Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức sáng ngày 8/3, hầu hết các cửa hàng, chợ hoa tại TP Hồ Chí Minh đều nhộn nhịp khách đến mua hoa về tặng người thân, bạn bè... Thời điểm này, giá hoa hồng ngoại tăng khoảng 20 - 30% so với ngày thường, giá hoa hồng Đà Lạt cũng tăng gấp 3 - 3 lần so với ngày thường.
Theo đó, giá hoa hồng Ecuador bán lẻ tại các cửa hàng hoa dao động từ 120.000 -150.000 đồng/cành, hoa tulip Hà Lan có giá 200.000 - 400.000 đồng/bó, hoa đồng tiền có giá 50.000 - 70.000 đồng/cành, hoa ly có giá 200.000 - 300.000 đồng/bó (5 bông)... Đặc biệt, hoa hồng Đà Lạt tại các tuyến đường đang tăng giá từ 20.000 đồng lên 60.000 đồng/bó (10 bông); còn tại chợ hoa tươi có giá 10.000 -15.000 đồng/cành tùy màu....

Giá điều đầu vụ tại Bình Phước thấp

Vào thời điểm này, nhiều hộ dân trồng điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang bước vào giai đoạn thu hoạch đầu vụ. Tuy nhiên, giá thu mua hạt điều tươi thấp hơn so với niên vụ năm 2021.
Ghi nhận của phóng viên, vụ điều năm nay tùy từng vùng, từng địa phương có tỷ lệ đậu trái khác nhau do ảnh hưởng từ thời tiết bất lợi. Đầu vụ thu hoạch giá hạt điều tươi trên địa bàn tỉnh năm nay thấp hơn năm ngoái 3.000 - 4.000 đồng/kg. Theo nhiều hộ dân, đầu vụ năm nay tại các điểm thu mua với giá khoảng 26.000 - 27.000 đồng/kg, cùng thời điểm năm ngoái giá dao động khoảng 29.000 - 30.000 đồng/kg. Với giá thu mua đầu vụ như hiện nay, nhiều hộ dân có vườn điều ra bông đợt hai lo lắng sẽ giá thấp, thất thu khi thời tiết đang diễn biến bất thường.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã đề nghị Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các địa phương khảo sát thực tế các vườn điều, nắm bắt diễn biến cụ thể tình hình hiện tại và tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn chăm sóc điều phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Chủ động, phối hợp địa phương thực hiện tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chăn sóc và phòng trừ dịch hại. Cập nhập diễn biến dịch hại trên cây trồng hàng tuần hàng tháng từ cấp huyện và thực hiện khuyến cáo phòng trừ dịch hại kịp thời.
Giá thức ăn chăn nuôi, phân bón đồng loạt tăng
Các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi vừa điều chỉnh tăng giá.
Nhiều doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi vừa thông báo điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi. Theo đó, Công ty CP MMS Feed (hệ thống Nhà máy Proconco & Anco) thông báo đến khách hàng tăng giá bán thức ăn nuôi lợn và gà thịt thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và lợn con tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg.
Tương tự, Công ty TNHH De Heus cũng thông báo tăng giá bán 300 đồng/kg với các sản phẩm thức ăn đậm đặc dành cho lợn và gà; tăng 240 đồng/kg thức ăn dành cho lợn con và gia cầm đẻ; tăng 200 đồng/kg cho các loại thức ăn còn lại (không áp dụng cho thức ăn thủy sản). Mức tăng này áp dụng cho khách hàng phía Nam từ tỉnh Quảng Trị đến Cà Mau.
Một doanh nghiệp lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi khác là Công ty TNHH CJ Vina Agri cũng điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi cho tất cả các dòng sản phẩm với mức tăng 300 đồng/kg. Lý do Công ty CJ Vina Agri đưa ra là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động nên việc tăng nhằm ổn định chất lượng sản phẩm.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tiếp tục tăng cao so với tháng 12/2021. Trong đó, giá dầu đậu tương tăng khoảng 22%, đậu tương tăng khoảng 21%, khô đậu tương tăng khoảng 16%, ngô tăng khoảng 9%.
Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ; đồng thời cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới và Việt Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ucraina nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi.
Bộ NN&PTNT cho biết, sắp tới sẽ làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước nhằm tránh cú sốc trước đà tăng giá của nhiều loại mặt hàng hiện nay.
 

Nguồn: VITIC/Tintuc/tienphong