Năng lượng: Giá dầu giảm gần 20%, khí gas cũng đi xuống
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu Mỹ giảm sâu trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại nguồn cung gia tăng và nhu cầu vẫn sụt giảm mà không còn nhiều chỗ chứa lượng dầu dư thừa.
Kết thúc phiên này, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn giao tháng 5/2020 giảm 1,6 USD (gần 8,1%) xuống 18,27 USD/thùng - mức đóng phiên thấp nhất kể từ tháng 1/2002 đối với một hợp đồng dầu kỳ hạn giao sau 1 tháng; tuy nhiên dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2020 tăng 26 US cent, hay 0,9%, lên 28,08 USD/thùng.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu Mỹ giảm 19,7%, trông khi dầu Brent giảm 10,8%.
Nguyên nhân khiến giá dầu Brent và dầu WTI diễn biến trái chiều trong phiên cuối tuần là do quan điểm cho rằng châu Âu đang đi trước Mỹ trong lịch trình mở cửa trở lại nền kinh tế khi tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại và thương mại sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với xăng và các sản phẩm năng lượng. Nhiều nước ở châu Âu đang bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, trong khi Mỹ có lẽ phải mất nhiều tuần nữa mới có thể làm được điều này.
Chuyên gia Eugen Weinberg của Commerzbank cho rằng diễn biến của dầu WTI cũng cho thấy thị trường đang mong chờ các động thái cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất Mỹ để giảm bới lượng dư thừa nguồn cung.
Ngày 17/4, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, số lượng giàn khoan đang hoạt động của Mỹ đã giảm 66 giàn xuống còn 438 giàn trong tuần kết thúc vào ngày 17/4, là tuần giảm thứ năm liên tiếp, cho thấy sản lượng dầu của Mỹ có thể sắp giảm xuống.
Manish Raj, Giám đốc tài chính của công ty Velandera Energy, cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được gần đây giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cũng như những cam kết cắt giảm tự nguyện của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có thể sẽ dần tái cân bằng thị trường đến hết năm nay.
Tuy nhiên, ông Raj nhấn mạnh tất cả các cam kết cắt giảm sản lượng nếu có đều sẽ chỉ diễn ra dần dần trong tương lai, trong khi sự sụt giảm về nhu cầu lại là vấn đề trước mắt.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay ở Châu Á trong tuần vừa qua cũng giảm do COVID-19 làm giảm nhu cầu, khiến nhiều khách hàng tạm hoãn việc mua vào lúc này.
Giá LNG giao tháng 6 tới Đông Bắc Á trung bình khoảng 2,3 USD/mmBtu, thấp hơn 0,2 USD/mmBtu so với tuần trước. Giá khí đốt hiện nay gần bằng một nửa của một năm trước, theo số liệu của Reuters. Tồn trữ LNG và khí đốt trên khắp thế giới đều đang ở mức cao. Một số khách hàng đang cố gắng trì hoãn việc giao hàng.
Kim loại quý: Giá vàng giảm trên 3% trong tuần
Phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giảm do giới đầu tư lại rời xa dần những tài sản trú ẩn an toàn như vàng trước sự lạc quan về loại thuốc có khả năng điều trị COVID-19 và và việc Mỹ đang mở cửa dần trở lại nền kinh tế.
Kết thúc phiên này, vàng giao ngay giảm 1,9% xuống 1.685,84 USD/ounce, thấp hơn hơn 60 USD so với mức đỉnh 7,5 năm đã đạt trong tuần vừa qua do lo ngại khủng hoảng tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ; vàng kỳ hạn tháng 6/2020 giảm 1,9% xuống 1,698,8 USD/ounce, thu hẹp chênh lệch so với giá vàng giao ngay, cho thấy giới đầu tư hy vọng tình hình cung ứng trên toàn cầu đang dần được cải thiện.
Tính chung cả tuàn, giá vàng giảm 3,1%, theo số liệu của FactSet.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa theo quá trình gồm 3 giai đoạn, và cho phép các bang linh hoạt trong thời điểm thực hiện việc mở cửa trở lại.
Tâm lý lạc quan trên thị trường cũng tăng lên sau thông tin cho thấy các số liệu đầy khích lệ từ việc thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 của công ty dược phẩm Gilead Sciences Inc của Mỹ.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới OANDA, Edward Moya, nhận định rằng mặc dù nhu cầu đầu tư vào các tài sản rủi ro đang có chiều hướng gia tăng, nhưng vàng vẫn sẽ được hỗ trợ bởi một loạt các chương trình kích thích tiền tệ và tài khóa sẽ được đưa ra trong thời gian tới để giảm thiểu những thiệt hại lâu dài mà dịch COVID-19 gây ra cho các nền kinh tế.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng tăng mạnh nhất 14 tháng
Phiên giao dịch cuối tuần qua, giá đồng trên sàn London tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng do kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế của Mỹ và những dấu hiệu phục hồi sản lượng công nghiệp của Trung Quốc, mặc dù tăng trưởng tại quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới này giảm trong quý 1/2020.
Kết thúc phiên này, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,4% lên 5.212 USD/tấn; tính chung cả tuàn giá tăng khoảng 4% - nhiều nhất kể từ tháng 2/2019.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3 đã giảm ít hơn so với dự kiến, cho thấy các chính sách hỗ trợ về thuế và tín dụng cho các công ty bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã giúp khôi phục phần nào cho nền kinh tế bị đóng cửa suốt từ tháng 2.
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump đưa ra những hướng dẫn mới cho các bang của Mỹ có thể thực hiện mở lại cửa nền kinh tế Mỹ theo 3 giai đoạn cũng góp phần đẩy giá kim loại cơ bản đi lên.
Ngoài ra, giá đồng cũng được hỗ trợ bởi công ty Rio Tinto, nhà khai thác đồng lớn thứ 2 thế giới, đang giảm ước tính sản lượng đồng hàng năm xuống 475.000 – 520.000 tấn từ 530.000 – 570.000 tấn trước đó.
Lượng đồng lưu kho trên Sàn giao dịch Thượng Hải đạt 303.366 tấn, thấp nhất trong gần 2 tháng. Dự trữ của kho LME tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2019, tăng 4.600 tấn lên 265.425 tấn.
Đối với nhóm sắt thép, giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng sau khi công ty khai thác Rio Tinto cho biết nhu cầu nguyên liệu thô để sản xuất thép này của Trung Quốc tiếp tục phục hồi, nhưng số liệu kinh tế của Trung Quốc cho thấy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến các nhà đầu tư giảm lạc quan.
Công ty Ango của Australia cho biết nhu cầu từ các nhà máy thép của Trung Quốc, đặc biệt đối với nguyên liệu loại cao cấp, vẫn cao, bất chấp các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết nền kinh tế nước này đã được cải thiện trong tháng 3 sau khi suy yếu trong 2 tháng đầu năm nay.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,3% lên 612 CNY (86,47 USD)/tấn, sau khi tăng khoảng 2,9% lên mức cao nhất 8 tháng trong phiên giao dịch này. Tính chung cả tuần, giá tăng và là tuần tăng thứ 2 liên tiếp bất chấp số liệu cho thấy sản lượng kinh tế của Trung Quốc trong quý 1 giảm lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
Giá quặng sắt nhập khẩu giao ngay cũng tăng trong tuần vừa qua, theo đó quặng hàm lượng 62% xuất sang Trung Quốc ở mức 86,5 USD/tấn trong ngày 16/4, cao nhất kể từ ngày 27/3, theo số liệu từ công ty tư vấn SteelHome.
Công ty Rio Tinto, nhà khai thác quặng sắt hàng đầu thế giới, đã báo cáo sản lượng trong quý 1 vừa qua cao hơn dự kiến, nhưng hiện hãng duy trì sản lượng hàng năm đã định.
Giá thép thanh trên sàn giao dịch Thượng Hải phiên cuối tuần ít thay đổi, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,6% và thép không gỉ tăng 1,5%. Sản lượng thép thô của Trung Quốc giảm 1,7% trong tháng 3/2020 so với cùng tháng năm trước do các nhà máy cắt giảm san xuất bởi tồn trữ cao và lợi nhuận thấp trong bối cảnh đại dịch.
Nông sản: Giá hầu hết giảm trong tuần, trừ cao su và đường
Giá nông sản Mỹ phiên cuối tuần qua biến động trái chiều, theo đó giá ngô và lúa mỳ tăng, trong khi giá đậu tương giảm. Cụ thể, giá ngô giao tháng 7/2020 tăng 3 US cent tương đương 0,92%, lên 3,2925 USD/bushel; lúa mì giao tháng 7/2020 tăng 3,25 US cent, tương đương 0,61%, và đóng cửa ở mức 5,3375 USD/bushel. Ở chiều ngược lại, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn lại giảm 3,5 US cent, tương đương 0,41%, xuống còn 8,4225 USD/bushel.
Tính chung cả tuần, giá ngô giảm 2,37%, lúa mì giảm 4,38% trong khi đậu tương giảm 2,32%.
Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế, qua đó thắp lên hy vọng rằng nhu cầu tiêu thụ hợp chất ethanol sắp tới sẽ tăng, đã đẩy giá ngô lên cao. Trước đó, hoạt động sản xuất nhiên liệu ethanol đã “đóng băng” do đại dịch COVID-19 bùng phát khiến các hoạt động di chuyển và vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề.
Các nhà môi giới của sàn Chicago ước tính rằng có khoảng 3.100 hợp đồng lúa mỳ và 4.200 hợp đồng ngô đã được giao dịch, trong khi số lượng hợp đồng mua bán đậu tương không thay đổi. Trong bối cảnh vụ mùa thu hoạch mới đang đến gần, các chuyên gia đang chờ đợi một sự đột biến từ nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc đối với đậu tương Mỹ.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2020 đóng cửa phiên cuối tuần tăng 0,21 US cent hay 2,1% lên 10,37 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 tăng 2,2 USD hay 0,7% lên 340 USD/tấn.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá đường vẫn tăng nhẹ 1,97% vì các chuyên gia cho rằng thị trường đường trắng vẫn đang thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, đối với đường thô tình hình kém khả quan hơn. Các công ty đường và ethanol của Brazil đang rất khó khăn do giá dầu và giá đường cùng giảm.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2020 đóng cửa phiên cuối tuần giảm 2,15 US cent, hay 1,8%, xuống 1,1755 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn cũng giảm 17 USD hay 1,4% xuống 1.188 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá cà phê giảm 3,09% do nhu cầu cà phê ở người tiêu dùng tiếp tục sụt giảm khi các văn phòng, khách sạn, nhà hàng trên toàn cầu đều đóng cửa.
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo tăng trong phiên cuối tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch dần mở cửa lại nền kinh tế, điều này đã lấn át số liệu kinh tế u ám của Trung Quốc trong quý 1. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 tại Tokyo đóng cửa phiên này tăng 2,7 JPY lên 153,9 JPY (1,43 USD)/kg. Tính chung cả tuần cao su tăng 0,6%, đánh dấu tuần thứ 2 tăng liên tiếp. Cao su kỳ hạn tháng 9 tại sàn giao dịch Thượng Hải tăng 90 CNY lên 10.050 CNY (1.421 USD)/tấn.

Giá hàng hóa thế giới tuần qua

ĐVT

Giá 10/4

Giá 17/4

Giá 17/4 so với 16/4

17/4 so với 16/4 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

22,76

28,34

18,27

-1,60

Dầu Brent

USD/thùng

31,48

34,11

28,08

+0,26

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

25.020,00

25.950,00

25.070,00

-130,00

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,73

1,62

1,75

+0,07

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

67,73

69,16

71,07

+0,56

Dầu đốt

US cent/gallon

97,26

107,06

95,63

+1,00

Dầu khí

USD/tấn

302,50

297,00

275,50

+4,50

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

37.050,00

36.200,00

35.400,00

+360,00

Vàng New York

USD/ounce

1.752,80

1.645,70

1.698,80

-32,90

Vàng TOCOM

JPY/g

5.860,00

5.640,00

5.793,00

-24,00

Bạc New York

USD/ounce

16,05

14,49

15,49

-0,28

Bạc TOCOM

JPY/g

54,00

50,50

52,60

0,00

Bạch kim

USD/ounce

750,29

725,13

776,65

-13,18

Palađi

USD/ounce

2.177,56

2.164,10

2.166,32

-4,59

Đồng New York

US cent/lb

225,95

219,25

235,70

+5,15

Đồng LME

USD/tấn

5.019,50

4.839,50

5.211,00

+71,00

Nhôm LME

USD/tấn

1.479,50

1.481,50

1.507,00

-5,50

Kẽm LME

USD/tấn

1.901,00

1.882,00

1.958,00

+20,00

Thiếc LME

USD/tấn

14.958,00

14.123,00

15.070,00

+110,00

Ngô

US cent/bushel

336,75

330,75

329,25

+3,00

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

557,50

549,25

533,75

+3,25

Lúa mạch

US cent/bushel

274,25

272,75

272,00

-3,00

Gạo thô

USD/cwt

14,52

14,55

14,50

+0,17

Đậu tương

US cent/bushel

871,00

854,25

842,25

-3,50

Khô đậu tương

USD/tấn

297,80

303,20

293,10

-3,00

Dầu đậu tương

US cent/lb

27,76

26,43

26,67

-0,01

Hạt cải WCE

CAD/tấn

468,90

469,90

463,60

-1,20

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.311,00

2.260,00

2.368,00

+110,00

Cà phê Mỹ

US cent/lb

119,75

114,90

117,55

-2,15

Đường thô

US cent/lb

10,49

10,31

10,53

+0,20

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

110,95

112,50

107,40

-1,80

Bông

US cent/lb

54,40

50,98

52,86

-0,16

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

322,10

264,00

346,60

+7,00

Cao su TOCOM

JPY/kg

151,30

145,80

153,80

-0,10

Ethanol CME

USD/gallon

0,97

0,86

0,99

+0,02

 

 

Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg