Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục đe dọa nhu cầu dầu và do các nước sản xuất dầu chủ chốt là Saudi Arabia và Nga vẫn chưa nhất trí về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent Biển Bắc giảm 1 USD (1,6%) xuống 62,29 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) hạ 73 US cent (1,4%) xuống 53,26 USD/thùng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng ông sẵn sàng áp thêm một đợt thuế trừng phạt mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông không đạt được một thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tháng này tại Nhật Bản.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay nước này để ngỏ nhiều cuộc đàm phán thương mại với Washington, song không đưa ra thông báo về một cuộc gặp nào giữa hai bên.
Theo số liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của nước này đã giảm xuống khoảng 40,23 triệu tấn trong tháng Năm, so với mức cao kỷ lục 43,73 triệu tấn trong tháng Tư.
Trong một lưu ý, Ngân hàng Barclays của Anh cho hay các chuyên gia kinh tế của họ đã điều chỉnh hạ triển vọng tăng trưởng GDP của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, những nước "đóng góp" hơn 3/4 tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ được dự báo cho năm nay.
Về vấn đề nguồn cung, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho hay Nga là nước xuất khẩu dầu duy nhất vẫn chưa quyết định xem có cần gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Đáp lại, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói rằng vẫn còn rủi ro khi các nhà sản xuất dầu bơm quá nhiều và giá mặt hàng này giảm mạnh. Ông Novak cũng cho biết ông không loại trừ khả năng giá dầu có thể giảm xuống 30 USD/thùng nếu thỏa thuận cắt giảm sản lượng không được gia hạn.
Các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong đó có Nga, đã hạn chế nguồn cung từ đầu năm 2019 để đẩy giá dầu lên cao. Thỏa thuận này dự kiến sẽ kết thúc trong tháng này.
Nhiều nhà xuất khẩu dầu xác nhận rằng họ đã chuẩn bị tổ chức một cuộc họp chính sách với OPEC tại Vienna, Áo trong thời gian 2-4/7, thay vì ngày được dự kiến là cuối tháng này.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong tuần trước, sản lượng dầu thô tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục tính theo tuần là 12,4 triệu thùng/ngày, còn lượng dầu tại các kho dự trữ leo lên gần mức cao của hai năm.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng từ mức thấp nhất gần 3 năm, bất chấp dự báo nhu cầu trong 2 tuần tới giảm hơn so với dự báo trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn New York tăng 2 US cent tương đương 0,9% lên 2,357 USD/mBTU, đóng cửa phiên trước đó chạm 2,324 USD/mBTU, thấp nhất kể từ ngày 31/5/2016.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm khỏi mức cao nhất của 14 tháng, sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc không áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, qua đó thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến các tài sản mang tính rủi ro và đưa đồng USD rời khỏi mức thấp gần đây.
Kết thúc phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 1.326,13 USD/ounce. Kim loại quý này đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2018 là 1.348,08 USD/ounce trong phiên trước đó. Vàng giao sau giảm 1,2% xuống 1.329,3 USD/ounce.
Ngày 7/6/2019, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard thông báo nước này và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận về di cư nhằm tránh việc Washington áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Mexico, qua đó Mexico sẽ triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia tới biên giới phía Nam giáp với Guatemala để ngăn chặn dòng người di cư Trung Mỹ, cũng như tiếp nhận những người di cư trong khi chờ xin tị nạn tại Mỹ.
Các thị trường trên toàn cầu đã phấn chấn đón nhận thông tin trên, trong đó chỉ số chứng khoán MSCI tăng hơn 1%, còn Phố Wall khởi động tuần mới khá tốt. Chỉ số đồng USD cũng tăng sau khi giảm xuống mức thấp của hai tháng rưỡi trong phiên trước đó.
Tuy vậy, giá vàng vẫn được hỗ trợ trên mức kỹ thuật quan trọng trong bối cảnh các nhà đầu tư nhận thấy khả năng cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Về những kim loại quý khác, giá palladium đã bật tăng gần 2% lên 1.383,50 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim giảm 0,7% xuống 800,50 USD/ounce, còn giá bạc giao ngay giảm 1,6% xuống 14,76 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm tăng từ mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017 trong đầu phiên giao dịch, sau số liệu cho thấy rằng xuất khẩu từ nước sản xuất hàng đầu Trung Quốc làm tăng mối lo ngại về dư cung.
Giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,6% lên 1.775 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch chạm 1.752,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 11/1/2017.
Trung Quốc đã xuất khẩu 536.000 tấn nhôm chưa gia công trong tháng 5/2019 tăng 7,6% so với tháng trước đó và tăng 12,4% so với tháng 5/2018. Điều này dấy lên mối lo ngại dư cung đẩy giá nhôm giảm trong đầu phiên giao dịch. Tuy nhiên, hoạt động mua vào của các nhà tiêu dùng công nghiệp và các nhà đầu cơ đã giúp giá nhôm hồi phục trở lại.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất gần 2 tuần, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế do dự trữ tại các cảng của nước này giảm trong khi nhu cầu có thể tăng trở lại.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên tăng 3,2% lên 729,5 CNY (105,24 USD)/tấn, rời khỏi mức thấp nhất 3 tuần trong phiên trước đó ngày 6/6/2019, do dự trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc tính đến tuần kết thúc ngày 7/6/2019 chạm 121,6 triệu tấn, thấp nhất kể từ đầu năm 2017. Đồng thời, giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng 0,1% lên 3.717 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,2% lên 3.576 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê giảm do đồng real Brazil suy yếu và các hợp đồng sắp hết hạn gây áp lực thị trường, trong khi giá đường giảm do dự báo của Tổ chức Đường Quốc tế làm gia tăng mối lo ngại dư cung.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn ICE giảm 2,35 US cent tương đương 2,3% xuống 98,6 US cent/lb, trong phiên có lúc chạm 98 US cent/lb. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE giảm 15 USD tương đương 1,1% xuống 1.415 USD/tấn.
Đồng thời, giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn ICE giảm 0,1 US cent tương đương 0,8% xuống 12,4 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 12,49 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn ICE giảm 3,9 USD tương đương 1,2% xuống 333,7 USD/tấn.
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo dư cung đường toàn cầu niên vụ 2018/19 sẽ đạt 1,83 triệu tấn, tăng so với ước tính 641.000 tấn trước đó.
Giá ngô duy trì ổn định, trong khi giá đậu tương tăng do tiến độ trồng trọt bị chậm lại gia tăng mối lo ngại về nguồn cung. Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Chicago không thay đổi ở mức 4,15-3/4 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Chicago tăng 0,4% lên 8,58-1/2 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Chicago tăng 0,5% lên 5,07-1/2 USD/bushel.
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần trong nửa đầu phiên giao dịch, chịu áp lực giảm bởi giá dầu đậu tương trên sàn Chicago qua đêm suy giảm. Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn Bursa Malaysia giảm 0,6% xuống 2.016 ringgit (484,38 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch chạm 2.013 ringgit/tấn, thấp nhất kể từ ngày 24/5/2019.
Giá cao su tại Tokyo giảm trong khi giá cao su tại Thượng Hải duy trì vững.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn TOCOM giảm 1,4 JPY (0,0129 USD) xuống 205 JPY/kg. Trong khi giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn TOCOM tăng 0,1% lên 167,6 JPY/kg.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 180 CNY (25,97 USD) lên 12.290 CNY/tấn.

Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

53,26

-0,73

-1,6%

Dầu Brent

USD/thùng

62,29

-1

-1.6%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

39.240,00

-340,00

-0,86%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,37

+0,02

+0,64%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

175,21

+2,18

+1,26%

Dầu đốt

US cent/gallon

181,71

+1,08

+0,60%

Dầu khí

USD/tấn

557,75

-1,50

-0,27%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

56.200,00

-350,00

-0,62%

Vàng New York

USD/ounce

1.333,40

+4,10

+0,31%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.629,00

+6,00

+0,13%

Bạc New York

USD/ounce

14,72

+0,08

+0,52%

Bạc TOCOM

JPY/g

51,20

-0,40

-0,78%

Bạch kim

USD/ounce

808,33

+1,61

+0,20%

Palađi

USD/ounce

1.386,24

+5,11

+0,37%

Đồng New York

US cent/lb

267,00

+0,85

+0,32%

Đồng LME

USD/tấn

5.874,00

+75,00

+1,29%

Nhôm LME

USD/tấn

1.775,00

+11,00

+0,62%

Kẽm LME

USD/tấn

2.476,00

-8,00

-0,32%

Thiếc LME

USD/tấn

19.240,00

+15,00

+0,08%

Ngô

US cent/bushel

413,25

-2,50

-0,60%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

502,50

-5,00

-0,99%

Lúa mạch

US cent/bushel

295,50

+0,50

+0,17%

Gạo thô

USD/cwt

11,72

-0,05

-0,47%

Đậu tương

US cent/bushel

854,25

-4,25

-0,50%

Khô đậu tương

USD/tấn

312,20

-1,20

-0,38%

Dầu đậu tương

US cent/lb

27,35

-0,03

-0,11%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

463,00

-1,20

-0,26%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.503,00

+37,00

+1,50%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

98,60

-2,35

-2,33%

Đường thô

US cent/lb

12,40

-0,10

-0,80%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

101,65

-4,45

-4,19%

Bông

US cent/lb

65,63

+0,06

+0,09%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

324,30

+8,50

+2,69%

Cao su TOCOM

JPY/kg

205,30

+0,30

+0,15%

Ethanol CME

USD/gallon

1,47

-0,01

-0,61%

Nguồn: VITIC/Bloomberg, Reuters

Nguồn: Vinanet