Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng khoảng 5% do báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thúc đẩy tâm lý lạc quan về sự phục hồi nhu cầu.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent tăng 2,91 USD, hay 4,6%, lên 66,58 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,97 USD, hay 4,9% lên 63,15 USD/thùng.
Theo số liệu của Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 5,9 triệu thùng trong tuần vừa qua (kết thúc vào ngày 9/4), trái ngược hoàn toàn với dự đoán của các nhà phân tích là sẽ giảm 2,9 triệu thùng. Tồn trữ tại các kho ở Bờ Đông nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 8,14 triệu thùng.
Cũng trong tuần qua, tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy lọc dầu Mỹ đã tăng 1% lên 85%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, do các nhà máy lọc dầu trở lại hoạt động bình thường sau đợt nghỉ bảo dưỡng theo mùa và sau khi bị gián đoạn sản xuất do bão tuyết ở Texas. Do đó, cung xăng của Mỹ trong tuần qua – chỉ báo về tiêu thụ nhiên liệu – tăng lên 8,9 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020, theo báo cáo của EIA.
Các kho dự trữ xăng ở nước này tuần qua chứa lượng xăng nhiều hơn 309.000 thùng so với tuần trước đó, ít hơn mức dự báo là tăng 786.000 thùng. Tồn trữ các sản phẩm chưng cất giảm 2,1 triệu thùng, cũng trái ngược với dự đoán là tăng 971.000 thùng.
Theo Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty Price Futures Group ở Chicago, nhìn chung đây là một bản báo cáo mang tính khích lệ, cho thấy nhu cầu đang trên đà phục hồi vững chắc.
Trước đó trong phiên này, giá dầu còn tăng khi báo cáo của IEA dự đoán nguồn cung và nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tái cân bằng trong nửa cuối năm nay. IEA còn cho rằng lúc đó, các nhà sản xuất có thể sẽ phải tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu.
Tương tự, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) mới đây cũng đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu thêm 70.000 thùng/ngày so với dự báo được đưa ra trước đó, và dự đoán nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 5,95 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
Những dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ đã hỗ trợ đà tăng giá dầu gần đây, nhưng tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 chậm chạp trên toàn thế giới và số ca nhiễm gia tăng mạnh ở Ấn Độ và Brazil đã hạn chế đà tăng của “vàng đen”.
Giá than cốc tại Trung Quốc đạt mức cao nhất gần 6 tuần do một số nhà máy luyện than cốc lớn tìm cách nâng giá giao ngay tăng lên, trong bối cảnh các đợt kiểm tra về mức độ an toàn của các mỏ than ở nước này hỗ trợ tích cực cho giá than luyện cốc.
Các nhà máy luyện cốc ở các tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc và Sơn Tây gần đây đã đề xuất tăng giá than cốc thêm 100-110 CNY (15,29-16,82 USD)/tấn, theo truyền thông của nước này.
Hợp đồng giao dịch than cốc kỳ hạn tháng 5 trên sàn Đại Liên phiên vừa qua có lúc tăng 3,2% lên 2.492 CNY (381,21 USD)/tấn, trước khi kết thúc ở mức tưang 2,4% so với phiên trước, lên 2.475 CNY.
Giá than luyện cốc kỳ hạn trên sàn Đại Liên cũng tăng docác đợt kiểm tra an toàn tại các mỏ than sau một loạt tai nạn tại mỏ than gần đây. Theo đó, giá than luyện cốc tăng 1,2% lên 1.603 CNY/tấn.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm giữa bối cảnh đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ làm giảm sự hấp dẫn của vàng.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.736,02 USD/ounce, trong khi giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ giảm 0,6% xuống 1.736,30 USD/ounce.
Tuy nhiên, việc giá vàng giảm có tính chất kỹ thuật do mức giá 1.750 USD/ounce vừa là mức kháng cự kỹ thuật, vừa là mức tâm lý trong ngắn hạn, theo nhận định của David Meger, Giám đốc phụ trách mảng kim loại thuộc High Ridge Futures.
Trong phiên 13/4, giá vàng đã tăng mạnh 0,9% sau số liệu cho thấy giá tiêu dùng trong tháng Ba ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 8 năm rưỡi, và khởi động dự báo về một giai đoạn lạm phát cao hơn.
Mặc dù vàng được coi công cụ hữu hiệu để chống lạm phát, đà tăng của lợi suất trái phiếu vẫn đang thách thức vị thế của kim loại quý này.
Theo nhà phân tích Suki Cooper tại Standard Chartered, trong quý II/2021, môi trường vĩ mô vẫn có những “sóng gió” đối với vàng khi đồng USD tạm thời mạnh lên. Song, sau đó, đồng bạc xanh sẽ trở lại xu hướng suy yếu, lợi suất thực âm và kỳ vọng lạm phát tăng sẽ là những nhân tố làm tăng sức hấp dẫn của vàng đối với nhà đầu tư.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương sẽ giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng trước khi cam kết tăng lãi suất, cho thấy ít nhất trong vài tháng tới chính sách tiền tệ sẽ vẫn giữ nguyên, thậm chí có thể là vài năm.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,2% lên 25,38 USD/ounce, bạch kim tăng 1,2% lên 1,170,13 USD/ounce, palađi giảm 0,6% xuống 2.674,34 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá ciá các kim loại như đồng, nhôm, kẽm… đồng loạt tăng trong phiên vừa qua, theo đó nhôm đạt mức cao nhất nhiều năm, do triển vọng kinh tế thế giới, nhất là kinh tế Mỹ và Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ.
Trên sàn London, nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 1,5% lên 2.328 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 6/2018 và tăng hơn 15% kể từ đầu năm đến nay do lo ngại nguồn cung của Trung Quốc – nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới - sẽ trở nên hạn hẹp do chủ trương hạn chế sự phát triển nống của lĩnh vực công nghiệp – lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng – để hạn chế khí thải carbon.
Giá đồng phiên vừa qua tăng 2,1% lên 9.087 USD/tấn, kẽm tăng 1,5% lên 2.827 USD/tấn, chì tăng 0,7% lên 2.000 USD/tấn, thiếc tăng 1,8% lên 26.100 USD/tấn và nickel tăng 1,4% lên 16.390 USD/tấn.
Giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải kỳ hạn giao tháng 10 tăng phiên thứ hai liên tiếp do nhu cầu mạnh mẽ.
Theo đó, giá thép thanh vằn tăng 1,1% lên 5.116 CNY/ tấn, thép cuộn cán nóng tăng 1,2% lên 5.418 CNY/tấn; thép không gỉ kỳ hạn tháng 6 giảm 1,1% xuống 13.845 CNY/tấn.
Tang Chuanlin, nhà phân tích cấp cao của Công ty chứng khoán CITIC cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu thép sẽ đạt đỉnh vào tháng 4-5” và "Sự phục hồi tiêu dùng trong nửa đầu năm sẽ tốt hơn so với nửa cuối năm, và nhu cầu cả năm sẽ tăng khoảng 6%".
Trên thị trường nông sản, giá ngô, lúa mì và đậu tương Mỹ đồng loạt tăng trong phiên vừa qua do lo ngại đợt không khí lạnh giá ở vùng trung tây và đồng bằng nước Mỹ có thể cản trợ sự phát triển của cây trồng.
Theo đó, giá ngô trên sàn Chicago tăng 14 US cent (2,4%) lên 5,94 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 6/2013; đậu tương tháng 5 tăng 20-1/2 US cent lên 14,10 USD/bushel, lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 18-1/4 US cent lên 6,48 USD/bushel.
Giá đường thô tăng mạnh lên mức cao nhất 3 tuần trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan khi các thị trường tài chính đồng loạt đi lên nhờ dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ không tăng nhiều như mức đáng lo ngại sau khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại.
Kết thúc phiên, giá đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 0,43 US cent, tương đương 2,8%, lên 15,86 US cent/lb, cao nhất kể từ ngày 18/3; đường trắng kỳ hạn tháng 5 phiên này cũng tăng 17,40 USD, tương đương 4,1%, lên 441,60 USD/tấn, mặc dù khối lượng giao dịch ít vì hợp đồng kỳ hạn tháng 5 đáo hạn trong ngày 15/4.
Thị trường dự đoán sản lượng đường của Brazil sẽ giảm hơn 7% trong niên vụ này, trong khi
Czarnikow cho biết sản lượng của Ấn Độ trong tháng 3 cao kỷ lục 1,2 triệu tấn.
Giá cà phê arabica giao tháng 5 tăng 2,05 cent, tương đương 1,6%, lên 1,321 USD/lb, cao nhất kể từ giữa tháng 3/2021 do khả năng nguồn cung của Brazil sẽ giảm theo chu kỳ. Robusta phiên này cũng tăng 21 USD (1,6%) lên 1.365 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua, đảo ngược xu hướng giảm liền 5 phiên trước đó, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra quan điểm lạc quan thận trọng về sự phục hồi kinh tế của nước này sau đại dịch.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn Osaka Exchange tăng 7,5 JPY, tương đương 3,3%, lên 232,1 JPY/kg. Trên sàn Thượng Hải, giá cũng tăng 0,4% lên 13.545 CNY/tấn.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục cải thiện trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ, song cảnh báo các biện pháp hạn chế hoạt động kinh tế mới để đối phó với sự gia tăng nhiễm COVID-19 là một trong những rủi ro đối với triển vọng kinh tế nước này.
Giá hàng hóa thế giới sáng 15/4/2021

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg