Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do sự bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu thô trên toàn cầu đang tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent Biển Bắc giảm 27 US cent xuống 60,21 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giảm 7 US cent xuống 51,56 USD/thùng. Giá hai loại dầu chủ chốt này trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017, trong đó dầu Brent chạm mức 58,41 USD/thùng, còn dầu WTI ở mức 50,15 USD/thùng.
Hai loại dầu này cũng đã để mất hơn 30% giá trị kể từ đầu tháng Mười, nguyên nhân do tình trạng dư thừa nguồn cung đang nổi lên và sự suy yếu của thị trường tài chính lan rộng.
Tuy nhiên, xu hướng giảm được hạn chế bởi đồn đoán rằng các nhà xuất khẩu mặt hàng này sẽ quyết định cắt giảm sản lượng tại cuộc họp Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sắp tới.
Các nhà đầu tư, giao dịch và các chuyên gia phân tích đang hướng sự chú ý đến cuộc họp lãnh đạo Nhóm G20 gồm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, vào hai ngày 30/11-1/12, trong đó cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh là chủ đề trọng tâm.
Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng ngày 27/11, cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, song đồng thời chuẩn bị phương án tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu không có bất cứ sự đột phá nào với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bên cạnh đó, ba nước sản xuất dầu hàng đầu là nga, Mỹ và Saudi Arabia cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, theo đó làm dấy lên đồn đoán chính sách về dầu mỏ sẽ được đưa ra bàn thảo.
OPEC sẽ nhóm họp vào ngày 6/12 tới tại Vienna, Áo để thảo luận chính sách sản lượng với một số nhà sản xuất không thuộc tổ chức này, trong đó có Nga.
Sản lượng dầu thô của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng này, khoảng 11,7 triệu thùng/ngày, trong đó các kho dự trữ tăng tuần thứ chín liên tiếp. Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 3,5 triệu thùng trong tuần trước lên 442,7 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 769.000 thùng mà các nhà phân tích đưa ra. Saudi Arabia cũng đã nâng sản lượng lên mức cao kỷ lục 11,1-11,3 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2018. Tuy nhiên, quốc gia này đang chuẩn bị cho một thỏa thuận cắt giảm sản xuất chung, đồng thời đang thảo luận đề xuất hạn chế sản lượng từ OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt lên tới 1,4 triệu thùng/ngày. Tổng thống Trump đã gây sức ép để Saudi Arabia không cắt giảm sản lượng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng giảm xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần do USD tăng. Vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.214,64 USD/ounce sau khi có lúc hạ xuống mức thấp nhất kể từ phiên 15/11 là 1.211,36 USD/ounce; vàng giao sau giảm 0,7% xuống 1.213,4 USD/ounce.
Đồng USD tăng giá sau khi Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida
cho biết ngân hàng trung ương Mỹ nên tiếp tục tăng dần lãi suất, song việc giám sát dữ liệu kinh tế có vai trò “đặc biệt quan trọng” khi chính sách tiền tệ đang đến gần với trạng thái trung tính. Lãi suất cao hơn có xu hướng củng cố sức mạnh của đồng bạc xanh, khiến vàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn so với những người nắm giữ các đồng tiền khác. Đồng USD trong năm nay là một tài sản đảm bảo được ưa thích khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, do đó làm giảm sức hút của vàng.
Giới đầu tư hiện đang dõi theo diễn biến Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tuần này, tập trung vào tiến triển mối quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách của Fed diễn ra vào ngày 7-8/11 nhằm tìm kiếm dấu hiệu về lộ trình nâng lãi suất của ngân hàng này trong năm 2019.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,7% xuống 14,13 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 14,05 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 15/11/2018 và bạch kim giảm 0,8% xuống 833,2 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 825,25 USD/ounce, thấp nhất gần 2 tuần.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá thép cùng với các kim loại cơ bản như kẽm và nickel giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng, thiếc giảm xuống mức thấp nhất 2 năm, do lo ngại gia tăng về nhu cầu Trung Quốc suy giảm và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Giá thép cây tại Trung Quốc giảm, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6/2018 trong tuần này, do nhu cầu giảm và nguồn cung đạt gần mức cao kỷ lục. Kẽm được sử dụng trong sản xuất thép cacbon mạ trong khi nickel được sử dụng trong sản xuất thép không gỉ.
Giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 2,1% xuống 2.435 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 2.420,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ giữa tháng 9/2018, trong khi giá nickel giảm 0,9% xuống 10.775 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 10.720 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 10/2018. Giá thiếc giảm 3,3% xuống 18.275 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 18.215 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 8/2018. Thị trường thiếc toàn cầu dự kiến sẽ dư thừa 500 tấn trong năm tới so với mức thiếu hụt 7.500 tấn năm 2018, chủ yếu do nhu cầu Trung Quốc giảm, Hiệp hội Thiếc Quốc tế cho biết.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm hơn 5% xuống mức thấp nhất 4,5 tháng, phiên giảm thứ 3 liên tiếp do nhu cầu suy giảm. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Đại Liên giảm 3,7% xuống 465,5 CNY/tấn, trong phiên có lúc giảm mạnh 5,1% xuống 459 CNY (66 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 11/7/2018. Đồng thời giá quặng sắt giao ngay sang Trung Quốc giảm 12,3% xuống 63,9 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 18/7/2018 và ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2014, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên thị trường nông sản, giá đường thô kỳ hạn giảm, chịu áp lực bởi sản lượng đường Brazil cao hơn so với dự kiến, trong khi cà phê arabica tăng hơn 2% do đồng real Brazil tăng mạnh. Đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,14 US cent tương đương 1,1% xuống 12,34 US cent/lb, gần mức thấp nhất 7 tuần (12,33 US cent/lb) trong ngày thứ sáu (23/11/2018). Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 2,7% tương đương 0,8% xuống 336,3 USD/tấn, trước đó trong phiên giảm xuống 336,2 USD/tấn, thấp nhất 12 ngày.
Trong khi đó, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2019 chốt phiên tăng 2,5 US cent tương đương 2,3% lên 1,133 USD/lb, sau khi leo lên mức cao nhất 6 ngày hồi đầu phiên là 1,1435 USD/lb. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn tăng 8 USD tương đương 0,5% lên 1.645 USD/tấn, đầu phiên giao dịch đạt 1.650 USD/tấn, cao nhất 8 ngày.
Giá đậu tương kỳ hạn tại Mỹ tăng trước thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tại cuộc họp G20 sắp tới.Giá đậu tương kỳ hạn giao sau trên sàn Chicago tăng 13-1/4 US cent lên 8,75-1/2 USD/bushel.
Thị trường đang chờ đợi kết quả cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Argentina vào cuối tuần này, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – lần đầu tiên – kể từ khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau.
Đầu tháng 11/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ thông qua các kế hoạch về thuế nhập mới đánh lên 267 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông và Chủ tịch Trung QuốcTập Cận Bình không thể đạt một thỏa thuận về thương mại.
Tuy nhiên, các thương nhân cũng đang gặp khó khăn với những vấn đề khác ảnh hưởng đến nhu cầu và nguồn cung cấp, đó là một đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc, đang ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhà tiêu thụ đậu tương lớn.
Bột đậu là một trong những nguồn protein rẻ nhất cho chăn nuôi, và nhu cầu đối với loạt hạt chứa dầu đã được củng cố nhờ khẩu vị của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đối với thịt, đặc biệt là thịt lợn, ngày càng gia tăng.
Trung tâm thông tin hạt và dầu quốc gia của Trung Quốc cho rằng nhu cầu nhập khẩu đậu tương của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2011 do dịch tả lợn châu Phi, các chuyên gia phân tích tại Rabobank lưu ý trong tuần này. (Thuế quan đối với đậu tương cũng không hỗ trợ nhiều). Trung tâm ước tính tổng khối lượng nhập khẩu sẽ đạt 90 triệu tấn trong năm nay, giảm từ mức 96 triệu tấn trong năm 2017.
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm nhẹ, cùng với xu hướng giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải giảm. Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn TOCOM giảm xuống 156 JPY/kg, thấp nhất kể từ ngày 16/11/2018 và giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn TOCOM giảm 0,9 JPY xuống 143 JPY/kg. Trong khi, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 85 CNY xuống 10.765 CNY (1.549 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

51,56

-0,07

 

Dầu Brent

USD/thùng

60,21

-0,27

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

41.930,00

+540,00

+1,30%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

4,24

-0,03

-0,61%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

143,94

+1,86

+1,31%

Dầu đốt

US cent/gallon

189,05

+0,45

+0,24%

Dầu khí

USD/tấn

570,75

+1,75

+0,31%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

57.740,00

+460,00

+0,80%

Vàng New York

USD/ounce

1.220,60

+0,70

+0,06%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.432,00

-14,00

-0,31%

Bạc New York

USD/ounce

14,25

+0,02

+0,17%

Bạc TOCOM

JPY/g

51,70

-0,10

-0,19%

Bạch kim

USD/ounce

832,89

-0,97

-0,12%

Palađi

USD/ounce

1.155,39

+0,35

+0,03%

Đồng New York

US cent/lb

274,00

+1,40

+0,51%

Đồng LME

USD/tấn

6.121,50

-67,50

-1,09%

Nhôm LME

USD/tấn

1.930,50

-21,00

-1,08%

Kẽm LME

USD/tấn

2.435,00

-52,00

-2,09%

Thiếc LME

USD/tấn

18.275,00

-625,00

-3,31%

Ngô

US cent/bushel

368,25

-0,25

-0,07%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

506,50

0,00

0,00%

Lúa mạch

US cent/bushel

284,75

+2,50

+0,89%

Gạo thô

USD/cwt

10,81

-0,04

-0,32%

Đậu tương

US cent/bushel

875,00

-0,50

-0,06%

Khô đậu tương

USD/tấn

307,00

-0,10

-0,03%

Dầu đậu tương

US cent/lb

27,48

+0,09

+0,33%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

474,50

+0,70

+0,15%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.145,00

+29,00

+1,37%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

113,30

+2,50

+2,26%

Đường thô

US cent/lb

12,34

-0,14

-1,12%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

139,30

-0,75

-0,54%

Bông

US cent/lb

77,74

-0,14

-0,18%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

346,20

-9,50

-2,67%

Cao su TOCOM

JPY/kg

154,70

+0,30

+0,19%

Ethanol CME

USD/gallon

1,24

0,00

-0,08%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg        

 

 

Nguồn: Vinanet