Năng lượng: Giá dầu giảm sau một tuần trồi sụt, khí gas thấp nhất 3 năm
Thị trường dầu thế giới tuần qua chịu tác động từ một số yếu tố trái chiều: triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất đẩy giá tăng trong hai phiên 29 và 30/7/2019, tiếp tục tăng trong phiên 31/7/2019 khi Fed quyết định hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm – lần giảm đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - trong bối cảnh nguy cơ bất ổn kinh tế gia tăng. Tuy nhiên, quyết định đánh thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến giá dầu đảo chiều giảm mạnh trong hai phiên 1 và 2/8/2019, để tính chung cả tuần giá dầu Brent Biển Bắc giảm khoảng 2,7%, còn dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm khoảng 1,2%.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu tăng khoảng 3%, theo đó dầu Brent kỳ hạn tháng 10/2019 tăng 1,39 USD, hay 2,3%, lên 61,89 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI giao tháng 9/2019 tăng 1,71 USD, hay 3,17% lên 55,66 USD/thùng. Nhờ đó mức giảm giá trong tuần được thu hẹp lại.
Một số yếu tố khác tác động tới thị trường dầu mỏ tuần qua:
- Rủi ro nguồn cung do tình hình căng thẳng tại Eo biển Hormuz, “hành lang” trung chuyển của khoảng 20% lượng dầu trên thế giới, vẫn ở mức cao.
- Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 26/7/2019, lượng dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã giảm 8,5 triệu thùng so với tuần trước đó, trong khi các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của S&P Global Platts dự báo mức giảm sẽ chỉ là 3,9 triệu thùng.
- Sản lượng dầu Mỹ vẫn ở gần mức kỷ lục, trên 12 triệu thùng/ngày, đưa nước này trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Sản lượng dầu tại Texas, bang sản xuất “vàng đen” lớn nhất của Mỹ, đã tăng khoảng 16.000 thùng/ngày lên 4,97 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2019.
Ông Ryan Fitzmaurice, Chiến lược gia hàng hóa của công ty RoboResearch nhận định thị trường vẫn đang bị chi phối bởi quyết định đánh thuế trên của Washington, nhưng từ đầu năm đến nay Trung Quốc nhập khẩu rất ít dầu thô từ Mỹ, nên mức thuế trên rất ít khả năng sẽ tác động trực tiếp đến thị trường dầu.
Đã từng là nước nhập khẩu dầu hàng đầu của Mỹ, nhưng Trung Quốc hồi năm ngoái đã hạn chế mua dầu từ Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể là yếu tố thúc đẩy Fed thực hiện thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn nữa, và điều này có thể hỗ trợ cho giá dầu.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 năm trong tuần này do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu yếu.
LNG bán cho các khách hàng ở Đông Bắc Á kỳ hạn tháng 9/2019 hiện chỉ 4,10 USD/mmBtu, giảm 15 US cent so với cách đây một tuần. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016.
Kim loại quý: Giá vàng đi lên
Sự leo thang trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và động thái nới lỏng tiền tệ của Fed là hai yếu tố chính chi phối giá vàng thế giới trong tuần giao dịch vừa qua. Tính chung cả tuần, giá kim loại quý này tăng gần 2%.
Trong hai phiên đầu tuần, trước khi Fed kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài trong hai ngày, vàng thế giới vẫn vững đà tăng giá trước kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng chờ đợi để tìm kiếm thêm manh mối về lộ trình nới lỏng tiền tệ trong tương lai của ngân hàng trung ương Mỹ. Triển vọng này sẽ khiến đồng USD yếu đi và qua đó tiếp thêm lực đẩy cho giá vàng. Trước đó, đồng USD đã giao dịch gần mức đỉnh của hai tháng so với rổ tiền tệ chủ chốt.
Ngoài ra, các nhà giao dịch và đầu tư trên thị trường cũng theo dõi sát sao cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong tuần tại Thượng Hải. Chuyên gia phân tích Helen Lau của công ty Argonaut Securities cho rằng nếu các cuộc đàm phán tiếp tục “dậm chân tại chỗ”, nó sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và khiến ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới nới lỏng tiền tệ, không chỉ Mỹ. Và diễn biến này sẽ hỗ trợ giá vàng.
Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch 31/7/2019, giá vàng thế giới đi xuống, trước sự mạnh lên của đồng USD và Fed quyết định hạ lãi suất nhẹ hơn kỳ vọng.
Đáng chú ý, trong phiên, đồng USD cũng leo lên mức cao nhất trong hai năm so với đồng euro. Vàng thường biến động ngược chiều với đồng USD khi đà tăng của đồng tiền này khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn với các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Sang phiên ngày 1/8/2019, giá vàng thế giới đã lấy lại đà tăng với mức tăng gần 2% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế bổ sung lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái này đã làm nóng thêm tình hình căng thẳng thương mại giữa hai nước đồng thời kéo đồng USD rời khỏi mức “đỉnh” của hai năm.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, vàng thế giới vững giá khi đồng USD suy giảm trước số liệu việc làm kém khả quan của Mỹ.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay vững ở 1.444,86 USD/ounce, tính chung cả tuần giá tăng gần 2%; vàng kỳ hạn tháng 8/2019 đạt 1.445,6 USD/ounce, kỳ hạn tháng 9/2019 giá 1.448,7 USD/ounce, và tháng 12/2019 đạt 1.457,5 USD/ounce (tăng 1,8%).
Chuyên gia Edward Meir của công ty INTL FCStone cho rằng vàng đang được hỗ trợ bởi xu hướng hạ lãi suất của ngân hàng trung ương nhiều nước trước tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục suy yếu.
Bên cạnh đó, số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đã chậm lại trong tháng Bảy, cùng với sự leo thang trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, có thể tiếp thêm động lực để Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng tới. Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí của việc nắm giữ vàng và gây áp lực lên đồng USD, từ đó thúc đẩy giá kim loại này đi lên.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng loạt giảm
Giá đồng tiếp tục giảm do lo ngại về hậu quả kinh tế sau tuyên bố tăng thuế của ông Trump. Kết thúc phiên vừa cuối tuần, đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 2,9% xuống 5.729,5 USD/tấn, sau khi có lúc xuống chỉ 5.725 USD/tấn (thấp nhất kể từ tháng 1/2019). Tính chung cả tuần, giá giảm 4%, nhiều nhất kể từ tháng 8/2018.
Các kim loại khác cũng đồng loạt giảm trong phiên vừa qua, đáng chú ý kẽm chạm mức thấp nhất trong vòng 11 tháng. Tính chung trong tuần, giá nhôm giảm 3%.
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc giảm trên 4% trong phiên cuối tuần, là mức giảm mạnh nhất 4 tuần, và kết thúc tuần giảm thứ 2 liên tiếp, do Brazil thông báo khôi phục xuất khẩu và lo ngại nhu cầu sụt giảm sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố bổ sung thuế đối với hàng Trung Quốc.
Kết thúc phiên cuối tuần, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên giảm 4,2% xuống 724,5 CNY/tấn, mức giảm một ngày mạnh nhất kể từ 6/7/2019. Trong phiên có lúc giá giảm 4,8% xuống 720,50 CNY (103,9 USD)/tấn. Quặng sắt giao ngay nhập vào Trung Quốc (loại hàm lượng sắt 62%) giảm 2,5% xuống 118 USD/tấn. Tính chung trong tuần, giá quặng sắt giảm 3%.
Xuất khẩu quặng sắt của Brazil trong tháng 7/2019 tăng 16,6% so với cùng tháng năm ngoái, lên 34,3 triệu tấn, mức cao nhất trong vòng 9 tháng, do Vale khôi phục sản xuất ở mỏ lớn nhất của họ.
Giá thép giảm theo xu hướng quặng sắt. Thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 1,6% xuống 3.816 CNY/tấn, thấp nhất kể từ 21/6/2019. Thép cuộn cán nóng cũng mất 1,5% xuống 3.746 CNY/tấn, thấp nhất kể từ 21/6/2019.
Tính chung trong tuần, giá thép giảm nhẹ 0,07%.
Nông sản: Giá cà phê, ngũ cốc, bông, cao su đều giảm, riêng đường tăng
Trong phiên cuối tuần, giá cà phê arabica giao tháng 9/2019 trên sàn New York tăng 0,9 US cent tương đương 0,9% lên 98,15 US cent/lb, sau khi có lúc giảm xuống mức tháp nhất 6 tuần là 96,40 US cent/lb; tính chung cả tuần giá giảm 1,6% do nguồn cung dồi dào trên toàn cầu. Robusta giao cùng kỳ hạn tăng 5 USD tương đương 0,4% lên 1.312 USD/tấn.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn New York giảm 0,1 US cent tương đương 0,8% trong phiên cuối tuần, xuống 12,02 US cent/lb, sau khi có lúc chỉ 11,89 US cent/lb. Nguyên nhân do giá dầu giảm sau đe dọa áp thuế của ông Trump. Giá dầu giảm thường khiến các nhà máy chế biến mía Brazil tăng sản xuất đường và giảm sản xuất ethanol.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá đường thô vẫn tăng 3,7% bởi dự báo nguồn cung trong tương lai sẽ giảm. Hãng phân tích Green Pool đã nâng mức dự báo về lượng thiếu hụt đường trên thị trường trong vụ 2019/20 lên 3,67 triệu tấn, từ mức 1,62 triệu tấn dự báo trước đây.
Trong phiên vừa qua, giá đường trắng kết thúc ở mức giảm 1,9 USD tương đương 0,6% xuống 323,7 USD/tấn.
Giá ngũ cốc trên sàn Chicago tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần, trong đó giá ngô giao tháng 12/2019 giảm 3,53% xuống 4,095 USD/bushel; lúa mỳ giao tháng 9/2019 hạ 1,06% xuống 4,9075 USD/bushel; đậu tương giao tháng 11/2019 giảm 3,61% xuống 8,685 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Tính chung cả tuần, giá đậu tương giảm 3,7%, lúa mì giảm 1,21%.
Xuất khẩu lúa mì Nga tháng 7/2019 chỉ đạt 2,2 triệu tấn lúa mỳ, thấp hơn nhiều so với mức 3,8 triệu tấn ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. Lượng lúa mỳ Liên minh châu Âu (EU) xuất khẩu tháng Bảy vừa qua cũng giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Giá bông trong phhiên cuối tuần giảm tiếp xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 năm do lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trầm trọng hơn sẽ khiến nhu cầu bông sụt giảm.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, bông kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York giảm 2,65 US cent tương đương 4,25% xuống 59,72 US cent/lb. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016, khi giá chạm 59,43 US cent.
Giá cao su trên sàn Tokyo tiếp tục đi xuống trong phiên cuối tuần, nối tiếp chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp, do nhà đầu tư lo ngại nhu cầu suy yếu trên toàn cầu bởi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Kết thúc phiên vừa qua, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 6,8 JPY tương đương 4% xuống 168,5 JPY (1,58 USD)/kg, thấp nhất kể từ 26/12/2018.
Cả tuần này, gía đã giảm 8,1%, là tuần giảm thứ 2 liên tiếp, và là mức giảm theo tuần nhiều nhất kể từ tháng 3/2018.
Trên sàn Thương Hải, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9/2019 phiên này cũng giảm 300 CNY xuống 10.340 CNY (1.490 USD)/tấn, thấp nhất trong vòng 1 năm.
Giá hàng hóa thế giới
|
ĐVT
|
Giá 3/8
|
So với 2/8
|
So với 2/8 (%)
|
Dầu thô WTI
|
USD/thùng
|
55,66
|
+1,71
|
+3,17%
|
Dầu Brent
|
USD/thùng
|
61,89
|
+1,39
|
+2,30%
|
Dầu thô TOCOM
|
JPY/kl
|
37.430,00
|
-410,00
|
-1,08%
|
Khí thiên nhiên
|
USD/mBtu
|
2,12
|
-0,08
|
-3,68%
|
Xăng RBOB FUT
|
US cent/gallon
|
178,15
|
+3,16
|
+1,81%
|
Dầu đốt
|
US cent/gallon
|
189,02
|
+3,73
|
+2,01%
|
Dầu khí
|
USD/tấn
|
578,00
|
-8,25
|
-1,41%
|
Dầu lửa TOCOM
|
JPY/kl
|
55.400,00
|
-380,00
|
-0,68%
|
Vàng New York
|
USD/ounce
|
1.457,50
|
+25,10
|
+1,75%
|
Vàng TOCOM
|
JPY/g
|
4.925,00
|
+3,00
|
+0,06%
|
Bạc New York
|
USD/ounce
|
16,27
|
+0,09
|
+0,56%
|
Bạc TOCOM
|
JPY/g
|
55,60
|
0,00
|
0,00%
|
Bạch kim
|
USD/ounce
|
844,89
|
-9,13
|
-1,07%
|
Palađi
|
USD/ounce
|
1.409,28
|
-21,38
|
-1,49%
|
Đồng New York
|
US cent/lb
|
257,15
|
-9,40
|
-3,53%
|
Đồng LME
|
USD/tấn
|
5.729,50
|
-169,50
|
-2,87%
|
Nhôm LME
|
USD/tấn
|
1.770,00
|
-10,00
|
-0,56%
|
Kẽm LME
|
USD/tấn
|
2.350,00
|
-54,00
|
-2,25%
|
Thiếc LME
|
USD/tấn
|
16.980,00
|
-345,00
|
-1,99%
|
Ngô
|
US cent/bushel
|
409,50
|
+7,00
|
+1,74%
|
Lúa mì CBOT
|
US cent/bushel
|
490,75
|
+15,00
|
+3,15%
|
Lúa mạch
|
US cent/bushel
|
270,00
|
+4,75
|
+1,79%
|
Gạo thô
|
USD/cwt
|
11,71
|
-0,24
|
-2,05%
|
Đậu tương
|
US cent/bushel
|
868,50
|
+3,25
|
+0,38%
|
Khô đậu tương
|
USD/tấn
|
299,40
|
-0,30
|
-0,10%
|
Dầu đậu tương
|
US cent/lb
|
28,71
|
+0,55
|
+1,95%
|
Hạt cải WCE
|
CAD/tấn
|
444,80
|
+2,80
|
+0,63%
|
Cacao Mỹ
|
USD/tấn
|
2.361,00
|
-16,00
|
-0,67%
|
Cà phê Mỹ
|
US cent/lb
|
98,15
|
+0,90
|
+0,93%
|
Đường thô
|
US cent/lb
|
12,02
|
-0,10
|
-0,83%
|
Nước cam cô đặc đông lạnh
|
US cent/lb
|
99,20
|
-1,50
|
-1,49%
|
Bông
|
US cent/lb
|
59,42
|
-2,95
|
-4,73%
|
Lông cừu (SFE)
|
US cent/kg
|
--
|
--
|
--
|
Gỗ xẻ
|
USD/1000 board feet
|
368,00
|
+5,10
|
+1,41%
|
Cao su TOCOM
|
JPY/kg
|
169,20
|
+0,70
|
+0,42%
|
Ethanol CME
|
USD/gallon
|
1,46
|
+0,01
|
+0,83%
|
Nguồn: VITIC/Bloomberg, Reuters