Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm bất chấp thông tin về tình hình kinh tế Trung Quốc và các nước sản xuất dầu lớn vẫn đang thực hiện thỏa thuận hạn chế nguồn cung.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2021 giảm 34 US cent xuống 68,88 USD/thùng; dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 22 US cent xuống 65,39 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng đều đặn từ đầu năm 2021 đến nay do các nhà sản xuất dầu lớn hạn chế nguồn cung và việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 tăng nhanh, làm tăng hy vọng về nhu cầu nhiên liệu tăng lên và các nền kinh tế hồi phục sau tác động do đại dịch gây ra.
Số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng trong tháng 1-2/2021, trái ngược với những đồn đoán, còn hoạt động lọc dầu tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Saudi Arabia đã cắt giảm tới 15% nguồn cung dầu thô giao tháng 4/2021 cho ít nhất 4 khách hàng ở khu vực Bắc Á, trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu hàng tháng bình thường đối với các nhà máy lọc dầu Ấn Độ.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, trong tháng này đã quyết định sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung sang tháng 4/2021.
Gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ đã được thông qua trong tháng này, làm tăng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các nhà phân tích cho biết Washington đang cân nhắc việc tăng thuế đối với các tập đoàn, những người có thu nhập cao và nhiên liệu để chi trả cho một kế hoạch cơ sở hạ tầng quy mô lớn, mà có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Giá đã bị áp lực bởi dự đoán cơn bão mùa đông trong tháng trước tại Texas có thể tiếp tục làm tăng lượng dầu trong các kho dự trữ "vàng đen". Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết một hiệp ước hạn chế sản lượng của các nhà sản xuất hàng đầu và nhu cầu phục hồi do việc triển khai vaccine sẽ tiếp tục đẩy giá dầu thô lên cao bất chấp bất kỳ trở ngại tạm thời nào.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do giới nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu từ cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 16-17/3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ngoài ra, việc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ rời khỏi mức cao gần đây cũng tạo đà hỗ trợ cho kim loại quý này tăng.
Theo đó, vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.729,94 USD/ounce; vàng giao tháng 4/2021 tăng 0,5% lên 1.729,2 USD/ounce.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed sẽ bắt đầu vào thứ Ba. Trọng tâm cuộc họp sẽ xoay quanh tình hình lợi suất trái phiếu tăng đột biến gần đây, lo ngại về lạm phát gia tăng, và triển vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, trong phiên 15/3, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã giảm và rời xuống từ mức đỉnh hơn một năm, giúp khôi phục phần nào sức hấp dẫn của vàng vốn là một tài sản không chịu lãi suất.
Ông David Meger, Giám đốc bộ phận giao dịch kim loại tại công ty môi giới đầu tư High Ridge Futures cho biết việc lợi suất trái phiếu đang ổn định và sự sụt giảm gần đây của vàng được coi là cơ hội mua vào.
Câu hỏi lớn là kịch bản tiếp theo của thị trường sẽ ra sao? Liệu lợi suất có còn tăng dựa trên tâm lý lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế, từ đó gây thêm áp lực lên giá vàng? Hay trong trường hợp tăng trưởng chững lại hoặc lạm phát tăng vọt, giá vàng sẽ được hưởng lợi?
Chiến lược gia thị trường Phillip Streible thuộc công ty tư vấn tài chính Blue Line Futures cho biết bất cứ khi nào lợi suất đạt đỉnh thì đó sẽ là đáy đối với giá vàng. Hiện lợi suất vẫn còn dư địa để tăng cao hơn nhưng đà tăng này sẽ không kéo dài mãi mãi. Vì vậy sẽ có một bước ngoặt: Lợi suất càng lên cao, thị trường càng tiến gần đến bước ngoặt này.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 1,1% lên mức 26,20 USD/ounce, bạch kim cũng tăng 0,3% lên 1.207,99 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng trong phiên đầu tuần sau khi tăng trưởng công nghiệp tại Trung Quốc mạnh hơn dự kiến, trong khi nhôm tăng vọt khi một thành phố của Trung Quốc kìm hãm mức tiêu thụ điện năng. Khối lượng giao dịch thấp, các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp của Fed và các ngân hàng trung ương trong tuần này.
Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,4% lên 9.122,5 USD/tấn rời khỏi mức cao nhất phiên tại 9.199,5 USD/tấn, đồng thời cũng là mức cao nhất kể từ ngày 3/3. Giá nhôm LME giao sau 3 tháng tăng 2% lên 2.213,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 4/3, sau khi thành phố Baotou ở Nội Mông Trung Quốc yêu cầu một số nhà máy sản xuất công nghiệp và điện đóng cửa trong một nỗ lực đáp ứng mục tiêu tiêu thụ năng lượng trong quý 1. Nhôm là kim loại nhạy cảm nhất với năng lượng.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng vượt 35,1% trong 2 tháng đầu năm so với một năm trước, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong quý 1. Sản lượng nhôm của Trung Quốc tăng 8,4% trong 2 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, do các nhà máy luyện bổ sung công suất mới.
Giá quặng sắt của Trung Quốc giảm hơn 6% trong phiên vừa qua sau khi Đường Sơn, thành phố sản xuất thép hàng đầu cam kết cắt giảm 50% lượng khí thải trong thời kỳ ô nhiễm nặng và trừng phạt những nơi không thực hiện hạn chế sản xuất.
Quặng sắt giao tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên có lúc giảm khoảng 6,3% xuống 1.005 CNY (154,55 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 8/2; lúc kết thúc phiên giảm 3,5% xuống 1.035 CNY/tấn. Lượng quặng sắt lưu kho ở các cảng Trung Quốc tăng 1,4 triệu tấn lên 130,9 triệu tấn tính tới ngày 12/3 so với một tuần trước, theo số liệu của SteelHome.
Giá các thành phần sản xuất thép khác cũng giảm do lo ngại việc kiểm soát sản lượng hơn nữa.
Tuy nhiên giá thép tại sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa tăng do đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc tăng lần lượt 38,3% và 36,6% trong hai tháng đầu năm; thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,6% lên 4.787 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng tăng 1,1% lên 5.068 CNY/tấn; thép không gỉ giảm 0,1% xuống 14.060 CNY/tấn. Sản lượng thép thô của Trung Quốc tăng 12,9% trong hai tháng đầu năm, do các nhà máy tăng sản xuất với dự đoán nhu cầu tăng từ lĩnh vực xây dựng và sản xuất.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ tăng 1,9% lên mức cao nhất một tuần, sau một báo cáo của chính phủ Mỹ cho thấy nhu cầu xuất khẩu vẫn cao. Đậu tương và lúa mì cũng tăng.
Báo cáo hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy xuất khẩu ngô là 2,204 triệu tấn, tăng từ 1,673 triệu tấn trong tuần trước đó. Theo đó, giá ngô giao tháng 5 trên sàn Chicago đóng cửa tăng 10-1/2 US cent lên 5,49-1/2 USD/bushel; lúa mì CBOT tăng 6-1/2 US cent lên 6,45 USD/bushel; đậu tương CBOT giao tháng 5 tăng 6-1/4 US cent lên 14,19-1/2 USD/bushel.
Đối với mặt hàng đường, giá đường thô giao tháng 5 lúc đóng cửa giảm 0,01 US cent hay 0,1% xuống 16,12 US cent/lb, kéo dài đà giảm 4 tuần liên tiếp; đường trắng cùng kỳ hạn giảm 0,4 USD hay 0,1% xuống 459,1 USD/tấn.
Chỉ số USD tăng khiến đường đắt hơn cho các nhà đầu tư sử dụng các đồng tiền khác để mua.
Đường đang củng cố sau khi tăng trong đầu năm, mặc dù một vụ mùa thất thu tại Thái Lan, xuất khẩu của Ấn Độ chậm lại và tình trạng không rõ ràng về vụ mùa sắp tới của Brazil.
Đối với mặt hàng cà phê, giá cà phê arabica giao tháng 5 lúc đóng cửa giảm 0,9 US cent hay 0,7% xuống 1,321 USD/lb, sau 2 tuần tăng liên tiếp; cà phê robusta cùng kỳ hạn giảm 15 USD hay 1,1% xuống 1.388 USD/tấn.
Vụ thu hoạch tại Brazil đang đến gần, với một số vườn sẵn sàng thu hoạch vào đầu tháng 4. Một nhà môi giới cho biết thời tiết lạnh giá sắp tới có thể có ảnh hưởng do thị trường cà phê đang khan hiếm.
Giá hàng hóa thế giới sáng 16/3/2021