Giá lúa gạo hôm nay 9/9: Giá lúa tăng
Giá lúa gạo hôm nay 9/9 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng với mặt hàng lúa IR 504. Hiện lúa tươi IR 504 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 5.400 – 5.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Với các chủng loại lúa còn lại, giá duy trì ổn định. Cụ thể, lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; OM 18 5.700 – 5.900 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại và có xu hướng đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang ở mức 7.950 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 giữ ở mức 8.500 – 8.550 đồng/kg. Giá phụ phẩm cũng không có biến động. Hiện giá tấm ở mức 8.300 đồng/kg, cám khô 7.600 – 7.700 đồng/kg.
Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo nguyên liệu về ổn định, các kho mua đều. Giá lúa thu đông ít biến động. Thị trường lúa hè thu sôi động hơn.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu tiếp đà đi ngang. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn.
Hiện nay nguồn cung gạo tại nhiều nước trên thế giới suy giảm. Mới đây, Bộ Nông nghiệp Indonesia thông tin, sản lượng lúa từ tháng 1 đến tháng 8 là 49,82 triệu tấn, giảm 5 triệu tấn so với mục tiêu 54,89 triệu tấn cho năm 2022.
Tương tư, Pakistan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ tư thế giới, chịu thiệt hại lớn về nông nghiệp, bao gồm cả lúa gạo, khi lũ lụt tàn phá những vùng đất nông nghiệp lớn của nước này, trong khi nhiệt độ cực cao ở các khu vực của Trung Quốc vào cuối tháng 8 đã gây thiệt hại cho sản lượng lúa gạo ở nhà nhập khẩu chủ lực lớn nhất thế giới.
Pakistan được dự báo sẽ mất khoảng 10% trong sản lượng lúa gạo ước tính khoảng 8,7 triệu tấn vào năm 2022. Giá lương thực đã tăng vọt tại các thị trường trên khắp Pakistan khi những cơn mưa tàn phá hủy hoại mùa màng và làm gián đoạn nguồn cung cấp, một dấu hiệu ban đầu cho thấy lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đang tạo ra tình trạng thiếu lương thực vào thời điểm khủng hoảng tài chính.
Cùng với đó, nhu cầu mạnh mẽ từ Bangladesh đã củng cố giá gạo trong những tuần gần đây. Bangladesh có kế hoạch nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo trong vài tháng tới để tích trữ dự trữ và hạ nhiệt giá nội địa cao... Đây là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo qua các thị trường này trong thời gian tới.
Giá gas giảm
Vào phiên giao dịch rạng sáng ngày 8/9, giá gas tiếp tục chìm trong sắc đỏ, giảm tới 2,5% so với phiên trước, chỉ còn 7,941 USD/mmBTU.
Giá gas tại thị trường trong nước ngày 8/9 vẫn ghi nhận sự “hạ nhiệt” đáng kể. Cụ thể, Công ty Cổ phần kinh doanh khí Miền Nam (Gas South) từ ngày 1/9, mỗi bình gas bán lẻ giảm 7.000 đồng/bình 12kg và giảm 26.000 đồng/bình 45kg. Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng không vượt quá 426.900 đồng/bình 12kg và 1.601.736 đồng/bình 45kg cho các sản phẩm thương hiệu Gas South như Gas Dầu Khí; VT Gas; A Gas; Đặng Phước Gas; Đak Gas; JP Gas.
Giá gas bình Petrolimex bán lẻ tháng 9/2022 tại thị trường Hà Nội là 423.100 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.692.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 7.300 đồng/bình 12 kg và 29.000 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Theo Tổng Công ty Gas Petrolimex, nguyên nhân giảm giá lần này do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 9 ở mức 640 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với tháng trước đó nên tổng Công ty thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Trên thực tế, phần lớn sản lượng gas trong nước phụ thuộc nguồn nhập khẩu nên giá gas bị ảnh hưởng và chi phối bởi biến động của giá gas thế giới. Giá gas thế giới tháng 9/2022 được công bố giảm 25 USD/tấn so với tháng 8/2022, do phần lớn các nước trên thế giới đang trải qua mùa hè nắng nóng nên nhu cầu tiêu thụ chất đốt giảm xuống, giúp giá gas thế giới hạ nhiệt.
Giá tiêu hôm nay 9/9: Giảm mạnh tại Bình Phước
Giá tiêu hôm nay 9/9 tại thị trường trong nước điều chỉnh giảm tại các vùng trồng trọng điểm, trong đó mức giảm mạnh nhất tại Bình Phước.
Sau nhiều ngày đi ngang, giá tiêu hôm nay 9/9 tại thị trường trong nước điều chỉnh giảm từ 500 – 1.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Bà Rịa Vũng Tàu giá tiêu đang được thương lái thu mua ở mức 69.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay điều chỉnh giảm 500 đồng/kg xuống còn 67.000 đồng/kg. Tại Gia Lai giá tiêu dao động quanh mốc 66.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 67.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Tại Bình Phước, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 67.500 đồng/kg, giảm mạnh 1.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp về thị trường hồ tiêu, có thể thấy hoạt động xuất khẩu tiêu các tháng cuối năm đang giảm dần. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng lên giá hạt tiêu trong nửa cuối năm 2022. Theo đó, nguồn cung từ Brazil đạt sản lượng tốt, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại theo chu kỳ hàng năm. Căng thẳng chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, áp lực lên giá càng gia tăng.
Mặt khác, dù Sri Lanka đang bị vỡ nợ, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng Sri Lanka sẽ đẩy mạnh xuất khẩu tiêu kể cả lượng hàng tồn, và giá thành có thể cạnh tranh hơn các nước khác. Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách “zero Covid” sẽ khiến nhu cầu chưa đạt mức như kỳ vọng, và giá khó tăng khi sức mua của Trung Quốc vẫn ở mức thấp, dù nhập khẩu của họ đã tăng trở lại trong tháng 6, nhưng đó có thể là lượng hàng có sẵn ở cửa khẩu. Tình trạng tắc nghẽn cảng ở châu Âu là vấn đề chính dẫn đến sự trì hoãn các lịch trình vận tải. Thiếu chỗ và container vẫn còn căng thẳng, đặc biệt các nước xuất khẩu ở Đông Nam Á.
Trước những khó khăn trong xuất khẩu 6 tháng năm 2022, để đẩy mạnh xuất khẩu hồ tiêu bền vững, theo các chuyên gia, việc đảm bảo không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu rất quan trọng. Ngay cả Trung Quốc - thị trường nhập khẩu quan trọng của tiêu Việt Nam - cũng có những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng thực phẩm. Do đó, sản xuất bền vững ngành hồ tiêu là một nhiệm vụ tất yếu quan trọng.