Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh lên mức cao nhất gần 13 tháng do thời tiết ở Mỹ lạnh giá khiến các giếng dầu và nhà máy lọc dầu ở Texas (Mỹ) đóng cửa.
Kết thúc phiên này, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1% lên 60,05 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2020; dầu Brent tăng 5 US cent (0,1%) lên 63,35 USD/thùng, sát mức cao nhất 13 tháng đạt được trong phiên trước đó.
Jim Ritterbusch, Chủ tịch của Ritterbusch and Associates ở Galena, Illinois nhận định, do thời tiết băng giá, một số nhà máy lọc dầu đã buộc phải đóng cửa để hạn chế tiêu thụ điện.
Các nhà phân tích của Rystad Energy ước tính rằng thời tiết lạnh giá sẽ khiến sản lượng dầu thô của Mỹ giảm từ 500.000-1,2 triệu thùng. Công suất lọc dầu khoảng 3 triệu thùng/ngày cũng bị ảnh hưởng khi một số nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ ngừng hoạt động, bao gồm cả các cơ sở của Motiva Enterprises tại Port Arthur, Texas.
Những lo ngại về khả năng thắt chặt nguồn cung tại Trung Đông cũng gia tăng sau một vụ tấn công vào hai sân bay của Saudi Arabia. Trong nhiều tháng qua, giá dầu đã tăng mạnh nhờ chương trình cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu lớn và tiến triển trong quá trình triển khai vaccine ngừa COVID-19.
Dù vậy, nguồn cung dầu mỏ dự kiến sẽ mở rộng vào mùa Xuân năm nay giữa bối cảnh các nhà sản xuất dầu có khả năng nới lỏng chương trình giảm sản lượng sau tháng Tư với sự phục hồi của giá "vàng đen". Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn tỏ ra thận trọng về diễn biến của đại dịch COVID-19.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn một tuần, giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng. Giá bạch kim cũng giảm sau khi trải qua một phiên giao dịch đầy biến động, dù có có lúc đạt mức cao nhất sáu năm rưỡi.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay hạ 1,2%, xuống 1.796,50 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 4/2/2021; giá vàng giao sau giảm 1,3%, xuống 1.799 USD/ounce. Giá bạc giao ngay giảm 1,1%, xuống 27,29 USD/ounce, palađi tăng 0,1%, lên 2.391,33 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức cao nhất một tháng là 2.424,26 USD/ounce; bạch kim giảm 2,9%, xuống 1.265,36 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Nhà chiến lược về hàng hóa của TD Securities, Daniel Ghali, cho biết, vàng đang chuyển dần khỏi vai trò là một tài sản phòng ngừa lạm phát - như phần lớn thời gian của năm 2020 - để tiếp tục trở thành một tài sản trú ẩn an toàn, khi lợi suất trái phiếu gia tăng.
Việc thị trường chứng khoán khởi sắc và xác lập các mức cao kỷ lục mới cũng đè nặng lên vàng, giữa bối cảnh giới đầu tư đang lạc quan về gói cứu trợ mới liên quan đến đại dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Chính phủ Mỹ.
Ông Ghali cho biết, sự sụt giảm này là do hoạt động bán ra chốt lời của nhà đầu tư sau một đợt phục hồi do đầu cơ trước những dự báo nhu cầu bạch kim gia tăng vì xu hướng chuyển đổi sang các công nghệ xanh. Giá bạch kim đã tăng khoảng 20% kể từ đầu năm nay với hy vọng rằng thị trường ô tô phục hồi và việc thúc đẩy năng lượng xanh.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng twang lên mức cao nhất gần 9 năm, một số kim loại cơ bản khác cũng tăng do lạc quan về nhu cầu Trung Quốc và sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, đồng USD suy yếu xuống mức thấp nhất 3 tuần cũng khiến kim loại công nghiệp trở nên hấp dẫn hơn.
Trên sàn London, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 0,2% lên 8.407,5 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 8.437 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 5/2012. Giá đồng tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất nhiều năm. Tính từ tháng 3/2020 đến nay, giá đồng đã tăng 93%.
Trong năm 2021, nhu cầu Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 5% so với năm 2019, song chuỗi cung ứng tại Chile và Peru – hai thị trường xuất khẩu đồng sơ cấp lớn nhất thế giới – bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Giá nhôm phiên vừa qua tăng nhẹ lên 2.084 USD/tấn, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất 8 tuần (2.095,5 USD/tấn); giá nickel tăng 0,8% lên 18.780 USD/tấn, sau khi đạt 18.840 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 9/2019.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì tăng gần 3% lên mức cao nhất 1 tuần, do lo ngại thời tiết băng giá tại khu vực vành đai trồng lúa mì của Mỹ ảnh hưởng đến năng suất. Kết thúc phiên này, giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Chicago tăng 17-1/4 US cent tương đương 2,7% lên 6,54 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 6,56-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 9/2/2021; giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 11-1/4 US cent lên 5,5 USD/bushel; đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 10-3/4 US cent lên 13,82-3/4 USD/bushel.
Giá đường tăng trong bối cảnh thị trường lạc quan về việc các nước triển khai tiêm chủng vắc-xin trên diện rộng, đẩy chứng khoán tăng điểm với niềm hy vọng kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ.
Kết thúc phiên này, đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 0,35 US cent tương đương 21,% lên 16,73 US cent/lb. Tuần trước, giá đường thô đạt 17,05 US cent/lb – cao nhất kể từ tháng 4/2017. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 0,1 USD lên 456,5 USD/tấn, đóng cửa phiên trước đó, giá đường tăng gần 1%.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 3,15 US cent tương đương 2,6% lên 1,262 USD/lb, hồi phục từ mức thấp nhất 1 tháng (1,221 USD/lb) trong phiên ngày 12/2/2021; robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 7 USD tương đương 0,5% lên 1.363 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm trở lại, từ bỏ mức tăng trước đó trong phiên do tăng trưởng kinh tế tốt hơn so với dự kiến và việc triển khai chương trình vắc xin virus corona của Nhật Bản. Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Osaka giảm 0,7 JPY xuống 252 JPY/kg.
Giá hàng hóa thế giới sáng 17/2/2021