Năng lượng: Giá giảm mạnh
Giá dầu thô trên thị trường thế giới tuần qua sụt giảm trong bối cảnh nhà đầu tư theo dõi hướng đi của cơn bão nhiệt đới Nate vào Vịnh Mexico và lo ngại những ảnh hưởng của cơn bão đối với cơ sở hạ tầng năng lượng khu vực này.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 11 trên sàn New York giảm 1,50 USD, tương đương 3%, xuống còn 49,29 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất từ giữa tháng 9/2017; dầu Brent giao tháng 12 trên sàn London giảm 1,38USD, khoảng 2,4%, chỉ còn 55,62 USD/thùng.
Trong tuần, giá giảm liên tiếp 3 phiên đầu tuần, nhưng đã hồi phục gần 2% trong ngày 5/10 do dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia và Nga sẽ tiếp tục hạn chế sản lượng khai thác vào năm 2018. Tuy nhiên tính chung cả tuần giá vẫn giảm.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 4,6%, trong khi Brent giảm 2,1%
Thị trường đang chú ý tới tác động của cơn bão nhiệt đới Nate và đánh giá mức độ gián đoạn đối với sản lượng dầu thô và khả năng lọc dầu, theo chuyên gian Richard Mallinson.
Nate là cơn bão thứ 14 hình thành tại Đại Tây Dương trong mùa bão năm nay. Bão có sức gió lên đến 70-80 km/h, hiện di chuyển với vận tốc 15 km/h theo hướng Đông Bắc Nicaragua và phía Đông Honduras. Dự báo tâm bão sẽ tiến gần bờ biển bang Quintana Roo của Mexico vào chiều 6/10 theo giờ địa phương.
Richard Mallinson - Chuyên gia phân tích tại Energy Aspects nhận định: “Cũng giống cơn bão Harvey trong tháng 8, thị trường dầu diễn biến theo xu hướng tập trung nhiều hơn vào việc tạm ngừng hoạt động của các nhà máy lọc dầu, vốn có thể tác động tích cực đến giá các sản phẩm xăng dầu nhưng lại khiến giá dầu giảm nhẹ”.
Cảng dầu ngoài khơi Louisiana, một trong những cơ sở xử lý nhiên liệu quan trọng nhất ở Vịnh Mexico, nơi đóng góp khoảng 17% sản lượng dầu của Mỹ, cho biết đã ngừng hoạt động bốc dỡ. BP và Chevron đã ngừng hoạt động sản xuất ở các cơ sở ở Vịnh Mexico, trong khi Royal Dutch Shell và Anadarko Petroleum cũng tạm dừng một số hoạt động tại đây. Exxon Mobil, Statoil và các nhà sản xuất khác đã rút nhân viên về.
Dấu hiệu cho thấy Saudi Arabia và Nga sẽ tiếp tục hạn chế sản lượng khai thác vào năm 2018 đem lại hy vọng tăng tính hiệu quả của nỗ lực cân bằng thị trường dầu thế giới của Nhóm Các nước Xuất khẩu dầu (OPEC), giúp đẩy giá dầu thô Mỹ lên trên 50 USD/thùng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và một số quốc gia khác trong đó có Nga có thể kéo dài đến cuối năm 2018, thay vì chỉ dừng lại vào tháng 3/2018.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 5/10 nói rằng, Moscow sẽ ủng hộ quốc gia nào tham gia mới vào thỏa thuận cắt giảm này. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Quốc vương Ả Rập Saudi, ông Salman đang có chuyến thăm Nga.
Adrienne Murphy - Giám đốc phân tích thị trường tại AvaTrade, nhận định: “Với việc cắt giảm 1,8 triệu thùng/ngày, OPEC đã có những bước tiến trong cuộc chiến giá cả, góp phần vào đà tăng vững mạnh của giá dầu. Tuy nhiên, trong tháng 9, sản lượng của Tổ chức này đã nhảy vọt, qua đó giúp nhà đầu tư chốt lời sau 3 tháng tăng giá liên tiếp của dầu Brent”.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại về sản lượng dầu tại Mỹ, vốn đã vọt lên mức cao nhất trong hơn 2 năm hồi tuần trước. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 4/10 cho biết sản lượng dầu nội địa vọt lên 9,56 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 29/9, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015. Kim ngạch xuất khẩu dầu tại Mỹ tăng lên gần 2 triệu thùng/ngày. Số liệu này làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng do OPEC khởi xướng.
Một số yếu tố khác cũng sẽ tạo áp lực đối với giá dầu thô là lượng dầu thô Mỹ xuất khẩu nhảy vọt lên mức 1,98 triệu thùng/ngày vào tuần trước, vượt ngưỡng kỷ lục 1,5 triệu thùng tuần trước đó. Nguyên nhân là do mức chênh lệch giữa dầu WTI và dầu Brent lớn khiến giá dầu ngọt nhẹ WTI trở nên hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, một số diễn biến địa chính trị trong những ngày tới có thể khiến thị trường dầu thay đổi, theo các chuyên gia phân tích tại công ty JBC Energy. Giới đầu tư cũng đang theo dõi sát sao các tác động tiêu cực đến cuộc trưng cầu độc lập tại khu vực người Kurd thuộc Iraq, vốn có thể khiến sản lượng dầu thô thiếu hụt khoảng 500,000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chờ đợi trong tuần tới liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thông báo “rút khỏi" thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức), được biết đến là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Iran là một thành viên OPEC và nước sản xuất dầu lớn ở Trung Đông.
Trong tuần này, các nhà đầu tư chú ý tới bản báo cáo của OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhằm đánh giá nhu cầu và nguồn cung dầu thô. Đồng thời thị trường chú ý tới dữ liệu dầu thô và sản phẩm lọc hóa dầu của Mỹ.
Nhà đầu tư cũng tiếp tục theo dõi những bất ổn địa chính trị tại Iraq sau khi cuộc bỏ phiếu đòi quyền độc lập của người Kurd có thể dẫn tới gián đoạn nguồn cung dầu thô.
Cuộc bỏ phiếu khiến chính quyền Iraq và các nước láng giếng trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ tức giận. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước cảnh báo sẽ "đóng van" đường ống dẫn dầu công suất 500.000- 600.000 thùng/ngày từ phía bắc Iraq sang cảng Ceyban của Tây Ban Nha.
Kim loại quý: Giá vàng vào chuỗi tuần giảm dài nhất kể từ đầu năm
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,4%, lên 1.273, 06 USD/ounce; vàng giao tháng 12/2017 tăng 0,1%, lên 1.274,90 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, giá vàng kỳ hạn giảm 0,8%.
Về những kim loại khác, trong cùng phiên, giá bạc tăng 1,1%, lên 16,75 USD/ounce, sau khi chạm mức đáy hai tháng là 16,30 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim hạ nhẹ 0,03%, xuống 910,75 USD/ounce.
Thị trường vàng thế giới trồi sụt thất thường trong tuần qua, giữa bối cảnh một loạt số liệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ giúp đồng USD mạnh lên và thị trường chứng khoán khởi sắc, khiến nhu cầu tìm kiếm các tài sản an toàn như vàng giảm đáng kể.
Thị trường ngày càng tin tưởng vào nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất sau những số liệu kinh tế mới nhất. Trong tháng Chín vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm từ 4,4% xuống 4,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2000, còn tiền lương tăng 12 US cent (tương đương 0,5%) lên 26,55 USD/giờ. Tâm lý lạc quan về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp và kế hoạch cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đẩy lên cao góp phần tác động tiêu cực tới giá vàng.
Nông sản: Giá đồng loạt tăng trong tuần
Phiên cuối tuần, giá đường thô giao tháng 3 giảm 0,41 US cent tương đương 2,9% xuống 13,98 US cent/lb; tính chung cả tuần giá tăng 3,2%. Đường trắng giao tháng 12 giảm 5,7 USD tương đương 1,5% xuống 371,90 USD/tấn.
Thị trường đường diễn biến thất thường theo tình hình thời tiết ở Brazil, còn các yếu tố cơ bản nhìn chung chưa có gì thay đổi.
Cà phê arabica phiên cuối tuần giá tăng 2,8 US cent tương đương 2,2% lên 1,30 USD/lb, tính chung cả tuần tăng 1,5%. Robusta cùng phiên tăng 15 USD tương đương 0,8% lên 2.015 USD/tấn, trong bối cảnh các thương gia dự báo nguồn cung khan hiếm trước mùa thu hoạch ở Việt Nam.
Với ngũ cốc, tuần gia giá đậu tương, ngô và lúa mỳ đều đi lên. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần , giá đậu tương và ngô giao kỳ hạn tăng lên trước quan ngại về diễn biến thời tiết ở Mỹ và Brazil. Giá ngô giao tháng 12/2017 tăng nhẹ 0,5 US cent (0,14%) lên 3,5 USD/bushel, trong lúc giá lúa mỳ giao tháng 12/2017 tăng 2,75 US cent (0,62%) lên 4,435 USD/bushel và giá đậu tương giao tháng 11/2017 tăng 4 US cent (0,41%) lên 9,7225 USD/bushel.
Những báo cáo mới đây cho thấy sản lượng đậu tương thấp hơn thời điểm cách đây hai năm, nhất là ở các khu vực miền thượng du của Trung Tây nước Mỹ. Còn giá lúa mỳ tại sàn CBOT, vốn giảm trong hai phiên vừa qua, đã hồi phục trong ngày 6/10/2017 nhờ hoạt động mua vào gia tăng.
Các nhà phân tích cộng tác với công ty AgResoure Company cho hay việc giá lúa mỳ của vùng Biển Đen và EU tăng mới đây không ảnh hưởng tới nhu cầu thế giới về loại nông sản này, và những diễn biến có tính mùa vụ của giá ngũ cốc Biển Đen có thể tăng trong hai tháng cuối cùng của năm 2017.

Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

30/9

7/10

7/10 so với 6/10

7/10 so với 6/10(%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

51,67

49,29

-1,50

-2,95%

Dầu Brent

USD/thùng

56,79

55,62

-1,38

-2,42%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

38.240,00

37.300,00

-1.010,00

-2,64%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

3,01

2,86

-0,06

-2,05%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

159,10

155,88

-5,26

-3,26%

Dầu đốt

US cent/gallon

181,00

174,39

-4,24

-2,37%

Dầu khí

USD/tấn

533,75

515,75

-19,75

-3,69%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

52.790,00

52.300,00

-810,00

-1,53%

Vàng New York

USD/ounce

1.284,80

1.274,90

+1,70

+0,13%

Vàng TOCOM

JPY/g

4.622,00

4.606,00

+9,00

+0,20%

Bạc New York

USD/ounce

16,68

16,79

+0,15

+0,91%

Bạc TOCOM

JPY/g

60,00

60,80

+0,30

+0,50%

Bạch kim giao ngay

USD/t oz.

912,05

916,20

+0,95

+0,10%

Palladium giao ngay

USD/t oz.

937,00

923,31

-19,56

-2,07%

Đồng New York

US cent/lb

295,50

302,90

-1,75

-0,57%

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

6.481,00

6.666,50

-33,50

-0,50%

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

2.102,00

2.153,00

-18,50

-0,85%

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

3.162,00

3.235,00

-53,00

-1,61%

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

20.675,00

20.550,00

-400,00

-1,91%

Ngô

US cent/bushel

355,25

350,00

+0,50

+0,14%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

448,25

443,50

+2,75

+0,62%

Lúa mạch

US cent/bushel

251,25

251,00

+3,75

+1,52%

Gạo thô

USD/cwt

12,00

11,89

-0,03

-0,25%

Đậu tương

US cent/bushel

968,25

972,25

+4,00

+0,41%

Khô đậu tương

USD/tấn

315,80

319,20

+2,30

+0,73%

Dầu đậu tương

US cent/lb

32,82

32,95

-0,05

-0,15%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

492,40

496,70

+1,50

+0,30%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.043,00

2.085,00

+1,00

+0,05%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

128,05

130,00

+2,80

+2,20%

Đường thô

US cent/lb

14,10

13,98

-0,41

-2,85%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

148,35

157,15

-2,05

-1,29%

Bông

US cent/lb

68,45

68,84

+0,57

+0,83%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

402,20

412,10

+3,20

+0,78%

Cao su TOCOM

JPY/kg

205,20

208,00

+0,80

+0,39%

Ethanol CME

USD/gallon

1,49

1,42

-0,02

-1,25%

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

 

 

 

Nguồn: Vinanet