Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do những tín hiệu cho thấy dự trữ dầu của Mỹ giảm và Saudi Arabia sẽ hạn chế lượng dầu xuất khẩu sang một số nước châu Á trong tháng 7/2017.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao tháng 8/2017 trên sàn London tăng 14 US cent (0,3%) lên 48,29 USD/thùng; dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 7/2017 trên sàn New York tăng 25 US cent (0,6%) lên 46,08 USD/thùng.
Trong tuần qua, giá dầu giảm khoảng 5% do số liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu hàng tuần bất ngờ tăng.
Giá dầu giảm mạnh gần đây khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng đầu cơ mạo hiểm đẩy mạnh mua dầu kỳ hạn với số lượng lớn.
Reuters đưa tin Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, sẽ giảm lượng dầu xuất khẩu sang châu Á trong tháng 7/2017 xuống còn khoảng 300.000 thùng/ngày, mức giảm mạnh hơn so với tháng 6/2017. Trong khi đó, một nguồn tin khác cho hay lượng dầu xuất khẩu sang Mỹ của Saudi Arabia sẽ giảm khoảng 35% trong tháng 7/2017.
Tuy nhiên, thị trường dầu nhìn chung vẫn trong tình trạng dư cung do hoạt động khoan dầu của Mỹ gia tăng. Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes mới đây công bố số liệu cho thấy các công ty và doanh nghiệp năng lượng Mỹ đã tăng thêm 8 giàn khoan dầu trong tuần kết thúc vào ngày 9/6, lên 741 giàn, con số cao nhất kể từ tháng 4/2015.
Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn 10% kể từ giữa năm 2016 lên hơn 9,3 triệu thùng/ngày, con số mà theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) sẽ có thể tăng lên trên mức 10 triệu thùng/ngày trong năm 2018, qua đó thách thức nhà xuất khẩu dầu hàng đầu là Saudi Arabia và đe dọa lấn át thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC.
Hoạt động kinh doanh dầu khí của Qatar cũng diễn ra bình thường trái với dự đoán rằng căng thẳng ngoại giao có thể gây ảnh hưởng.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar Qatar Petroleum ngày 10/6 cho biết: "Chúng tôi vẫn đang theo dõi chặt chẽ và đánh giá mọi diễn biến của tình hình, sẵn sàng đưa ra các quyết định và biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng chúng tôi luôn tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ đối với tất cả khách hàng và đối tác ở trong nước, khu vực và quốc tế. Tập đoàn vẫn luôn thực hiện cam kết của mình là một nhà sản xuất và cung cấp năng lượng ổn định và tin cậy trên toàn cầu.”
Qatar là nhà sản xuất và xuất khẩu (khí hóa lỏng) LNG lớn nhất thế giới, cung cấp hơn 30% nguồn khí hóa lỏng buôn bán trên toàn cầu. Quốc gia này cũng là nước xuất khẩu chính nguồn khí tự nhiên bằng đường ống tới các nước láng giềng.
Ngoài ra, Qatar còn là nước xuất khẩu lớn nhất sản phẩm khí Helium và các sản phẩm từ khí tự nhiên, các sản phẩm hóa dầu, phân bón, thép và nhôm.
Nhiều quốc gia trên thế giới đều đang dựa vào nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng của Qatar để sản xuất điện năng và các nhu cầu về năng lượng khác nhằm phục vụ phát triển nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng không thay đổi do thị trường chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra trong hai ngày 13-14/6.
Đóng cửa phiên giao dịch, trên sàn New York, giá vàng giao ngay chỉ tăng nhẹ 0,08% lên 1.266,92 USD/ounce, trong khi giá vàng giao tháng 8 giảm nhẹ 0,2% và được giao dịch ở mức 1.268,9 USD/ounce.
Các thị trường kim loại quý đang đón đợi kết quả cuộc họp của Fed sẽ được công bố vào lúc 1 giờ sáng ngày 15/6 theo giờ Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng Fed sẽ phát đi tín hiệu cắt giảm bảng cân đối kế toán trong năm nay và một đợt nâng lãi suất khác vào tháng 12 tới.
Giá vàng khá nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ, do lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng đồng thời làm đồng USD tăng giá khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Về những kim loại quý khác, giá palađi tăng lên mức cao nhất gần 16 năm do tình trạng thiếu cung hiện tại mặc dù triển vọng nhu cầu yếu sau dữ liệu cho thấy doanh số bán ô tô ở cả Mỹ và Trung Quốc đều giảm cho thấy nhu cầu đối với kim loại quý này sẽ không tăng.
Palađi đã tăng 0,3% vào lúc đóng cửa lên 893 USD/ounce, trong phiên có lúc giá tới 910 USD, cao nhất kể từ 2001.
Dự trữ palađi trên sàn NYMEX đã giảm xuống mức thấp nhất 14 năm là 42.450 ounce trong ngày 9/6. Được biết, dự trữ palađi đã liên tục giảm kể từ 2014.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất 2 tuần rưỡi là 16,87 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 1,2% lên 945 USD/ounce.
Trên thị trường nông sản, giá đường giảm trở lại sau khi tăng trong mấy phiên gần đây, song vẫn được hỗ trợ bởi thời tiết lạnh ở Brazil. Đường thô giao tháng 7 giá giảm 0,25 US cent tương đương 1,8% xuống 14,02 US cent/lb, trong khi đường trắng giao tháng 8 giảm 56,70 USD tương đương 1,6% xuống 410,20 USD/tấn.
Cà phê tăng giá trong phiên vừa qua trong bối cảnh thị trường theo dõi sát sao tình hình thời tiết ở Brazil – nước sản xuất arabica lớn nhất thế giới. Arabica giao tháng 7 giá tăng 0,95 US cent tương đương 0,7% lên 1,298 USD/lb, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn tăng 28 USD tương đương 1,4% lên 2.030 USD/tấn. Trong phiên có lúc robusta đạt 2.032 USD/tấn, cao nhất kể từ 21/4.
Với ngũ cốc, đậu tương tại Trung Quốc cũng tăng giá lên mức cao kỷ lục 3 tháng do thông tin Chính phủ tăng cường kiểm soát nhập khẩu đậu tương biến đổi gien (GMO).
Trung Quốc cho phép nhập khẩu đậu tương để ép dầu sản xuất khô dầu làm thức ăn chăn nuôi (đó toàn bộ là đậu tương GMO), nhưng không cho phép sử dụng đậu đó trong các sản phẩm thực phẩm.
Tuy nhiên, số liệu về thương mại nhiều năm qua cho thấy nhiều triệu tấn đậu tương giá rẻ vào Trung Quốc có thể là hàng nhập khẩu bất hợp pháp và đã sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm.
Hợp đồng giao dịch nhiều nhất trên sàn Đại Liên ngày hôm qua 12/6 đã tăng giá lên 3.996 NDT (587,82 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ 10/3, do tin cơ quan kiểm dịch Trung Quốc đã chỉ thị một số cảng biển phía đông giám sát chặt chẽ và xử phạt những công ty có dấu hiệu nhập khẩu bất hợp pháp, tức là nhập khẩu về để dùng làm thực phẩm.
Công ty kinh doanh ngũ cốc Mỹ CHS Inc đang nằm trong đối tượng bị điều tra, theo tin từ Bloomberg đưa ngày 9/6.
Việc Bắc Kinh tăng cường giám sát nhập khẩu đậu tương dùng trong thực phẩm có liên quan tới việc khối lượng nhập khẩu đậu tương vào Trung Quốc năm nay cao kỷ lục, và nước này hy vọng những biện pháp này sẽ giúp làm giảm lượng dư cung trên thị trường trong nước.
Tuy nhiên, Trung Quốc kiểm soát chặt nhập khẩu sẽ có ảnh hưởng tới những nước xuất khẩu lớn như Mỹ và Brazil.
Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

46,08

+0,25

+0,6%

Dầu Brent

USD/thùng

48,29

+0,14

+0,3%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

33.410,00

-110,00

-0,33%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

3,02

-0,01

-0,26%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

148,67

-0,13

-0,09%

Dầu đốt

US cent/gallon

142,63

+0,09

+0,06%

Dầu khí

USD/tấn

425,50

-4,00

-0,93%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

47.390,00

-100,00

-0,21%

Vàng New York

USD/ounce

1.129,87

-0,07

-0,01%

Vàng TOCOM

JPY/g

998,67

-1,28

-0,13%

Bạc New York

USD/ounce

16,93

-0,02

-0,11%

Bạc TOCOM

JPY/g

59,90

-1,10

-1,80%

Bạch kim giao ngay

USD/t oz.

945,03

+0,63

+0,07%

Palladium giao ngay

USD/t oz.

898,28

-0,10

-0,01%

Đồng New York

US cent/lb

261,65

+0,10

+0,04%

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

5.772,00

-32,00

-0,55%

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

1.889,00

-18,00

-0,94%

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

2.495,00

-38,00

-1,50%

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

19.050,00

+250,00

+1,33%

Ngô

US cent/bushel

379,75

+2,50

+0,66%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

436,75

+2,75

+0,63%

Lúa mạch

US cent/bushel

251,75

+2,00

+0,80%

Gạo thô

USD/cwt

11,28

-0,02

-0,22%

Đậu tương

US cent/bushel

934,50

+3,25

+0,35%

Khô đậu tương

USD/tấn

303,00

+1,20

+0,40%

Dầu đậu tương

US cent/lb

32,00

+0,06

+0,19%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

492,20

0,00

0,00%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.088,00

+50,00

+2,45%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

127,60

+1,05

+0,83%

Đường thô

US cent/lb

14,02

-0,25

-1,75%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

138,15

-0,65

-0,47%

Bông

US cent/lb

72,44

-0,05

-0,07%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

370,20

+5,80

+1,59%

Cao su TOCOM

JPY/kg

188,20

+1,30

+0,70%

Ethanol CME

USD/gallon

1,54

-0,01

-0,97%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

 

Nguồn: Vinanet