Đơn hàng phục hồi trở lại
Ông Trần Ngọc Anh - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và giày da An Thịnh cho biết, doanh nghiệp đã bắt đầu nhận được một số đơn hàng từ thị trường EU song chưa thực sự nhiều. Vì thế, để giữ chân lao động, công ty cũng tìm thêm các đơn hàng ở phân khúc bình dân.
“Hiện chúng tôi đã có đơn hàng cho tới tháng 2/2021. Trong tháng 10, nhà máy hoạt động khoảng 70% công suất, song từ tháng 11 trở đi, khi lượng nguyên vật liệu về đủ, các nhà máy sẽ phải tăng ca để đảm bảo tiến độ đơn hàng. Với tình hình đơn hàng và tiến độ sản xuất như hiện nay, ước tính doanh nghiệp có thể đạt được 80 - 90% mục tiêu kế hoạch đề ra của năm nay”, ông Trần Ngọc Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Trần Ngọc Anh, sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu xuất sang thị trường EU, do đó sự tăng trưởng này có thể một phần nhờ tác động tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), khiến thuế nhập khẩu một số sản phẩm giảm hơn. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ vẫn còn khá yếu nên giá của những đơn hàng mới cũng bị giảm khoảng 5 - 10% so với trước.
2020 là một năm đầy thách thức cho doanh nghiệp da giày - buộc nhiều doanh nghiệp phải đa dạng hóa phân khúc, thay vì chỉ làm một phân khúc sản phẩm như trước đây.
Tương tự, đại diện Công ty TNHH giày Liên Phát cũng cho biết, công ty đã có đơn hàng đến hết quý 4/2020. Mặc dù lượng đơn hàng hiện nay mới chỉ đáp ứng được 60 - 70% công suất nhà máy, song đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh tình hình thị trường còn nhiều khó khăn như hiện nay.
“Sau khi suy giảm mạnh vào quý II, từ quý III/2020 tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành giày dép đang dần phục hồi. Một số doanh nghiệp thông tin đã có đủ đơn hàng sản xuất đến hết năm và bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại. Đơn hàng quay trở lại nhưng khá từ từ, do các nhà nhập khẩu còn thận trọng, nghe ngóng sức mua của thị trường, đặc biệt, mặt hàng giày dép được đặt hàng sẽ rơi vào nhóm hàng cơ bản”, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết.
Nhiều tín hiệu tốt từ thị trường
Thống kê của Bộ Công Thương, sau 2 tháng thực thi EVFTA, giày dép nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Tổ chức ủy quyền đã đã cấp C/O mẫu EUR.1 cho ngành giày dép với kim ngạch đạt khoảng 391 triệu USD.
Ông Trần Ngọc Anh cho biết, Hiệp định EVFTA sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong những tháng còn lại của năm 2020 và 2021, tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế.
Hiện nay, ngành da giày đang triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh để có thể áp ứng các đơn hàng cho các đối tác EU những tháng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021.
Dự báo về tình hình thị trường trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Anh cho rằng, mặc dù chưa thể phục hồi hoàn toàn, song kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách trong quý IV/2020 sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại khi đây là thời điểm lễ hội gắn với tiêu dùng tại các nước châu Âu và châu Mỹ.
Dù vậy, bà Phan Thị Thanh Xuân cũng lưu ý rằng, để tiếp cận và hưởng thuế ưu đãi từ EVFTA thì doanh nghiệp phải đảm bảo các tiêu chí về phát triển bền vững liên quan đến môi trường, lao động… Song chi phí để thực hiện vấn đề này rất lớn, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện sẽ khó tiếp cận.
Mục tiêu xuất khẩu của ngành da giày trong năm 2020 là đạt 24 tỷ USD, tiếp tục giữ mức độ tăng trưởng 10% so với năm 2019. Tuy vậy, dịch bệnh Covid từ đầu năm 2020 đã tàn phá ngành hàng này khiến đơn hàng sụt giảm đến gần 60% tính đến thời điểm hiện tại. Chính vì thế Lefaso dự báo, dù có tín hiệu tích cực hơn song chắc chắn ngành da giày sẽ không thể đạt được chỉ tiêu như đã đề ra.
Hà Duyên