Giá thịt heo tăng, giá gà giảm mạnh
Theo
tuoitre.vn, trong khi giá thịt heo tăng mạnh, thậm chí “tiệm cận” giá thịt bò; giá gà công nghiệp tại Đồng Nai vẫn đứng ở mức thấp, chỉ vừa trở lại mức hòa vốn sau khi rơi xuống mức chỉ bằng một nửa giá thành chăn nuôi. Do nguồn gà đông lạnh nhập về nhiều, nguồn cung tăng mạnh.
Tại Đồng Nai, hiện giá 20.000-22.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 23.500 đồng/kg. Trước đó giá chỉ 16.000-18.000 đồng/kg. Một số hộ chăn nuôi có gà xuất chuồng vào trung tuần tháng 9-2019 giá chỉ 12.000 đồng/kg, thấp 10.000-11.000 đồng/kg so với giá thành chăn nuôi, đều bị lỗ nặng. Nhiều hộ nuôi gà phải đóng trại, ngừng chăn nuôi vì cạn vốn.
Gà đông lạnh nhập về nhiều với giá khá thấp nên gà nuôi trong nước cạnh tranh không lại. 9 tháng đầu năm 2019, VN đã nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà, đạt hơn 186 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch.
Lượng gà nhập về nhiều trong khi số lượng tổng đàn gà tăng nhanh, riêng tổng đàn gà của Đồng Nai đã tăng khoảng 3 triệu con (từ 21 lên 24 triệu con) so với thời điểm trước khi dịch tả heo châu Phi (ASF) xảy ra khiến cho giá gà giảm sâu.
Dịch tả heo châu Phi bùng phát và lan rộng, với số lượng heo bị tiêu hủy khá lớn (hơn 5,7 triệu con tính đến hết tháng 10-2019), khiến cho giá heo tăng cao nên ngành nông nghiệp và các địa phương chủ trương phát triển một số vật nuôi khác, trong đó có gà để bù đắp cho lượng heo thiếu hụt. Tuy nhiên, nhiều người dân dồn vô nuôi gà sẽ dẫn đến cung vượt cầu, làm ảnh hưởng tới giá. Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho biết tính đến hết tháng 10, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Dịch ASF tạo khủng hoảng thực phẩm chưa từng có trong lịch sử
Vietnambiz.vn đưa tin, theo Bộ NN&PTNT, kể từ khi xuất hiện tại Trung Quốc, dịch tả heo châu Phi đã lan sang 28 quốc gia trong thời gian ngắn, với thông tin thế giới thiệt hại tới 30% đàn heo.
Như vậy, dịch bệnh đang tạo ra cuộc khủng hoảng thực phẩm từ trước đến nay chưa từng có.
Tính tới thời điểm hiện tại, tổng thiệt hại là 5,7 triệu con heo, tương đương 8,5% tổng sản lượng thịt heo của cả nước. Đây là mức thiệt hại rất lớn, và nếu rơi vào các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ thì sẽ là thiệt hại vô cùng tai hại, từ trước đến nay chưa từng xuất hiện.
Nhìn chung, các địa phương từ Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định - những ổ dịch đầu tiên - đã triển khai tập trung quyết liệt những biện pháp.
Nếu như tháng 6 là tháng đỉnh điểm phải tiêu hủy tới 1,2 triệu con heo, thì tính đến tháng 11, chỉ còn dưới 400.000 con.
Hiện tại, có 60% số xã qua 30 ngày không còn dịch, trong đó có 9 tỉnh ghi nhận trên 85% số xã qua 30 ngày không phát hiện thêm trường hợp nhiễm dịch mới. Trong đó, Hưng Yên, là địa phương đầu tiên bùng phát dịch, báo 100% số xã không còn dịch.
Triển vọng xuất khẩu chuối sang Trung Quốc
Theo
nongnghiep.vn, nhiều hộ ở Tuyên Quang đổi đời nhờ trồng chuối. Sản phẩm chuối được thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh. Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 2.100 ha chuối. Cây chuối tập trung nhiều nhất ở Chiêm Hóa với 1.044 ha, huyện Yên Sơn 338 ha, huyện Sơn Dương 343 ha. Phần lớn các giống được trồng là giống chuối bản địa. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh, nhờ trồng chuối, nhiều hộ gia đình có cuộc sống ấm no.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, phong trào trồng chuối phát triển mạnh ở tỉnh khoảng 5 năm nay. Trước đây diện tích chủ yếu tập trung ở dạng mô hình nhỏ lẻ. Có nhiều năm kinh nghiệm, nên người trồng chuối ở Tuyên Quang đã chủ động thời vụ, tính toán được giai đoạn nào chuối ra quả và cho thu hoạch đảm bảo hiệu quả kinh tế cáo.
Tháng 2 và tháng 8 dương lịch được xem là giai đoạn thích hợp nhất để trồng chuối. Đây là giai đoạn có thời tiết lý tưởng để cây chuối sinh trưởng, phát triển tốt và ít mắc các loại nấm gây thối rễ.
Kiến Thiết là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn. Trước đây, sản xuất nông nghiệp của xã chủ yếu là trồng lúa nương, trồng sắn, ngô, sản lượng không đáng kể. Nguồn thu nhập thấp, đời sống của đại bộ phận nhân dân gặp khó khăn. Khoảng 5 năm trở lại đây, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Kiến Thiết chú trọng phát triển cây chuối tây.
Cây chuối tây khi được trồng tại xã Kiến Thiết phát triển nhanh, ít sâu bệnh, chất lượng ngon, quả to tròn và ngọt nên được nhiều thương lái tới thu mua để xuất sang thị trường Trung Quốc.
Theo những thương lái chuyên kinh doanh chuối thì thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. Hai cửa khẩu chính được thông thương vận chuyển là cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang). Người trồng chuối yên tâm nhất là chưa bao giờ bị ế. Chuối tại Tuyên Quang thời điểm cao nhất là 9.000 đồng/kg và thấp nhất là 5.000 đồng/kg.
Thủy sản Nam Định xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó
Theo
nongnghiep.vn, hàng năm, tỉnh Nam Định xuất sang Trung Quốc hàng ngàn tấn thủy sản các loại. Từ khi nước bạn siết chặt tiểu ngạch, các mặt hàng thủy sản Nam Định gặp nhiều khó khăn.
Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thácKim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 2,7%Tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông thủy sản
Ông Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản Nam Định chia sẻ, các sản phẩm thủy sản khai thác tại Nam Định như cá bống bớp, sứa biển, tép moi, tôm, mực… ngoài tiêu thụ nội địa còn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Song, từ khi Trung Quốc siết chặt chính sách biên mậu đã gây khó khăn xuất khẩu tiểu ngạch đối với các mặt hàng thủy sản của Nam Định; người dân, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản lao đao, thiệt hại kinh tế.
“Để xuất khẩu chính ngạch, các doanh nghiệp của Nam Định phải đáp ứng được yêu cầu của phía nước bạn như cơ vật chất đảm bảo, an toàn; sản phẩm phải có mẫu mã, nhãn mác; kiểm soát được chất cấm trong sản phẩm; tuân thủ các điều kiện của nước bạn…”, ông Lại nói thêm.
Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT Nam Định đã tập trung tháp gỡ khó khăn như hướng dẫn doanh nghiệp đi học các lớp tập huấn; quy hoạch lại vùng nuôi theo hướng an toàn, VietGAP; xây dựng thương hiệu, cơ sở sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn HACCP; sang Trung Quốc nắm bắt thị trường, tình hình thực tế nước bạn.
Nguồn: VITIC