Tôm Việt xuất sang Nhật bị cạnh tranh khốc liệt với Ấn Độ
Baohaiquan.vn đưa tin, xuất khẩu thuỷ sản nói chung, đặc biệt là mặt hàng tôm nói riêng sang Nhật Bản-một trong những thị trường hàng đầu của thuỷ sản Việt Nam được dự báo sẽ gặp khó khăn, cạnh tranh lớn trong thời gian tới.
Ấn Độ đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ nuôi trồng thuỷ sản. Chính phủ Ấn Độ đang đặt mục tiêu tăng gấp ba lần sản lượng thủy sản nội địa bằng cách đẩy mạnh thực hiện các dự án liên quan đến sản xuất giống. Trong đó, hiện Ấn Độ có 4 trại sản xuất giống với năng lực sản xuất 250.000 con cá giống nước ngọt và 4.350.000 con tôm giống đã được đi vào xây dựng.
Bên cạnh đó, nước này dự định sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh nuôi tôm sú truyền thống tại Tây Bengal, Kerala và Karnataka nhằm đẩy mạnh thương mại tôm sang thị trường Nhật Bản, đặc biệt trong Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 - sự kiện được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản tại Nhật Bản.
Cục Chế biến và Thị trường nông sản đánh giá: Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với Ấn Độ khi xuất khẩu thủy sản (đặc biệt là mặt hàng tôm sú) sang thị trường truyền thống của mình là Nhật Bản.
Ngành thức ăn chăn nuôi lao đao theo dịch tả lợn châu Phi
Theo
vietnambiz.vn, sản xuất, tiêu thụ của các doanh nghiệp, đại lý thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh từ 30-50% do dịch tả lợn châu Phi...
Tập đoàn Thức ăn chăn nuôi Vina (Vinafeed) tháng 2, lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi (TACN) giảm khoảng 30% so với tháng 1 (từ mức 16.000 tấn/tháng xuống còn 11.000 tấn) - Đây cũng là thời điểm dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và bùng phát mạnh. Thị trường chăn nuôi đình trệ hoàn toàn, người chăn nuôi không thể xuất bán lợn. Giá lợn sụt giảm từ 50.000 đồng/kg thịt hơi xuống 32.000 đồng/kg mà vẫn khó tiêu thụ. Hiện, giá sản phẩm của Vinafeed đã giảm khoảng 7-8% so với tháng 1/2019.
Rất nhiều hộ chăn nuôi bán tháo bằng mọi giá, thậm chí bán cả đàn lợn nái vì lo lắng, thua lỗ rất lớn. Trong trường hợp đó, hiệu ứng domino phá sản hệ thống người chăn nuôi, cung cấp con giống và đại lý phân phối cám còn kéo dài ngay cả khi hết dịch.
Tập đoàn Masan sản xuất, tiêu thụ TACN giảm mạnh, sản lượng TACN chỉ khoảng trên 10.000 tấn/tháng, trong khi có thời điểm đạt gần 100.000 tấn/tháng.
Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam sản xuất và tiêu thụ TACN của Dabaco sụt giảm, kéo lợi nhuận sau thuế mảng này giảm 2,4 tỷ đồng. Và sau 3 tháng, Dabaco mới đạt 5,6% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm 2019 là 356,4 tỷ đồng.
Công ty TNHH Tình Chương (Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trước đây mỗi tháng bán ra thị trường 300-400 tấn TACN, nay chỉ còn chừng 20 tấn.
Ngành chăn nuôi Việt Nam hiện cần khoảng 16-18 triệu tấn TACN/ năm với tổng trị giá khoảng 6 tỉ USD. Đến năm 2020 có thể đạt 10,55 tỉ USD và cần tới 25-26 triệu tấn TACN.
Ùn ứ nông sản không thuộc danh mục xuất khẩu chính ngạch tại Lạng Sơn
Theo
vov.vn, nhiều loại nông sản không nằm trong danh mục hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đang ùn ứ tại thành phố Lạng Sơn (Lạng Sơn) và khu biên giới.
Do chưa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch nên một số loại hoa quả tươi như chanh leo, sầu riêng... của Việt Nam buộc phải tìm cách sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch; các chủ hàng phải mất thêm chi phí thuê người vận chuyển hàng qua các đường mòn, lối mở. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý an ninh biên giới của lực lượng chức năng cả hai nước mà còn gây thất thu các khoản thuế, phí.
Các mặt hàng nông sản không nằm trong danh sách xuất khẩu chính ngạch được vận chuyển qua các đường mòn, lối mở.
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao đổi, vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục cho phép một số loại trái cây tươi như măng cụt, roi, bưởi, na, chanh leo… được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình đàm phán vẫn đang được tiến hành.
Một số loại quả không để được lâu, chủ hàng buộc phải bày bán ngay tại vỉa hè để giảm thiệt hại.
Hiện tại, ngoài 8 loại quả là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, các loại hoa quả khác vẫn chịu nhiều rủi ro khi chỉ vào được thị trường này theo đường tiểu ngạch, gây thiệt hại không nhỏ cho cả doanh nghiệp xuất khẩu và cả người tiêu dùng Trung Quốc.
Giá heo hơi có thể phục hồi sau khi hết dịch
Theo
vietnambiz.vn, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 23 tỉnh, thành phố, tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 73.000 con, diễn biến phức tạp của dịch đã ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi heo. Tuy nhiên, trong quý I , nhờ sự tăng đàn từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 nên đàn heo vẫn tăng 2,5% so với cùng kì năm 2018.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì giá heo hơi có khả năng tăng hơn nữa, tạo điều kiện tái đàn, đáp ứng đủ nhu cầu cầu của người tiêu dùng trong cả nước.
Theo Tổng cục Thống kê, đàn heo của cả nước tháng 3 tăng 2,5% so với cùng kì năm 2018; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng quý I đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 3,2%.
Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trương ưu tiên tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo trên cơ sở dựa vào doanh nghiệp lớn để tạo ngành sản xuất hàng hóa, đầu tư công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.
Đồng thời Bộ khuyến khích ngành tham gia chuỗi có các nông hộ với chăn nuôi trang trại chuyên nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững, tăng năng suất, hạ giá thành (xuống dưới 35.000 đồng/ kg hơi đối với heo), tăng sức cạnh tranh, sẵn sàng tham gia xuất khẩu.
Xuất khẩu tôm sang EU vẫn khó khăn
Theo
Baohaiquan.vn, EU là thị trường XK tôm lớn nhất của Việt Nam, năm 2019, xuất khẩu tôm sang EU vẫn còn nhiều khó khăn. Trong những tháng đầu năm 2019, XK tôm sang EU giảm 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái. EU vẫn là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20,5% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường. Năm 2018, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 838,3 triệu USD, giảm 2,8%.
XK tôm sang EU tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2018 và có xu hướng giảm trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2019, XK tôm sang EU vẫn chưa đảo chiều đi lên. Nguyên nhân, một phần do nguồn cung tôm thế giới tăng, kéo giá tôm XK giảm, những xáo trộn về kinh tế, chính trị đang diễn ra tại EU cũng tác động tới xuất nhập khẩu tôm tại thị trường này.
Tôm chân trắng là sản phẩm chủ đạo XK sang EU, chiếm tỷ trọng áp đảo 82% tổng các sản phẩm tôm xuất sang EU. Anh, Hà Lan, Đức là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối EU.
Trong khối EU, Anh đang là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 33% tổng XK tôm của Việt Nam sang EU và chiếm 6,7% tổng XK tôm Việt Nam đi tất cả các thị trường. Nửa cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, XK tôm Việt Nam sang Anh không ổn định do tác động từ sự kiện Brexit vẫn chưa đi đến hồi kết. Sự kiện này phần nào làm xáo trộn tình hình XNK hàng hóa và nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại Anh.
Nguồn: VITC tổng hợp