Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 1% sau khi số liệu kinh tế kém của Trung Quốc tái thổi bùng lo ngại nhu cầu dầu thô thế giới giảm.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giảm 1,07 USD, tương đương 1,73%, xuống 60,94 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ (WTI) giảm 58 UScent, tương đương 1,1%, xuống 51,93 USD/thùng.
Giá dầu hiện đã lùi xa khoảng 20% so với đỉnh hồi tháng 4, một phần do lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cùng những số liệu kinh tế không đạt kỳ vọng.
Tăng trưởng sản lượng công nghiệp Trung Quốc trong tháng 5 là 5%, thấp nhất 17 năm, theo số liệu từ cục thống kê Trung Quốc hôm 14/6. Con số này thấp hơn kỳ vọng 5,5 của giới phân tích và 5,4% trong tháng 4.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp nhau vào cuối tháng tại Nhật Bản, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Trump từng nói ông sẽ gặp ông Tập trong khi Trung Quốc chưa xác nhận.
“Lực cầu được dự báo yếu hơn”, theo Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, Chicago. “Điều đó ảnh hưởng tới thị trường”. Bank of America Merrill Lynch hạ dự báo giá dầu Brent từ 68 USD/thùng còn 63 USD/thùng vào nửa sau năm nay do lực cầu yếu.
Lo ngại căng thẳng gia tăng tại Trung Đông sau khi hai tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman trong tuần trước. Mỹ đổ lỗi cho Iran nhưng Tehran phủ nhận cáo buộc này.
Bộ trưởng năng lượng Arab Saudi kêu gọi các bên hợp tác để duy trì các tuyến hàng hải hoạt động, đảm bảo nguồn cung năng lượng.
Thị trường còn đang chờ cuộc họp giữa OPEC cùng các đồng minh, tức OPEC+, về chính sách sản lượng trong nửa sau năm nay. OPEC+ vẫn chưa chốt ngày họp, sau khi chuyển từ 25 – 26/6 sang 3 – 4/7 và hiện cân nhắc dời về 10 – 12/7. OPEC+ đã giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày từ ngày 1/1/2019.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm khi kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất tại cuộc họp ngày 18-19/6 đã giảm bớt. Theo chuyên gia phân tích kỹ thuật Wang Tao thuộc hãng tin Reuters, giá vàng giao ngay có thể "trải nghiệm" mức hỗ trợ 1.337 USD/ounce.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.338,90 USD/ounce. Trước đó, giá kim loại quý này trong phiên 14/6 đã leo lên 1.358,04 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 11/4/2018. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giảm 0,1% xuống 1.342,90 USD/ounce.
Những số liệu lạc quan về kinh tế Mỹ như sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và niềm tin tiêu dùng được công bố ngày 14/6 đang “đẩy lùi” những đồn đoán của thị trường về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Theo thống kê mới nhất, doanh thu bán lẻ tháng Năm tại Mỹ tăng 0,5% nhờ các hộ gia đình mua thêm xe và các loại hàng hóa khác, trong khi số liệu của tháng Tư đã được điều chỉnh tăng 0,3% thay vì giảm 0,2% như công bố trước đó. Điều này cho thấy sự hồi phục trong hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ có thể làm giảm bớt những lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm tốc trong quý II/2019.
FedWatch của CME Group cho biết kỳ vọng của thị trường về việc Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 18-19/6 đã giảm từ mức 28,3% ghi nhận hôm 13/6 xuống còn 21,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ đặt cược cho khả năng ngân hàng trung ương này sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp tháng Bảy vẫn ở mức cao là 85%.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng mong chờ Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào cuối tháng này, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giải quyết những bất đồng thương mại dai dẳng giữa hai nước vốn đã tác động mạnh lên các thị trường từ năm 2018.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,3% xuống 14,82 USD/ounce, còn giá palađium giao ngay hạ 0,4% xuống 1.459,01 USD/ounce. Giá bạch kim giao ngay giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 31/5, giảm 0,8% xuống 793,75 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá quặng sắt Đại Liên đã giảm khỏi mức cao kỷ lục đạt được trong tuần trước do tồn kho giảm tại các cảng Trung Quốc và triển vọng sản xuất tăng lên từ Brazil.
Công ty Vale SA dự kiến sẽ sớm khôi phục sản xuất tại mỏ Brucutu ở Brazil với công suất 20 triệu tấn/năm. Những lo ngại về an toàn lao động sau vụ vỡ đập mỏ quặng vào tháng 1/2019 đã khiến một số mỏ của Vale bị đóng cửa, làm giảm nguồn cung cho Trung Quốc. Vale còn phải chờ chấp thuận của tòa án để tiếp tục sản xuất tại Brucutu, công ty hiện chỉ hoạt động 1/3 công suất 30 triệu tấn/năm.Giá quặng sắt kỳ hạn tại Đại Liên, giao tháng 9/2019 chốt phiên giảm 2,4% còn 768,5 CNY(110,98 USD)/tấn.
Các nhà phân tích của công ty môi giới XP Investimentos cho rằng 30 triệu tấn công suất khác có thể được phục hồi trong nửa cuối năm sau khi các mỏ Alegria, Vargem Grande và Timbopeba của Vale nhận được giấy phép sản xuất.
Trong khi giá quặng sắt có khả năng vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu, vì một số nhà phân tích dự đoán sản lượng thép của Trung Quốc sẽ vẫn mạnh. Giá quặng giao ngay hàm lượng sắt 62% giao vào Trung Quốc đạt 111 USD/ tấn, mức cao nhất 5 năm, theo tư vấn của SteelHome.
Giá thép cũng giảm. Giá thép thanh cốt thép xây dựng giao tháng 10/2019 tại Thượng Hải giảm 2,1% xuống còn 3.704 CNY/ tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 1,5% xuống còn 3.585 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê tăng nhẹ vào cuối phiên sau khi chạm mức thấp nhất 3 tuần vào đầu phiên giao dịch. Kết thúc phiên, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2019 trên sàn ICE chốt phiên tăng 0,2 cent, tương đương 0,2%, lên mức 98,25 cent/lb, sau khi chạm mức thấp gần ba tuần là 97,05 cent. Giá cà phê Robusta giao tháng 9 giảm 6 USD, tương đương 0,4%, xuống còn 1.386 USD/tấn.
Giá đường thô trên Sàn ICE chốt phiên giảm nhẹ do các hợp đồng kỳ hạn tháng 7 hết hạn, sau khi đạt mức cao 1-1/2 tháng vào thứ Sáu tuần trước. Giá đường thô giao tháng 7/2019 giảm 0,09 cent hay 0,7% xuống 12,66 cent/lb. Giá đường trắng tại London giao tháng 8/2019 giảm 1,90 USD, tương đương 0,6%, còn 333,10 USD/tấn.
 
Giá ngô kỳ hạn tại Mỹ lên mức cao nhất 5 năm, giá đậu tương và lúa mì tăng cao bởi dự báo mưa nhiều hơn ở Trung Tây nước Mỹ, nơi điều kiện ẩm ướt đã trì hoãn việc trồng cây và lo ngại triển vọng sản xuất.
Tại Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2019 tăng 1-3 / 4 cent đạt 4,54-3/4 USD/bushel sau khi đạt 4,64-1/4 USD, mức cao nhất kể từ tháng 6/2014 vào phiên sáng. Đồng thời, giá đậu tương chốt phiên tăng 16 cent đạt 9,12-3/4 USD/bushel sau khi đạt 9,14 USD, mức cao nhất kể từ 15/4. Giá lúa mì mùa đông đỏ mềm cũng tăng 1 cent lên 5,39-1/2 USD/bushel.
Theo số liệu mới cập nhật do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố, tính đến ngày 9/6, chỉ có 83% diện tích ngô được gieo trồng, so với mức trung bình 99% trong giai đoạn 2014-2018. Trong khi đó, diện tích gieo trồng đậu tương chỉ đạt 60%, thấp hơn mức trung bình của 5 năm là 88%. , USDA công bố báo cáo hàng tháng về nguồn cung và nhu cầu nông sản cho thấy sản lượng ngô Mỹ trong niên vụ 2019/20 dự báo giảm 1,4 tỷ bushel xuống 13,7 tỷ bushel, được coi là mức thấp nhất kể từ niên vụ 2015/16. Trong cùng báo cáo này, USDA cũng hạ dự trữ lúa mỳ khoảng 69 triệu bushel xuống 1.071 triệu bushel, qua đó góp phần hỗ trợ giá lúa mỳ trên sàn CBOT.
Dự báo thời tiết cho thấy sẽ có thêm nhiều trận mưa bão ảnh hưởng đến khu vực trồng trọt Midwest (Mỹ), qua đó có thể tiếp tục làm gián đoạn tiến độ gieo trồng.
Sức ép từ xung đột thương mại kéo dài giữa Mỹ và nước mua đậu tương hàng đầu thế giới là Trung Quốc vẫn giúp duy trì đà tăng của loại hạt có dầu này. Tuy nhiên, đợt mưa lũ gần đây và những đợt thuế trả đũa qua lại đã đặt nông dân Mỹ vào tình thế khó khăn, nhất là khi họ chuyển một số diện tích trồng ngô sang đậu tương do thời tiết ẩm ướt làm chậm trễ việc trồng ngô.
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng nhẹ vào cuối phiên giao dịch trong khi giá cao su tại Thượng Hải giảm do nhu cầu yếu. Tại Tokyo, giá cao su kỳ hạn tháng 11/2019 chốt phiên tăng 0,5 JPY (0,0046 USD) đạt 202,5 JPY/ kg. Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,9 JPY đạt 163,9 JPY/ kg.
Trong khi, tại Thượng Hải, giá cao su giao tháng 9/2019 đã giảm 330 CNY (47,66 USD) còn 11.675 CNY/ tấn. Giá cao su kỳ hạn tại Singapore giao tháng 7/2019 giảm 1,8% còn 152,2 US cent/kg.
Zhao Wenting, nhà phân tích của Dongwu Futures cho hay nhu cầu yếu sẽ chi phối giá cả trong tuần này. Doanh số và sản xuất xe hơi trong tháng 5 không tốt.
Đã có các cuộc thương thuyết giữa các quan chức và các nhà sản xuất lốp xe về nhập khẩu cao su tổng hợp vào cuối tuần vừa qua. Hải quan có thể sẽ nới lỏng kiểm tra nhập khẩu hàng hóa, điều này cũng gây áp lực giảm giá.
Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

51,93

-0,85

-1,1%

Dầu Brent

USD/thùng

60,94

-1,07

-1,73%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

38.100,00

-690,00

-1,78%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,38

-0,01

-0,42%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

169,00

-0,08

-0,05%

Dầu đốt

US cent/gallon

179,75

-0,20

-0,11%

Dầu khí

USD/tấn

552,75

-5,25

-0,94%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

55.630,00

-620,00

-1,10%

Vàng New York

USD/ounce

1.344,10

+1,20

+0,09%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.665,00

-2,00

-0,04%

Bạc New York

USD/ounce

14.90

 

 

Bạc TOCOM

JPY/g

51.80

 

 

Bạch kim

USD/ounce

793,24

-2,01

-0,25%

Palađi

USD/ounce

1.458,72

+0,69

+0,05%

Đồng New York

US cent/lb

265,25

+0,60

+0,23%

Đồng LME

USD/tấn

5.845,00

+23,00

+0,40%

Nhôm LME

USD/tấn

1.758,50

-6,00

-0,34%

Kẽm LME

USD/tấn

2.470,00

+17,00

+0,69%

Thiếc LME

USD/tấn

18.950,00

-255,00

-1,33%

Ngô

US cent/bushel

460,25

-8,25

-1,76%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

533,50

-9,25

-1,70%

Lúa mạch

US cent/bushel

297,25

-0,25

-0,08%

Gạo thô

USD/cwt

11,63

+0,01

+0,09%

Đậu tương

US cent/bushel

934,75

-4,75

-0,51%

Khô đậu tương

USD/tấn

331,80

-1,20

-0,36%

Dầu đậu tương

US cent/lb

28,78

-0,01

-0,03%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

473,50

-1,90

-0,40%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.479,00

-17,00

-0,68%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

98,25

+0,20

+0,20%

Đường thô

US cent/lb

12,84

-0,08

-0,62%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

104,75

+0,25

+0,24%

Bông

US cent/lb

66,20

-0,22

-0,33%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

392,30

+6,30

+1,63%

Cao su TOCOM

JPY/kg

199,00

-3,50

-1,73%

Ethanol CME

USD/gallon

1,59

-0,01

-0,81%

Nguồn: VITIC/Bloomberg, Reuters

Nguồn: Vinanet