Trên thị trường năng lượng, giá dầu sụt giảm do các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về sản lượng khai thác dầu mỏ gia tăng ở Mỹ, trong lúc hoạt động bán ra có thể sẽ tiếp diễn.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 4/2018 giảm 0,65 USD xuống 60,71 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 5/2018 cũng giảm 0,31 USD xuống 64,64 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến sản lượng dầu thô từ các mỏ dầu đá phiến chủ chốt của nước này trong tháng Tư sẽ tăng 131.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, lên mức cao nhất từ trước đến nay 6,95 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu của Mỹ đã vượt mốc 10 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2017 và dự kiến sẽ tăng trên 11 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2018, theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Trong khi đó, số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô nước này tăng tuần thứ 3 liên tiếp.
Kênh truyền hình Sky News mới đây đưa tin tập đoàn dầu khí Anh-Hà Lan Royal Dutch Shell Plc và quỹ đầu tư Blackstone Group LP (Mỹ) đang nỗ lực phối hợp với nhau để mua lại mảng tài sản dầu đá phiến tại Mỹ của "người khổng lồ" trong lĩnh vực khai khoáng BHP Billiton Plc với giá 10 tỷ USD. Không chỉ "liên minh" Shell - Blackstone mà một số doanh nghiệp khác cũng “đánh tiếng” muốn mua lại mảng kinh doanh dầu đá phiến ở Mỹ của BHP. Trong những năm gần đây, các quỹ đầu tư PE (thường được hiểu là đầu tư vào công ty chưa niêm yết dưới hình thức đầu tư góp vốn tư nhân) đã tích cực mua lại các tài sản liên quan đến hoạt động sản xuất dầu khí đá phiến ở Mỹ.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ được coi như có khả năng làm gián đoạn cân bằng nguồn cung toàn cầu, do sự gia tăng này bù cho việc cắt giảm của các nhà sản xuất gồm OPEC và Nga. EIA cho biết các nhà sản xuất đã khoan 1.267 giếng và đã hoàn thành 1.157 giếng tại các lưu vực đá phiến lớn nhất trong tháng 2, đưa tổng số giếng khoan chưa hoàn thành tăng 110 giếng lên kỷ lục 7.601 giếng.
Về thông tin liên quan, việc Giám đốc CIA của Mỹ Mike Pompeo được bổ nhiệm thay thế Ngoại trưởng Rex Tillerson được giới chuyên gia nhận định là sẽ làm thay đổi cục diện mối quan hệ Mỹ – Iran được thể hiện bằng thoả thuận hạt nhân, và có nhiều khả năng nguồn cung dầu thô từ Iran sẽ có cơ hội tăng lên.
Với mặt hàng than đá, giá than luyện cốc kỳ hạn trên thị trường Trung Quốc giảm 3,1% xuống 1.251 NDT/tấn, còn than cốc giảm 2,3% xuống 1.988 NDT/tấn do nhu cầu giảm từ ngành luyện thép. Mới đây, Trung Quốc thông báo sẽ giảm tiêu thụ than xuống khoảng 59% tổng tiêu thụ năng lượng, và nâng tiêu thụ khí gas lên 7,5% trong năm 2018. Nước này nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ tiêu thụ than xuống chỉ một nửa tổng tiêu thụ năng lượng vào năm 2020 bằng việc tăng sản xuất và nhu cầu nhiên liệu tái tạo. Bộ Năng lượng Trung Quốc cho biết sản lượng than đá quốc gia năm 2018 sẽ cao kỷ lục 3,7 tỷ tấn, tăng 7,3% so với năm trước.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng sau phiên giảm trước đó do USD giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định thay thế Ngoại trưởng Rex Tillerson, trong bối cảnh số liệu lạm phát của Mỹ sát với dự đoán.
Giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.326,49 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 5 tăng 0,5% lên 1.327,10 USD/ounce.
Chỉ số USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác –giảm 0,31% xuống còn 89,585.
Ông Donald Trump đã chọn Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo – người được coi là có quan điểm và lập trường " tương đồng" với Tổng thống Mỹ - vào vị trí Ngoại trưởng thay ông Tillerson. Sự ra đi của ông Tillerson đã mang đến thêm nhiều bất ổn liên quan đến chính sách ngoại giao của Mỹ, đồng thời thúc đẩy giới đầu tư tìm đến các tài sản “trú ẩn an toàn” như vàng.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới đồng USD là thông tin lạm phát tại Mỹ tháng 2 chỉ tăng nhẹ 0,2% đúng như dự đoán của các chuyên gia, cho thấy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể chậm tăng lãi suất trong thời gian tới.
Sau khi tăng 0,5% trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 2 chỉ tăng nhẹ 0,2%. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI trong tháng 2 tăng 2,2%.
Thị trường đang chú ý theo dõi cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tìm kiếm những thông tin về lộ trình nâng lãi suất của ngân hàng trung ương này trong năm nay. Thị trường hiện rất nhạy cảm với số liệu lạm phát do lo ngại rằng nếu lạm phát tăng mạnh hơn dự báo, Fed sẽ có thể tăng lãi suất 4 lần trong năm nay thay vì 3 lần như kế hoạch trước đó. Lạm phát tại các nền kinh tế lớn tăng trong thời gian gần đây, khiến giới đầu tư có phần lo ngại. Tuy vậy, lạm phát trên thế giới đang xoay quanh mức 2,0%, đa số thành viên thị trường đều cho rằng đây chưa phải mức báo động.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,6% lên 16,59 USD/ounce, trong khi giá bạch kim cũng tăng 0,4% lên 966,6 USD/ounce và đang tiến gần tới mức cao của một tuần là 970 USD/ounce.
Đối với kim loại xây dựng, giá thép cuộn kỳ hạn giao tháng 5 trên sàn Thượng Hải đã giảm 0,7% trong phiên vừa qua, xuống 3.695 NDT/tấn. Phiên trước đó, giá chỉ 3.663 NDT, thấp nhất ba tháng rưỡi. Thị trường đang dấy lên lo ngại rằng các nhà máy thép Trung Quốc sẽ phải chật vật mới có thể giải phóng hết số thép tồn trữ – đã tăng mạnh do dự đoán nhu cầu sẽ cao trong mùa xây dựng. Số liệu của SteelHome cho thấy tồn trữ thép cây tại kho của các thương nhân ở thời điểm 9/3 đã lên tới 9,64 triệu tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2013. Các thương gia lo ngại tiêu thụ thép trong ngành xây dựng năm nay sẽ không được như kỳ vọng do khả năng thay đổi về chính sách.
Giá thép giảm kéo giá quặng sắt giảm theo. Quặng sắt kỳ hạn giao sau tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 do tồn trữ tăng ở nước tiêu thụ lớn nhất thế giới này đẩy giá giao ngay giảm xuống dưới 70 USD/tấn lần đầu tiên trong vòng 3 tháng. Hợp đồng giao tháng 5 trên sàn Đại Liên giảm 0,5% xuống 479 nhân dân tệ (76 USD)/tấn. Từ đầu năm tới nay hợp đồng này đã mất giá 9%, phiên trước (ngày 12/3) có lúc xuống chỉ 475,50 NDT, mức thấp nhất kể từ 20/11. Nhu cầu yếu đã khiến tồn trữ quặng sắt tại các cảng Trung Quốc lên mức cao kỷ lục khoảng 159 triệu tấn, đủ để xây dựng hơn 1.900 chiếc cầu cảng như cầu Sydney.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica giao tháng 5 tăng 2,1 US cent tương đương 1,8% lên 1,2155 USD/lb, do hoạt động mua mạnh, trong khi robusta giao cùng kỳ hạn giảm 6 USD tương đương 0,3% xuống 1.763 USD/tấn.
Giá đường sụt giảm, với đường thô trên sàn New York giảm xuống mức thấp nhất tám tháng rưỡi do hoạt động bán ra mạnh sau khi 3 phiên liên tiếp giá không thể chạm ngưỡng 13 US cent. Đường thô giao tháng 5 giá giảm 0,31 US cent (2,4%) xuống 12,62 US cent/lb, trong khi đường trắng tại London cũng giảm 5,7 USD (1,6%) xuống 353,70 USD/tấn.
Mấy phiên vừa qua, giá đường liên tục trồi sụt. Tuy nhiên, thông tin sản lượng đường ở khu vực trung-nam Brazil dự báo giảm 10% trong niên vụ 2018/19 có thể hạn chế đà tăng giá. Kết quả điều tra của Reuters cho thấy các thương gia dự báo khu vực này sẽ chỉ sản xuất 31,69 triệu tấn đường, so với 35,2 triệu tấn của niên vụ trước.
Đường thô tại New York đã giảm giá 15% trong năm nay, hiện ở mức thấp nhất trong vòng gần 5 năm. Giá đường thế giới tiếp tục chịu áp lực từ các dự báo nguồn cung tăng mạnh dẫn đến dư thừa trên toàn cầu, chủ yếu do sản lượng tăng từ Ấn Độ, Thái Lan và Liên minh châu Âu.
Các phân tích cho thấy các nhà máy ở Brazul đang sản xuất ethanol với khối lượng cao kỷ lục, do giá và nhu cầu nhiên liệu sinh học tiếp tục cao ở thị trường này (lợi thế về giá nhiên liệu so với giá xăng khoáng).
Sản lượng ethanol Brazil dự báo đạt trung bình 28 tỷ lít, tăng 9,3% so với niên vụ trước và cao hơn nhiều so với mức dự báo.
Khu vực trung nam Brazil dự báo sẽ ép 588,64 triệu tấn mía thành đường trong niên vụ 2018/19, so với mức 585 triệu tấn ở vụ trước.
Cao su cũng giảm giá trong phiên vừa qua, với hợp đồng kỳ hạn trên sàn Tokyo (TOCOM) - tham chiếu cho toàn thị trường cao su Đông Nam Á – đã ở dưới mức 200 yen lần đầu tiên kể từ cuối tháng 1, phản ánh các yếu tố cơ bản không thuận lợi. Hợp đồng giao tháng 8 tại TOCOM đã giảm 0,4 yen xuống 192,3 yen (1,80 USD)/kg.
Tồn trữ cao su thô tại các cảng Nhật Bản đã lên tới gần 15.000 tấn tính tới cuối tháng 2, mức gần cao nhất kể từ tháng 4/2014. Lý do bởi nhập khẩu tăng từ các nước sản xuất chủ chốt tại châu Á sau khi đồng yen tăng giá khiến cho hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn.
Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

60,71

-0,65

Dầu Brent

USD/thùng

64,64

-0,31

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

40.280,00

-100,00

-0,25%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,79

+0,00

+0,11%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

189,39

+0,76

+0,40%

Dầu đốt

US cent/gallon

187,82

+0,43

+0,23%

Dầu khí

USD/tấn

571,75

+3,00

+0,53%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

55.500,00

-100,00

-0,18%

Vàng New York

USD/ounce

1.325,20

+1,90

+0,14%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.533,00

+12,00

+0,27%

Bạc New York

USD/ounce

16,58

-0,05

-0,31%

Bạc TOCOM

JPY/g

57,00

+0,30

+0,53%

Bạch kim giao ngay

USD/t oz.

965,56

-0,02

0,00%

Palladium giao ngay

USD/t oz.

990,74

+0,27

+0,03%

Đồng New York

US cent/lb

313,15

-0,65

-0,21%

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

6.945,00

+32,00

+0,46%

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

2.103,00

+12,00

+0,57%

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

3.295,00

+55,50

+1,71%

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

21.160,00

-215,00

-1,01%

Ngô

US cent/bushel

390,25

-1,50

-0,38%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

484,75

-1,75

-0,36%

Lúa mạch

US cent/bushel

264,00

+0,75

+0,28%

Gạo thô

USD/cwt

12,27

0,00

0,00%

Đậu tương

US cent/bushel

1.047,25

-1,50

-0,14%

Khô đậu tương

USD/tấn

375,30

-0,20

-0,05%

Dầu đậu tương

US cent/lb

32,26

+0,04

+0,12%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

520,50

-0,40

-0,08%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.532,00

-14,00

-0,55%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

121,55

+2,10

+1,76%

Đường thô

US cent/lb

12,62

-0,31

-2,40%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

138,00

-0,80

-0,58%

Bông

US cent/lb

82,98

-0,30

-0,36%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

485,20

-1,20

-0,25%

Cao su TOCOM

JPY/kg

193,00

+0,70

+0,36%

Ethanol CME

USD/gallon

1,52

+0,01

+0,66%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

Nguồn: Vinanet