Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do hoạt động sản xuất tại Mỹ bị gián đoạn vì thời tiết lạnh đột ngột.
Theo đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 1,09 USD lên 61,14 USD/thùng, dầu Brent kỳ hạn tháng 4 tăng 99 US cent lên 64,34 USD/thùng.
Theo nhà phân tích về năng lượng Carsten Fritsch thuộc Commerzbank Research, đợt lạnh đột ngột tại khu vực Midwest đã khiến thị trường dầu mỏ chịu tác động lớn. Ước tính sản lượng dầu của Mỹ giảm hơn 2 triệu thùng/ngày, đặc biệt là tại Texas, nơi mà cho đến nay vẫn là bang sản xuất dầu lớn nhất.
Theo Wall Street Journal, một số chuyên gia về thị trường năng lượng và nhà điều hành doanh nghiệp giấu tên đã nâng dự báo thiệt hại nguồn cung dầu từ 1,5 triệu thùng dầu/ngày lên 1,7 triệu thùng dầu/ngày. Mức ảnh hưởng của hoạt động sản xuất năng lượng do thời tiết giá lạnh đặc biệt tồi tệ tại khu vực lòng chảo Permian phía Tây bang Texas, khu vực sản xuất dầu lớn nhất tại Mỹ. Tại khu vực phía Nam Texas, mức giảm sản lượng cũng rất cao, ngoài ra phải kể đến khu vực lòng chảo Anadarko ở bang Oklahoma. Mức sụt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày sẽ tương đương đến 18% tổng sản lượng dầu thô của nước Mỹ hàng ngày, tính theo số liệu gần nhất của chính phủ.
Mức cắt giảm sản lượng sẽ còn tùy thuộc vào số lượng ngày mà tình trạng thời tiết giá lạnh kéo dài gây gián đoạn sản xuất. Nhiều chuyên gia nhận định có thể sản lượng dầu sẽ tăng dần trở lại từ ngày thứ Tư tuần này khi mà nhiệt độ tại khu vực lòng chảo Permian tăng trở lại.
Nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất lớn cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm được gọi là OPEC+, trong tháng Một đã nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng ở mức gần như trước trong tháng Hai đến hết tháng Ba.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, tự nguyện cam kết cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày ngoài hạn ngạch cam kết với OPEC+ trong hai tháng nói trên.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tiếp tục giảm phiên thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp nhất hơn 2 tháng do các nhà đầu tư dự báo về một sự phục hồi kinh tế đã thúc đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 1.773,72 USD/ounce, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 30/11 là 1.768,60 USD/ounce trong phiên này; vàng giao sau giảm 1,5% xuống 1.772,80 USD/ounce.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ phục hồi dần dần. Sự lạc quan về việc có thể kiểm soát dịch COVID-19 đang được thể hiện qua việc đồng USD tăng lên và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm mức lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.
Bên cạnh đó, sự lạc quan về gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ ngày càng lớn, cùng với dự báo lạm phát gia tăng đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ đi lên, từ đó đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong hơn một tuần.
Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết vàng có thể tăng trở lại khi các đồng tiền khác tăng so với đồng USD vào cuối năm nay.
Theo biên bản cuộc họp chính sách 26-27/1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các quan chức thuộc tổ chức này đã thảo luận về việc làm thế nào để tạo nền tảng cho người dân chấp nhận lạm phát cao hơn, đồng thời "cảnh giác" với những dấu hiệu căng thẳng trên thị trường tài sản sôi động.
Về những kim loại quý khác, giá bạch kim giao ngay giảm 1,1% xuống 1.247,85 USD/ounce, rời khỏi mức cao nhất kể từ tháng 9/2004 là 1.336,50 USD/ounce, đạt được hôm 16/2. Giá palladium giảm 0,4% xuống 2.372,62 USD/ounce, còn giá bạc giảm 0,1% xuống 27,26 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng giảm do đồng USD tăng thúc đẩy hoạt động bán ra chốt lời, song tồn trữ đồng ở mức thấp và lạc quan về triển vọng nhu cầu bởi các biện pháp kích thích kinh tế và tăng trưởng đã hạn chế đà suy giảm.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,2% xuống 8.390 USD/tấn, trong phiên trước đó giá đồng đạt mức cao nhất 9 năm (8.437 USD/tấn).
Tồn trữ đồng tại London đạt 76.175 tấn, tăng so với tuần trước song vẫn gần mức thấp nhất 15 năm trong tháng 9/2020. Đồng thời, kể từ tháng 9/2020 đến nay, tồn trữ đồng tại Thượng Hải giảm 60% xuống dưới 80.000 tấn.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì giảm trở lại, sau thời tiết mùa đông khắc nghiệt đẩy giá tăng hơn 3% trong phiên trước đó.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 1,4% xuống 6,52-1/2 USD/bushel, trong đầu phiên giao dịch tăng lên mức cao nhất 2 tuần (6,65 USD/bushel), sau khi tăng 3,3% trong phiên trước đó. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 0,25 US cent xuống 13,84-1/2 USD/bushel và giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 0,2% xuống 5,51 USD/bushel.
Giá đường tăng lên mức cao nhất gần 4 năm, được thúc đẩy bởi lạc quan về thị trường tài chính và nguồn cung thắt chặt. Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 16,96 US cent tương đương 1,4% lên 16,96 US cent/lb, trước đó trong phiên giá đường thô đạt 17,09 US cent/lb – cao nhất kể từ tháng 4/2017.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 1,6% lên 463,5 USD/tấn.
Các đại lý cho biết, giá đường tăng được thúc đẩy bởi nguồn cung hạn chế, với sản lượng đường Ấn Độ dự báo sẽ giảm nhẹ, sản lượng vụ thu hoạch Thái Lan giảm và sự không chắc chắn về vụ thu hoạch sắp tới tại Brazil.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 1,2 US cent tương đương 1% lên 1,274 USD/lb, hồi phục từ mức thấp nhất 1 tháng (1,221 USD/lb) trong phiên ngày 12/2/2021.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 9 USD tương đương 0,7% lên 1.372 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng sau cuộc khảo sát cho thấy rằng, tâm lý của các nhà sản xuất nước này trong tháng 2/2021 trở nên tích cực hơn – lần đầu tiên – kể từ giữa năm 2019.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Osaka tăng 7,6 JPY tương đương 3% lên 259,6 JPY/kg.
Cuộc thăm dò của Reuters Tankan cho thấy, tâm lý của các nhà sản xuất Nhật Bản đã chuyển biến tích cực hơn trong tháng 2/2021, được thúc đẩy bởi nhu cầu nước ngoài cải thiện, song vẫn thận trọng về đại dịch virus corona.
Giá hàng hóa thế giới sáng 18/2/2021