Năng lượng: Chỉ trong vòng 1 tuần, giá dầu giảm mạnh nhất 11 năm
Giá dầu thế giới vừa trải qua chuỗi 5 phiên giảm giá liên tiếp giữa bối cảnh sự lây lan nhanh của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại các nước ngoài Trung Quốc đại lục khiến giới đầu tư thêm lo ngại về những tác động đối với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/2, cả 2 loại dầu chủ chốt đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018. Cụ thể, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 4/2020 hạ 2,33 USD (5%), xuống 44,76 USD/thùng; tính chung cả tuần giá giảm 15,28%, tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 19/12/2008; tính chung trong tháng 2/2020 giá giảm 15,11%. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng mất 1,66 USD (3,2%) trong phiên cuối tuần, xuống 50,52 USD/thùng, đánh dấu mức giảm 14,08% cả tuần, mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ ngày 15/1/2016; tính chung trong tháng 2 giảm 16,30%.
Tính chung trong cả tháng Hai này, giá dầu WTI mất 13%, còn giá dầu Brent cũng hạ hơn 13%. Hợp đồng giao tháng Tư của cả 2 loại dầu chủ chốt đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, dự trữ dầu thô thương mại của nước này, không bao gồm dầu dự trữ trong Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược, trong tuần kết thúc ngày 21/2 tăng 500.000 thùng so với tuần trước đó.
Nhà phân tích này cho rằng hiện vẫn có những lo ngại về tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với nhu cầu dầu thô, song cũng xuất hiện các ý kiến “băn khoăn” về việc liệu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất liên minh có sẵn sàng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng và thậm chí là cắt giảm thêm hay không.
Các chuyên gia phân tích cho rằng đà sụt giảm của giá dầu càng làm tăng áp lực lên OPEC cùng với các đồng minh khi nhóm này chuẩn bị tổ chức cuộc họp vào tuần tới (ngày 5-6/3/2020) tại Vienna, Áo để thảo luận về khả năng cắt giảm thêm sản lượng nhằm cân bằng cung cầu.
OPEC và các nước liên minh, còn gọi là OPEC +, đã cắt giảm sản lượng dầu trong những năm gần đây để hỗ trợ giá “vàng đen”. Hồi tháng 12/2019, các nước OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày, nâng tổng mức cắt giảm sản lượng lên 1,7 triệu thùng/ngày.
Kim loại quý: Giá vàng giảm trong tuần qua và trong tháng 2 mặc dù nhiều phiên tăng bứt phá
Phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giảm hơn 4%, đánh dấu mức giảm theo ngày lớn nhất trong khoảng 7 năm và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2016, khi những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã khiến các nhà đầu tư hoảng loạn và bán tháo trên diện rộng.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 4,5% xuống 1.568,96 USD/ounce, là phiên giảm mạnh nhất kể từ giữa năm 2013; vàng kỳ hạn tháng 4/2020 giảm 4,6% xuống 1.566,7 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá giảm 3,38%, còn trong tháng 2 giảm nhẹ 0,71%.
Cũng trong phiên cuối tuần, giá giá palađi giảm 10,8% xuống 2.538,21 USD/ounce, là phiên giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, trong đầu phiên giao dịch giảm 12,7%. Giá palađi giảm khoảng 390 USD từ mức cao kỷ lục 2.875,5 USD/ounce trong ngày 27/2/2020, song vẫn tăng tháng thứ 7 liên tiếp do nguồn cung thiếu hụt kéo dài. Giá bạch kim giảm 5,5% xuống 849,63 USD/ounce và có tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Giá bạc giảm 7,2% xuống 16,43 USD/ounce và có tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2011.
Đáng chú ý, giá vàng tuần qua giảm bất chấp đã tăng mạnh trong mấy phiên đầu tuần do do nhu cầu về các kênh trú ẩn an toàn tăng vọt vì lo ngại về dịch COVID-19 lan rộng. Phiên 23/2, giá vàng thế giới lập kỷ lục cao nhất 7 năm, tiếp tục đà đi lên ở phiên tiếp sau đó. Tuy nhiên, về cuối tuần, giá sụt giảm nhanh chóng. Những lo lắng về diễn biến dịch COVID-19 đã khiến các thị trường chứng khoán trên thế giới rơi vào tình trạng tụt dốc tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Trong một lưu ý gửi tới khách hàng, nhà phân tích Georgette Boele của ngân hàng ABN Amro cho hay khi lòng tin của thị trường suy giảm, các nhà đầu tư đã đóng lại những lệnh bán ra không chỉ trên thị trường tiền tệ mà còn cả trên thị trường vàng. Do đó, giá vàng đã không thể đạt được mức cao mới ngay cả khi thị trường chứng khoán giảm mạnh.
Chuyên gia này cũng cho rằng nếu những lo ngại của nhà đầu tư biến thành sự hoảng loạn trên thị trường, họ sẽ lựa chọn tiền mặt cùng những loại tài sản có tính thanh khoản cao và sẽ thanh lý các kênh đầu tư vào vàng.
Ông Michael O’Rourke, chiến lược gia trưởng tại công ty môi giới đầu tư JonesTrading cũng cho rằng việc nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và vàng là một động thái khá bất thường vì vàng vốn có xu hướng tăng giá khi các tài sản rủi ro như chứng khoán suy giảm. Điều này là do thị trường lo ngại về khả năng dịch COVID-19 sẽ khiến kinh tế toàn cầu giảm phát. Nếu điều đó trở thành hiện thực, nó sẽ làm suy yếu hoạt động chi tiêu và làm chậm tăng trưởng kinh tế hơn nữa.
Trong khi đó, ông Jeffrey Christian, thuôc CPM Group, nhận xét không ai có thể biết được tác động xấu của dịch COVID-19 sẽ như thế nào, nhưng rõ ràng hoạt động kinh tế tại nhiều nơi trên thế giới đang chậm lại. Theo chuyên gia Jeffrey Christian, để ứng phó với tình trạng này, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới sẽ có xu hướng cắt giảm lãi suất xuống thấp hơn và tăng mua trái phiếu để tăng thanh khoản, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19. 
Còn theo chuyên gia phân tích thị trường Edward Moya của hãng môi giới OANDA, giá vàng sẽ hướng tới mức giá 1.700 USD/ounce trong vài tuần tới, khi sự bùng phát dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng loạt giảm cả trong tuần qua và trong tháng 2
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, giá hầu hết các kim loại công nghiệp đồng loạt giảm vào đầu phiên do virus corona trở nên tồi tệ hơn, song hầu như các kim loại đều hồi phục trở lại do các thương nhân đẩy mạnh mua vào.
Trong phiên này, giá đồng và kẽm chạm mức thấp nhất trong hơn 3 năm do lo ngại virus sẽ xói mòn nhu cầu kim loại. Tồn trữ đồng và kẽm tại Thượng Hải tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm do virus corona bùng phát ảnh hưởng đến nhu cầu.
Giá đồng trên sàn London tăng 0,3% lên 5.635 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch chạm 5.533 USD/tấn, thấp nhất 2,5 tuần. Theo Hiệp hội Đồng Quốc tế, đồng được sử dụng nhiều nhất trong ngành xây dựng chiếm 28% nhu cầu. Tính chung trong tuần qua, giá đồng giảm 2,47%, và trong tháng 2 giảm 0,85%.
Giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 2,1% xuống 1.970 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 6/2016, song cuối phiên tăng 0,5% lên 2.021,5 USD/tấn.
Giá nhôm trên sàn London tăng 0,2% lên 1.694 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch chạm 1.665 USD/tấn, thấp nhất 40 tháng. Tập đoàn nhôm Nga, United Company Rusal cho biết, virus sẽ ảnh hưởng đến thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, với nhu cầu yếu và dư thừa nguồn cung cao. Tính chung cả tuần, giá nhôm giảm 1,23%, và trong tháng 2 giảm 3,5%.
Giá nickel trên sàn London giảm 1% xuống 12.250 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 7/2019, do dự trữ nickel tại London đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2018, tăng gấp 3 lần lên 235.428 tấn kể từ đầu tháng 12/2019.
Giá chì tăng 2,2% lên 1.848 USD/tấn, trong phiên chạm 1.778,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 5/2019.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm mạnh trong phiên cuối tháng và có tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 10/2019, do virus corona lây lan mạnh gây lo ngại suy thoái toàn cầu làm lu mờ triển vọng nguyên liệu sản xuất thép.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 3,1% xuống 616,5 CNY (87,91 USD)/tấn, sau khi giảm mạnh 4,7% trong đầu phiên giao dịch. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt giảm 8% - tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần và giảm 6,5% trong tháng 2/2020. Giá quặng sắt trên sàn Singapore giảm 1,4%. Giá quặng sắt nhập khẩu hàm lượng 62% giao ngay giảm 3 phiên liên tiếp xuống 88 USD/tấn – thấp nhất kể từ ngày 12/2/2020. Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 2,7%, thép cuộn cán nóng giảm 1,8% và giá thép không gỉ giảm 1,9%.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong tháng 2/2020, chịu ảnh hưởng bởi virus corona bùng phát.
Nông sản: Giá hầu hết giảm
Giá hầu hết các nông sản chủ chốt, từ ngô, lúa mì, đậu tương đến đường, cà phê, cao su… đều giảm trong tháng 2/2020, mặc dù biến động thất thường ở các phiên trong tháng.
Phiên cuối tháng, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE tăng 2,25 US cent tương đương 2,05% lên 1,12 USD/lb, một phần do nguồn cung trong ngắn hạn trên thị trường physical thiếu hụt. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 5 USD tương đương 0,4% xuống 1.284 USD/tấn. Tính chung trong tuần qua, giá cà phê giảm 1,84%, nhưng trong tháng 2 giảm mạnh 8,62%.
Cũng trong phiên này, giá đường giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần do lo ngại virus corona lây lan mạnh khiến nhu cầu suy giảm. Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE giảm 0,26 US cent tương đương 1,8% xuống 13,94 US cent/lb, trong phiên có lúc chạm 13,88 US cent, thấp nhất 7 tuần. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 6,3 USD tương đương 1,6% xuống 392,4 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 392,1 USD/tấn, thấp nhất 1 tháng. Tính chung trong tuần qua, giá đường giảm 7,76%, còn trong tháng 2 giảm nhẹ 0,76%.
Tuy nhiên, Tổ chức Đường Quốc tế dự báo năm 2019/20 sẽ thiếu hụt 9,44 triệu tấn đường, mức thiếu hụt lớn nhất trong 11 năm.
Trong nhóm ngũ cốc, giá lúa mì tại Mỹ phiên cuối tuần giảm phiên thứ 7 liên tiếp trong 8 phiên xuống mức thấp nhất 3,5 tháng, do các trường hợp nhiễm virus corona mới ngoài Trung Quốc tăng mạnh, dấy lên mối lo ngại virus trở thành đại dịch.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 1/4 US cent lên 3,68-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm mức thấp 3,65-3/4 USD/bushel. Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 2-1/2 xuống 5,25 USD/bushel, trong đầu phiên giao dịch chạm 5,12-1/2 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 18/11/2019. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 2-1/4 US cent xuống 8,92-3/4 USD/bushel.
Tính chung cả tuần, giá đậu tương có tuần tăng nhẹ, song ngô có tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 11/2019 và lúa mì có tuần giảm mạnh nhất 1 năm. Tính chung trong tháng 2, giá đậu tương giảm 0,83%, còn lúa mì giảm 5,93%.
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm 3,54% trong phiên cuối tuần và có tuần giảm mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ, do các trường hợp nhiễm virus corona mới ngoài Trung Quốc tăng mạnh, dấy lên mối lo ngại về nhu cầu dầu thực vật toàn cầu suy giảm. Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 87 ringgit xuống 2.372 ringgit (560,09 USD)/tấn.
Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 9,5% - tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2008 và trong tháng 2/2020 giá dầu cọ giảm gần 9% - tháng giảm thứ 2 liên tiếp.
Giá bông tuần qua giảm mạnh nhất 8,5 năm do lo ngại nhu cầu sụt giảm vì virus corona. Phiên cuối tuần, bông kỳ hạn tháng 5 giảm 0,1 US cent, tương đương 1,62%, xuống 61,49 US cent/lb; trong phiên có lúc giảm 3,4%. Tính chung cả tuần, giá giảm 11% và là tuần giảm nhiều nhất trong 8 năm rưỡi. 
Giá cao su tại Tokyo trong phiên cuối tuần giảm hơn 4% - phiên giảm thứ 5 liên tiếp và có tuần giảm 9%, do số trường hợp nhiễm virus corona ngoài Trung Quốc tăng làm dấy lên mối lo ngại nền kinh tế toàn cầu suy giảm. Cao su kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn TOCOM giảm 8,2 JPY tương đương 4,5% xuống 172,2 JPY(1,56 USD)/kg, trong phiên có lúc chạm 171,6 JPY/kg, thấp nhất kể từ ngày 4/2/2020. Tính chung cả tháng, giá cao su giảm 5% - tháng giảm thứ 2 liên tiếp.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 765 CNY xuống 10.550 CNY/tấn.

Giá hàng hóa thế giới

ĐVT

Giá 31/1/20

Giá 28/2/2020

28/2 so với 27/1

28/2 so với 27/1 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

51,56

44,76

-2,33

-4,95%

Dầu Brent

USD/thùng

56,62

49,67

-2,06

-3,98%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

36.760,00

33.200,00

-270,00

-0,81%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,84

1,68

-0,07

-3,88%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

150,41

148,28

-3,78

-2,49%

Dầu đốt

US cent/gallon

162,84

147,73

-0,98

-0,66%

Dầu khí

USD/tấn

501,00

441,00

-4,25

-0,95%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

52.430,00

48.600,00

-350,00

-0,71%

Vàng New York

USD/ounce

1.587,90

1.566,70

-75,80

-4,61%

Vàng TOCOM

JPY/g

5.533,00

5.470,00

-218,00

-3,83%

Bạc New York

USD/ounce

18,01

16,46

-1,28

-7,21%

Bạc TOCOM

JPY/g

63,00

58,00

-1,70

-2,85%

Bạch kim

USD/ounce

961,03

866,30

-36,74

-4,07%

Palađi

USD/ounce

2.287,77

2.616,55

-249,65

-8,71%

Đồng New York

US cent/lb

251,70

254,00

-3,15

-1,23%

Đồng LME

USD/tấn

5.567,00

5.635,00

+19,00

+0,34%

Nhôm LME

USD/tấn

1.722,00

1.694,50

+4,50

+0,27%

Kẽm LME

USD/tấn

2.200,00

2.021,50

+9,50

+0,47%

Thiếc LME

USD/tấn

16.375,00

16.290,00

-55,00

-0,34%

Ngô

US cent/bushel

381,25

368,25

+0,25

+0,07%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

553,75

525,00

-2,50

-0,47%

Lúa mạch

US cent/bushel

303,75

272,75

-7,00

-2,50%

Gạo thô

USD/cwt

13,61

13,60

+0,03

+0,22%

Đậu tương

US cent/bushel

872,50

892,75

-2,25

-0,25%

Khô đậu tương

USD/tấn

291,00

305,60

+2,00

+0,66%

Dầu đậu tương

US cent/lb

29,94

28,68

-0,51

-1,75%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

450,50

456,30

-0,30

-0,07%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.777,00

2.672,00

-73,00

-2,66%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

102,65

111,35

+1,60

+1,46%

Đường thô

US cent/lb

14,61

14,14

-0,06

-0,42%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

95,95

95,95

+0,90

+0,95%

Bông

US cent/lb

67,50

61,49

-1,01

-1,62%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

435,50

410,90

-17,10

-4,00%

Cao su TOCOM

JPY/kg

178,40

171,00

-1,20

-0,70%

Ethanol CME

USD/gallon

1,35

1,27

0,00

0,00%

Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg