Năng lượng: Giá dầu thô tăng, khí đốt giảm

Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô tăng mạnh nhờ số liệu việc làm tại Mỹ tốt vượt kỳ vọng. Chốt phiên này, dầu Brent tăng 94 cent, tương đương 1,35%, lên 70,34 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 70,46 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 12/11/2018; dầu WTI tăng 98 cent, tương đương 1,58%, lên 63,08 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 63,24 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 6/11.
Đây là tuần thứ 2 liên tiếp giá dầu Brent đi lên, và là tuần tăng thứ 5 liên tiếp của dầu WTI.
Bộ Lao động Mỹ ngày 5/4 công bố số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm trong tháng 3 đã tăng trở lại sau khi chạm đáy 17 tháng. “Số liệu đủ để giữ dầu ở trên 60 USD/thùng trong ít nhất vài tuần”, Josh Graves, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại RJO Futures, Chicago, nói.
Giá dầu còn được hỗ trợ bởi hy vọng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và các hoạt động quân sự tại Libya, có thể làm gián đoạn nguồn cung từ nước này. Sản lượng dầu thô tại Venezuela có nguy cơ giảm trong bối cảnh nước này bị Mỹ trừng phạt và ngành dầu mỏ của Venezuela bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất điện.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần đã triển khai thêm 15 giàn khoan, lần đầu tiên tăng trong 7 tuần, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Trong khi đó, sản lượng tại Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 12,2 triệu thùng/ngày.
Giá khí đốt tại châu Âu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, do tình trạng dư dôi các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) chuyển hướng từ châu Á sang lục địa này.
Tại Vương quốc Anh, giá gas bán buôn chỉ ở mức trên 31 xu Anh mỗi therm (đơn vị đo lường khí đốt của Anh), mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2016 và ở dưới mức trung bình của 5 năm là 46 xu Anh mỗi therm. Khi giá khí đốt giảm và chạm mức thấp của 3 năm tại châu Á, nó đã được chuyển hướng sang châu Âu.
Mùa Đông vừa qua ở châu Á khá ôn hòa kết hợp với thông tin Nhật Bản tái khởi động nhà máy hạt nhân, cùng nguồn cung dồi dào từ Mỹ và Nga đã khiến cho xuất khẩu LNG sang châu lục này đi xuống.
Trong bối cảnh chi phí vận chuyển LNG tăng trong mùa Đông, châu Âu - với vị trí địa lý gần hơn - đã trở thành một thị trường có lợi nhuận cao hơn châu Á cho các hàng hóa từ Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, sự chuyển hướng về xuất khẩu nói trên rốt cuộc lại đến tình trạng dư dôi nguồn cung LNG tại châu Âu và kết quả là giá khí đốt ở “lục địa già” đi xuống.
Trong một lưu ý gửi tới khách hàng, công ty dịch vụ tài chính Citigroup đưa ra dự báo giá khí đốt có thể tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp trong nhiều tuần, thậm chí cho đến giữa năm 2019, và chỉ phục hồi sau khi thị trường đã giải quyết được những xung đột về cung, cầu và vấn đề vận chuyển.
Biến động về giá khí đốt cho thấy các thị trường khí đốt trên toàn thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ. Châu Á và châu Âu hiện là hai khu vực nhập khẩu LNG chủ chốt, và cho tới gần đây, nhu cầu LNG mạnh mẽ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã giúp cho chuẩn JKM ở châu Á cao hơn mức giá loại tương tự tại thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, ông Sam Laidlaw, nhà lãnh đạo của công ty năng lượng Neptune Energy, nhận định việc giá khí đốt suy giảm chỉ là một diễn biến ngắn hạn, bởi nhu cầu của các thị trường châu Á sẽ hồi phục.
Theo chuyên gia này, nếu tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh được giải quyết, hoạt động xuất khẩu dầu và LNG từ Mỹ sang châu Á sẽ tăng lên, qua đó thắt chặt nguồn cung cho châu Âu.
Kim loại quý: Giá vàng giảm nhẹ
Tuần vừa qua, giá vàng ở thế giằng co giữa các nhân tố có tác động trái chiều. Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng giá vàng vẫn ở thế yếu, trước triển vọng khả quan về đàm phán thương mại Mỹ-Trung, đà tăng của thị trường chứng khoán và đồng USD.
Trong phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay đi xuống, trước số liệu khả quan về thị trường lao động Mỹ. Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.290,75 USD/ounce, sau khi rơi xuống 1.280,59 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 25/1, trong phiên trước. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao dịch ở mức 1.295,6 USD/ounce.
Tính chung cả tuần, giá vàng ước giảm 0,1%, tuần giảm thứ hai liên tiếp, trong đó có thời điểm rơi xuống mức thấp nhất trong gần 10 tuần.
Nhà phân tích Suki Cooper, thuộc Standard Chartered Bank, cho rằng mặc dù nhận tác động tích cực từ quan điểm thận trọng về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, song giá vàng vẫn có quan hệ mật thiết với đồng USD, lợi suất trái phiếu và chứng khoán trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, triển vọng khả quan về đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng là yếu tố khiến đồng USD lên giá và gây sức ép đối với giá vàng.
Tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 3/2019 tăng tốc từ mức thấp nhất 17 tháng do thời tiết ôn hòa hơn đã thúc đẩy hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, làm giảm bớt lo lắng về tình trạng kinh tế suy giảm mạnh trong quý /2019.
Cố vấn Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết các nhà đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại vào tuần tới.
Đối với những kim loại quý khác, cũng trong phiên cuối tuần, giá bạch kim giao ngay giảm 0,3% xuống 895 USD/ounce, trước đó đã chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2018 tại 907,63 USD. Bạch kim đã tăng khoảng 5,7% trong tuần này, mạnh nhất kể từ tháng 1/2017; palađi tăng 0,4% lên 1.372,01 USD/ounce, nhưng hướng tới tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Chênh lệch giữ palađi với bạch kim đã giảm gần 40% xuống khoảng 451 USD/ounce từ mức kỷ lục 752 USD hồi giữa tháng 3/2019. Cả hai kim loại này chủ yếu sử dụng cho các nhà sản xuất ô tô.
Kim loại công nghiệp: Giá kẽm tăng
Giá kẽm tăng trong phiên cuối tuần bởi những lo ngại về tình trạng thiếu hụt trong ngắn hạn, trong khi các kim loại khác diễn biến trái chiều do thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung không rõ ràng.
Kẽm là kim loại có diễn biến tốt thứ 2 sau nickel trên sàn giao dịch kim loại London trong năm nay, tăng 18% khi nguồn cung ngày càng tăng từ các mỏ phải đối mặt với sự chậm trễ trong khâu xử lý thành kim loại.
Kẽm trên sàn LME tăng 0,9%, đóng cửa tại 2.922 USD/tấn. Mức cộng của kẽm giao ngay trên sàn LME so với hợp đồng giao sau 3 tháng là 59 USD/tấn, gần mức đỉnh 76,75 USD đạt được trong tuần trước, cho thấy tình trạng thiếu hụt trên LME. Mặt khác đồng giao ngay LME giảm giá mạnh so với hợp đồng giao sau 3 tháng, dấu hiệu nguồn cung đang mạnh.
Dự trữ đồng tại các kho LME vẫn ở mức cao trong ngày 5/4 sau khi tăng vọt trong tuần này, lên mức cao nhất 6 tháng và gần gấp đôi mức 3 tuần trước. Đồng LME đóng cửa giảm 0,8% xuống 6.401 USD/tấn.
Nông sản: Giá cà phê giảm, đường tăng
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê arabia kỳ hạn tháng 5 giảm 2,1 US cent hay 2,2% xuống 93,2 US cent/lb sau khi chạm đỉnh 2 tuần tại 96,95 US cent. Trong tuần này, cà phê arabia đã giảm 1,1%, cà phê robusta giảm 28 USD hay 1,9% xuống 1.420 USD/tấn.
Cà phê đã chịu áp lực lớn do vụ thu hoạch bội thu tại Brazil trong năm ngoái và dự đoán vụ năm nay thuận lợi đã thúc đẩy các quỹ bán ra số lượng lớn.
Chính phủ Brazil đang xem xét đưa ra các lựa chọn cho nhà sản xuất cà phê như một biện pháp hỗ trợ giá. Chương trình này nếu được chấp thuận, sẽ cho nhà sản xuất quyền bán cà phê cho chính phủ với mức giá cố định, thiết lập một mức giá sàn cho nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới này.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2019 đóng cửa tăng 0,05 US cent hay 0,4% lên 12,76 US cent/lb sau khi chạm mức đỉnh hai tuần tại 12,84 US cent. Trong tuần này hợp đồng đường đã tăng 1,8%. Đường trắng kỳ hạn tháng 5/2019 tăng 0,3 USD hay 0,1% lên 330,3 USD/tấn.
Các đại lý cho biết giá đường được hỗ trợ do giá dầu mạnh, khuyến khích các nhà máy ở Brazil sản xuất thêm ethanol hơn là đường. Nhà kinh doanh đường và ethanol SCA dự kiến các nhà máy tại Brazil sẽ dành 39,5% sản lượng mía để sản xuất đường trong niên vụ 2019/20 thay cho 35,3% trong niên vụ 2018/19. ED&F Man dự kiến các nhà máy ở khu vực trung nam Brazil phân bổ 39,3% mía để sản xuất đường trong niên vụ 2019/20 so với 35,2% trong niên vụ 2018/19.
Giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ giảm trong phiên cuối tuần do tình trạng không rõ ràng về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung khiến các nhà đầu tư chốt lời. Việc chốt lời cũng gây áp lực cho thị trường ngô và lúa mì.
Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) đóng cửa giảm 2-3/3 US cent xuống 3,62-1/2 US/bushel. Trong tuần này giá ngô đã tăng 1,5%. Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5/2019 giảm 7-1/2 US cent xuống 8,99 US/bushel, nhưng cả tuần tăng 1,6%. Lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 5/2019 giảm 3 US cent xuống 4,67-3/4 USD/bushel, cả tuần giá tăng 2,2%.
Tuy nhiên, đà giảm của giá ngô kỳ hạn bị hạn chế bởi dự đoán nông dân Mỹ sẽ đối mặt với việc gieo trồng chậm trễ trong mùa xuân này và có thể buộc phải chuyển một số diện tích dự tính trồng ngô sang trồng đậu tương.
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm trong phiên 5/4 nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng do lạc quan về tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc,nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới và tiến triển trong các cuộc đàm phán Mỹ - Trung.
Hợp đồng cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) kỳ hạn tháng 9/2019 đóng cửa giảm 1,6 JPY hay 0,9% xuống 184,7 JPY/kg. Hợp đồng cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 10/2019 giảm 1,3 JPY xuống 167,2 JPY/kg.
Giá hàng hóa thế giới

Mặt hàng

ĐVT

Giá 30/3

Giá 6/4

Tăng/giảm

Tăng/giảm (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

60,14

63,08

+0,98

+1,58%

Dầu Brent

USD/thùng

67,58

70,34

+0,94

+1,35%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

45.140,00

46.910,00

+710,00

+1,54%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,66

2,66

+0,02

+0,79%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

188,25

196,87

+2,88

+1,48%

Dầu đốt

US cent/gallon

197,14

204,24

+2,90

+1,44%

Dầu khí

USD/tấn

607,25

619,50

+2,00

+0,32%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

61.590,00

64.060,00

+810,00

+1,28%

Vàng New York

USD/ounce

1.298,50

1.295,60

+1,30

+0,10%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.597,00

4.627,00

+13,00

+0,28%

Bạc New York

USD/ounce

15,11

15,09

+0,00

+0,01%

Bạc TOCOM

JPY/g

53,50

54,30

-0,10

-0,18%

Bạch kim

USD/ounce

849,46

901,17

+2,41

+0,27%

Palađi

USD/ounce

1.385,20

1.371,39

+4,41

+0,32%

Đồng New York

US cent/lb

293,60

289,45

-1,55

-0,53%

Đồng LME

USD/tấn

6.482,50

6.401,00

-50,00

-0,78%

Nhôm LME

USD/tấn

1.912,00

1.890,00

-5,00

-0,26%

Kẽm LME

USD/tấn

2.923,00

2.922,00

+25,00

+0,86%

Thiếc LME

USD/tấn

21.400,00

21.000,00

-75,00

-0,36%

Ngô

US cent/bushel

356,50

362,50

-2,75

-0,75%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

457,75

467,75

-3,00

-0,64%

Lúa mạch

US cent/bushel

269,00

287,50

-1,00

-0,35%

Gạo thô

USD/cwt

10,85

10,52

-0,04

-0,33%

Đậu tương

US cent/bushel

884,25

899,00

-7,50

-0,83%

Khô đậu tương

USD/tấn

306,50

308,00

-3,90

-1,25%

Dầu đậu tương

US cent/lb

28,36

29,15

-0,05

-0,17%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

455,30

457,40

-0,60

-0,13%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.280,00

2.410,00

+10,00

+0,42%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

94,50

93,20

-2,10

-2,20%

Đường thô

US cent/lb

12,53

12,76

+0,05

+0,39%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

119,90

116,75

-0,95

-0,81%

Bông

US cent/lb

77,61

78,25

+0,93

+1,20%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

360,20

352,80

-7,50

-2,08%

Cao su TOCOM

JPY/kg

182,10

186,10

+1,40

+0,76%

Ethanol CME

USD/gallon

1,35

1,30

0,00

-0,15%

Nguồn: VITIC/Bloomberg, Reuters

Nguồn: Vinanet