũng giảm 5,1 USD tương đương 1,5% xuống 336 USD/tấn, trong phiên có lúc giá xuống chỉ 332,6 USD, thấp nhất kể từ tháng 8/2015.
Khu vực Trung Nam Brazil đã tăng mạnh tỷ lệ mía sản xuất đường trong nửa cuối tháng 3 so với 2 tuần trước đó, mặc dù vẫn tập trung sản xuất ethanol. Đó là chưa kể Ấn Độ sẽ trợ cấp cho xuất khẩu đường, dự kiến sẽ khiến các nhà máy lọc dầu nước này tăng xuất khẩu đường, khiến thị trường còn dư thừa nhiều hơn so với dự kiến.
Cà phê cũng giảm giá trong phiên vừa qua, với arabica giao tháng 5 giảm 1,05 US cent tương đương 0,9% xuống 1,176 USD/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn giảm 34 USD tương đương 2% xuống 1.709 USD/tấn.
Tại Hội nghị Thường niên lần thứ 121 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) diễn ra tại Mexico Cty (Mexico), Colombia, nhà sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới, cũng là nhà sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao hàng đầu thế giới, đã bày tỏ mong muốn tại hội nghị lần này sẽ cùng Brazil, Việt Nam và một số quốc gia sản xuất cà phê lớn khác cùng thể hiện sự quan ngại khi có quá nhiều nước trồng cà phê đã làm cho mặt hàng này mất giá, cùng bàn kế hoạch duy trì sản xuất và giảm cung để đẩy giá lên, cũng như ngăn chặn suy thoái có thể xảy ra khi nông dân sẽ không quan tâm chăm bón vì giá thấp. Được biết, chính phủ Colombia đã nhiều lần tài trợ cho nông dân cà phê nước mình khi giá giảm xuống mức tối thiểu để giúp họ giảm bán hoặc có tiền mua phân bón thuốc sâu nhằm duy trì ổn định sản xuất cũng như gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, trong đợt giá cà phê suy thoái đầu năm 2018 đến nay, Chính phủ Colombia không thể can thiệp như đề xuất của Liên đoàn Nông dân Cà phê do ngân sách quốc gia eo hẹp.
Trong thực tế lịch sử, chưa bao giờ ICO bàn về vấn đề tài trợ giá và những đề xuất tương tự trong quá khứ cũng chưa bao giờ thành công tại các cuộc họp tương tự. Bởi đơn giản là ICO không có kinh phí để thực hiện và sự tồn tại của ngay chính ICO cũng là do kinh phí của các quốc gia thành viên đóng góp. Ở hầu hết các quốc gia sản xuất cà phê cũng không có cơ chế để tài trợ cho nông dân tồn trữ cà phê khi giá thấp. Chắc chắn những đề nghị về một chương trình tài trợ giá của Colombia là không khả thi.
Được biết, cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao của Colombia được ấn định mức giá cộng lên tới 18 cent/lb so với giá chuẩn trên sàn New York. Liên đoàn Nông dân Cà phê Colombia báo cáo sản lượng cà phê tháng 3 tăng 1,64% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.037.000 bao; nhưng lũy kế sản lượng 6 tháng đầu niên vụ 2017/2018 lại giảm 5,95% so với cùng kỳ niên vụ trước, chỉ đạt 7.482.000 bao. Đồng thời, báo cáo xuất khẩu tháng 3 lại giảm 12,87% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.002.000 bao ; dẫn tới lũy kế xuất khẩu 6 tháng đầu niên vụ 2017/2018 giảm 6,86% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống chỉ đạt 6.923.000 bao.
Giá đậu tương cũng tăng mạnh trong phiên vừa qua. Tại Chicago, giá đậu tương cũng tăng sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ hạ dự báo về dự trữ cuối vụ 2017/18. Đậu tương giao tháng 5 tăng 3 US cent lên 10,50 USD/bushel vào lúc đóng cửa, trước đó có lúc giá chạm 10,64 USD, cao nhất trong vòng một tháng. Giá đậu tương và khô đậu tương trên thị trường Trung Quốc thậm chí còn tăng mạnh hơn, lập kỷ lục cao sau khi Bắc Kinh dọa sẽ áp thuế nhập khẩu đối với đậu tương Mỹ để trả đũa. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước này đang ráo riết săn lùng mua các nguyên liệu này trước khi nguồn cung trở nên quá khan hiếm. Khô đậu kỳ hạn giao sau vừa tăng 6,5% lên kỷ lục cao 3.400 NDT (538,83 USD)/tấn. Giá khô hạt cải – có thể thay thế khô đậu – cũng lên cao kỷ lục 2 năm (kỳ hạn giao tháng 9 đạt 2.734 NDT/tấn), và giá đậu tương tại đây lên mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Trung Quốc là nước sản xuất lợn lớn nhất thế giới, mà nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu là khô đậu tương. Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc chiếm 60% thương mại toàn cầu. Nếu đúng như tuyên bố thì Trung Quốc sẽ áp thuế lên đậu tương và 105 sản phẩm nhập khẩu khác từ Mỹ, sẽ khiến giá khô đậu tăng mạnh.
Giá cao su trên sàn Tokyo tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất gần 2 tuần theo xu hướng giá ở Thượng Hải và đồng yen yếu đi so với USD.
Hợp đồng giao tháng 9 giá tăng 2,2 JPY (1,2%) lên 183,5 JPY (1,71 USD)/kg, cao nhất kể từ 30/3. Hợp đồng cùng kỳ hạn trên sàn Thượng Hải cũng tăng 165 NDT lên 11.580 NDT (1.839 USD)/tấn, và giao tháng 5 trên sàn Singapore tăng 1,1 US cent lên 137,90 US cent/kg.
Tuyên bố sẵn sàng mở cửa thị trường của Chủ tịch Trung Quốc đã khiến đồng USD tăng trở lại so với các tiền tệ khác.
Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

65,51

+2,09

+3,3%

Dầu Brent

USD/thùng

71,04

+2,39

+3,48%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

43.740,00

+980,00

+2,29%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,66

+0,01

+0,23%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

203,40

-0,69

-0,34%

Dầu đốt

US cent/gallon

206,37

-0,11

-0,05%

Dầu khí

USD/tấn

626,00

+14,50

+2,37%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

59.860,00

+1.090,00

+1,85%

Vàng New York

USD/ounce

1.344,20

-1,70

-0,13%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.605,00

+25,00

+0,55%

Bạc New York

USD/ounce

16,58

-0,02

-0,13%

Bạc TOCOM

JPY/g

57,20

+0,70

+1,24%

Bạch kim giao ngay

USD/ounce

931,03

-1,20

-0,13%

Palladium giao ngay

USD/ounce

953,93

+1,98

+0,21%

Đồng New York

US cent/lb

313,75

+0,05

+0,02%

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

6.945,00

+115,00

+1,68%

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

2.201,00

+62,00

+2,90%

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

3.243,00

+32,00

+1,00%

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

20.875,00

-305,00

-1,44%

Ngô

US cent/bushel

397,75

-1,25

-0,31%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

492,00

+1,25

+0,25%

Lúa mạch

US cent/bushel

236,50

-0,75

-0,32%

Gạo thô

USD/cwt

12,78

-0,04

-0,35%

Đậu tương

US cent/bushel

1.060,25

+2,75

+0,26%

Khô đậu tương

USD/tấn

388,00

-5,70

-1,45%

Dầu đậu tương

US cent/lb

31,85

+0,33

+1,05%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

519,90

-1,80

-0,35%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.531,00

-22,00

-0,86%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

117,60

-1,05

-0,88%

Đường thô

US cent/lb

12,13

-0,23

-1,86%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

138,25

-0,25

-0,18%

Bông

US cent/lb

83,17

+0,41

+0,50%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

533,10

-1,10

-0,21%

Cao su TOCOM

JPY/kg

182,80

-0,70

-0,38%

Ethanol CME

USD/gallon

1,47

+0,01

+0,41%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

Nguồn: Vinanet