Không giống như các ngành khác như hàng không, vốn đã cắt giảm dự báo lợi nhuận và được cảnh báo về những tác động từ chính sách thuế, các hãng dược hiện vẫn cho rằng họ sẽ ít bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Các công ty Bristol Myers Squibb, Merck & Co, Sanofi và Roche đều công bố lợi nhuận quý I/2025 vượt kỳ vọng vào ngày 24/4, trong đó Bristol còn nâng dự báo lợi nhuận cả năm.
Hiện tại, dược phẩm vẫn chưa bị đưa vào danh sách hàng hóa chịu thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump, nhưng ông đã nhiều lần tuyên bố rằng các mức thuế sẽ sớm được áp dụng, với lý do nước Mỹ cần tăng cường sản xuất thuốc trong nước để tránh phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã mở cuộc điều tra đối với dược phẩm nhập khẩu – động thái chuẩn bị cho việc áp thuế, đồng thời buộc nhiều hãng dược lớn phải tính đến việc chuyển sản xuất sang các thị trường tiêu thụ. Nếu kế hoạch được triển khai, ngành dược có thể chịu tác động lớn vì Mỹ là thị trường tiêu thụ thuốc kê đơn lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu vượt 200 tỷ USD.
Một số hãng đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào sản xuất tại Mỹ. Mới đây, Roche cho biết sẽ đầu tư 50 tỷ USD trong 5 năm tới và đã bắt đầu chuyển một phần hoạt động sản xuất.
“Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp ứng phó như tăng dự trữ tại Mỹ và Trung Quốc, đồng thời chuyển một số dây chuyền sản xuất thuốc chủ lực trong vài tuần qua”, ông Thomas Schinecker, Giám đốc điều hành Roche, cho biết.
Tuy nhiên, ông cảnh báo việc sản xuất toàn bộ hàng hóa tại Mỹ cho thị trường nội địa có thể khiến chi phí sản xuất tăng mạnh. Ông Schinecker cũng cho biết công ty đang đàm phán trực tiếp để được miễn thuế nhập khẩu, với lý do Roche cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm y tế được sản xuất tại Mỹ ra thế giới.
Merck cho biết loại thuốc có nguy cơ chịu ảnh hưởng nhiều nhất là thuốc điều trị ung thư Keytruda. Công ty này đã xây dựng đủ kho dự trữ tại Mỹ cho cả năm 2025 và đang mở rộng công suất sản xuất trong nước.
Sanofi cho biết họ đang cân nhắc tăng đầu tư tại Mỹ: “Chúng tôi đang đánh giá nhu cầu năng lực sản xuất trong tương lai và cân nhắc các biện pháp bổ sung, bao gồm khả năng đầu tư thêm vào Mỹ”, Giám đốc tài chính Francois-Xavier Roger nói.
Về dài hạn, các công ty dược có thể buộc phải chuyển hướng đầu tư. Theo chuyên gia Stephen Farrelly của ING, việc xây dựng công suất sản xuất mới tại Mỹ dễ thực hiện và hợp lý hơn so với việc chuyển đổi dây chuyền đang hoạt động ở nước khác.
Dù chưa có mức thuế cụ thể cho ngành dược, nhưng một số công ty đã bắt đầu cảm nhận tác động từ các loại thuế đã được áp trước đó, đặc biệt với hàng hóa Trung Quốc.
Merck dự báo khoản chi phí liên quan đến thuế quan khoảng 200 triệu USD, trong khi Johnson & Johnson đã tính vào ngân sách năm nay 400 triệu USD chi phí phát sinh từ thuế, chủ yếu ở mảng thiết bị y tế.
“Đây đều là con số có thể chấp nhận được đối với tiềm lực tài chính của các công ty này”, ông Farrelly nhận định.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất cảnh báo rằng thuế quan áp lên toàn ngành có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng và ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh. Họ cho biết đang tiếp tục đối thoại với Nhà Trắng để làm rõ tác động này.
“Chúng tôi lo ngại về bất kỳ điều gì ảnh hưởng đến sự đổi mới hoặc cản trở việc tiếp cận thuốc của bệnh nhân”, ông David Elkins, Giám đốc tài chính Bristol Myers, cho biết.