Giá ớt tăng kỷ lục
Theo nongnghiep.vn, thời gian gần đây, giá ớt tại các tỉnh phía Bắc liên tục tăng vọt lên mức trung bình 70-80 nghìn đồng/kg, một số nơi 90-100 nghìn đồng/kg, đây là mức giá cao chưa từng thấy.
Tại vùng chuyên canh trồng ớt xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội), hiện giá ớt đang ở mức bình quân lên tới 75- 80 nghìn đồng/kg.
Hiện nay, ớt trong xã đang trong giai đoạn thu hoạch rộ. Thông thường, mọi năm trà thu hoạch rộ, giá ớt trung bình chỉ khoảng 15-20 nghìn đồng/kg là nông dân đã có lãi khá. Nhưng năm nay, từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá ớt liên tục tăng cao. Đầu vụ (đầu tháng 4/2019), giá ớt từ khoảng 30 nghìn đồng, đã liên tục tăng mạnh, hiện đã lên mức trung bình 80 nghìn đồng/kg.
Theo nhận định, việc giá ớt vụ xuân năm nay tăng cao đột biến, có thể do diện tích giảm mạnh do giá ớt năm 2018 rớt thê thảm.
Hiện, ớt tại các tỉnh phía Bắc bên cạnh tiêu thụ một lượng rất ít cho thị trường nội địa, thì chủ yếu được thu mua để XK sang các thị trường như Malaisia, nhưng chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc. Các thương lái tại các tỉnh thu gom, sau đó chở container lạnh (10-15 độ C) lên nhập lại cho các Cty sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn để XK đi Trung Quốc.
Giá thu mua mía giảm mạnh
Theo baotintuc.vn, niên vụ mía đường 2018 – 2019, do giá thu mua mía của nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa (Tây Ninh) thấp kỷ lục, chỉ đạt 750.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường (thấp hơn 150.000 đồng/tấn so niên vụ 2017-2018. Do đó, người trồng mía lỗ nặng (bình quân 10 triệu đồng/ha), nhiều người trồng mía diện tích lớn, số tiền lỗ lên đến hàng tỷ đồng trong vụ này.
Chủ tịch Hội người trồng mía tỉnh Tây Ninh cho biết, khi xem xét kỹ lại các hợp đồng từng năm mới thấy việc nhà máy chưa rõ ràng trên các chính sách thu mua mía.
Cụ thể, theo giải trình với ngành chức năng về giá thu mua mía và các hỗ trợ có liên quan thì giá tổng thể thu mua đến nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa là 900.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường, đây được xem là giá thu mua khá lý tưởng, nông dân sẽ không đến mức lỗ tiền tỷ.
Tuy nhiên, nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa lại kê chi phí vận chuyển ở mức giá trần để cân đối (phí vận chuyển 120.000 đồng/tấn); trên thực tế, giá vận chuyển toàn tỉnh Tây Ninh và ở Campuchia chỉ có 10 điểm có giá 120.000 đồng/tấn; 202 điểm có giá từ 100.000 đồng đến dưới 120.000 đồng/tấn; 701 điểm có giá vận chuyển từ 49.600 đồng đến dưới 100.000 đồng/tấn (theo bảng thông báo các điểm và giá cước nhà máy đưa ra hồi đầu vụ thu hoạch mía niên vụ 2018-2019). Căn cứ vào các hợp đồng (3 năm) mà nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa đã ký với nông dân trước đó (bao gồm các khoảng bảo hiểm chữ đường tối thiểu là 900.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường và khoảng hỗ trợ tạp chất 3%) trong niên vụ mía 2016 – 2017 và niên vụ 2017 - 2018 vẫn còn hiệu lực thi hành, nhưng nhà máy không áp dụng các chính sách như đã cam kết là điều đáng ngại, cần phải xem xét lại.
Hỗ trợ heo bị dịch bằng 80% giá thị trường
Vietnambiz.vn đưa tin, ngày 20/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành Công văn số 2089/UBND-KT về việc tháo gỡ vướng mắc về mức hỗ trợ thiệt hại khi phải tiêu huỷ lợn bị bệnh, heo chết do dịch tả heo Châu Phi (ASF) gây ra.
Cụ thể, đối với heo con, heo thịt các loại, hỗ trợ bằng 80% giá thị trường tại thời điểm có dịch. Đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác: hỗ trợ bằng 1,8 lần mức hỗ trợ đối với heo con, heo thịt các loại tại thời điểm có dịch bệnh.
Về giá thị trường làm căn cứ xác định mức chỗ trợ, UBND TP nêu rõ, trước ngày 2/4 thì giá thị trường làm căn cứ xác định mức hỗ trợ là 37.400 đồng/kg; từ ngày 2/4 đến 4/4 là 37.800 đồng/kg; từ ngày 5/4 đến 1/5 là 39.200 đồng/kg; từ ngày 2/5 đến 9/5 là 35.000 đồng/kg; từ ngày 10/5 thực hiện theo thông báo giá thị trường heo hơi hàng ngày của Sở Tài chính.
Đối với các trường hợp mà UBND các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chi trả, hỗ trợ cho dân cao hơn mức hỗ trợ nêu trên, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm rà soát, tổng hợp, báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài chính để Sở rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc (nếu có) báo cáo UBND thành phó theo quy định.
Thời điểm xác định mức hỗ trợ là thời điểm quyết định tiêu hủy toàn bộ số lượng heo trong đàn mắc bệnh dịch tả heo châu Phi, công văn nêu rõ.
Tiêu thụ chuối khó khăn do quy định từ Trung Quốc
Vov.vn đưa tin, đến nay tỉnh Lai Châu đã phát triển khoảng 3.500ha chuối, tập trung ở các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè. Trong đó, riêng huyện Phong Thổ phát triển khoảng 3.000ha, tập trung chủ yếu ở các xã biên giới.
Trước kia, sản phẩm chuối chủ yếu được người dân bán cho các thương lái tại địa phương, rồi xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay bà con nông dân đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, do phía cơ quan chức năng Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh chỉ quy hoạch phát triển khoảng 200ha chuối. Tuy nhiên, xét trên nhu cầu thực tế của thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, các huyện đã để người dân trồng tự phát mở rộng trên 3.500ha. Hiện nay, muốn truy xuất được nguồn gốc để gỡ khó về thị trường, người nông dân phải có tổ chức đứng ra đại diện để thực hiện các quy trình sản xuất.
Cơ hội xuất khẩu sữa sang Trung Quốc
Theo nongnghiep.vn, với sự tăng trưởng tốt về sản lượng, để tiêu thụ hết sản phẩm và nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ngoài phát triển thị trường trong nước, ngành nông nghiệp đang chú trọng tới việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ra nước ngoài. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi lợn đang phải đối mặt với ASF, thì hy vọng vào xuất khẩu của ngành chăn nuôi trong thời gian tới sẽ là gia cầm và sữa. Vì vậy, việc ký Nghị định thư xuất khẩu sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc (gọi tắt là Nghị định thư) là một sự kiện rất quan trọng với ngành chăn nuôi Việt Nam.
Việc ký Nghị định thư này có ý nghĩa rất quan trọng với ngành sữa Việt Nam, bởi Trung Quốc là thị trường rất lớn về tiêu thụ sữa và nhập khẩu sữa. Năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD sữa và sản phẩm sữa. Theo dự báo của FAO, nhu cầu nhập khẩu sữa của nước này sẽ còn tăng mạnh và sữa nhập khẩu có thể chiếm tới 45% tổng nhu cầu sữa của Trung Quốc vào năm 2025.
Trong khi đó, Việt Nam lại có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sữa sang Trung Quốc. Trước hết, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò sữa, ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đang phát triển mạnh với sản lượng ngày càng tăng cao, chất lượng tốt… Việt Nam lại nằm liền kề Trung Quốc nên rất thuận thiện trong việc đưa sữa và sản phẩm sữa sang nước này.
Nắm bắt được cơ hội ở thị trường Trung Quốc, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp sữa Việt Nam đã chủ động sang Trung Quốc để tìm hiểu thị trường, ký kết những hợp đồng nguyên tắc với các đối tác nhập khẩu ở nước này, để khi hoàn tất mọi thủ tục là sẵn sàng xuất khẩu sữa ngay sang Trung Quốc.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet