Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng phiên thứ 9 liên tiếp – dài nhất trong vòng 2 năm, đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2020 (13 tháng), do kết quả của việc OPEC+ nỗ lực kiềm chế nguồn cung trong khi việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 làm dấy lên hy vọng nhu cầu sẽ hồi phục nhanh.
Kết thúc phiên 10/2, dầu Brent tăng 38 US cent (0,6%) lên 61,47 USD/thùng, trong phiên có lúc giá chạm mức cao nhất 13 tháng là 61,61 USD; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng tăng 32 US cent (0,6%) lên 58,68 USD/thùng, sau khi có lúc cao nhất 13 tháng là 58,76 USD/thùng.
Lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ giảm cũng là yếu tố hỗ trợ giá dầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm cũng là yếu tố hỗ trợ giá trong kỳ tăng này. Theo đó, tồn trữ dầu thô của Mỹ đã giảm tuần thứ 3 liên tiếp, gần đây nhất giảm 6,6 triệu thùng, xuống 469 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 3, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng nước này. Còn số đó khác xa mức dự đoán của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters – dự báo là tăng 985.000 thùng. Công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu Mỹ tuần qua tăng 0,7 điểm lên 83%, cao nhất kể từ tháng 3 do các nhà máy lọc dầu hy vọng nhu cầu sẽ hồi phục mạnh sau dịch bệnh.
Chuyên gia Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy cho biết: “Mức giá hiện tại đang hoàn toàn bị chi phối bởi nguồn cung (được cắt giảm)”. Thị trường cần có thêm một yếu tố nữa để duy trì xu hướng tăng bền vững, đó là nhu cầu hồi phục.
Giá dầu thô đã tăng liên tiếp kể từ tháng 11, khi các chính phủ khởi động các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 và tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ nhằm vực dậy nền kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh. Các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới thắt chặt nguồn cung cũng góp phần tích cực tạo ra xu hướng tăng giá này.
Nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Saudi Arabia, đang đơn phương cắt giảm nguồn cung trong tháng 2 và tháng 3, ngoài việc cùng chung tay cùng OPEC và các đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận chung.
Một số nhà phân tích dự báo nguồn cung dầu năm 2021 sẽ giảm, trong khi việc tỷ lệ người dân được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tăng lên sẽ thúc đẩy hoạt động đi lại (du lịch và làm việc) dần trở lại bình thường.
Về triển vọng giá dầu sắp tới, phân tích kỹ thuật cho thấy giá dầu WTI có thể sẽ tăng lên 58,88 - 59,38 USD/thùng sau khi phá vỡ ngưỡng kháng cự 58,57 USD/thùng.
Trên thị trường kim loại quý, giá bạch kim tăng lên mức cao nhất của 6 năm, trong khi giá palađi tăng hơn 3% trong phiên ngày 10/2 nhờ hy vọng về nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô tăng lên khi nền kinh tế phục hồi, cùng với nguồn cung ứng có thể còn hạn chế.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay đã tăng 0,3% lên 1,842.66 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 4/2021 tăng tương tự (0,3%) lên 1.842,70 USD/ounce; giá bạch kim tăng 5,3% lên 1.237,45 USD/ounce lúc đóng cửa giao dịch, sau khi có thời điểm đạt 1.250 USD, cao nhất kể từ tháng 2/2015. Palađi phiên này cũng có lúc tăng mạnh 3,1%, kết thúc phiên vẫn tăng 1,4% lên 2.351,59 USD/ounce. Riêng giá bạc đi ngược dòng khi giảm 0,6% xuống 27,05 USD/ounce.
Giá bạch kim và palađi tăng mạnh sau khi có báo cáo từ công ty chuyên về vật liệu Johnson Matthey cho biết, cả hai kim loại, được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác để làm sạch khí thải ô tô, có thể sẽ thiếu hụt nguồn cung trong năm nay.
USD yếu đi và hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hồi phục mạnh cũng góp phần đẩy giá bạch kim và palađi tăng. Đồng USD phiên vừa qua đã giảm 0,2% so với phiên trước, xuống mức thấp nhất 2 tuần, là 90,377, là phiên giảm thứ 3 liên tiếp.
Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của công ty TD Securities, cho biết: “Chúng tôi đang kỳ vọng nhu cầu ô tô sẽ tăng trên toàn cầu khi chúng ta chuyển sang giai đoạn phục hồi”, và thêm rằng những quy định khắt khe hơn về kiểm soát khi thải gây ô nhiễm môi trường cũng sẽ khiến nhu cầu những kim loại quý này tăng lên.
Doanh số bán ô tô tại Trung Quốc – thị trường lớn nhất thế giới – tháng 1 đã tăng 30% so với một năm trước đó và là tháng tăng thứ 10 liên tiếp, dẫn đầu sự hồi phục của ngành ô tô toàn cầu. Cụ thể, số liệu từ Hiệp h ội Sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho thấy đã có 2,5 triệu xe được bán ra trong tháng 1. Trong đó, doanh số bán xe sử dụng năng lượng mới (NEV), bao gồm xe điện chạy bằng pin, xe hybrid chạy xăng-điện và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro, tăng 239% trong tháng 1 lên 179.000 chiếc. Các nhà sản xuất NEV như Nio Inc và Xpeng Inc cũng như các tập đoàn nước ngoài, chẳng hạn như Tesla Inc, đang mở rộng năng lực sản xuất ở Trung Quốc, nơi chính phủ có nhiều biện pháp thúc đẩy các phương tiện xanh hơn để giảm ô nhiễm không khí.
Thị trường bạch kim và palađi mấy tháng gần đây đã dấy lên lo ngại về việc nguồn cung hạn hẹp, sau khi báo cáo của Công ty Johnson Matthey cho biết cả hai kim loại này - được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác để làm sạch khói thải ô tô - có thể sẽ thiếu hụt nguồn cung trong năm nay.
Đối với vàng, xu hướng tăng cũng tiếp diễn bởi kỳ vọng gói kích thích kinh tế 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ sắp được thông qua thực hiện, trong khi lãi suất vẫn duy trì thấp, khiến cho vàng còn sức hấp dẫn.
Ngày hôm qua 10/2, Chủ tịch Fed Jerome Powel đã có bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York về thị trường lao động Mỹ. Theo đó, ông kêu gọi các bên trong hệ thống lãnh đạo của Mỹ có cách tiếp cận toàn diện hơn để chấm dứt cuộc khủng hoảng việc làm, đồng thời trấn an nhà đầu tư khi khẳng định lãi suất của Mỹ sẽ duy trì thấp để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.
Giá bạc giảm trong phiên vừa qua nhưng nhìn chung thời gian gầng đây cũng tăng giá mạnh. Tuần trước, xu hướng mua vào “điên cuồng” đã đẩy giá bạc lên 30,03 USD/ounce, trước khi giảm mạnh sau đó.
Nhà phân tích Edward Meir thuộc ED&F Man Capital Markets nhận định vàng đang trong thế giằng co, mặc dù đồng USD suy yếu có lợi cho kim loại quý này, song có đồn đoán rằng gói kích thích lớn của Mỹ có thể đẩy lãi suất cao hơn. Điều này sẽ làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng. Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.
Về triển vọng mặt hàng bạc, các nhà phân tích dự báo nhu cầu bạc sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ các ứng dụng công nghiệp như pin Mặt Trời.Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures cho biết: “Mọi người hiện đang giao dịch bạc rất thận trọng do sự biến động mạnh (của kim loại này), và họ cần có thông tin rõ ràng hơn từ ông Powell trước khi đẩy giá bạc tăng tiếp”.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng lên mức cao nhất 8 năm do dự báo lạm phát tăng, giữa bối cảnh USD giảm và tồn trữ đồng thấp nhất trong lịch sử và chiến dịch tiêm chủng vắc-xin được đẩy nhanh.
Theo đó, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London – hợp đồng tham chiếu – tăng 1,9% lên 8.301 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có thời điểm đạt 8.302,50 USD, cao nhất kể từ tháng 2/2013. Lượng đồng lưu kho trên sàn LME hiện chỉ có 74.675 tấn, thấp nhất trong vòng 15 năm như hồi tháng 9 năm ngoái.
Giá quặng sắt tăng mạnh do nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng sau Tết Nguyên đán.
Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Đại Liên phiên 10/2 tăng 2,4% lên 1.071,50 CNY (166,43 USD)/tấn, sau khi có thời điểm đạt 1,072 CNY, cao nhất kể từ 22/1, kéo dài chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp. So với đầu tuần, giá hiện cao hơn trên 5%.
Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 3 cũng tăng 1,5% lên 160,95 USD/tấn.
Phiên liền trước, giá quặng sắt (hàm lượng 62% sắt) nhập khẩu giao ngay tới cảng Trung Quốc đạt mức cao nhất trong vòng 2 tuần, là 161 USD/tấn.
Các nhà giao dịch dự báo nhu cầu quặng sắt từ ngành thép Trung Quốc sắp tới sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn cung trên toàn cầu năm nay dự báo vẫn tiếp tục bị thắt chặt, mặc dù sản lượng của hãng Vale dự báo tăng lên.
Justin Smirk, nhà kinh tế cấp cao của công ty Westpac Group (Australia), cho biết: “Nguồn cung quặng sắt của một số nhà cung cấp giá rẻ vẫn tiếp tục hạn hẹp”, với thiếu cung năm nay sẽ lên tới 27 triệu tấn.
Theo ông Smirk: “Sản lượng của các công ty khai thác ở Australia năm nay dự kiến sẽ chỉ tăng nhẹ, nên thị trường vẫn chỉ trông chờ chủ yếu vào nguồn cung của Vale”.
Westpac dự kiến sản lượng thép thô toàn cầu sẽ tăng khoảng 5% trong năm nay, với sản lượng tăng 2% tại Trung Quốc; đồng thời dự báo nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc sẽ tăng 4% trong năm 2021, sau khi tăng 12% trong năm 2020.
Trên thị trường nông sản, giá ngô, đậu tương và lúa mì Mỹ đồng loạt giảm mạnh do các quỹ đầu tư ồ ạt bán thanh lý hợp đồng để chốt lời sau khi cả 3 mặt hàng gần đây đều tăng giá lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm.
Trong 3 loại kể trên, giá ngô giảm mạnh nhất, mất 3,9%, sau khi báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết có khách hàng không xác định đã hủy bỏ hợp đồng mua 132.000 tấn ngô Mỹ.
Trên sàn Chicago, ngô kỳ hạn tháng 3 giảm 21-3/4 US cent xuống 5,34-1/2/bushel; tính từ đầu tuần đến nay đã giảm 5,2%, sau khi Mỹ công bố dự báo tồn trữ ngô cuối vụ sẽ cao hơn dự kiến trước đây.
Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 47-3/4 US cent xuống 13,54 USD/bushel, trong khi lúa mì giảm 14 US cent xuống 6,35-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô và đường trắng phiên vừa qua đều tăng do triển vọng kinh tế thế giới hồi phục nhanh.
Kết thúc phiên, đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 1,8% lên 16,71 US cent/lb; trong phiên có lúc giá đạt 17,05 US cent, cao nhất kể từ tháng 4/2017.
Các đại lý đường cho biết nguồn cung gần hạn đang bị thắt chặt do triển vọng sản lượng của Ấn Độ và Thái Lan giảm. Trong khi đó, Brazil tăng cường sản xuất ethanol vì giá xăng tăng, khiến lượng mía dùng sản xuất đường giảm xuống.
Hợp đồng đường trắng kỳ hạn tháng 3 sẽ đáo hạn trong ngày mai. Phiên vừa qua, hợp đồng này có giá tăng 0,8% lên 479,5 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2017.
Bộ Công thương vừa đưa ra quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô ở mức 33,88%. Bộ Công thương cho biết, vụ việc này đã được điều tra từ tháng 9-2020, đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá và mức độ được trợ cấp của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đường mía của Thái Lan, cũng như tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng.
Giá cà phê arabica giảm 1,85 US cent (1,5%) xuống 1,2315 US cent/lb do đồng real Brazil yếu đi; robusta tăng 9% (0,7%) lên 1.374 USD/tấn, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 1.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm khỏi mức cao kỷ lục 4 tuần, kết thúc 4 phiên tăng liên tiếp, do nhà đầu tư bán chốt lời trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, mặc dù sự lạc quan về kinh tế hồi phục hạn chế đà giảm.
Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn Osaka giảm 1,8 JPY/kg, tương đương 0,7%, xuống 243,1 JPY (2,3 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, giá cao su cũng giảm 115 CNY xuống 14.680 CNY (2.280 USD)/tấn.
 Giá hàng hóa thế giới sáng 11/2/2021

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

58,24

-0,44

-0,75%

Dầu Brent

USD/thùng

61,47

+0,38

+0,62%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

38.340,00

+130,00

+0,34%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,98

+0,07

+2,51%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

163,97

-1,37

-0,83%

Dầu đốt

US cent/gallon

175,34

-0,76

-0,43%

Dầu khí

USD/tấn

501,00

+4,75

+0,96%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

52.000,00

+120,00

+0,23%

Vàng New York

USD/ounce

1.841,60

-1,10

-0,06%

Vàng TOCOM

JPY/g

6.203,00

-1,00

-0,02%

Bạc New York

USD/ounce

26,98

-0,10

-0,36%

Bạc TOCOM

JPY/g

91,70

-1,00

-1,08%

Bạch kim

USD/ounce

1.229,25

-16,96

-1,36%

Palađi

USD/ounce

2.356,29

-11,82

-0,50%

Đồng New York

US cent/lb

375,50

-1,75

-0,46%

Đồng LME

USD/tấn

8.299,50

+152,00

+1,87%

Nhôm LME

USD/tấn

2.079,00

+25,00

+1,22%

Kẽm LME

USD/tấn

2.725,00

+29,50

+1,09%

Thiếc LME

USD/tấn

23.325,00

+130,00

+0,56%

Ngô

US cent/bushel

532,75

-21,50

-3,88%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

635,50

-14,00

-2,16%

Lúa mạch

US cent/bushel

348,25

-5,75

-1,62%

Gạo thô

USD/cwt

12,88

-0,04

-0,27%

Đậu tương

US cent/bushel

1.354,00

-47,75

-3,41%

Khô đậu tương

USD/tấn

421,80

-15,80

-3,61%

Dầu đậu tương

US cent/lb

45,00

-0,77

-1,68%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

564,60

-2,70

-0,48%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.494,00

+64,00

+2,63%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

123,15

-1,85

-1,48%

Đường thô

US cent/lb

15,84

+0,08

+0,51%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

113,05

+0,80

+0,71%

Bông

US cent/lb

86,18

-1,95

-2,21%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

950,80

+3,80

+0,40%

Cao su TOCOM

JPY/kg

164,90

-0,50

-0,30%

Ethanol CME

USD/gallon

1,73

-0,02

-1,14%