Giá xăng có thể giảm vào ngày 16/10/2019
Theo vietnambiz.vn, lãnh đạo của một doanh nghiệp TP HCM dự báo với xu hướng giảm giá của thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng trong nước sẽ giảm nhẹ.
Dự kiến ngày mai (16/10) Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Ở kì điều chỉnh trước đó (1/10), Liên Bộ tăng khoảng 600 - 900 đồng/lit đối với xăng các loại. Theo đó, giá xăng RON 95 tăng 923 đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng 666 đồng/lít lên lần lượt không cao hơn 21.066 đồng/lít và 19.780 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu cũng tăng 424-829 đồng một lít, kg tùy loại.
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân ở Singapore trong kì này giảm so với kì tính giá ngày 1/10. Giá xăng RON 92 và RON 95 giảm lần lượt 4,8% và 3% so với kì trước xuống 68,726 USD/thùng và 76,215 USD/thùng.
Lãnh đạo của một doanh nghiệp TP HCM dự báo với xu hướng giảm giá của thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng trong nước sẽ giảm nhẹ.
Đơn vị này cũng cho rằng có khả năng các cơ quan quản lí sẽ sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để khiến giá mặt hàng xăng, dầu giữ nguyên hoặc giảm ít hơn. Cụ thể, cơ quan quản lí sẽ bỏ hoặc giảm một nửa mức sử dụng quỹ bình ổn hiện hành.
Nếu giảm mức sử dụng quỹ bình ổn về 0 đồng, giá xăng có thể không thay đổi. Khi đó, giá bán lẻ dầu diesel 0.05S dự báo giảm 300 - 350 đồng/lít.
Ngành nông nghiệp sẽ mở cửa thêm nhiều loại nông sản
Thông tin từ vietnambiz.vn, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho biết 9 tháng đầu năm 2019, mặc dù ngành nông nghiệp chịu tác động lớn bởi diễn biến bất thường của thời tiết, dịch tả heo châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp, khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhất là việc thay đổi sang nhập khẩu chính ngạch của thị trường Trung Quốc... Tuy nhiên, toàn ngành vẫn duy trì tăng trưởng khá đạt 2,02%, trong đó thủy sản tăng cao hơn 6%, lâm nghiệp tăng gần 4%.
Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn về thị trưởng, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10 - 15%, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn đạt hơn 30 tỉ USD, tăng 2,7% so với với cùng kì năm 2018.
Trước tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc tới ngành nông nghiệp, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc như định kì 3 tháng/lần tổ chức họp trao đổi, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để xử lí hoặc phản ánh đến các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc kịp thời tháo gỡ.
Ốc hương, tôm hùm, xoài ứ đọng tại Khánh Hòa
Theo vietnambiz.vn, mặc dù đã có doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn chưa có tên trong danh sách được phép xuất khẩu thủy sản sang quốc gia láng giềng.
Toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 660 ha ao đìa nuôi ốc hương thương phẩm, tập trung chủ yếu tại huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và TP Cam Ranh, với tổng sản lượng ốc thương phẩm khoảng 1.600 tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đầu ra gặp khó, giá ốc hương giảm sâu đã khiến người nuôi lỗ nặng. Do đó, nhiều hộ đã quyết định dừng nuôi hoặc chuyển sang nuôi các đối tượng khác như tôm, cá mú, cá chẽm…
Theo một số vựa chuyên thu mua ốc hương tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, phần lớn ốc hương thương thẩm được thu mua xuất đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nhưng hiện nay, con đường này bị thắt chặt nên ốc hương ùn ứ, không xuất khẩu được, kéo theo giá ốc giảm sâu.
Một số vựa xuất khẩu theo đường này đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt, xử phạt rất nặng nên người nuôi không dám mạo hiểm. Ngoài ốc hương, hai mặt hàng khác của Khánh Hòa cũng chịu ảnh hưởng lớn từ việc thay đổi này là tôm hùm và xoài.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu trong khi người nuôi thủy sản không nắm bắt được thông tin nên bị động, một số vùng nuôi vẫn còn tình trạng nuôi không đúng qui hoạch nên gặp khó trong việc cấp mã số vùng nuôi, các sản phẩm thủy sản nuôi chưa đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên khó tiếp cận thị trường.
Đã giảm gần 11.000 container phế liệu lưu giữ tại cảng biển
Baotintuc.vn đưa tin, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan, số lượng phế liệu tồn đọng, lưu giữ tại các cảng biển đã giảm gần 11.000 container so với cuối năm 2018.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 9/2019, số hàng hóa khai báo là phế liệu hiện lưu giữ tại cảng biển chỉ còn 10.102 container, giảm 10.852 container so với cuối năm 2018.
Trong đó, số lượng lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày là 3.605 container; số lượng container lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày là 41 container; số lượng tồn đọng lưu giữ trên 90 ngày là 6.456 container.
Về phương án xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển, Bộ Tài chính đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trình tự các bước xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành trong việc xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển.
Riêng đối với hàng hóa tồn đọng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và hàng hóa tồn đọng là chất thải phóng xạ, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định xử lý theo hướng yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện vận chuyển lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan hải quan.
Trường hợp hãng tàu không thực hiện vận chuyển lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải có biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra, vào cảng Việt Nam.
Giá heo hơi dự báo tiếp tục tăng vào cuối năm nhưng không quá cao như Trung Quốc
Theo vietnambiz.vn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết dịch tả heo châu Phi khiến sản lượng thịt heo Việt Nam giảm 8% so với tổng sản lượng trong 2019. Dự kiến giá heo hơi từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng, nhưng không quá cao giống như Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, cho biết vừa qua Cục đã yêu cầu các địa phương gửi báo cáo thống kê số lượng đầu heo. Tính đến ngày 31/8, đã có 56 tỉnh gửi báo cáo với tổng đầu heo đạt 22 triệu con trong đó còn 2,7 triệu con nái và 110 con cụ kị.
"Như vậy, còn 7 tỉnh nữa chưa gửi báo cáo. Chúng tôi ước tính tổng đàn heo cả nước đạt khoảng 24 - 25 triệu con. Do vậy, ngành chăn nuôi hoàn toàn chủ động được nguồn cung cho dịp Tết", ông Trọng cho biết. Ông Trọng nhấn mạnh đàn heo giảm thấp hơn so với kịch bản.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, thời gian qua Bộ đã có những động thái quyết liệt để phòng chống dịch tả heo châu Phi trong đó có 60 văn bản chỉ đạo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết dịch bệnh có xu hướng giảm trong 4 tháng qua. Bộ đang thúc đẩy việc chuyển đổi, gia tăng sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn, thủy sản... để đáp ứng thực phẩm thay thế thịt heo.
Kết quả là sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng, như thịt trâu đạt 70.500 tấn, tăng 3,1%; thịt bò đạt 264.900 tấn, tăng 4,2%; thịt gia cầm đạt 931.400 tấn, tăng 13,5%,...
5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD đều thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo
Thông tin từ vietnambiz.vn, 5 mặt hàng này đóng góp 10,37 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2019, chiếm 70,34% tổng số 14,75 tỉ USD tăng thêm của tổng kim ngạch xuất khẩu chung so với cùng kì năm trước
Theo số liệu của Bộ Công Thương trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 194,3 tỉ USD, tăng 8,2%, bằng 73,9% kế hoạch năm. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, ước đạt 163,66 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kì năm trước.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,23% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,6% của năm 2018 và hơn 81% của năm 2017.
Trong 9 tháng đầu năm 2019 có 31/45 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng so với cùng kì năm 2018. Trong đó, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, chiếm 90,96% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt trên 10 tỉ USD đều thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, điện thoại các loại là mặt hàng có kim ngạch đạt cao nhất với 38,6 tỉ USD, tăng hơn 5% so với cùng kì năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 16,4% trong 9 tháng đầu năm 2018 và 23,3% trong 9 tháng đầu năm 2017.
Nguồn: VITIC