Năng lượng: Giá dầu có lúc đạt mức cao nhất trong năm
Thị trường dầu thô thế giới tuần qua biến động mạnh. Có thời điểm giá tăng vọt lên mức đỉnh của năm nay khi có một số thông tin cho thấy nguồn cung sẽ thắt chặt hơn.Tuy nhiên, mối lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này sụt giảm đã kéo lùi đà tăng của giá mặt hàng này trong phiên cuối tuần. Tính chung cả tuần, giá dầu thô Brent giảm 0,2%, còn giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 0,8% so với tuần giao dịch trước.
Phiên 21/3, giá dầu thô Brent đã có lúc chạm mức cao nhất trong bốn tháng là 68,69 USD/thùng và WTI lên mức đỉnh của năm 2019 là 60,39 USD/thùng. Tuy nhiên, kết thúc phiên này, giá dầu thế giới đã rời khỏi các mức cao này.
Phiên cuối tuần, giá dầu Brent giảm 1,2% trong khi dầu WTI giảm 1,6% do đàm phán thương mại Mỹ-Trung thiếu bước tiến triển mới, cộng thêm việc kinh tế thế giới có thêm các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại từ các nền kinh tế lớn ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đã khiến giới giao dịch lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.
Kết thúc phiên này, dầu thô Brent kỳ hạn giảm 83 cent, tương đương1,2% xuống mức 67,30 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá giảm khoảng 0,2%. Giá hợp đồng này đã chạm mức cao nhất 4 tháng là 68,69 USD vào phiên giao dịch liền trước. Cùng phiên, dầu WTI giảm 94 cent, tương đương 1,6%, còn 59,04 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá tăng 0,8%. Trong tuần, giá WTI đã chạm mức cao nhất từ đầu năm tới nay là 60,39 USD vào phiên liền trước.
Thị trường tiếp tục chịu tác động từ thông tin đa chiều.
Thống kê cho thấy sản lượng dầu thô của OPEC đã giảm từ mức đỉnh 32,8 triệu thùng/ngày hồi giữa năm 2018 xuống 30,7 triệu thùng/ngày trong tháng Hai vừa qua.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu hàng đầu OPEC, đã phát đi tín hiệu rằng OPEC+ có thể sẽ cần phải kéo dài việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày sang nửa cuối năm 2019.
Trong khi đó, một số dấu hiệu cho thấy lượng dầu thô dự trữ tại kho Cushing, Oklahoma của Mỹ, đang trên đà giảm. Cụ thể, theo số liệu của công ty Genscape, lượng dầu dự trữ tại Cushing đã giảm 1,08 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/3. Viện Dầu khí Quốc gia Mỹ (API) công bố dữ liệu cho hay dự trữ dầu thô của nước này giảm 2,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/3, xuống 446,8 triệu thùng.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế bởi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo một cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành, ba trong số bốn công ty của Nhật Bản cho rằng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài ít nhất cho đến cuối năm nay. Giá dầu thô Brent và WTI chốt tuần này lần lượt ở mức 67,30 USD/thùng và 59,04 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng gần 1/3 trong năm nay, nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ và các nước đồng minh, trong đó có Nga, cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela.
Kim loại quý: giá vàng tăng mạnh nhất 2 tháng
Tuần qua, giá vàng thế giới tăng gần 1%, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong gần hai tháng, mặc dù thị trường vẫn lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, nhất là sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi cơ bản.
Phiên cuối tuần, giá tăng giữa bối cảnh số liệu kinh tế bi quan từ Khu vực đồng euro (Eurozone) làm dấy lên lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên này, giá vàng giao ngay tăng khoảng 0,3% đạt 1.313.07 USD/ounce trong khi giá vàng giao sau tăng 0,4% đạt 1.312,3 USD. Tính chung cả tuần, giá vàng đã tăng gần 1%, tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2. Phiên trước đó, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 28/2 là 1.320,22 USD.
Cũng trong phiên cuối tuần, giá palađi giảm 3% xuống còn 1.560,51 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại là 1.620,53 USD trong phiên liền trước. Bạc giảm 0,4% xuống còn 15,41 USD/ounce, nhưng tính chung cả tuần tăng 0,8%. Giá bạch kim giảm 1,4% xuống còn 846 USD, nhưng tính chung cả tuần tăng hơn 2%.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp mới đây nhất đã quyết định giữ nguyên lãi suất và dự định sẽ không tăng thêm một lần nào nữa trong năm nay do môi trường bên ngoài nước Mỹ đang có nhiều bất lợi.
Một số chuyên gia dự báo sự thiếu chắc chắn về tiến trình Brexit và các yếu tố địa chính trị có thể đẩy giá vàng lên cao hơn trong thời gian tới.
Theo một cuộc khảo sát, hoạt động kinh doanh tại Eurozone “tệ” hơn dự kiến trong tháng 3/2019, khi hoạt động sản xuất suy giảm với tốc độ cao nhất trong gần sáu năm, do nhu cầu giảm mạnh. Nhà phân tích Jim Wyckoff, thuộc Kitco Metals, nhận định nhu cầu đối với tài sản an toàn như vàng đã gia tăng.
Kim loại công nghiệp: Đồng có lúc cao nhất 8 tháng
Phiên cuối tuần, giá đồng giảm sau khi các số liệu của các nhà máy châu Âu và Mỹ yếu, dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu và USD vững. Giá đồng tại LME chốt phiên giảm 1,7% còn 6.312 USD/tấn, trượt khỏi mức cao nhất trong 8 tháng là 6.555,50 USD vào thứ Năm. Tính chung cả tuần, giá đồng giảm 1,7%, tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12.
Daniel Briesemann, nhà phân tích của Commerzbank cho biết giá đồng được hỗ trợ bởi thiếu hụt nguồn cung và tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn nếu Mỹ Trung giải quyết tốt tranh chấp thương mại. Ông cũng hy vọng rằng nhu cầu yếu sẽ đưa giá trở lại khoảng 6.500 USD vào cuối năm nay.
Dự trữ đồng tại LME đã tăng lên khỏi mức thấp nhất 14 năm, tăng 1.300 tấn lên 140.650 tấn vào ngày cuối tuần, tuy vẫn thấp hơn mức bình thường. Trong khi đó, kho dự trữ tại Thượng Hải giảm nhẹ xuống còn 259.172 tấn.
Thị trường đồng toàn cầu đã thâm hụt 387.000 tấn trong năm ngoái, so với mức thiếu hụt 265.000 tấn trong năm 2017, Nhóm nghiên cứu đồng quốc tế cho biết. ICBC Standard dự kiến thị trường đồng sẽ thiếu hụt 638.000 tấn trong năm 2019-21, và giá sẽ ở mức 7.000 USD vào quý cuối năm nay, tăng lên 8.000 USD trong hai năm tới.
Cũng trong phiên cuối tuần, giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc tăng cao do lo ngại về nguồn cung từ nhà sản xuất quặng lớn nhất thế giới Vale, nhưng tính chung cả tuần giá giảm, tuần giảm đầu tiên trong 1 tháng qua. Một tòa án ở bang Minas Gerais, Brazil đã ra lệnh dừng hoạt động tại mỏ Dique III, tuy nhiên tác động của lệnh cấm này tới sản xuất vẫn chưa rõ ràng.
Giá quặng giao tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên chốt phiên tăng 0,5% đạt 615,5 CNY(91,86 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá hợp đồng này giảm 1,6% sau khi tăng trong ba tuần qua do nhu cầu thép tăng tại các nhà máy trong khi nguồn cung bị đe dọa.
Trong khi đó, giá thép dao động trái chiều. Giá thép cây tại Thượng Hải chốt phiên giảm 0,8% xuống 3.768 CNY/tấn, nhưng giá thép cuộn cán nóng tăng nhẹ đạt mức 3.712 CNY/tấn so với mức 3.710 CNY/tấn trong phiên trước đó.
Nông sản: Giá cà phê giảm trong tuần, đường tăng
Giá cà phê arabica giảm trong phiên cuối tuần do nguồn cung nhiều và đồng nội tệ Brazil yếu đi. Trái lại, đường thô tăng giá trong phiên này.
Cà phê arabica giao tháng 5/2019 trên sàn New York phiên cuối tuần giảm 0,9 UScent tương đương 1% xuống 93,90 UScent/lb, sau khi có lúc xuống chỉ 93,65 UScent. Tính chung cả tuần, giá giảm 3,9%, là tuần giảm giá thứ 7 trong vòng 8 tuần qua.
Cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London cũng giảm 9 USD tương đương 0,6% xuống 1.494 USD/tấn.
Đường thô giao tháng 5 tăng 0,07 UScent tương đương 0,6% lên 12,57 UScent/lb, tính chung cả tuần giá tăng 0,4% do dự báo thị trường niên vụ 2019/20 sẽ thiếu hụt. Đường trắng phiên cuối tuần tăng 20 UScent tương đương 0,1% lên 335,40 USD/tấn.
Giá ngô Mỹ phiên cuối tuần tăng lên mức cao nhất 3,5 tuần sau khi Trung Quốc đặt mua một khối lượng lớn nhất trong hơn 5 năm và lũ lụt ở miền Tây Trung Mỹ gây lo ngại về vụ gieo trồng xuân. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo bán 300.000 tấn ngô cho Trung Quốc trong ngày hôm qua.
Giá ngô kỳ hạn tại Chicago chốt phiên tăng 2 cent đạt 3,78-1/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá tăng 1,3%, tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Trong khi đó, giá đậu tương có phiên giảm đầu tiên trong ba phiên qua do lo ngại về nhu cầu yếu, nguồn cung dồi dào tại Mỹ, vụ mùa bội thu ở Brazil. Giá đậu tương chốt phiên giảm 6-3/4 cent còn 9.03-3/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần giảm 0,6%.
Giá lúa mì kỳ hạn cuối phiên quay đầu giảm do hoạt động bán trục lợi sau khi đạt mức cao 3,5 tuần vào phiên sáng. Giá lúa mì CBOT giao tháng 5 giảm 1/2 cent xuống 4,66 USD/bushel sau khi đạt mức cao nhất 3-1/2 tuần là 4,73-3/4 USD. Tính chung cả tuần, giá tăng 0,8%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
Giá cao su giảm trên các thị trường châu Á trong phiên cuối tuần. Giá cao su tại Tokyo giao hàng tháng 8/2019 giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng theo xu hướng giảm giá tại Thượng Hải và đồng yên tăng, đánh dấu tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Chốt phiên, giá hợp đồng này đã giảm 2 JPY, tương đương 1,1%, xuống mức thấp 189,8 JPY(1,72 USD)/kg sau khi chạm mức thấp nhất kể từ 19/2 vào phiên sáng. Tính chung cả tuần, giá giảm 1,7%.
Giá hợp đồng giao tháng 5/2019 tại Thượng Hải chốt phiên giảm 75 CNY còn11.880 CNY (1.770 USD)/tấn. Dự trữ cao su tại Thượng Hải tăng 0,8% so với thứ Sáu tuần trước.
Giá cao su TSR 20 tại Tocom kỳ hạn tháng 9/2019 chốt phiên giảm 0,9% xuống còn 167,5 JPY/kg. Giá cao su giao tháng 4/2019 tại Singapore đạt 148,0 US cent/kg, giảm 0,4%.

Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá 16/3

Giá 23/3

Giá 23/3 so với 22/3

Giá 23/3 so với 22/3 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

58,29

59,04

-0,94

-1,57%

Dầu Brent

USD/thùng

67,02

67,03

-0,83

-1,22%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

45.290,00

44.330,00

-1.120,00

-2,46%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,79

2,75

-0,07

-2,41%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

185,40

192,59

+0,56

+0,29%

Dầu đốt

US cent/gallon

196,56

196,59

-2,12

-1,07%

Dầu khí

USD/tấn

605,75

597,25

-13,00

-2,13%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

61.100,00

60.340,00

-1.190,00

-1,93%

Vàng New York

USD/ounce

1.298,80

1.318,70

+5,10

+0,39%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.648,00

4.634,00

-20,00

-0,43%

Bạc New York

USD/ounce

15,25

15,41

-0,03

-0,19%

Bạc TOCOM

JPY/g

54,80

54,70

-0,50

-0,91%

Bạch kim

USD/ounce

824,84

847,23

-14,37

-1,67%

Palađi

USD/ounce

1.545,22

1.553,43

-45,40

-2,84%

Đồng New York

US cent/lb

290,70

284,25

-6,35

-2,19%

Đồng LME

USD/tấn

6.431,00

6.312,00

-109,00

-1,70%

Nhôm LME

USD/tấn

1.897,00

1.903,00

+3,50

+0,18%

Kẽm LME

USD/tấn

2.790,00

2.815,00

-20,00

-0,71%

Thiếc LME

USD/tấn

21.075,00

21.425,00

+50,00

+0,23%

Ngô

US cent/bushel

374,00

378,25

+2,00

+0,53%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

458,50

466,00

-0,50

-0,11%

Lúa mạch

US cent/bushel

277,00

278,50

-2,25

-0,80%

Gạo thô

USD/cwt

10,78

11,21

+0,13

+1,13%

Đậu tương

US cent/bushel

908,25

903,75

-6,75

-0,74%

Khô đậu tương

USD/tấn

310,60

315,00

-0,30

-0,10%

Dầu đậu tương

US cent/lb

29,49

28,66

-0,44

-1,51%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

465,40

453,90

-14,30

-3,05%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.197,00

2.159,00

+27,00

+1,27%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

97,80

93,90

-0,90

-0,95%

Đường thô

US cent/lb

12,52

12,57

+0,07

+0,56%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

126,40

129,85

+2,35

+1,84%

Bông

US cent/lb

75,68

76,58

-0,60

-0,78%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

390,20

368,30

-10,10

-2,67%

Cao su TOCOM

JPY/kg

193,70

188,30

-1,50

-0,79%

Ethanol CME

USD/gallon

1,38

1,43

+0,02

+1,20%

Nguồn: VITIC/Bloomberg, Reuters, CafeF

Nguồn: Vinanet