Giá thanh long giảm mạnh
Theo vov.vn, do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên mấy ngày nay, trái thanh long ở tỉnh Tiền Giang sụt giá, người trồng thanh long lao đao. Tại thời điểm này, trái thanh long ruột trắng (loại tốt) chỉ ở mức từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, trái thanh long ruột đỏ chưa đến 15.000 đồng/kg, giảm hơn 5.000 đồng/kg so tuần trước. Với trái thanh long “quá lứa”, bị khuyết tật chỉ ở mức 2.000- 3.000 đồng/kg, rất khó tiêu thụ.
Các doanh nghiệp thu mua trái thanh long cho biết, trái cây này rớt giá là do thị trường xuất khẩu sang Trung quốc đang gặp khó khăn, nhất là nhiều phương tiện chưa qua được cửa khẩu dẫn đến “dội hàng”.
Tỉnh Tiền Giang có gần 8.000 ha cây thanh long chuyên canh, tập trung nhiều ở các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước. Đầu ra của trái thanh long có đến 70% xuất khẩu sang thị trường Trung quốc.
Trái thanh long bị bấp bênh như thế này là do thị trường. Khi nhu cầu cao thì hút giá, khi nhu cầu ít thì người dân bị động. Việc làm đầu tiên là phải xây dựng được hợp tác xã để sản xuất hàng hóa ổn định, có nề nếp, chất lượng. Từ đó, có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính, tránh lệ thuộc quá nhiều thị trường Trung Quốc.
Tôm hùm khan hàng, tăng giá
Theo vnexpress.net, sau một thời gian đi xuống, hiện giá tôm hùm thương phẩm tăng mạnh trở lại. Tại Cam Bình – Khánh Hòa, mức giá tôm hùm xanh đã tăng thêm 200.000 đồng lên 750.000 đồng/kg; tôm hùm sao (bông) tăng thêm 300.000 đồng lên mức 1,3 - 1,5 triệu đ/kg do nguồn cung giảm. Trong khi đó, dịp Tết dương lịch và Nguyên đán 2020 đang tới gần nên nhu cầu tăng cao. Song song đó, chi phí thức ăn và con giống tăng cao đã đẩy giá tôm thương phẩm tăng lên. Dự báo, thời gian tới giá tôm còn tăng cao vì nhu cầu lễ, tết lớn.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh hòa cho biết, giá bán tôm hùm bông sống tại đây cho loại 400 gram một con 1,2 triệu đồng/kg, loại 0,7-1 kg có giá 1,55 triệu đồng. Riêng loại có trọng lượng trên 1 kg có giá 1,650 triệu đồng/kg.
Giá heo hơi được dự báo tiếp tục tăng
Vietnambiz.vn đưa tin, giá heo hơi được dự báo tiếp tục tăng lên mức cao, nhất là những tháng cuối năm do dịch tả heo châu Phi vẫn không ngừng bùng phát ở nhiều nơi.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 10 ngày đầu tháng 10, giá heo hơi trên cả nước liên tục tăng mạnh. Theo đó, giá heo hơi tại nhiều tỉnh phía Bắc đã vượt 60.000 đồng/kg dao động ở mức 60.000 - 64.000 đồng/kg. Tại công ty chăn nuôi heo CP miền Bắc, giá heo hơi tiếp tục được điều chỉnh tăng lên 61.500 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Nam có nơi giá heo hơi đã đạt 60.000 đồng/kg. Công ty chăn nuôi heo CP miền Nam cũng thông báo điều chỉnh giá heo tăng lên 56.000 - 56.500 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết nguyên nhân giá heo hơi tăng mạnh trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi nên nguồn cung mặt hàng thịt heo giảm mạnh. Trong khi, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, nguyên vật liệu cuối năm tăng nên thị trường khá sôi động.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết giá heo hơi được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức cao, nhất là những tháng cuối năm do dịch tả heo châu Phi vẫn không ngừng bùng phát ở nhiều nơi, số lượng tiêu hủy ngày một nhiều, tổng đàn heo bị giảm mạnh, trong khi người chăn nuôi không dám tái đàn.
Kiến nghị giải pháp gỡ khó xuất khẩu nông sản
Theo haiquanonline.com.vn, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm khoảng 27% tổng lượng xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong thời gian qua.
Sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản 8 tháng đầu năm nay sang thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm hơn 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm điển hình là: Rau quả giảm hơn 13%; gạo giảm hơn 67%; cà phê giảm hơn 13% và sắn giảm 3,5%.
Thời gian tới, nhằm giải quyết khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tập trung triển khai mốt số nhiệm vụ. Cụ thể là đưa các vấn đề vướng mắc trong quan hệ thương mại song phương nói chung và thương mại song phương về nông, thủy sản nói riêng trao đổi, vận động phía Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hoặc dành thời gian "quá độ" cho các chính sách mới, tháo gỡ rào cản cho nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác song phương từ cấp cao, cấp bộ, ngành, cơ quan chức năng (Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại và Ủy ban phát triển cải cách quốc gia...) và cấp địa phương phía Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng (Tổng cục Hải quan) cũng như chính quyền các địa phương phía Trung Quốc (đặc biệt là Quảng Tây, Vân Nam) mở thêm các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu trái cây, thủy sản, lương thực... tại khu vực biên giới, tăng thời gian làm thủ tục thông quan vào dịp cao điểm.
Bên cạnh phần việc của mình, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm khai thác cơ hội, khắc phục khó khăn.
Cụ thể, với Bộ NN&PTNT là rà soát, lựa chọn các mặt hàng nông, thủy sản cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa thị trường với phía Trung Quốc theo thứ tự trước sau cụ thể trên cơ sở thị trường Trung Quốc có nhu cầu và Việt Nam có năng lực sản xuất đáp ứng được quy mô về cả số lượng và chất lượng, từ đó đôn đốc phía bạn đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường.
Cùng với đó, triển khai hiệu quả các văn bản hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiêm, kiểm dịch đã ký kết giữa hai bên, thiết lập cơ chế trao đổi thường xuyên để nắm bắt kịp thời những thay đổi của phía bạn; tập trung đàm phán giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản...
Phải chấm dứt vi phạm trong khai thác hải sản trước 31-12-2019
Theo tuoitre.vn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin, sau hai năm EC chính thức rút thẻ vàng cảnh báo Việt Nam về khai thác thuỷ sản, đầu tháng 11-2019, đoàn công tác của EC sẽ sang làm việc tại Việt Nam.
Ông Cường điểm lại, ngày 23-11-2017, EC đã rút thẻ vàng cảnh báo với thuỷ sản Việt Nam, đây là định chế của EU nhằm đảm bảo khai thác bền vững tài nguyên thuỷ sản nói chung.
Với kế hoạch đầu tháng 11-2019 đoàn EC sẽ tiến hành kiểm tra lần 2 để quyết định hình thức tiếp theo, bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: "Kỳ này kiểm tra mà không đáp ứng được yêu cầu, không xoá được thành thẻ xanh, thậm chí không giữ được thẻ vàng mà trượt sang thẻ đỏ thì vô cùng nguy hiểm về kinh tế, uy tín, địa vị".
Kết luận phiên họp, phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện mọi biện pháp ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
"Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch tổng thể các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, đảm bảo ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng vi phạm trước ngày 31-10, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm trước ngày 31-12-2019", phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản
Theo haiquanonline.com.vn, Việt Nam đã từng bước khẳng định và tiếp tục củng cố vị trí thuộc nhóm “top” 15 nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, muốn tiếp tục củng cố, thậm chí từng bước nâng tầm vị thế, vượt các rào cản phi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là điều mấu chốt trong thời gian tới.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng đầu năm đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có một số nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã từng bước khẳng định và tiếp tục củng cố vị trí là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Chúng ta thuộc nhóm top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Với CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm, ví dụ như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô ….
Còn với EVFTA, đây là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, góp phần củng cố mối quan hệ song phương theo hướng chiến lược, toàn diện và bền vững. Về góc độ mở cửa thị trường, EVFTA sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn.
Cơ hội lớn thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhờ các FTA là điều dễ thấy. Tuy nhiên, “bánh ngon” cũng không dễ “xơi” nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng. Thực tế cho thấy khi các rào cản thuế quan không còn là vấn đề đáng ngại thì hàng loạt hàng rào phi thuế quan sẽ dần được dựng lên.
Nguồn: VITIC