Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng trở lại sau khi báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô của nước này giảm tuần thứ ba liên tiếp, mang lại hy vọng về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới bất chấp diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 1,06 USD (2,6%), lên 42,67 USD/ounce; trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tại thị trường London tăng 93 US cent Mỹ (2,1%), lên 45,43 USD/ounce.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 7/8, sau khi giảm đáng kể trong 2 tuần trước đó, cao hơn đáng kể so với mức dự báo giảm 2,9 triệu thùng do các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters. Con số này cũng cao hơn mức dự báo giảm 4 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Dữ liệu của EIA cũng cho thấy, tồn trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ Cushing, Okla, tăng khoảng 1,3 triệu thùng trong tuần trước, nhưng tổng sản lượng dầu nội địa đã giảm 300.000 thùng xuống còn 10,7 triệu thùng/ngày.
Cũng theo EIA, tổng cung xăng giảm 700.000 thùng trong tuần trước, thấp hơn nhiều so với dự báo giảm 2,1 triệu thùng. Còn dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 2,3 triệu thùng, sâu hơn nhiều so với mức dự báo giảm 100.000 thùng theo cuộc thăm dò của Platts.
Tuy nhiên, COVID-19 tiếp tục là mối lo ngại đối với thị trường dầu toàn cầu. Trong khi đó, báo cáo hàng tháng được công bố ngày 12/8 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 9,06 triệu thùng/ngày trong năm nay, xuống còn 90,6 triệu thùng/ngày, chủ yếu do hoạt động kinh tế suy yếu ở các quốc gia phát triển. Con số này cao hơn mức dự báo giảm 8,95 triệu thùng/ngày được OPEC đưa ra một tháng trước.
OPEC cũng cho hay nhu cầu dầu thế giới trong năm 2021 sẽ tăng 7 triệu thùng lên 97,6 triệu thùng/ngày, không đổi so với dự báo hồi tháng 7/2020. Tuần trước, nhu cầu nhiên liệu của Mỹ tăng lên 19,37 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng đảo chiều tăng trở lại sau khi bị mất mốc quan trọng 1.900 USD/ounce ở phiên trước đó, giữa lúc các dữ liệu kinh tế ảm đạm càng làm dấy lên lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Cuối phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,4%, lên 1.937,42 USD/ounce, sau khi có thời điểm trong cùng phiên giảm 2,5%; vàng kỳ hạn tháng 12/2020 cũng tăng 0,1%, lên 1.949 USD/ounce.
Lo ngại về những thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra khi nền kinh tế Anh ghi nhận mức giảm kỷ lục 20,4% trong quý II/2020, cùng với việc đồng USD yếu hơn (giảm 0,3% so với phiên trước) đã làm tăng sức hút của vàng.
Mọi sự chú ý đang đổ dồn về kế hoạch cứu trợ mới của Mỹ liên quan tới dịch COVID-19, sau khi các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và các nghị sỹ đảng Dân chủ trong Quốc hội bị đổ bể hồi tuần trước.
Phillip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường của Blue Line Futures (có trụ sở tại Chicago), nhận định rằng sự sụt giảm trên là một sự điều chỉnh lành mạnh, cho phép nhiều người tham gia thị trường vàng hơn, vì vậy giá kim loại quý này sẽ tăng trở lại vào cuối năm và giá vàng có thể sẽ chứng kiến mức cao nhất mọi thời đại ở khoảng 2.500 USD/ounce, và giá bạc ở mức 35 USD/ounce.
Về những kim loại quý khác, giá bạch kim tăng 0,7%, lên 936,36 USD/ounce, trong khi giá palađi tăng 1,5%, lên 2.122,11 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do thị trường chứng khoán tăng, giá dầu tăng và đồng USD suy yếu, song số liệu nhà máy tại châu Âu suy giảm làm dấy lên mối lo ngại nhu cầu sẽ vẫn yếu và thị trường dư cung. Giá đồng trên sàn London tăng 0,8% lên 6.436,5 USD/tấn.
Giá đồng đã đạt mức cao nhất 2 năm (6.633 USD/tấn) trong ngày 13/7/2020, do tiêu thụ của Trung Quốc – thị trường lớn nhất – tăng sau các hạn chế virus corona được nới lỏng và các thương nhân lo ngại dịch bệnh sẽ làm gián đoạn hoạt động khai thác.
Sản lượng công nghiệp khu vực Euro zone trong tháng 6/2020 tăng song vẫn thấp hơn so với dự kiến. Nền kinh tế Anh giảm mức kỷ lục 20,4% trong quý 2/2020.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm, do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của nước này dự kiến sẽ được nới lỏng vào cuối tháng này. Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên giảm 3,9% xuống 808 CNY (116,27 USD)/tấn, trong phiên có lúc giảm 0,9% xuống 833 CNY/tấn. Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,6% xuống 3.805 CNY/tấn và giá thép cuộn cán nóng giảm 0,2% xuống 3.900 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 10/2020 giảm 0,5% xuống 14.060 CNY/tấn.
“Sự sụt giảm này bắt nguồn từ những yếu tố vĩ mô như quan hệ Mỹ-Trung, điều có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu liên quan tới thép", Cai Biyu, nhà phân tích thuộc GF Futures, nhận định. Dù vậy, ông cho rằng các yếu tố cơ bản tác động tới giá quặng sắt vẫn duy trì ổn định.
Giá quặng sắt giao ngay với hàm lượng sắt 62% giao về Trung Quốc không đổi, duy trì ở mức 118,5 USD/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương tại Mỹ tăng do hoạt động đẩy mạnh mua vào.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 3-3/4 US cent lên 3,27-1/4 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 9/2020 tăng 9-1/2 US cent lên 8,83 USD/bushel, trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2020 giảm 4-3/4 US cent xuống 4,91-1/3 USD/bushel.
Giá đường tăng do nhu cầu rủi ro tại các thị trường tài chính lớn được cải thiện, làm lu mờ triển vọng sản lượng tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – tăng. Đường thô kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn ICE tăng 0,1 US cent tương đương 0,8% lên 12,84 US cent/lb, hướng theo mức cao nhất 5 tháng (13 US cent/lb) trong ngày 7/8/2020. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 3,3 USD tương đương 0,9% lên 375,2 USD/tấn.
Giá cà phê tăng do lo ngại thời tiết khô tại Brazil có thể ảnh hưởng đến triển vọng cây trồng trong niên vụ tới. Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn ICE tăng 0,65 US cent tương đương 0,6% lên 1,1425 USD/lb, sau 4 phiên giảm liên tiếp từ mức cao nhất 4,5 tháng (1,3 USD/lb) trong tuần trước đó; robusta kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London tăng 5 USD tương đương 0,4% lên 1.342 USD/tấn.
Việt Nam – nước sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới – xuất khẩu 1,83 triệu bao (60 kg) trong tháng 7/2020, giảm 13,8% so với tháng 6/2020. Trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cao su tại Osaka giảm phiên thứ 2 liên tiếp, do lo ngại về căng thẳng giữa nước mua hàng đầu thế giới – Trung Quốc - và Mỹ gia tăng gây áp lực thị trường, kéo giá cao su tại Thượng Hải giảm. Cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn OSE giảm 3,4 JPY tương đương 1,9% xuống 171 JPY (1,6 USD)/kg. Trong khi đó, trên sàn Thượng hải, cao su kỳ hạn tháng 1/2021 giảm 85 CNY xuống 12.315 CNY (1.773 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 13/8/2020

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

42,59

-0,08

-0,19%

Dầu Brent

USD/thùng

45,30

-0,13

-0,29%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

30.730,00

+360,00

+1,19%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,18

+0,03

+1,30%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

124,13

-0,25

-0,20%

Dầu đốt

US cent/gallon

125,41

-0,31

-0,25%

Dầu khí

USD/tấn

376,00

0,00

0,00%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

45.110,00

+430,00

+0,96%

Vàng New York

USD/ounce

1.947,30

-1,70

-0,09%

Vàng TOCOM

JPY/g

6.647,00

+151,00

+2,32%

Bạc New York

USD/ounce

26,00

+0,02

+0,08%

Bạc TOCOM

JPY/g

88,60

+4,20

+4,98%

Bạch kim

USD/ounce

939,80

+8,39

+0,90%

Palađi

USD/ounce

2.164,13

+26,67

+1,25%

Đồng New York

US cent/lb

289,85

-1,35

-0,46%

Đồng LME

USD/tấn

6.432,50

+46,50

+0,73%

Nhôm LME

USD/tấn

1.787,00

+1,00

+0,06%

Kẽm LME

USD/tấn

2.401,00

-9,00

-0,37%

Thiếc LME

USD/tấn

17.580,00

-110,00

-0,62%

Ngô

US cent/bushel

331,75

+4,50

+1,38%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

500,75

+0,75

+0,15%

Lúa mạch

US cent/bushel

257,00

+0,25

+0,10%

Gạo thô

USD/cwt

11,72

-0,06

-0,51%

Đậu tương

US cent/bushel

888,50

+5,50

+0,62%

Khô đậu tương

USD/tấn

291,40

+1,60

+0,55%

Dầu đậu tương

US cent/lb

31,73

+0,18

+0,57%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

485,10

-0,30

-0,06%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.465,00

+17,00

+0,69%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

114,25

+0,65

+0,57%

Đường thô

US cent/lb

12,84

+0,10

+0,78%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

115,45

+0,85

+0,74%

Bông

US cent/lb

62,72

+0,52

+0,84%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

706,00

+24,50

+3,60%

Cao su TOCOM

JPY/kg

174,00

+3,00

+1,75%

Ethanol CME

USD/gallon

1,23

+0,01

+1,07%

 

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg