Theo báo cáo của Nhóm nghiên cứu các hiệp hội gỗ và tổ chức Forest Trends, trong năm 2023, một số các yếu tố có thể tác động đến tình hình xuất khẩu và sản xuất viên nén là cung-cầu mặt hàng này trên thế giới.
Hiện Việt Nam là quốc gia cung ứng viên nén lớn thứ hai trên thế giới (sau Mỹ), bức tranh cung-cầu mặt hàng này trên thế giới sẽ tác động trực tiếp tới các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2023 lượng cung viên nén vào thị trường EU từ Mỹ và Canada có xu hướng mở rộng mạnh trở lại sau một thời gian khan hiếm nguồn cung do chiến tranh Nga-Ukraine và do cước vận chuyển hàng hải tăng cao.
Nửa đầu 2022 các doanh nghiệp sản xuất khu vực Bắc Mỹ phải chuyển hướng luồng cung của mình từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc sang cung cấp cho EU nhằm nắm bắt được lợi thế về giá cao từ EU. Nguồn cung từ Bắc Mỹ giảm mạnh bắt buộc các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc phải tìm nguồn cung thay thế.
Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu tại đây. Bên cạnh đó, các bất ổn do chiến tranh và cước vận chuyển cao tạo ra tâm lý dự trữ hàng tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đến nay, lượng hàng tồn tại hai thị trường này ở mức cao. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó có cơ hội mở rộng thị trường tại Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2023.
Theo các chuyên gia, nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn tại các thị trường đặc biệt tại Nhật Bản và Hàn Quốc cao đang tác động trực tiếp tới mức giá xuất khẩu. Hiện mức giá xuất khẩu viên nén từ Việt Nam đang có xu hướng giảm.
Thông tin đánh giá từ một số doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy trong thời gian tới mức giá xuất khẩu vào Hàn Quốc có thể giảm xuống còn 11—120 USD/tấn và vào Nhật Bản còn 150-160 USD/tấn. Đây sẽ là mức giá giảm rất mạnh so với mức giá xuất khẩu hiện tại.

Hàng tồn kho lớn, nguồn cung dồi dào cũng cho phép các doanh nghiệp đặc biệt tại Nhật Bản siết lại các tiêu chuẩn về chất lượng và bền vững.
Năm 2022, khi lượng cung vào các thị trường này thiếu hụt, nhiều nhà nhập khẩu tại đây dưới sức ép về nguồn cung không có sự lựa chọn nào khác mà phải chấp nhận sản phẩm có chất lượng thấp hơn so với kỳ vọng.
Điều này tạo cơ hội cho nhiều nhà sản xuất và thương mại của Việt Nam, với các sản phẩm hạn chế về chất lượng, được tham gia thị trường. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, cơ hội này cho các nhà sản xuất và thương mại của Việt Nam không còn nữa.
"Một số doanh nghiệp Nhật Bản đang yêu cầu các nhà cung cấp từ Việt Nam chuẩn hóa về tiêu chuẩn chất lượng, bao gồm cả các sản phẩm bền vững. Một số tàu hàng từ Việt Nam xuất vào Nhật đã bị trả lại vì không đáp ứng được với các yêu cầu này. Trong thời gian tới, các yêu cầu tại thị trường xuất khẩu sẽ chặt chẽ hơn", các chuyên gia của Forest Trends cho hay.

Nguồn: doanhnghiep&kinhdoanh