Gần 60% doanh nghiệp ngành gỗ phía Nam tạm ngưng hoạt động
Vào thời điểm này hàng năm doanh nghiệp gỗ đang phải tất bật chạy hết công suất để kịp thời giao hàng cho đối tác. Năm nay mọi chuyện lại rẽ theo một hướng khác bởi dịch bệnh đang khiến 60% doanh nghiệp của ngành gỗ tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai đang phải tạm ngưng hoạt động do không đáp ứng các tiêu chí 3 tại chỗ. 
Thông tin về tình hình hoạt động hiện nay của doanh nghiệp, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho hay, hiện chỉ có khoảng 30-40% trong số hơn 600 doanh nghiệp thuộc HAWA còn duy trì hoạt động. Tuy vậy, với những doanh nghiệp còn tiếp tục sản xuất, công suất cũng chỉ đạt được khoảng 35-40%.
Tại Bình Dương, số lượng doanh nghiệp còn duy trì hoạt động thậm chí còn ít hơn do địa phương này gần đây bị biến chủng mới Delta hoành hành, số ca nhiễm Covid tăng mạnh. Chính điều này đã dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp ngành này không thể hoàn thành kịp đơn hàng để giao cho đối tác trong những tháng còn lại của năm 2021. Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, do phát sinh ca bệnh, khó khăn trong vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào cũng như chi phí hoạt động phát sinh cao… nên doanh nghiệp gỗ tỉnh này không thể duy trì.
Tương tự, tại Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này cho hay, nhiều doanh nghiệp gỗ trên địa bàn tỉnh có số lượng lao động tập trung rất lớn, quy mô cơ sở vật chất không đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc triển khai phương án “3 tại chỗ” nên đã không thể duy trì hoạt động.
Lo mất cơ hội
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch HAWA - cho biết, cao điểm xuất khẩu của ngành gỗ đã bắt đầu từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 11 nhưng năm nay khả năng rất cao là trong những tháng còn lại việc hoàn thiện các đơn hàng xuất khẩu rất khó. “Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, các thị trường chính của Việt Nam là Mỹ, châu Âu… đang phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các thị trường này đang tăng cao. Do đó nếu không cung ứng đủ số lượng sản phẩm theo đơn hàng đã kí từ trước họ sẽ có những phương án khác thay thế”- ông Phương chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn An - Phó giám đốc Công ty Ván sàn Sao Nam (Bình Dương) lo ngại rằng việc mất đơn hàng trong thời gian tới là rất lớn. “Nếu Việt Nam không đáp ứng được quá trình giao hàng chắc chắn khách hàng sẽ tìm đến những doanh nghiệp tại các nước khác. Khi khách hàng đã ra đi việc kết nối lại là vô cùng khó khăn”- ông An nói.
Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai đều đã có những phương án thiết lập “vùng xanh” cho doanh nghiệp khởi động sản xuất. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đưa ra 4 phương án hoạt động để doanh nghiệp lựa chọn mô hình phù hợp, Bình Dương đã triển khai mô hình “3 xanh” an toàn cho sản xuất và Đồng Nai đã điều chỉnh 3 tại chỗ thành “1 cung đường, nhiều điểm đến “vùng xanh”…
Dù vậy, theo các doanh nghiệp chế biến gỗ thì việc khôi phục ngay quá trình sản xuất lúc này rất khó. Chẳng hạn tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Chánh Phương phân tích: Hiện phần lớn người lao động trong ngành gỗ đã sơ tán về các tỉnh, việc gọi những người này trở lại làm việc là không thể trong thời điểm này do di chuyển giữa các địa phương lúc này không được. Thậm chí để có thể hoạt động, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp tuyển nguồn lao động mới nhưng không khả thi do quá trình thử tay nghề, test Covid-19 với nguồn lao động mới cũng phải mất từ 3 đến 4 tuần…
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ngành gỗ đã có nhiều buổi thương lượng với khách hàng mong họ thông cảm và lùi thời hạn giao hàng. Song song đó doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sớm phân bổ và ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động để họ có thể quay trở lại sản xuất.

Nguồn: congthuong.vn