Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục tăng do căng thẳng liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran và dự trữ dầu hàng tuần của Mỹ sụt giảm trong tuần thứ hai liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giao tháng 9/2018 đã tăng 48 US cent lên 78,24 USD/thùng; dầu thô ngọt nhẹ (WTI) tăng 19 cent lên 74,33 USD/thùng.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa tuyên bố sẽ ngăn cản các nước trong khu vực xuất khẩu dầu nếu Washington tiếp tục gây sức ép tất cả các nước ngừng mua dầu của Iran.
Nguy cơ Mỹ trừng phạt Iran, tình trạng hiện tại ở Libya và Nigeria làm dấy lên lo ngại thiếu nguồn cung dầu dù OPEC đã cam kết tăng sản lượng.
“Trong điều kiện lý tưởng, sản lượng dầu tăng sẽ gây áp lực để giá giảm. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại thì thiếu hụt nguồn cung lại xảy ra hàng tuần”, chiến lược gia Tamas Varga tại PVM Oil Ascociates nói. “Do đó, giá dầu vẫn tăng dù việc tăng cung đã được thông báo”.
Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 4,5 triệu thùng xuống còn 416,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 29/6, mức giảm mạnh hơn con số 3,5 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Dự trữ dầu thô tại Cushing, bang Oklahoma, giảm 2,6 triệu thùng, do cơ sở Syncrude của Canada, sản lượng 360.000 thùng/ngày, ngừng hoạt động. Giới kinh doanh cho biết hoạt động giao dịch dầu mỏ bị hạn chế do thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh (4/7).
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng chạm mức cao nhất 1 tuần do USD suy yếu và những căng thẳng thương mại tiếp diễn, dù đà tăng phần nào bị hạn chế bởi triển vọng tăng lãi suất của Fed.
Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.256,20 USD sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất trong một tuần qua là 1.261,10 USD; vàng giao tháng 8 tăng 0,4% lên 1.258,10 USD/ounce. Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,1% lên 16,03 USD/ounce, trong khi giá bạch kim hầu như không biến động và được giao dịch ở mức 837 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt giảm, trong khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá phiên thứ hai liên tiếp sau khi ghi nhận mức thấp nhất trong 11 tháng qua trong tuần này. Đồng USD suy yếu sẽ khiến cho vàng vốn là kim loại quý được định giá bằng đồng tiền này trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Các thị trường đang đón đợi biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ được công bố vào ngày 5/7 và số liệu việc làm của Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào ngày 6/7 để tìm kiếm manh mối về chính sách tiền tệ của Washington.
Các chuyên gia cho rằng, thế giới đang đối mặt với một cuộc chiến tiền tệ và loại tài sản duy nhất có thể bảo vệ nhà đầu tư trước sự sụp đổ của đồng bạc xanh là vàng. Trong bối cảnh sức mạnh địa chính trị đang dịch chuyển từ Tây sang Đông, sự thống trị của Mỹ có thể sẽ sớm kết thúc.
Một trong những dấu hiệu của quá trình trên là sự “hồi hương” của vàng ra khỏi nước Mỹ. Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Hà Lan đã bắt đầu chuyển vàng về nước.
Ngân hàng Trung ương Nga đang tích cực nâng tỷ lệ dự trữ đồng tiền Trung Quốc và vàng nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ, hạn chế phụ thuộc vào các đồng tiền dự trữ truyền thống như USD. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga công bố vào ngày 2/7, tỷ trọng dự trữ nhân dân tệ tăng lên 2,8% trong quý IV/2017 so với 1% trong quý trước đó. Đồng nhân dân tệ và vàng hiện chiếm 1/5 tài sản dự trữ của Nga.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng và kẽm chạm mức thấp mới, do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra trước thuế quan thương mại mới của Mỹ đối với hàng hóa từ Trung Quốc và có thể khiến nhu cầu đối với kim loại công nghiệp suy giảm. Giá đồng hợp đồng tham chiếu trên sàn London giảm 1,6% xuống còn 6.386 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 6.344 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017. Hợp đồng kẽm tại LME giảm 3,2% xuống còn 2.700 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2017.
Giá nickel và ch cũng chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2018. Giá nickel giảm 1,9% xuống còn 14.145 USD/tấn, chì giảm 2,9% xuống còn 2.322 USD/tấn. Thiếc giảm 0,3% xuống còn 19.600 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 19.500 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ 27/12.
Chỉ riêng giá nhôm tại LME tăng 0,4% lên 2.089 USD/tấn. Tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 6 tăng mạnh lên mức cao nhất 4 tháng, được thúc đẩy bởi doanh số bán hàng trong các doanh nghiệp mới và số lượng việc làm tăng, điều tra tư nhân cho biết.
Với mặt hàng thép, giá tăng sau khi Trung Quốc cho biết, sẽ tăng cường đóng cửa các nhà máy sản xuất thép lỗi thời và dư thừa từ năm nay đến năm 2020 như là một phần của kế hoạch chống ô nhiễm. Hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải đóng cửa tăng 0,9% lên 3.783 NDT (573 USD)/tấn, sau khi tăng 1,8% trong phiên. Giá nguyên liệu sản xuất thép như than luyện cốc và quặng sắt giảm. Hợp đồng quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 0,4% xuống còn 462 NDT/tấn và than luyện cốc giảm 0,8% xuống còn 1.154,5 NDT/tấn. Than cốc tăng 0,9% lên 2.045 NDT/tấn.
Kế hoạch của Trung Quốc sẽ loại bỏ một số ngành công nghiệp tại 82 thành phố trên toàn quốc, so với 28 thành phố ở tỉnh Hà Bắc, thành phố Bắc Kinh và Thiên Tân đã đưa ra trước đây. Điều đó sẽ thắt chặt nguồn cung thép tại Trung Quốc, nước sản xuất lớn nhất thế giới, và thúc đẩy giá. Nhu cầu cũng duy trì vững và có thể chỉ suy yếu trong nửa cuối tháng 7 đến tháng 8 khi thời tiết nóng tăng cường và hạn chế hoạt động xây dựng.
Mỹ đe dọa áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc có trị giá 34 tỉ USD sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng cũng ảnh hưởng tới nhu cầu thép.
Trên thị trường nông sản, giá đường tăng do nguồn cung thắt chặt trong ngắn hạn, trong khi cà phê robusta và cacao London thay đổi nhẹ.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 4,5 USD tương đương 1,3% lên 341,1 USD/tấn bởi nguồn cung thắt chặt. Sự sụt giảm giá ethanol gần đây tại Brazil cũng hạn chế đà suy giảm giá đường, khuyến khích sử dụng nhiều mía để sản xuất đường hơn sản xuất nhiên liệu tái tạo. Xuất khẩu đường của Brazil giảm gần 1 triệu tấn trong tháng 6 so với cùng tháng năm ngoái, do các nhà máy găm hàng khi giá chạm mức thấp nhiều năm.
Giá chè tăng phiên thứ 7 liên tiếp tại phiên đấu giá hàng tuần, do nhu cầu đối với chè chất lượng tăng mạnh mẽ, mặc dù nguồn cung tăng. Giá chè Bangladesh ở mức trung bình 251,2 taka (2,7 USD)/kg tại cảng thành phố Chittagong, so với 243,61 taka/kg trong phiên trước đó tại trung tâm đấu giá Srimangal.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 4 USD, tương đương 0,2% lên 1.689 USD/tấn. Xuất khẩu cà phê hạt xanh của Brazil trong tháng 6 tăng lên 2,16 triệu bao (60 kg) so với 1,91 triệu bao cùng tháng năm ngoái. Báo cáo thương mại tháng 5 của Tổ chức Cà phê Quốc Tế (International Coffee Organization – ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng này chỉ đạt 9,27 triệu bao, giảm 12,38% so với xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica chỉ đạt 5,62 triệu bao, giảm 17% và xuất khẩu cà phê Robusta đạt 3,65 triệu bao, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2017/2018 (từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018) đạt 79,94 triệu bao, giảm 0,5% so với cùng kỳ niên vụ trước. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 50,16 triệu bao, giảm 2,4% và xuất khẩu cà phê Robusta đạt 29,79 triệu bao, tăng 2,8% so với cùng kỳ.
Cũng theo ICO, trong 12 tháng kết thúc vào tháng 5 năm 2018, xuất khẩu Arabica đạt tổng cộng 74,72 triệu bao so với 74,80 triệu bao trong năm ngoái; trong khi đó xuất khẩu Robusta đạt 44,19 triệu bao so với 44,42 triệu bao. Dường như sự biến động về khối lượng xuất khẩu trong vòng 12 tháng qua là không đáng kể.
Báo cáo số liệu thương mại của Chính phủ tại Sumatra, đảo trồng cà phê chính của Indonesia, cho thấy xuất khẩu cà phê, chủ yếu là cà phê Robusta trong tháng Sáu chỉ đạt 58.622 bao, giảm 237.665 bao, tức giảm 80,21% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đầu niên vụ 2017/2018 chỉ đạt tổng cộng 942.718 bao, giảm 2.178.651 bao, tức giảm 69,8% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước. Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), nhà sản xuất cà phê Robusta hàng đầu châu Phi, đã báo cáo xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu của niên vụ cà phê 2017/2018 đạt tổng cộng 2.849.102 bao, giảm 4,62% so với cùng kỳ niên vụ trước. Ngành Nông nghiệp & PTNT Việt Nam, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ nhất thế giới, cũng ước báo xuất khẩu cà phê tháng 6đạt khoảng 164.000 tấn, tăng 9,3% so với tháng trước và đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,04 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trái lại, tuy Brazil hiện đang thu hoạch Conilon Robusta vụ mới với ước báo sản lượng có thể tăng tới 30% so với vụ trước nhưng cũng cần nhớ nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai thế giới bị mất mùa liên tiếp mấy năm qua. Năm ngoái Brazil còn tính chuyện nhập cà phê Robusta từ Việt Nam về cho nhu cầu của ngành công nghiệp trong nước và loại cà phê này tại thị trường nội địa của họ thường có giá rất cạnh tranh, thậm chí còn cạnh tranh hơn cà phê Robusta Indonesia.
Giá cao su giảm xuống mức thấp nhất 21 tháng, hướng theo giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải suy giảm. Giá cao su chịu áp lực trước hạn chót 6/7, khi Mỹ áp thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc có trị giá 34 tỉ USD. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn TOCOM kết thúc giảm 1,2 JPY xuống còn 171,1 JPY (1,55 USD)/kg, trong phiên có lúc đạt 168,3 JPY/kg, mức thấp nhất kể từ ngày 5/10/2016. Tại Thượng Hải hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 75 NDT xuống còn 10.410 NDT (1.577 USD)/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn SICOM giảm 1,1 cent xuống còn 131,6 Uscent/kg.
Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

74,33

+0,19

+0,26%

Dầu Brent

USD/thùng

78,24

+0,48

+0,64%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

49.920,00

-120,00

-0,24%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,84

-0,03

-1,18%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

211,53

-0,23

-0,11%

Dầu đốt

US cent/gallon

216,55

+0,13

+0,06%

Dầu khí

USD/tấn

664,50

-2,75

-0,41%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

68.030,00

0,00

0,00%

Vàng New York

USD/ounce

1.257,40

+3,90

+0,31%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.452,00

-5,00

-0,11%

Bạc New York

USD/ounce

16,13

+0,08

+0,51%

Bạc TOCOM

JPY/g

57,10

0,00

0,00%

Bạch kim giao ngay

USD/ounce

842,37

+0,43

+0,05%

Palladium giao ngay

USD/ounce

952,40

+3,90

+0,41%

Đồng New York

US cent/lb

287,35

-4,35

-1,49%

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

6.386,00

-105,00

-1,62%

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

2.089,00

+9,00

+0,43%

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

2.700,00

-89,00

-3,19%

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

19.600,00

-55,00

-0,28%

Ngô

US cent/bushel

352,00

+5,00

+1,44%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

491,00

+10,75

+2,24%

Lúa mạch

US cent/bushel

239,25

-0,75

-0,31%

Gạo thô

USD/cwt

11,63

+0,22

+1,88%

Đậu tương

US cent/bushel

864,25

-5,25

-0,60%

Khô đậu tương

USD/tấn

326,30

-1,70

-0,52%

Dầu đậu tương

US cent/lb

29,20

-0,19

-0,65%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

504,70

+0,60

+0,12%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.454,00

-47,00

-1,88%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

111,90

+0,25

+0,22%

Đường thô

US cent/lb

11,39

-0,17

-1,47%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

167,70

+0,80

+0,48%

Bông

US cent/lb

82,51

-0,30

-0,36%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

545,20

-12,30

-2,21%

Cao su TOCOM

JPY/kg

170,00

-1,10

-0,64%

Ethanol CME

USD/gallon

1,43

+0,01

+0,92%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg