Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do thị trường lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau báo cáo của của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giữa bối cảnh tồn trữ xăng của Mỹ giảm mạnh.
Kết thúc phiên, dầu Brent Biển Bắc tăng 38 US cent, hay 0,6%, lên 67,90 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 43 US cent, hay 0,7% lên 64,44 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết lượng xăng dự trữ của Mỹ đã giảm 11,9 triệu thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ các sản phẩm dầu chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm 5,5 triệu thùng, mạnh hơn so với dự đoán giảm 3,5 triệu thùng mỗi loại mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế phần nào, khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng 13,8 triệu thùng, vượt xa dự đoán tăng 816.000 thùng, do cơn bão hồi giữa tháng Hai đã khiến hoạt động sản xuất dầu ở bang Texas bị đình trệ.
Bên cạnh đó, giá dầu trong phiên này cũng được hỗ trợ khi OECD dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi với mức tăng 5,6% trong năm nay và tăng 4% trong năm tới, cao hơn dự báo trước đó là 4,2% cho năm 2021.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất một tuần giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ giảm sau các số liệu lạm phát ở mức thấp.
Cuối phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.723,01 USD/ounce, trước đó giá vàng đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 3/3 là 1.723,71 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,3% lên khép phiên ở mức 1.721,80 USD/ounce.
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua vào phiên 8/3, ở mức 1.676,10 USD/ounce.
Vị thế của vàng như một hàng rào chống lại lạm phát tăng cao đã bị thách thức bởi lợi suất trái phiếu tăng cao, bởi nó làm chi phí cơ hội cao hơn khi nắm giữ vàng thỏi không sinh lời.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trong tháng Hai vừa qua dù lạm phát cơ bản vẫn ở mức thấp
Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp Edward Moya thuộc OANDA cho hay vàng vẫn chịu tác động từ các tín hiệu của thị trường trái phiếu và dữ liệu mới nhất dã làm giảm bớt lo ngại về lạm phát trong thời gian tới. Ông Moya cho rằng nếu việc bán trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong ngày 10/3 có nhu cầu tốt, giá vàng có thể sẽ hướng tới ngưỡng 1.730 USD/ounce, trong khi mức giá 1.700 USD/ounce sẽ cung cấp hỗ trợ tốt cho kim loại quý, nhưng điều này sẽ chỉ xảy ra khi các nhà đầu tư tiếp tục tiến hành bán tháo trái phiếu.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho đến nay vẫn "bỏ qua" việc lợi suất trái phiếu tăng, thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ thảo luận về các biện pháp can thiệp thích hợp tại cuộc họp chính sách ngày 11/3.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,7% lên 26,09 USD/ounce, và giá bạch kim tăng 2,6% lên 1.199,06 USD/ounce. Trong khi đó, giá palađi tăng 0,1%, lên 2.299,7 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng, do nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh và dự kiến nguồn cung thiếu hụt trong nhiều năm sẽ thúc đẩy hoạt động mua vào, đẩy giá đồng trong ngày 25/2/2021 tăng lên 9.617 USD/tấn – cao nhất kể từ năm 2011. Giá đồng trên sàn London tăng 0,9% lên 8.862 USD/tấn.
Giá quặng sắt tại Đại Liên giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần, bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống ô nhiễm nghiêm ngặt tại thành phố sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc – Đường Sơn – và mối lo ngại về nguồn cung quặng sắt thắt chặt suy giảm. Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Đại Liên giảm 5,2% xuống 1.040,5 CNY (159,82 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8/2/2021 (1.022 CNY/tấn). Quặng sắt kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn Singapore không thay đổi ở mức 157,6 USD/tấn, sau khi giảm 5,9% trong phiên trước đó.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 2,6%, thép cuộn cán nóng giảm 2,4% và thép không gỉ giảm 1,9%.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương tại Mỹ giảm 2% do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi tăng lên mức cao nhiều năm mới đây. Tại sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 11-1/2 US cent xuống 5,34-1/4 USD/bushel và giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 31 US cent xuống 14,09 USD/bushel. Đồng thời, giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 5 US cent xuống 6,51-1/3 USD/bushel. Giá đậu tương giảm từ mức cao nhất gần 7 năm (14,6 USD/bushel) trong phiên ngày 8/3/2021, trong khi giá ngô giảm từ mức cao nhất 7,5 năm trong tháng trước đó, được thúc đẩy bởi nhu cầu xuất khẩu và sự không chắc chắn về sản lượng vụ thu hoạch tại Nam Mỹ.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 0,6 US cent lên 15,96 US cent/lb, được thúc đẩy bởi đồng real Brazil hồi phục; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London thay đổi nhẹ ở mức 452,06 USD/tấn. Công ty tư vấn Datagro dự kiến sản lượng đường tại khu vực Trung Nam Brazil trong niên vụ này sẽ giảm xuống 36,7 triệu tấn so với mức 38,5 triệu tấn niên vụ trước đó.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 10 USD tương đương 0,7% lên 1.410 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất 5 tuần (1.330 USD/tấn) trong phiên ngày 8/3/2021.
Đồng thời, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 0,45 US cent tương đương 0,3% lên 1,3085 USD/lb. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 2/2021 giảm 23,5% so với mức 122.833 tấn tháng 1/2021.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng phiên thứ 6 liên tiếp, khi thị trường Thượng Hải tăng trở lại và dự kiến sản lượng cao su tại các quốc gia Đông Nam Á suy giảm do thời tiết hanh khô.
Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Osaka tăng 0,2 JPY lên 273,1 JPY (2,5 USD)/kg, sau khi giảm trong đầu phiên giao dịch.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 165 CNY lên 15.320 CNY (2.355 USD)/tấn.
Ngoài ra, giá cao su tăng cũng được hỗ trợ bởi đồng JPY suy yếu, khiến mặt hàng cao su mua bằng đồng JPY trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá hàng hóa thế giới sáng 11/3/2021

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg