Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 10, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ cả nước đạt 295.350 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng mức lưu chuyển 10 tháng lên gần 2.900.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, giá một số nhóm nhiên liệu, nhóm vật liệu xây dựng và giá lương, thực phẩm giảm nhẹ đã khiến cho thị trường trong nước trở nên ổn định.
Đặc biệt, vào những tháng cuối năm, công tác quản lý thị trường tiếp tục triển khai quyết liệt và tập trung chủ yếu vào các mặt hàng quan trọng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, an toàn thực phẩm..., đã góp phần tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển.
Trong tháng 10, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 14.760 vụ, phát hiện xử lý trên 8.320 vụ vi phạm, tổng số thu nộp ngân sách trên 49,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại... được quan tâm đẩy mạnh và đổi mới phương pháp, góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh.
Tuy nhiên, để thị trường tiếp tục ổn định và tránh tình trạng găm hàng tăng giá, hàng giả hàng lậu trà trộn làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng, trong 2 tháng cuối năm Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước.
Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để bảo đảm kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng ở mức hợp lý (dưới 5%) theo chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra. Chú trọng cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu, bảo đảm không để xảy ra sốt giá cục bộ.
Bên cạnh đó, Bộ triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, thủy sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, hộ nuôi trồng trong nước đến các nhà phân phối.
Thành lập các văn phòng đại diện, văn phòng xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm, để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, đề xuất những chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thuỷ sản.
Ngoài các giải pháp trên, Bộ Công Thương tiếp tục nhân rộng mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”.
Bộ cũng thường xuyên tổ chức với quy mô rộng hơn Chương trình kết nối cung - cầu để kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản với hệ thống phân phối, gắn với việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua Chương trình Bình ổn thị trường và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, đề xuất các biện pháp, chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các thương lái.
Qua đó, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng nâng cao công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của thương nhân, kể cả thương nhân nước ngoài mua bán hàng hóa tại Việt Nam.
Nguồn: BNEWS/TTXVN
Thị trường hàng hóa trong nước có xu hướng ổn định