Giá điện tăng ảnh hưởng tới giá thép
Trang nhipcaudautu.vn đưa tin, ngay sau khi giá điện tăng 8,36%, các đại lý phân phối của các công ty sản xuất thép Bỉm Sơn, Vincem, Cẩm Phả... đồng loạt thông báo kể từ tháng 4 sẽ tăng giá bán thêm 30.000-40.000 đồng/tấn. Cộng thêm giá thép của Trung Quốc đang giữ xu thế phục hồi, lãi vay ngân hàng và giá vật liệu thô đang tăng mạnh, nhiều khả năng từ đây đến cuối năm, mặt bằng giá thép trong nước sẽ tiếp tục tăng.
Theo VSA, sản xuất các sản phẩm thép 2 tháng chỉ tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2018 (khoảng 3,8 triệu tấn). Tổng lượng tiêu thụ tăng 19,9% (đạt 3,6 triệu tấn) chủ yếu nhờ động lực từ kênh xuất khẩu (tăng 19,9%). Theo dự báo của VSA, kỳ vọng tăng trưởng ngành thép trong năm nay ở mức 10%.
Nhưng không phải ai trong ngành thép cũng kém vui. Theo một số phân tích, đợt tăng giá điện mới đây sẽ tác động mạnh đến nhóm các doanh nghiệp thép sử dụng lò điện hồ quang (EAF) như Pomina, Vina Kyoei. Ngược lại, những người có thể hưởng được niềm vui là Hòa Phát, Tisco, hay Formosa khi chủ yếu sử dụng công nghệ lò cao BF-BOF trong sản xuất.
Tăng thuế nhập khẩu để hạn chế ô tô Trung Quốc
Theo plo.vn, Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, cơ quan này đề xuất tăng thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xe tải đông lạnh, xe thu gom phế thải, xe xitec; xe chở xi măng kiểu bồn... hiện có mức thuế suất 20% lên 25%.
Ngoài ra, với loại xe trộn bê tông, bộ này cũng đề nghị tăng thuế suất 15% lên 20%. Hiện kim ngạch nhập khẩu dòng xe này từ Trung Quốc đang chiếm hơn 90% tổng kim ngạch nhập khẩu xe trộn bê tông nói chung.
Lý giải về đề xuất tăng thuế nhiều dòng xe, Bộ Tài chính cho biết hiện các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư dây chuyền để sản xuất, lắp ráp xe tải hạng trung, hạng nặng và xe chuyên dùng, công suất gấp ba lần nhu cầu thị trường, đạt 45.000 xe các loại. Hơn nữa thuế suất các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đối với các mặt hàng xe tải đang rất cao 40% đến 60%.
Mặt khác, Việt Nam cũng đã sản xuất được các loại xe bảo ôn đông lạnh, xe xitec nước, xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, xe bồn nhiên liệu lưu động. Do đó việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xe tải để khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất thuế nhập khẩu sẽ khiến giá nhiều dòng xe nhất là xe tải, loại xe Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc tăng, khó cạnh tranh với các xe tải sản xuất, lắp ráp trong nước.
Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, cho hay trước đây xe tải Trung Quốc từng làm mưa làm gió khi nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam vì giá rẻ hơn các loại xe tải lắp ráp trong nước, thậm chí rẻ bằng nửa giá xe nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Từ năm 2015 đến nay, lượng xe tải Trung Quốc nhập khẩu không còn ồ ạt khi Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế với nhiều dòng xe tải. Nay với việc đề xuất tiếp tục tăng thuế nhập khẩu thì các loại xe tải, xe chuyên dụng… từ Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục giảm thêm.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cũng cho rằng tăng thuế nhập khẩu là một trong những giải pháp để tăng sức cạnh tranh cho các hãng xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, muốn ngành công nghiệp ô tô trong nước cạnh tranh bền vững thì cần những chính sách hỗ trợ về phát triển công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng.
Triển vọng xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ
Theo nongnghiep.vn, trước việc Mỹ áp thuế cao lên mặt hàng thuỷ sản NK từ Trung Quốc, sản phẩm cá rô phi của Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần. Liệu rằng, Việt Nam có tận dụng được cơ hội tốt này không?
Hiện Việt Nam đứng vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các quốc gia có sản lượng cá rô phi lớn của thế giới, với hơn 200.000 tấn/năm. Tuy nhiên, kim ngạch XK cá rô phi của nước ta chiếm thị phần rất nhỏ (khoảng 15 triệu USD/năm).
Trung Quốc là quốc gia cung cấp cá rô phi lớn nhất cho Mỹ, chiếm khoảng 60 - 70% tổng sản lượng cá rô phi đông lạnh nhập vào Mỹ. Tuy nhiên, với lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng thuỷ sản NK từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, thời kỳ hoàng kim của cá rô phi Trung Quốc tại Mỹ có thể dần kết thúc.
Mỹ cũng là thị trường NK cá rô phi lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19% tỷ trọng trong năm 2018. Giá cá rô phi vào Mỹ thường cao, trung bình đạt 2,26 USD/kg, với thuế suất 0%.
Bên cạnh đó, Việt Nam có khoảng 680 cơ sở chế biến thuỷ sản quy mô công nghiệp, với công suất chế biến đạt 2,8 triệu tấn/năm. Công nghệ chế biến cá rô phi cũng gần giống với quy trình công nghệ chế biến cá tra của Việt Nam. Do vậy, các NM chế biến cá tra có thể dễ dàng chuyển đổi giữa hai mặt hàng khi cần, hoặc có thể SX song song với nhau.
Tuy nhiên, điểm yếu của cá rô phi của Việt Nam tại sân chơi quốc tế là chất lượng con giống chưa cao và không đồng đều. Mặc dù diện tích nuôi cá rô phi tăng nhanh trong những năm qua nhưng thiếu quy hoạch thành các vùng tập trung, chưa tạo được sản lượng lớn cho chế biến XK. Đặc biệt, giá cá nguyên liệu cao hơn khoảng 20 - 30 cent/kg so với Trung Quốc.
Dự báo xuất khẩu gạo quí II khởi sắc
Theo baohaiquan.vn. trong quý đầu năm nay, xuất khẩu gạo khá lao đao khi giảm mạnh về giá trị. Quý II dự báo sẽ có nhiều hợp đồng mới do giá gạo của Việt Nam đang ở mức giá cạnh tranh với các nước khác.
Theo Bộ NN&PTNT: Khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm ước đạt 1,43 triệu tấn và 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm chỉ đạt 404 USD/tấn, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2018. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm với 40,2% thị phần.
Tại thị trường nội địa, tính riêng trong tháng 3, giá lúa, gạo tại khu vực ĐBSCL tăng trong bối cảnh chương trình thu mua tạm trữ 200 nghìn tấn gạo, 80 nghìn tấn lúa vụ Đông Xuân đang diễn ra. Hoạt động mua bán lúa những ngày này cũng tất bật hơn. Tuy nhiên, tuần cuối tháng 3 xu hướng tăng giá có phần chững lại mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tích cực mua vào.
Tính trong 3 tháng đầu năm, giá lúa diễn biến tăng tại Vĩnh Long và An Giang, chủ yếu tập trung vào vụ Đông Xuân với lúa thường tăng 200 – 300 đ/kg; lúa chất lượng cao tăng 100 – 250 đ/kg. Riêng tại Kiên Giang, so với đầu năm thì thời điểm này giá lúa thấp hơn, khoảng 600-800 đ/kg.
Bộ NN&PTNT đánh giá: Mặc dù quý I năm 2019, thị trường lúa gạo có khó khăn nhưng dự báo sang quý II sẽ có nhiều hợp đồng mới do giá gạo của Việt Nam đang ở mức giá cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. Hiện có một số doanh nghiệp đã tiếp cận được thị trường và tiến đến thỏa thuận ký hợp đồng.
Giá sắn (mì) giảm mạnh do dịch bệnh
Thông tin từ nongnghiep.vn, dịch khảm lá mì hiện đang lan rộng tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng như một số tỉnh phía Nam. Những ngày qua, khi chống dịch chưa xong thì cây trồng này lại rơi vào cảnh rớt giá, nông dân trồng mì đang rất khó khăn. Hiện giá mì ngoài thị trường đã rớt xuống chỉ còn gần 2.000 đồng/kg.
Khoảng 2 tháng trở lại đây, một số doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến mì đã tạm ngưng thu mua bởi hàng còn tồn nhiều. Nông dân trồng mì đành phải bán cho các lò sấy nhỏ giá vừa thấp vừa chậm được trả tiền.
Nhiều chủ vựa chuyên thu mua mì lát trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu cho biết, vụ mì trước có giá tốt, nông dân đua nhau trồng, doanh nghiệp cũng trữ hàng nhiều nhưng nay đầu ra gặp khó khiến hàng tồn ứ nhiều.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, năm 2018 toàn tỉnh trồng trên 13,8 ngàn ha mì. Vụ ĐX 2018 - 2019, toàn tỉnh trồng 1.152ha, trong đó giống nhiễm bệnh khảm lá là HL-S11, chiếm gần 32% diện tích.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bệnh khảm lá mì bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2018 và nhanh chóng lan thành dịch với diện tích gần 380ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất, Long Thành. Trong đó, trên 46ha mì nhiễm bệnh nặng buộc phải tiêu hủy.
Giá ô tô nhập khẩu giảm còn 460 triệu đồng/chiếc
Plo.vn thông tin, theo số liệu mới cập nhật từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 3-2019, cả nước đã chi 223 triệu USD để nhập khẩu hơn 11.000 xe ô tô các loại. Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2019 đã có 36.777 chiếc ô tô nhập khẩu cập cảng Việt Nam, tổng giá trị lên tới 797 triệu USD.
Đáng chú ý, lượng xe nhập khẩu trong tháng 3 tăng tới hơn 300% cùng giá trị tăng gần 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Đối với các dòng xe con dưới 9 chỗ trị giá trung bình xe cũng giảm nhẹ. Kể từ đầu năm 2019 đã có 22.104 xe ô tô con được nhập về với kim ngạch đạt hơn 443 triệu USD. Như vậy, trung bình mỗi xe ô tô con nhâp khẩu về có trị giá hơn 20.000 USD, khoảng 460 triệu đồng.
Con số kể trên giảm mạnh so với năm 2018 khi thời điểm này năm ngoái chỉ có 2.357 xe với kim nghạch 51 triệu USD. Tính trung bình trị giá xe nhập về đầu năm 2018 là 21.700 USD (499 triệu đồng).
Như vậy, so với cùng kỳ, trị giá trung bình ô tô con được nhập về đã giảm mạnh tới gần 40 triệu đồng. Đây là thông tin đáng mừng đối với người tiêu dùng trong nước.
Cần Thơ: Ra mắt sàn giao dịch tôm Việt
Theo nongnghiep.vn, sáng ngày 5/4 tại TP. Cần Thơ, Trung tâm hợp tác quốc tế về nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) và tổ chức Oxfam phối hợp cùng Cty CP Công nghệ và Đầu tư Cửu Long phát triển đã chính thức ra mắt “Sàn giao dịch tôm Việt”.
Đây là sàn giao dịch mua, bán tôm duy nhất tại Việt Nam, nhằm giảm thiểu các rủi ra về thị trường, ổn định sản xuất cho người nuôi tôm, sẽ miễn phí sử dụng cho người nuôi tôm tham gia dự án chuỗi giá trị tôm bền vững. Cái lợi trước mắt người bán tôm trên sàn giao dịch như chủ động bán, biết trước giá tôm, chất lượng, cở tôm, thanh toán, thời điểm giao hàng...
Ông Đinh Xuân Lập, Phó GĐ Trung tâm ICAFIS cho biết: nhiều năm qua ngành sản xuất tôm Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng đối mặt với nhiều thách thức, trong đó giá cả luôn biến động do phụ thuộc vào thị trường là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ dân nuôi tôm phải treo ao hoặc bỏ nghề đi làm ăn xa. Nhiều hiện tượng chưa minh bạch và công bằng được ghi nhân tại các địa phương như: thương lái ép giá người dân, đặc biệt trong thời điểm mưa lớn hoặc áp thấp nhiệt đới; giá tôm không đồng nhất giữa các địa phươn; người dân không biết được giá trên diện rộng hoặc chỉ biết giá thông qua thương lái; được mùa mất giá, được giá mất mùa cũng xảy ra trong tôm. Người nuôi thường không lắm được giá nên các biến động về giá cả thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất tôm…
Theo ông Lập, để tránh những bất lợi nêu trên là sự ra đời của sàn giao dịch tôm Việt sẽ tạo tiếng nói chung giúp cho người nuôi tôm an tâm theo hướng bền vững và công bằng tại Việt Nam. Từ đó để góp phần hướng đến xuất khẩu tôm đạt 4,2 tỷ USD trong năm 2019.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet