Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng khá mạnh trước những dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu thô trên toàn cầu đang được kiềm chế và kỳ vọng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ tiến triển.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô ngọt nhẹ (WTI) trên sàn New York kỳ hạn giao tháng 4/2019 tăng 0,79 USD lên 56,59 USD/thùng; dầu Brent Biển Bắc trên sàn London tăng 0,60 USD lên 65,67 USD/thùng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu lớn khác đang thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng như đã cam kết, khiến nguồn cung trên toàn cầu dần thắt chặt. Trong tháng 2/2019 OPEC đã sản xuất 30,68 triệu thùng dầu/ngày, giảm 300.000 thùng/ngày so với tháng trước đó và cũng là mức sản lượng thấp nhất kể từ năm 2015, theo kết quả khảo sát mới đây của hãng tin Reuters.
Hồi tháng 12 năm ngoái, OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác, trong đó có Nga, đã cam kết cắt giảm bớt sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày tổng cộng, bắt đầu từ tháng Một vừa qua nhằm giúp bình ổn giá dầu.
Bên cạnh đó, giá dầu trong phiên này cũng hưởng lợi từ những dự đoán của thị trường rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiến triển hơn nữa sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do USD mạnh lên. Vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.286,94 USD/ounce, trong phiên có lúc chỉ 1.282,5 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 25/1/2019. Vàng giao tháng 4/2019 giảm 11,7 USD, hay 0,9%, và chốt phiên ở mức 1.287,5 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD - thước đo giá trị của đồng tiền này so với sáu đồng tiền mạnh trên thị trường - tăng 0,16%, lên 96,6823 (điểm). Giá vàng và đồng USD thường có xu hướng chuyển động ngược chiều nhau. Khi đồng bạc xanh lên giá, giá vàng giao kỳ hạn sẽ sụt giảm bởi vàng - được định giá bằng đồng tiền này - sẽ trở nên đắt hơn với các nhà đầu tư và khách mua bằng các đồng tiền khác.
Về các kim loại khác, giá bạc giao tháng Năm giảm 0,99% xuống 15,105 USD/ounce, giá bạch kim giao tháng Tư giảm 24,8 USD, hay 2,87%, xuống 838,9 USD/ounce.
Palađi phiên vừa qua giảm 1,2% xuống 1.527,01 USD/ounce. Tháng trước, kim loại quý này đã tăng lên mức cao kỷ lục lịch sử 1.565,09 USD/ounce (ngày 26/2/2019).
Giá palađi, loại kim loại được khai thác chủ yếu tại Nga và Nam Phi, hiện đang nhận hỗ trợ rất lớn từ nhu cầu mạnh từ các nhà chế tạo xe ô tô, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng đổi thị hiếu từ ô tô chạy dầu diesel sang phương tiện sạch hơn. Bên cạnh đó, các lo ngại về nguồn cung và nhu cầu mạnh tại Trung Quốc cũng hỗ trợ giá mặt hàng này. Giá palađi hiện đã hồi phục mạnh kể từ sau khi “rơi” xuống mức thấp trong một năm là 836 USD/ounce hồi tháng 8/2018 khi đồng USD mạnh lên. Theo hãng tinh chế palađi lớn nhất thế giới Johnson Matthey, tình trạng thiếu palađi đã thu hẹp trong năm ngoái khi nhu cầu toàn cầu chỉ tăng vượt nguồn cung 29.000 ounce. Tuy nhiên, hãng này dự đoán tình hình sẽ khó khăn hơn đáng kể trong năm 2019 do quy định về khí thải chặt chẽ hơn, với mức thâm hụt dự đoán là 1 triệu ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nickel lên mức cao nhất 6 tháng do dự đoán nguồn cung thiếu hụt năm thứ 4 liên tiếp được củng cố bởi những dấu hiệu nhu cầu mạnh từ các nhà máy thép không gỉ ở Trung Quốc. Nickel trên sàn giao dịch kim loại London (LME) chốt phiên tăng 0,5% lên 13.255 USD/tấn, trong phiên giá đã đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2018 tại 13.485 USD/tấn. Trong năm nay giá nickel đã tăng 24%, diễn biến tốt nhất trong số các kim loại trên sàn LME.
Số liệu từ Tổ chức nghiên cứu nickel quốc tế cho thấy thị trường nickel thiếu hụt 46.000 tấn trong năm 2016, 115.000 tấn trong năm 2017 và 127.000 tấn trong năm 2018. Nhu cầu nickel toàn cầu ước tính khoảng 2,4 triệu tấn trong năm nay. Trong đó, khoảng 2/3 giành cho các nhà máy thép không gỉ, chủ yếu ở Trung Quốc.
Dự trữ nickel tại các kho của LME ở mức 196.542 tấn giảm gần một nửa kể từ đầu tháng 1/2018. Dự trữ theo dõi tại các kho trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải ở mức dưới 10.000 tấn, giảm gần 40% kể từ giữa tháng 11/2018.
Giá quặng sắt Trung Quốc tăng gần 5% lên mức cao nhất trong 3 tuần trong phiên qua, do dự kiến các nhà máy thép tăng cường dự trữ trong bối cảnh tồn kho thấp. Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2019 tăng khoảng 4,9% lên 646,5 CNY (96,58 USD)/tấn khi thị trường mở cửa ngày 4/3/2019, nhưng chốt phiên giá tăng 0,7% lên 620,5 CNY/tấn. Các nhà máy thép tại quốc gia tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới này đã mua nguyên liệu thô chậm lại do giá thép tăng trong tháng 2/2019.
Dự trữ quặng sắt nhập khẩu ở các cảng Trung Quốc tiếp tục tăng trong tuần trước (tính tới ngày 3/3/2019) lên 146,05 triệu tấn, mức cao nhất kể từ cuối tháng 9/2018, theo số liệu của SteelHome. Các nhà phân tích cũng dự kiến giá thép tăng trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng thúc đẩy giá nguyên liệu thô.
Giá thép cũng tăng bởi lo ngại về nguồn cung hạn hẹp khi một vài thành phố ở miền bắc Trung Quốc yêu cầu các nhà máy thép giảm sản lượng, một nỗ lực nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Giá thép thanh xây dựng trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,9% lên 2.811 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng tăng 0,1% lên 3.791 CNY/tấn.
Đường Sơn thành phố luyện thép hàng đầu trong ngày 1/3/2019 đã đưa ra cảnh báo khói bụi cấp 1, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo ô nhiễm 4 cấp của quốc gia này, yêu cầu các nhà máy hạn chế sản lượng khoảng 40 – 70%, thậm chí dừng sản xuất từ ngày 1/3 đến 6/3/2019.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2019 giảm 2,85 US cent hay 2,8% xuống 97,35 US cent/lb sau khi giảm xuống 97,05 US cent/lb. Giá đã tiếp cận mức thấp nhất trong hơn 5 tháng (đã chạm tới trong tuần trước) bởi nguồn cung toàn cầu dồi dào.
Trong báo cáo tháng 2 mới công bố Tổ chức Cà phê Quốc tế cho biết xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu của niên vụ 2018/19 tăng 6,6% lên 41,96 triệu bao, phản ánh nguồn cung cà phê dồi dào trên thị trường quốc tế.
Triển vọng sản lượng đang cải thiện tại Brazil nước sản xuất hàng đầu thế giới cũng đã khiến thị trường giảm. Niên vụ 2019/20 sản lượng của Brazil dự báo ở mức 57,6 triệu bao loại 60kg/bao, gồm 38 triệu bao arabica và 19,5 triệu bao robusta, theo ngân hàng Rabobank.
Cà phê robusta chốt phiên giảm 13 USD hay 0,9% xuống 1.521 USD/tấn sau khi giảm mức thấp nhất trong gần 6 tuần tại 1.517 USD/tấn.
Với mặt hàng đường, giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2019 chốt phiên giảm 0,26 US cent hay 2,1% xuống 12,36 US cent/lb, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần tại 12,35 UD cent/lb.
Các đại lý cho biết thị trường tiếp tục thiếu xu hướng tổng thể rõ ràng, mức hỗ trợ quanh 12,34 US cent mức thấp của tháng trước và mức kháng cự quanh 13 US cent. Ngoài ra lễ hội Carnival trong tuần này tại nước xuất khẩu hàng đầu Brazil có thể làm giảm các giao dịch.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5/2019 đóng cửa giảm 3,1 USD hay 0,9% xuống 341,3 USD/tấn.
Đối với mặt hàng dầu cọ, theo nhận định của giới chuyên gia, nhu cầu dầu cọ thế giới trong niên vụ 2019-2020 có thể giảm lần đầu tiên trong 2 thập niên qua. Nguyên nhân là do nguồn cung hạt có dầu gia tăng ở Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới - và nhu cầu tăng chậm lại ở thị trường châu Âu và Trung Quốc.
Các thương nhân Ấn Độ dự tính lượng dầu cọ nhập khẩu của nước này sẽ “đứng yên hoặc tăng nhẹ” trong năm 2019, trong bối cảnh sản lượng hạt có dầu của Ấn Độ đạt kỷ lục.
Theo ông Atul Chaturvedi, lãnh đạo một trong những doanh nghiệp sản xuất dầu thực vật lớn nhất Ấn Độ Adani Wilmar Ltd, nguồn cung dầu ăn trong nước tăng mạnh sẽ giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nguồn nhập khẩu.
Còn tại Liên minh châu Âu (EU), nhà nhập khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới, người mua đang “né tránh” dầu cọ do những quan ngại về các tác hại được cảnh báo đối với môi trường của hoạt động trồng cây cọ, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tác động tiêu cực tới nhu cầu tiềm năng ở thị trường nhập khẩu dầu cọ lớn thứ ba thế giới là Trung Quốc.
Trong khi đó, giá dầu cọ giao kỳ hạn ở Malaysia giảm gần 8% trong tháng 2/2019 khi lượng dầu cọ trữ kho tăng và nhu cầu sụt giảm.
Theo số liệu của tổ chức giảm định, kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận chất lượng Societe Generale de Surveillance (SGS), xuất khẩu dầu cọ của Malaysia, nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới, sang thị trường EU đã giảm xuống còn 264.005 tấn trong tháng 2/2019, từ mức 405.867 tấn trong tháng 1/2019. Còn nhập khẩu dầu cọ của Trung Quốc từ Malaysia giảm xuống còn 98.635 tấn trong tháng 2/2019, so với 264.722 tấn của tháng 1/2019.
Giá cao su kỳ hạn TOCOM tăng trong phiên ngày 4/3 bất chấp giá cao su kỳ hạn giảm ở Thượng Hải. Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 8/2019 đóng cửa tăng 2,2 JPY lên 206,2 JPY/kg. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2019, được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 155 CNY xuống 12.495 CNY/tấn.
Cao Lu, chuyên gia phân tích thuộc Orient Futures cho biết giá được hỗ trợ bởi tin tức trước đó từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Giá cao su dự kiến vẫn yếu nếu không có tin tức quan trọng khác.
Giá hàng hóa thế giới
Mặt hàng
|
ĐVT
|
Giá
|
+/-
|
+/- (%)
|
Dầu thô WTI
|
USD/thùng
|
56,59
|
+0,79
|
|
Dầu Brent
|
USD/thùng
|
65,67
|
+0,60
|
|
Dầu thô TOCOM
|
JPY/kl
|
44.770,00
|
+270,00
|
+0,61%
|
Khí thiên nhiên
|
USD/mBtu
|
2,86
|
0,00
|
-0,07%
|
Xăng RBOB FUT
|
US cent/gallon
|
174,84
|
-0,06
|
-0,03%
|
Dầu đốt
|
US cent/gallon
|
201,03
|
-0,40
|
-0,20%
|
Dầu khí
|
USD/tấn
|
615,75
|
-2,50
|
-0,40%
|
Dầu lửa TOCOM
|
JPY/kl
|
61.050,00
|
+170,00
|
+0,28%
|
Vàng New York
|
USD/ounce
|
1.287,60
|
-0,10
|
-0,01%
|
Vàng TOCOM
|
JPY/g
|
4.613,00
|
-28,00
|
-0,60%
|
Bạc New York
|
USD/ounce
|
15,11
|
+0,01
|
+0,03%
|
Bạc TOCOM
|
JPY/g
|
54,30
|
-0,40
|
-0,73%
|
Bạch kim
|
USD/ounce
|
837,95
|
+0,93
|
+0,11%
|
Palađi
|
USD/ounce
|
1.533,65
|
-0,15
|
-0,01%
|
Đồng New York
|
US cent/lb
|
291,45
|
+0,55
|
+0,19%
|
Đồng LME
|
USD/tấn
|
6.409,00
|
-69,00
|
-1,07%
|
Nhôm LME
|
USD/tấn
|
1.875,00
|
-43,00
|
-2,24%
|
Kẽm LME
|
USD/tấn
|
2.751,00
|
-34,00
|
-1,22%
|
Thiếc LME
|
USD/tấn
|
21.450,00
|
-170,00
|
-0,79%
|
Ngô
|
US cent/bushel
|
375,75
|
+1,00
|
+0,27%
|
Lúa mì CBOT
|
US cent/bushel
|
456,75
|
+1,25
|
+0,27%
|
Lúa mạch
|
US cent/bushel
|
265,00
|
+0,75
|
+0,28%
|
Gạo thô
|
USD/cwt
|
10,65
|
-0,02
|
-0,23%
|
Đậu tương
|
US cent/bushel
|
918,25
|
+2,25
|
+0,25%
|
Khô đậu tương
|
USD/tấn
|
310,90
|
+0,40
|
+0,13%
|
Dầu đậu tương
|
US cent/lb
|
30,17
|
+0,09
|
+0,30%
|
Hạt cải WCE
|
CAD/tấn
|
462,00
|
-0,80
|
-0,17%
|
Cacao Mỹ
|
USD/tấn
|
2.156,00
|
-61,00
|
-2,75%
|
Cà phê Mỹ
|
US cent/lb
|
97,35
|
-2,85
|
-2,84%
|
Đường thô
|
US cent/lb
|
12,36
|
-0,26
|
-2,06%
|
Nước cam cô đặc đông lạnh
|
US cent/lb
|
116,80
|
+0,75
|
+0,65%
|
Bông
|
US cent/lb
|
73,13
|
-0,72
|
-0,97%
|
Lông cừu (SFE)
|
US cent/kg
|
--
|
--
|
--
|
Gỗ xẻ
|
USD/1000 board feet
|
367,40
|
-15,00
|
-3,92%
|
Cao su TOCOM
|
JPY/kg
|
203,90
|
-2,30
|
-1,12%
|
Ethanol CME
|
USD/gallon
|
1,35
|
+0,01
|
+0,37%
|
Nguồn: VITIC/Bloomberg, Reuters, CafeF