Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ do lo ngại về khả năng kinh tế thế giới hồi phục khó khăn làm giảm nhu cầu đối với mặt hàng này, mặc dù một cơn bão đang mạnh lên có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu của Mỹ.
Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 22 US cent (0,6%) xuống 39,61 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 7 US cent (0,2%) xuống 37,26 USD/thùng
Bão Sally đã mạnh dần lên ở Vịnh Mexico từ ngày 13/9, làm gián đoạn sản xuất dầu lần thứ 2 chỉ trong vòng chưa đầy một tháng sau cơn bão Laura.
Theo ông Bob Yawger, giám đốc phụ trách mảng năng lượng của công ty Mizuho ở New York, cho biết: “Cơn bão đang khiến hoạt động sản xuất dầu ở Vịnh Mexico bị gián đoạn, vậy mà thị trường không quan tâm đến điều đó, cho thấy tình hình của thị trường dầu mỏ đang ‘tồi tệ’ đến mức nào” – ám chỉ đến nhu cầu dầu.
Thông thường, giá dầu sẽ tăng khi các cơ sở ngừng sản xuất. Nhưng với đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến xấu đi, vấn đề nhu cầu được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu, trong khi nguồn cung trên toàn cầu tiếp tục tăng.
Trong báo cáo hàng tháng vừa công bố, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 9,46 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn so với mức giảm 9,06 triệu thùng/ngày đưa ra trong báo cáo tháng 8/2020. Nguyên nhân chủ yếu do cuộc khủng hoảng COVID-19 đã kìm hãm nhu cầu đi lại và các hoạt động kinh tế, khiến tiêu thụ năng lượng giảm mạnh. Dù một số quốc gia đã nới lỏng những hạn chế, song nguy cơ gia tăng các ca mắc COVID-19 mới và sản lượng dầu thô cao hơn tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh tới giá dầu.
Ngoài ra, các mô hình làm việc từ xa và hội nghị trực tuyến gia tăng được dự báo sẽ làm hạn chế tiêu thụ nhiên liệu trong hoạt động giao thông, khiến nhu cầu khó phục hồi so với mức đỉnh hồi năm 2019.
Trong bối cảnh đó, OPEC dự báo nhu cầu dầu thô sẽ phục hồi chậm hơn dự kiến vào năm tới. Mức tiêu thụ ước tính chỉ tăng 6,62 triệu thùng/ngày năm 2021, thấp hơn 370.000 thùng/ngày so với dự báo hồi tháng 8/2020. Đáng chú ý, các kho dự trữ dầu mỏ ở các nền kinh tế phát triển dù đã giảm 4,5 triệu thùng trong tháng 7/2020, song vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình của 5 năm qua.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng 1% trong do USD yếu đi và hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục chính sách ôn hòa. Vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.954,68 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 0,8% lên 1.963,7 USD/ounce.
Vàng tăng giá chủ yếu do đồng USD giảm và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ xuống mức “siêu thấp”, bất chấp nhiều thị trường chứng khoán vẫn tăng mạnh.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng khá nhanh theo đà sụt giảm của đồng USD trên thị trường quốc tế do đồng euro tăng giá và giới đầu tư lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Mỹ. USD đã giảm 0,3% so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt.
Các nhà đầu tư hiện đang theo dõi xem Fed trong ngày 16/9 sẽ có quyết định như thế nào về chính sách, và dự báo tổ chức này sẽ duy trì mục tiêu tỷ lệ lạm phát 2% trong thời gian dài và tăng cường nới lỏng định lượng. Quyết định về chính sách của ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng là một mục tiêu để các nhà đầu tư theo dõi lúc này – BoJ sẽ đưa ra quyết định vào ngày 17/9. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu đang gia tăng sức ép buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson phải từ bỏ ý định phá bỏ thoả thuận Brexit. 
Mặt hàng kim loại quý tăng giá do căng thẳng địa chính trị giữa Iran và Mỹ gia tăng, tiến trình Brexit khó khăn, căng thẳng nhiều mặt giữa Mỹ và Trung Quốc và những điều kiện kinh tế yếu kém trên khắp thế giới.
Giới đầu tư tìm đến vàng còn do nhiều người lo ngại sẽ xảy ra bong bóng tài sản tài chính. Tính từ đầu năm tới nay, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bơm hơn 3.000 tỷ USD khiến quy mô bảng cân đối tài sản của Fed tăng vọt lên hơn 7.000 tỷ USD.
Hàng loạt quỹ ETFs đã rút tiền ra khỏi trái phiếu chính phủ do lãi suất xuống mức thấp kỷ lục. Nhiều quỹ đã chuyển sang nắm giữ các tài sản khác, đặc biệt là vàng. Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), trong 8 tháng đầu năm nay, các quỹ ETFs đã mua 938 tấn vàng, nâng tổng số vàng nắm giữ lên mức cao kỷ lục: 3.824 tấn.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,6% lên 27,16 USD/ounce, bạch kim tăng 2,7% lên 950,14 USD/ounce trong khi palađi giảm 0,7% xuống 2.304,21 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do nhu cầu mạnh ở Trung Quốc, lượng đồng lưu kho trên sàn London thấp lịch sử và đồng USD yếu đi.
Kết thúc phiên, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) tăng 0,8% lên 6.790 USD/tấn. Trước đó, trong cùng phiên, có lúc giá đạt 6.792,5 USD, gần sát mức 6,830 USD – cao nhất 26 tháng – đạt được hồi đầu tháng 9/2020.
Đối với những kim loại khác, giá nhôm tăng 1,5% lên 1.802 USD/tấn, kẽm tăng 0,2% lên 2.477 USD/tấn, chì tăng 1,7% lên 1.922,5 USD/tấn, thiếc tăng 0,3% lên 18,165 USD và nickel tăng 1,2% lên 15,280 USD.
Lượng đồng lưu trữ trên sàn LME hiện chỉ còn 74.875 tấn, thấp nhất kể từ 2005 – khi đó giá cũng tăng mạnh do nhu cầu của Trung Quốc tăng nhanh.
Trong khi đó, theo nhà phân tích John Meyer của SP Angel, kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh chóng, một phần do các biện pháp kích thích kinh tế, và khi các nhà máy hoạt động nhanh trở lại, nhu cầu nguyên liệu gia tăng khiến cho thị trường đồng ngày càng bị thắt chặt hơn. Được biết, Trung Quốc đã tăng cường các khoản cho vay mới trong tháng 8 nhiều hơn dự kiến, trong khi tăng trưởng tín dụng cũng tăng mạnh.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) tăng trong phiên vừa qua do lạc quan về triển vọng nhu cầu của Trung Quốc bù đắp cho những lo ngại về việc lượng quặng lưu tại các kho chứa ở cảng biển đang gia tăng. Đây là phiên tăng đầu tiên sau 4 phiên giảm trước đó.
Lúc kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên tăng 2,4% lên 848,5 CNY (124,23 USD)/tấn. Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 10 tăng 1,4% lên 125 USD/tấn, là phiên tăng thứ 2 liên tiếp.
Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc tiếp tục hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Tám tháng đầu năm 2020, khối lượng quặng nhập khẩu vào nước này đạt gần 760 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lượng quặng sắt nhập về còn lưu ở các cảng biển Trung Quốc tính đến 11/9 đã lên tới 118,95 triệu tấn, cao nhất kể từ 10/4.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương giao dịch ở sàn Chicago tăng trong phiên vừa qua, với hợp đồng giao dịch nhiều nhất đạt trên 10 USD/bushel lần đầu tiên trong vòng 2 năm do nhu cầu mạnh từ khách hàng Trung Quốc. Giá ngô cũng tăng nhẹ vào lúc đóng cửa sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất 6 tháng, lúa mì cũng tăng giá.
Đậu tương kỳ hạn tháng 11 có thời điểm đạt 10,08-3/4 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2018, sau đó đóng cửa ở mức 9,99-1/2 USD/bushel, tăng 3-1/2 US cent so với đóng cửa phiên trước.
Ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 1 US cent lên 3,69-1/2 USD/bushel, trước đó có thời điểm đạt 3,71 USD, cao nhất kể từ ngày 16/3. Lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 3-3/4 US cent/bushel.
Giá đậu tương tăng một phần nữa cũng bởi báo cáo mới công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã hạ dự báo về sản lượng và tồn trữ cuối vụ 2020/21 của nước này.
Giá cà phê arabica giảm mạnh 7% trong phiên vừa qua do dự báo sẽ có mưa trên diện rộng ở những khu vực trồng cà phê đang khô hạn của Brazil, khiến các nhà đầu tư bán bớt hợp đồng đang nắm giữ.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 9,4 US cent (7,1%) xuống 1,2305 USD/lb - thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2020. Cách đây một tuần, giá đã đạt kỷ lục cao 8 tháng. Trong khi đó, cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 cũng giảm 46 US cent (3,2%) xuống 1.378 USD/tấn.
Tuần trước, nông dân Brazil đã lo ngại rằng khô hạn kéo dài sẽ ảnh hưởng tới cây cà phê lúc ra hoa vụ chính, có thể làm giảm sản lượng vụ 2021.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia Mỹ chuyên về phòng ngừa rủi ro cà phê, thời tiết khô hạn không bao giờ gây thiệt hại đối với vụ mùa cà phê Brazil trừ khi khô hạn kéo dài qua tháng 10. Với tình trạng nguồn cung của Brazil lớn và lượng dư cung nhiều trên toàn cầu thì việc giá cà phê giảm chỉ còn là vấn đề thời gian. Mặc dù vậy, một số nhà môi giới cảnh báo rằng giá có thể sẽ hồi phục nếu những trận mưa sắp tới này không đủ lớn để cung cấp độ ẩm cho đất.
Đối với mặt hàng đường, giá đường thô kỳ hạn giao tháng 10 giảm 16 US cent, tương đương 1,3%, xuống 11,76 US cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 7,4 USD (2,1%) xuống 349,80 USD/tấn.
Giá cacao kỳ hạn tháng 12 trên sàn London tăng 3 GBP (0,2%) lên 1.804 GBP/tấn; hợp đồng giao cùng kỳ hạn trên sàn New York tăng 8 USD (0,3%) lên 2.556 USD/tấn.
Lượng ca cao cập cảng ở Bờ Biển Ngà - nước sản xuất cacao hàng đầu thế giới - đạt 2,060 triệu tấn trong khoảng thời gian từ 1/10/2019 đến 13/9/2020, giảm 5,4% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 2% trong phiên vừa qua trong bối cảnh các loại dầu thực vật khác như dầu đậu tương và dầu hướng dương cũng tăng, trong khi sản lượng dầu cọ tăng chậm hơn dự kiến.
Trên sàn Bursa (Malaysia), dầu cọ kỳ hạn tháng 11 tăng 64 ringgit (2,28% lên) lên 2.875 ringgit (693,44 USD)/tấn vào giữa phiên giao dịch vừa qua. Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters dự báo giá dầu cọ sẽ còn tăng tiếp lên 2.852 ringgit/tấn.
Trong khi đó, giá dầu đậu tương trên sàn Đại Liên cũng tăng 2,69%, dầu cọ trên sàn này tăng 2,91%.
Do giá dầu cọ rẻ hơn nhiều so với các loại dầu thực vật khác nên đang thu hút khách hàng Ấn Độ và Trung Quốc – những thị trường nhập khẩu dầu thực vật hàng đầu thế giới.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng sau khi đảng hiện đang cầm quyền của nước này bầu ra một lãnh đạo mới, người đã cam kết sẽ tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm nhằm thúc đẩy kinh tế Nhật đi lên. Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 2,4 JPY (1,4%) lên 179,1 JPY/kg.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bả, ông Yoshihide Suga - đồng minh lâu năm của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Shinzo Abe, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng cầm quyền hôm qua với số phiếu áp đảo, đưa ông tiến đã cam kết sẽ tiếp tục các chính sách siêu nới lỏng và chi tiêu mạnh mẽ cũng như những chính sách khác của ông Abe (Abenomics) nhằm đảo ngược tình thế suy giảm kinh tế của Nhật Bản do Covid-19.

Giá hàng hóa thế giới sáng 15/9

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

37,39

+0,13

+0,35%

Dầu Brent

USD/thùng

39,61

-0,22

-0,55%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

27.300,00

-170,00

-0,62%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,30

-0,01

-0,61%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

111,36

+0,68

+0,61%

Dầu đốt

US cent/gallon

109,51

+0,17

+0,16%

Dầu khí

USD/tấn

319,75

-4,25

-1,31%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

40.540,00

-360,00

-0,88%

Vàng New York

USD/ounce

1.965,30

+1,60

+0,08%

Vàng TOCOM

JPY/g

6.663,00

+14,00

+0,21%

Bạc New York

USD/ounce

27,39

+0,04

+0,13%

Bạc TOCOM

JPY/g

92,00

+0,30

+0,33%

Bạch kim

USD/ounce

958,40

+0,75

+0,08%

Palađi

USD/ounce

2.314,05

+1,32

+0,06%

Đồng New York

US cent/lb

306,70

-0,10

-0,03%

Đồng LME

USD/tấn

6.739,00

+70,50

+1,06%

Nhôm LME

USD/tấn

1.775,00

-14,50

-0,81%

Kẽm LME

USD/tấn

2.471,00

+54,50

+2,26%

Thiếc LME

USD/tấn

18.102,00

+102,00

+0,57%

Ngô

US cent/bushel

369,50

+1,00

+0,27%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

545,75

+3,75

+0,69%

Lúa mạch

US cent/bushel

273,00

+2,50

+0,92%

Gạo thô

USD/cwt

12,07

-0,04

-0,37%

Đậu tương

US cent/bushel

999,50

+3,50

+0,35%

Khô đậu tương

USD/tấn

322,00

-2,60

-0,80%

Dầu đậu tương

US cent/lb

34,29

+0,58

+1,72%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

523,30

+5,90

+1,14%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.556,00

+8,00

+0,31%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

123,05

-9,40

-7,10%

Đường thô

US cent/lb

12,50

-0,10

-0,79%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

115,95

-0,70

-0,60%

Bông

US cent/lb

66,62

+1,81

+2,79%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

669,40

+29,00

+4,53%

Cao su TOCOM

JPY/kg

137,40

+2,40

+1,78%

Ethanol CME

USD/gallon

1,31

0,00

0,00%

 

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg