Lượng thịt lợn nhập khẩu tăng, giá rẻ
Theo thông tin từ
vnexpress.net, 6 tháng đầu năm, TP HCM đã chi hơn 10 triệu USD để nhập 5.648 tấn thịt heo, tăng gần 4.800 tấn về lượng, gần 8,1 triệu USD kim ngạch so với 6 tháng đầu năm 2018.
Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng nhiều nhất từ Brazil với 2.368 tấn, kim ngạch 4,39 triệu USD; Mỹ 874 tấn với 1,75 triệu USD; Ba Lan 848 tấn với 1,41 triệu USD; Bỉ 238 tấn với 620.000 USD; Hà Lan 210 tấn với 431.000 USD...
Theo đánh giá của Sở Công Thương, lượng thịt nhập khẩu tăng chủ yếu do giá chỉ khoảng 30.000 đồng một kg, thấp hơn giá heo hơi trong nước.
Ngoài ra, từ cuối năm 2018, Việt Nam mở cửa trở lại với thịt heo từ quốc gia Nam Mỹ nên lượng heo nhập tăng đột biến.
Giá tôm hùm thương phẩm giảm sâu
Theo nongnghiep.vn, hiện giá tôm hùm thương phẩm các loại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giảm sâu, nhất là tôm hùm bông (tôm sao) chỉ còn 1-1,1 triệu đ/kg (loại 1), khiến người nuôi lỗ nặng.
Cụ thể, tôm hùm xanh từ 400-550 nghìn đ/kg giảm 50-100 nghìn đ/kg và tôm hùm bông từ 1-1,1 triệu đ/kg (loại 1) giảm 500-600 nghìn đ/kg so với tháng trước. Với giá này, người nuôi trên địa bàn thu hoạch thua lỗ nặng, ít nhất hàng trăm triệu, còn nhiều lên đến tiền tỷ.
Theo các vùng nuôi tôm hùm ở Cam Bình và Vạn Thạnh, hiện nay lượng tôm hùm đến thời kỳ thu hoạch mỗi địa phương lên đến vài chục tấn. Trước tình hình giá tôm giảm mạnh, một số người nuôi chấp nhận thua lỗ bán tháo, một số khác vẫn tiếp tục thả nuôi để chờ giá “nhích” lên. Được biết, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện đang thả nuôi tôm hùm trên 49.000 lồng, trong đó xã Cam Bình khoảng 10.000 lồng.
Về nguyên nhân giá tôm hùm giảm sâu, qua liên lạc các thương lái cho hay, do đường tiểu ngạch từ phía Trung Quốc đang thắt chặt, lượng tôm tồn ở cửa khẩu nhiều.
Trong khi đó, thực tế thời gian qua người nuôi mang tính tự phát, chưa chú trọng các vấn này dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo.
Trên 542.000 con lợn được nhập về tiêu thụ tại Hà Nội
Theo
vietnambiz.vn, từ đầu năm 2019 đến nay, ước tính số lượng kiểm dịch động vật nhập về Hà Nội là gần 7,9 triệu con. Trong đó, trâu bò 42.222 con; gia cầm trên 7,2 triệu con; trứng gia cầm khoảng 21 triệu quả; thịt động vật các loại gần 40.000 tấn. Đáng chú ý, Hà Nội đã nhập trên 542.000 con lợn từ các tỉnh, TP về tiêu thụ trên địa bàn TP. Đây là nguồn cung thịt lợn quan trọng cho người dân Thủ đô trong bối cảnh tổng đàn lợn toàn TP bị thiệt hại đã lên tới trên 493.000 con (chiếm khoảng 26,3% tổng đàn).
Về sản lượng động vật thuỷ sản tiêu thụ, trong 6 tháng đầu năm 2019, ước tính Hà Nôi đã nhập và tiêu thụ khoảng 12.365 tấn, chủ yếu là cá trắm cỏ, cá chép, cá mè, cá trôi, cá rô phi, cá chim, cá diêu hồng, cá chuối hoa… Đáng chú ý, trong tổng sản lượng nhập về tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội, có khoảng 26 tấn thủy sản được nhập từ Trung Quốc.
Xuất khẩu tôm trong tháng 7 sẽ tăng
Thông tin từ
vietnambiz.vn, VASEP nhận định xuất khẩu tôm sang các thị trường trong 2 tháng 5 và 6 mặc dù giảm nhưng tốc độ giảm đã ít hơn. Xuất khẩu tôm trong tháng 7 dự kiến tăng nhẹ so với cùng kì năm ngoái.
Theo VASEP, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018. Giá tôm nguyên liệu giảm, giá xuất khẩu chưa tăng, nhu cầu nhập khẩu giảm từ các thị trường chính. Bên cạnh đó, cạnh tranh mạnh từ Ấn Độ, Ecuador là một trong những yếu tố khiến xuất khẩu tôm Việt Nam chưa thể đảo chiều đi lên.
Nửa đầu năm nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 66,8%, tôm sú chiếm 22,6% và còn lại là tôm biển.
VASEP cho hay lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang top 5 thị trường chính đều giảm trong đó xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc giảm ít hơn nhờ tăng trưởng trong tháng 6.
Đối với thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt EU đạt 300,5 triệu USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, theo VASEP, với những ưu đãi thuế quan từ hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế hơn so với nhiều quốc gia cùng xuất khẩu tôm khác như Ấn Độ, Thái Lan trong nửa cuối năm nay.
Xuất khẩu tôm Việt Nam trong các tháng tiếp theo kỳ vọng sẽ nhích dần lên nhờ tác động từ các Hiệp định Thương mại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường tăng trong nửa cuối năm và cạnh tranh từ Ấn Độ giảm bớt do đã qua vụ thu hoạch chính.
Giá Mít Thái bất ngờ tăng mạnh
Nongnghiep.vn đưa tin, từ hơn 2 tuần qua, ở các tỉnh miền Tây mít Thái quay đầu tăng giá gần bằng mức giá cao hồi đầu năm 2019. Khoảng một tháng trước, giá chỉ còn 11.000-13.000 đ/kg. Đã không ít người cho rằng mít Thái hạ nhiệt vì thương lái Trung Quốc ngưng mua hàng. Hiện nay mít vào đợt hút hàng cao điểm. Thương lái ở Cần Thơ thu mua mít Thái trái tươi tăng giá từng ngày.
Mít loại 1, trái to trên 8 kg/trái (vào ngày 23/7) giá vượt lên mức 52.000 đ/kg, tăng hơn 7.000 đ/kg so 3 ngày trước đó và tăng gấp đôi so với 2 tuần trước (26.000 đ/kg); mít loại 2 từ 6-8 kg/trái giá 30.000 đ/kg; mít loại 3 từ 4-6 kg/trái giá 20.000 đồng/kg.
So với những tháng đầu năm 2019 giá mít đã tăng chạm mức cao nhất, 35.000 - 45.000 đồng/kg và có thời điểm trên 50.000 - 60.000 đồng/kg. So với nhiều loại rau quả khác, một trái mít trọng lượng trung bình hơn 10 kg nông dân thu hơn nửa triệu đồng.
Theo Cục Trồng trọt, khi giá thu mua mít Thái xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức cao, nông dân tại một số tỉnh, thành mở rộng diện tích, kể cả một số địa phương ngoài vùng quy hoạch, thiếu tính ổn định, có nguy cơ rủi ro.
Nguồn: VITIC tổng hợp