Giá lúa gạo dự báo tiếp tục giảm nhẹ
Theo vietnambiz.vn, Bộ NN&PTNT cho biết giá lúa, gạo tại ĐBSCL giảm nhẹ trong tháng 8 và dự báo có thể tiếp tục giảm do nhu cầu tiêu thụ tháng tới ảm đạm.
Xuất khẩu gạo tháng 8 ước đạt 591.000 tấn trị giá 265 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 4,54 triệu tấn, gần 2 tỉ USD, tăng 0,3% về khối lượng nhưng giảm 14,9% về giá trị so với cùng kì năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 đạt 433 USD/tấn, giảm 14,7% so với cùng kì năm 2018.
Trên thị trường thế giới, hạn hán tiếp tục làm đông cứng nguồn cung tại Thái Lan khiến giá tăng và đồng rupee mất giá làm ảnh hưởng đến gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Diễn biến mùa mưa và vụ chính tại Thái Lan vẫn là những nhân tố chính chi phối thị trường do mùa vụ tại Ấn Độ và Thái Lan chịu tác động bởi yếu tố thời tiết. Hiện tượng thời tiết El Nino cũng bắt đầu ảnh hưởng đến một số nước, đặc biệt là Philippines và Indonesia.
Theo Bộ NN&PTNT, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng từ 395 – 405 USD/tấn lên 405 – 425 USD/tấn (FOB Bangkok). Ngược lại, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ 340 – 350 USD/tấn xuống 335 – 345 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn), còn gạo đồ 5% tấm Ấn Độ giảm từ 381 – 384 USD/tấn xuống còn 373 – 374 USD/tấn.
Về tình tình trong nước, tháng 8, giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) biến động giảm nhẹ so với tháng trước. Bộ dự báo giá lúa, gạo trong nước có thể giảm nhẹ do nhu cầu tiêu thụ tháng tới ảm đạm.
Phân bón giả, kém chất lượng gây rối loạn thị trường
Baotintuc.vn đưa tin, theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, phân bón giả, kém chất lượng đang gây rối loạn thị trường, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Một số doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang gặp khó khăn do trên thị trường xuất hiện phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng diễn ra hết sức tinh vi với nhiều thủ đoạn, chiêu trò.
Theo Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, thời gian qua, công ty phát hiện một số cửa hàng kinh doanh phân bón nhỏ lẻ lấy vỏ bao bì phân bón Lâm Thao để cho phân bón của các công ty không có thương hiệu, bán với giá thấp.
Lực lượng chức năng cũng cho biết: Những đơn vị sản xuất phân bón giả, kém chất lượng này đã đánh vào sự hám lợi của một số đại lý, cửa hàng (do phân bón giả có giá thành thấp nên đã chi thù lao cho người bán hàng cao) mà tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.
Tác động tiêu cực của phân bón giả, phân bón kém chất lượng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng, thổ nhưỡng, hiệu quả kinh tế, an ninh lương thực.
Hiện trên thị trường có trên 700 cơ sở sản xuất phân bón, với 20.000 đầu tên sản phẩm phân bón, chưa kể đến số lượng phân bón nhập khẩu.
Để thị trường phân bón được ổn định, tạo môi trường kinh doanh hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất và người sử dụng phân bón thì cần phải có vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngành gỗ phải đảm bảo minh bạch xuất xứ
Theo vietnamplus.vn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lâm sản có khả năng đạt 11 tỷ USD, nhưng thị trường cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình là những cảnh báo về tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa với mặt hàng gỗ dán. Cùng với đó là những khó khăn về nguồn nhân lực, mặt bằng cho doanh nghiệp chế biến, thách thức về thương hiệu…
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các mặt hàng gỗ, đặc biệt là gỗ dán tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam sang Mỹ. Việc gian lận này chủ yếu theo hình thức, các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm hoặc bán sản phẩm từ Trung Quốc sau đó sơ chế để xuất khẩu sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu phải đảm bảo minh bạch xuất xứ hàng hóa. Đây là việc không chỉ đáp ứng yêu cầu với Hoa Kỳ mà với tất cả các thị trường khác mà Việt Nam có quan hệ thương mại. Việt Nam sẽ thực hiện truy xuất nguồn gốc từ quá trình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng… đến xuất khẩu.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn giao Tổng cục Lâm nghiệp và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, dự báo về tình hình thương mại gỗ và đồ gỗ, nhất là mặt hàng gỗ dán và báo cáo Bộ trong tháng 9/2019. Nếu có tình trạng gian lận thương mại phải có biện pháp xử lý mạnh, thậm chí là cấm xuất khẩu.
Buôn lậu đường cát qua biên giới gia tăng
Thông tin từ nongnghiep.vn, Theo Tổng cục Quản lý Thị trường, tình trạng buôn lậu đường cát qua biên giới, nhất là tại biên giới Tây Nam, có chiều hướng gia tăng với số lượng ngày càng nhiều.
Trước đây, các đối tượng buôn lậu sử dụng hình thức sang chiết đường lậu vào những bao nhỏ, vận chuyển ban đêm để tránh phát hiện, thì hiện nay, các đối tượng chở đường cát lậu công khai bằng xe tải lớn, khi đưa vào thị trường trong nước bán tại các cửa hàng vẫn còn nguyên bao, nhãn mác nước ngoài.
Nhiều trường hợp, đường cát lậu sau khi tập kết được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất rồi sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của nhà máy, công ty đường trong nước mang đi tiêu thụ.
Đường cát lậu còn được các đối tượng hợp thức hóa khi vận chuyển, kinh doanh để qua mặt cơ quan chức năng dưới nhiều hình thức như: sử dụng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; sử dụng vận đơn nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch.
Trước tình hình đó, Tổng cục Quản lý Thị trường vừa có công văn gửi Cục Quản lý Thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc mở đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mặt hàng đường cát cuối năm 2019. Theo đó, trong lần ra quân này, sẽ tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân; Kiểm tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân.
Đợt kiểm tra này dự kiến thực hiện từ ngày 15/9 đến hết ngày 31/12/2019, tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet