Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm mạnh do lượng dầu thô dự trữ tại các kho ở Mỹ giảm ít hơn dự kiến và thị trường lo ngại kinh tế toàn cầu tăng chậm lại do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Cuối phiên giao dịch, dầu Brent Biển Bắc giảm 2,58 USD (3,7%) xuống 66,87 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 12/3; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) hạ 2,22 USD (3,8%) xuống 56,59 USD/thùng, mức khép phiên thấp nhất kể từ ngày 8/3.
Dầu Brent và WTI đang tiến tới tháng giảm lần lượt khoảng 8% và 11%, và có thể sẽ là tháng giảm đầu tiên trong 5 tháng qua đối với hợp đồng mua hai loại dầu chủ chốt này trên thị trường.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ trong tuần trước đã giảm gần 300.000 thùng xuống 476,5 triệu thùng, giảm ít hơn so với mức dự báo giảm 900.000 thùng mà các nhà phân tích đưa ra và dưới mức 5,3 triệu thùng mà Viện Xăng dầu Mỹ (API) báo cáo vào cuối ngày 26/5.
Mức sụt giảm trong tuần trước đã đưa lượng dầu thô dự trữ rời khỏi mức cao nhất kể từ tháng 7/2017 ghi nhận được trong tuần trước đó, nhưng lượng dầu dự trữ này vẫn cao hơn 5% so với mức trung bình của 5 năm trong cùng thời điểm trong năm.
Trong một lưu ý, công ty năng lượng Bernstein Energy nói rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang đang gây rủi ro cho các thị trường năng lượng. Theo công ty này, nhu cầu “vàng đen” thế giới” sẽ chỉ tăng khoảng 0,7% trong năm nay, thấp hơn một nửa so với ước tính hiện nay, nếu cuộc chiến thương mại xảy ra. Do nhu cầu suy yếu, Bernstein Energy cho biết bất kỳ xu hướng tăng nào diễn ra trên thị trường dầu cũng bị hạn chế, dù cho nguồn cung tương đối thắt chặt.
Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu thô trong tháng Năm của Iran đã giảm gần một nửa so với mức của tháng Tư, ở mức khoảng 400.000 thùng/ngày sau khi Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ - nguồn thu chính này của Tehran. Iran cần xuất khẩu ít nhất 1,5-2 triệu thùng dầu/ngày để cân bằng bảng cân đối kế toán của nước này.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ trong phiên vừa qua giảm mạnh nhất 2 tháng sau khi báo cáo cho thấy dự trữ khí tăng nhiều hơn dự kiến và do các dự báo thời tiết mát hơn, nhu cầu ít hơn trong tuần tới so với dự đoán trước đó. Khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 7,7 US cent hay 2,9% xuống 2,547 USD/mmBtu, thấp nhất kể từ ngày 22/5.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong gần hai tuần qua, khi số liệu cho thấy áp lực lạm phát ở Mỹ đã giảm xuống, làm gia tăng những đồn đoán về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.288,03 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 17/5 là 1.288,87 USD/ounce; vàng giao sau tăng 0,5% và khép phiên ở mức 1.287,1 USD/ounce.
Số liệu cho thấy GDP của Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý I, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhận (PCE), một thước đo của Fed về lạm phát, đã tăng ở mức 1%, thấp hơn dự đoán trước đó là 1,3%, qua đó hỗ trợ giá vàng vì số liệu này củng cố niềm tin của thị trường rằng bước đi tiếp theo của Fed sẽ là cắt giảm lãi suất.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,7% lên 14,52 USD/ounce. Trong khi giá bạch kim tăng 0,6% và được giao dịch ở mức 796,25 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 tháng sau phát biểu hùng hồn của một nhà ngoại giao Trung Quốc có thể gây gia tăng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và làm xói mòn nhu cầu kim loại.
Mỹ đã đưa công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen và Trung Quốc cho biết họ có thể sử dụng vị trí của nhà xuất khẩu đất hiếm thống trị như một công cụ đáp trả mạnh mẽ. Xung đột này có khả năng làm giảm nhu cầu đồng từ Trung Quốc, nơi chiếm gần nửa lượng tiêu thụ toàn cầu, ước tính khoảng 24 triệu tấn trong năm nay.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London đóng cửa phiên giảm 0,5% xuống 5.852 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 4/1. Dự trữ đồng tại các kho LME tăng vọt 27.450 tấn hay 15% lên 212.450 tấn, tăng 60% từ đầu năm tới nay. Tại Trung Quốc, dự trữ đồng giảm 8,4% xuống 172.266 tấn, theo số liệu hàng tuần mới nhất.
Giá quặng sắt kỳ hạn của Trung Quốc biến động từ tăng sang giảm trong phiên 30/5, các nhà đầu tư lo lắng về nguồn cung đang giảm tại các cảng chủ chốt của quốc gia này và thận trọng khi cùng lúc nhà quản lý tìm cách hạn chế giao dịch đầu cơ.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên DCE đóng cửa phiên giảm 0,5% xuống 737 CNY (106,73 USD)/tấn, sau khi tăng khoảng 1,2% trong đầu phiên giao dịch.
Tuy nhiên khối lượng giao dịch trong ngày thấp hơn 32% so với ngày trước đó và phí giao dịch tăng có hiệu lực trong ngày 30/5 sau khi đã được thông báo từ đầu tuần.
Darren Toh, một nhà phân tích thuộc công ty Tivlon Technologies cho biết nguồn cung quặng sắt, nguyên liệu để sản xuất thép, tại các cảng giao dịch chủ chốt của Trung Quốc như Rizhao và Thanh Đảo đang ở ngưỡng quan trọng.
Theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome, với lượng quặng sắt nhập khẩu hạn chế trong khi nhu cầu trong nước vẫn mạnh, dự trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm.
Quặng sắt giao ngay với hàm lượng sắt 62% đến Trung Quốc ở gần mức cao nhất 5 năm tại 106 USD/tấn. Tivlon tin tưởng điều tồi tệ nhất vẫn chưa diễn ra do việc thắt chặt nguồn cung hiện nay là kết quả của nguồn cung từ các cảng tiếp tục giảm khi các nhà sản xuất thép tăng cường sản xuất.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất trong 12 tháng do thời tiết xấu tại Brazil làm gián đoạn xuất khẩu và Vale SA bị ngừng sản xuất một phần sau một tai nạn mỏ.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 2,85 US cent hay 2,9% lên 1,0235 USD/lb sau khi đạt đỉnh 1,0275 USD, cao nhất kể từ ngày 8/2. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 44 USD hay 3,1% lên 1.456 USD/tấn.
Dự báo cà phê của Brazil trong niên vụ 2019 có chất lượng cao thấp hơn so với vụ trước vì lượng hoa nhiều hơn và mưa cũng nhiều hơn bình thường.
Tại Châu Á, giá cà phê của Việt Nam tăng khoảng 3,5% trong ngày 30/5 so với một tuần trước sau khi giá thế giới tăng. Nông dân tại Tây Nguyên, khu vực trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam đã bán cà phê ở mức 32.000 - 32.700 đồng (1,37 - 1,4 USD)/kg tăng từ mức giá 30.900 - 31.600 đồng một tuần trước. Cà phê robusta xuất khẩu kỳ hạn tháng 7/2019 đóng cửa ngày 29/5 tăng 40 USD hay 2,9% lên 1.412 USD/tấn.
Các thương nhân tại Việt Nam đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức cộng 80 - 120 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 tại London. Tuần trước họ chào bán ở mức trừ lùi 45 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 8.
Tại Indonesia, giao dịch vẫn trầm lắng do các thương nhân đợi vụ thu hoạch tăng tốc. Theo một thương nhân tại Lampung, mức cộng của cà phê robusta loại 4 khiếm khuyết 80 ổn định so với tuần trước.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,11 US cent, hay 0,9% xuống 11,76 US cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 2 USD hay 0,6% xuống 323,9 USD/tấn.
Thị trường có một số hỗ trợ trong tuần này từ sức mạnh trong hàng hóa nông nghiệp, gồm ngũ cốc và cà phê, nhưng chiều tăng bị hạn chế bởi dự trữ dồi dào.
Các nhà máy Brazil dự kiến cắt giảm lượng mía sản xuất đường trong niên vụ 2019/20 để chuyển nhiều hơn sang sản xuất ethanol. Copersucar, nhà bán đường lớn nhất thế giới dự kiến cân bằng cung cầu đường sẽ diễn ra trong nửa cuối năm 2019, dẫn tới giá phục hồi.
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tiếp tục tăng phiên thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất trong 2,5 tháng do được hỗ trợ bởi giá mạnh hơn tại Thái Lan trong bối cảnh lo lắng về nguồn cung thắt chặt.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 đóng cửa phiên 30/5 tăng 1,2 JPY hay 0,6% lên 194,2 JPY (1,77 USD)/kg. Trong phiên giá đã chạm mức 196,6 JPY cao nhất kể từ ngày 15/3.
Một đại lý ở Tokyo cho biết nhịp điệu tăng giá sẽ không kéo quá dài vì lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang có thể ảnh hưởng tới nhu cầu.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 50 CNY đóng cửa tại 12.030 CNY( 1.742 USD)/tấn.
Chính sách mới của Trung Quốc về nhập khẩu cao su sẽ ảnh hưởng đến 50% lượng nhập khẩu từ Thái Lan và toàn bộ lượng nhập khẩu đến từ Việt Nam, theo một quan chức Hiệp hội cao su tự nhiên của quốc gia này.
Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 1,1% lên 163,4 JPY/kg.
Giá hàng hóa thế giới
Mặt hàng
|
ĐVT
|
Giá
|
+/-
|
+/- (%)
|
Dầu thô WTI
|
USD/thùng
|
56,59
|
-2,22
|
-3,8%
|
Dầu Brent
|
USD/thùng
|
66,87
|
-2,58
|
-3,7%
|
Dầu thô TOCOM
|
JPY/kl
|
41.350,00
|
-2.350,00
|
-5,38%
|
Khí thiên nhiên
|
USD/mBtu
|
2,56
|
+0,01
|
+0,47%
|
Xăng RBOB FUT
|
US cent/gallon
|
187,05
|
-0,81
|
-0,43%
|
Dầu đốt
|
US cent/gallon
|
190,00
|
-1,50
|
-0,78%
|
Dầu khí
|
USD/tấn
|
590,25
|
-7,75
|
-1,30%
|
Dầu lửa TOCOM
|
JPY/kl
|
58.230,00
|
-2.310,00
|
-3,82%
|
Vàng New York
|
USD/ounce
|
1.297,10
|
+4,70
|
+0,36%
|
Vàng TOCOM
|
JPY/g
|
4.535,00
|
+36,00
|
+0,80%
|
Bạc New York
|
USD/ounce
|
14,52
|
+0,02
|
+0,17%
|
Bạc TOCOM
|
JPY/g
|
51,00
|
+0,20
|
+0,39%
|
Bạch kim
|
USD/ounce
|
793,32
|
-2,93
|
-0,37%
|
Palađi
|
USD/ounce
|
1.366,72
|
-2,55
|
-0,19%
|
Đồng New York
|
US cent/lb
|
264,90
|
-0,50
|
-0,19%
|
Đồng LME
|
USD/tấn
|
5.852,00
|
-31,00
|
-0,53%
|
Nhôm LME
|
USD/tấn
|
1.782,00
|
-13,00
|
-0,72%
|
Kẽm LME
|
USD/tấn
|
2.561,00
|
+20,00
|
+0,79%
|
Thiếc LME
|
USD/tấn
|
18.775,00
|
+60,00
|
+0,32%
|
Ngô
|
US cent/bushel
|
432,00
|
-4,25
|
-0,97%
|
Lúa mì CBOT
|
US cent/bushel
|
505,25
|
-9,25
|
-1,80%
|
Lúa mạch
|
US cent/bushel
|
319,75
|
+1,75
|
+0,55%
|
Gạo thô
|
USD/cwt
|
11,66
|
0,00
|
0,00%
|
Đậu tương
|
US cent/bushel
|
886,75
|
-2,25
|
-0,25%
|
Khô đậu tương
|
USD/tấn
|
324,90
|
-2,50
|
-0,76%
|
Dầu đậu tương
|
US cent/lb
|
27,71
|
-0,07
|
-0,25%
|
Hạt cải WCE
|
CAD/tấn
|
458,80
|
-0,30
|
-0,07%
|
Cacao Mỹ
|
USD/tấn
|
2.428,00
|
-10,00
|
-0,41%
|
Cà phê Mỹ
|
US cent/lb
|
102,35
|
+2,85
|
+2,86%
|
Đường thô
|
US cent/lb
|
11,76
|
-0,11
|
-0,93%
|
Nước cam cô đặc đông lạnh
|
US cent/lb
|
104,55
|
+1,35
|
+1,31%
|
Bông
|
US cent/lb
|
68,93
|
-0,41
|
-0,59%
|
Lông cừu (SFE)
|
US cent/kg
|
--
|
--
|
--
|
Gỗ xẻ
|
USD/1000 board feet
|
309,30
|
-6,90
|
-2,18%
|
Cao su TOCOM
|
JPY/kg
|
195,00
|
+0,80
|
+0,41%
|
Ethanol CME
|
USD/gallon
|
1,52
|
-0,03
|
-1,75%
|
Nguồn: Bloomberg, Reuters, CafeF