Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng tiếp do hoạt động giao thông ở các nước Bắc Bán cầu hồi phục nhanh khi các nước dần dỡ bỏ những hạn chế chống Covid-19, mặc dù đà tăng bị hạn chế bởi lo ngại về khả năng Iran quay trở lại thị trường xuất khẩu sẽ gây ra dư thừa nguồn cung.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn tham chiếu tiếp tục tăng 19 US cent (0,3%) lên 68,65 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2 US cent lên 66,07 USD/thùng. Cả 2 loại dầu đều đạt mức giá đóng cửa cao nhất trong vòng 1 tuần.
Có thông tin cho biết tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ đã giảm trong tuần trước, trong đó tồn kho dầu thô giảm 439.000 thùng trong tuần kết thúc vào 21/5.
Giá dầu phiên vừa qua còn được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của đồng USD xuống mức thấp nhất trong vòng 19 tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt do nhà đầu tư tiền tệ giảm lo ngại về lạm phát. Chỉ số USD giảm 0,22% vào cuối phiên 25/5. Thông thường, giá dầu có xu hướng diễn biến ngược với giá USD. USD yếu đi khiến cho những mặt hàng định giá bằng USD như dầu mỏ trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Theo nhà phân tích Eugen Weinberg thuộc Commerzbank Research, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, được gọi là OPEC+, có thể đang kiểm soát được cung cầu trên thị trường dầu mỏ nhờ thỏa thuận cắt giảm và những nỗ lực cắt giảm tự nguyện. OPEC+ có thể tăng sản lượng trên 2,1 triệu thùng/ngày từ tháng Năm đến tháng Bảy, khi nhu cầu phục hồi.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế bởi lo ngại về nguồn cung sẽ tăng từ Iran. Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Hoa Kỳ và Iran sẽ được nối lại tại Vienna trong tuần này. Các cuộc đàm phán được nối trở lại sau khi Tehran và cơ quan quản lý hạt nhân của Liên Hợp Quốc thống nhất gia hạn thỏa Thuận về giám sát chương trình nguyên tử của quốc gia Trung Đông này.
Các nhà phân tích cho biết Iran có thể cung cấp thêm khoảng 1 triệu đến 2 triệu thùng dầu mỗi ngày nếu một thỏa thuận giữa Iran và các nước Phương Tây được ký kết và các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng kết thúc phiên vừa qua ở mức cao nhất trong vòng hơn 4 tháng giữa bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm giữa đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì chính sách tiền tệ thích hợp.
Cụ thể, giá vàng giao ngay kế thúc phiên tăng 0,8% lên 1.896,74 USD/ounce, trước đó có thời điểm giá tưng lên mức cao nhất kể từ 8/1 là 189,4 USD; vàng kỳ hạn tháng 6 cũng tăng 0,7% lên 1.898 USD/ounce.
Số liệu cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 5/2021 đã giảm xuống 117,2.
Phillip Streible, chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures tại Chicago, cho hay do niềm tin của người tiêu dùng giảm nhẹ, một số người có thể cho rằng Fed sẽ giữ quan điểm ôn hòa hơn trong một khoảng thời gian dài hơn hiện nay.
Trong nhiều nhận định khác nhau, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã xoa dịu nỗi lo lạm phát và nhắc lại chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay sẽ vẫn được duy trì. Chỉ số đồng USD gần mức thấp nhất 4,5 tháng khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ chạm mức thấp của hai tuần làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Về những kim loại quý khác, giá palladium phiên vừa qua tăng 1,7% lên 2.774,22 USD/ounce, giá bạch kim giao ngay tăng 1,8% lên 1.195,54 USD/ounce, giá bạc giao ngay tăng 0,5% lên 27,93 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhìn chung giảm sau khi Chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ xử lý nghiêm khắc những trường hợp đầu cơ tích trữ gây rối loạn thị trường.
Ủy ban cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 25/5 thông báo, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, giai đoạn 2021 – 2025, nước này sẽ tăng cường kiểm soát giá đối với một số mặt hàng như đồng, quặng sắt… nhằm giải quyết những biến động bất thường về giá cả.
Giám đốc điều hành của Navigate Commodities ở Singapore, Atilla Widnell, cho biết: “Trung Quốc ngày càng siết chặt việc giám sát thị trường hàng hóa kỳ hạn bởi các cơ quan chính phủ nước này cần phải kiểm soát tình trạng đầu cơ – đã đẩy giá lên mức cao kỷ lục như gần đây”.
Kết thúc phiên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đai Liên giảm 0,1% xuống 1.058 CNY (165,18 USD)/tấn, là phiên giảm thứ 5 liên tiếp.
|
Giá quặng sắt thế giới |
Tương tự, giá thép cũng giảm trong phiên này. Theo đó, giá thép trên sàn Singapore tăng nhẹ 1% lên 184,35 USD/tấn. Giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải giảm 0,7%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,6% và thép không gỉ giảm 0,6%.
Giá đồng cũng giảm trong phiên vừa qua do thị trường lo lắng về việc Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát giá nguyên liệu công nghiệp. Tuy nhiên, USD yếu đi và nguồn cung đồng thắt chặt đã ngăn giá giảm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) giảm 0,3% xuống 9,919 USD/tấn.
Đồng là kim loại được sử dụng rộng rãi trong ngành điện và xây dựng. Giá kim loại này đã giảm 7% so với mức cao kỷ lục 10.747,50 USD/tấn đạt được trong tháng này. Giá bắt đầu giảm sau khi Trung Quốc tăng biên độ đối với phí giao dịch và giao dịch kỳ hạn, đồng thời đưa ra quy định về hình phạt đối với các hành vi vi phạm hợp đồng tương lai, từ đầu cơ quá mức đến lan truyền tin tức giả mạo.
Giá nhôm cũng giảm trong phiên vừa qua, với mức giảm 0,4% xuống 2.376,5 USD/tấn, trong khi thiếc giảm 0,1% xuống 29.435 USD/tấn…
Trên thị trường nông sản, giá ngô, lúa mì và đậu tương cũng đã xuống.
Theo đó, giá ngô Mỹ chạm mức thấp nhất trong vòng 1 tháng do việc gieo trồng vụ Xuân được tiến hành kịp thời và mưa xuống ở các khu vực trồng trọt chính của Mỹ (khu vực Trung Tây), thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng. Giá ngô kỳ hạn tháng 7 trên sàn Chicago đã giảm 38-1/4 cent xuống 6,18-3/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 22/4; ngô vụ mới kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm 24-1/4 cent xuống 5,16 USD/bushel, sau khi có lúc xuyên thủng ngưỡng giá hỗ trợ trong biểu đồ mức giá trung bình 50 phiên gần đây.
Giá đậu tương và lúa mì cũng đồng loạt giảm do triển vọng sản lượng sẽ cao, và cũng bởi ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá ngô giảm. Đậu tương kỳ hạn tháng 7 giảm 18 US cent xuống 15,04-3/4 USD/bushel, còn lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 8 US cent xuống 6,54-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô phiên vừa qua tăng do thời tiết ở Brazil vẫn tiếp tục khô hạn, mặc dù dự báo sẽ có mưa trong vài ngày tới. Tuy nhiên, xu hướng tăng bị hạn chế bởi dự báo việc Ấn Độ phong tỏa chống Covid-19 có thể làm chậm lại nhu cầu đường ở nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới này.
Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,21 cent, tương đương 1,2%, lên 17,04 cent/lb, hồi phục phần nào từ mức thấp nhất 1tháng ở phiên liền trước (16,54 cent).
Giá đường trắng giao tháng 8 phiên này cũng tăng 6,50 USD, tương đương 1,4%, lên 455,90/tấn.
Giá cà phê arabica tăng do thời tiết khô hạn ở Brazil có thể làm hạn chế xuất khẩu từ nước sản xuất arabica hàng đầu thế giới, với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tăng 1,5%, tương đương 1,0%, lên 1,505 USD/lb. Giá robusta kỳ hạn tháng 7 phiên này cũng 7 tăng 10 USD, tương đương 0,7%, lên 1.488 USD/tấn.
Người trồng cà phê Brazil dự kiến sẽ sản xuất 48,8 triệu bao cà phê (60 kg/bao) trong năm nay, thấp hơn 22% so với năm 2020 và là sản lượng thấp nhất kể từ năm 2017, cơ quan thống kê nông nghiệp của chính phủ Brazil – Conab – mới đây cho biết.
Hiện những người trồng cà phê ở Brazil đang cố gắng đàm phán lại hợp đồng mua bán của họ với các nhà xuất khẩu và thương nhân để đẩy giá tăng lên, làm dấy lên nỗi lo sợ có thể dẫn tới 1 số trường hợp vỡ nợ.
Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản giảm trong phiên vừa qua do một số nhà kinh tế dự đoán rằng Thế vận hội Olympic - sẽ bắt đầu trong vòng chưa đầy hai tháng – có thể biến thành một sự kiện siêu lây lan Covid-19, từ đó tác động mạnh đến kinh tế nước này.
Kết thúc phiên giao dịch, cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn Osaka giảm 0,9 JPY, tương đương 0,4%, xuống 251,3 JPY/kg. Giá cao su trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua tăng 03% lên 13.735 CNY/tấn.
Nhật Bản có thể mất 17 tỷ USD nếu Thế vận hội bị hủy bỏ, nhưng điều đó sẽ không thấm vào đâu so với những tác động từ việc Thế vận hội mùa Hè trở thành một sự kiện siêu lây Covid-19, Takahide Kiuchi, nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Nomura cho biết.
Giá hàng hóa thế giới sáng 26/5/2021