Trên thị trường năng lượng, giá dầu đảo chiều giảm do giới đầu tư chốt lời sau khi giá dầu tăng mạnh bởi thời tiết lạnh khắc nghiệt ở bang sản xuất năng lượng lớn nhất của Mỹ.
Kết thúc phhieen này, dầu Brent Biển Bắc giảm 41 US cednt, hay 0,6%, xuống 63,93 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên đến 65,52 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 62 US cent, hay 1% xuống
60,52 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức 62,26 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 1/2020.
Trước đó, dầu Brent đã tăng 4 phiên liên tiếp, còn dầu WTI tăng 3 phiên liên tiếp.
Bang Texas của Mỹ đã bước vào ngày thứ sáu của đợt lạnh khắc nghiệt, khiến công suất lọc dầu của Mỹ giảm 20% và làm tê liệt hoạt động sản xuất dầu và khí tự nhiên trên toàn bang.
Lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm mạnh trong tuần qua. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, lượng dầu dự trữ của nước này đã giảm 7,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 12/2, cao hơn nhiều so với mức giảm 2,4 triệu thùng mà giới phân tích dự đoán trước đó.
Giá dầu giảm cũng bởi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng một số đồng minh (OPEC+) thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng từ nhiều tháng nay để kiểm soát nguồn cung, trong bối cảnh nhu cầu suy yếu vì dịch Covid-19.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng giảm xuống mức thấp gần nhất trong vòng 11 tuần khi tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về đà phục hồi kinh tế thúc đẩy lợi suất trái phiếu và khiến kim loại quý này kém hấp dẫn hơn.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.774,21 USD/ounce, gần mức thấp nhất kể từ ngày 30/11 (1.767,20 USD/ounce). Trong khi đó, giá vàng giao sau đóng phiên ở mức 1.775 USD/ounce.
Bob Haberkorn, chiến lược gia cấp cao thuộc RJO Futures, nhận định các số liệu khả quan gần đây về kinh tế Mỹ, trong đó có thống kê về lĩnh vực sản xuất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, cho thấy hoạt động kinh tế đang phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Theo biên bản cuộc họp trong hai ngày 26-27/1 mới được công bố, Fed đã nhắc lại cam kết giữ lãi suất ở mức gần 0 cho đến khi lạm phát và việc làm phục hồi.
Trong khi đó, nhà phân tích thị trường Han Tan của FXTM cho rằng vàng đang gặp khó khăn khi cố gắng thu hút các nhà đầu tư như một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Thay vào đó các tài sản khác đang được ưa chuộng.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kim loại cơ bản hầu hết tăng sau khi các nhà đầu tư Trung Quốc trở lại thị trường sau kỳ nghỉ kéo dài 1 tuần.
Theo đó, giá đồng trên sàn London tăng 2% lên 8.556,5 USD/tấn, sau khi đạt 8.633 USD/tấn. Tính từ đầu tháng đến nay, giá đồng tăng 9%. Trên sàn Thượng Hải, giá đồng tăng gần 6% lên 63.290 CNY (9.784 USD)/tấn – cao nhất kể từ tháng 9/2011.
Lượng đồng lưu kho trên sàn London chạm 76.025 tấn – thấp nhất kể từ năm 2005. Đồng USD suy yếu cũng góp phần khiến mặt hàng đồng trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư mua bằng các loại tiền tệ khác.
Các kim loại cơ bản khác cũng cùng chung xu hướng tăng với giá đồng, với giá nhôm đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, nickel đạt mức cao nhất kể từ năm 2014, thiếc đạt mức cao nhất kể từ năm 2012 và chì đạt mức cao nhất kể từ năm 2019.
Cụ thể, trên sàn London, giá nhôm tăng 1,3% lên 2.142,5 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.167 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 10/2018. Giá nickel tăng 2% lên 19.125 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 19.205 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 9/2014. Giá thiếc tăng 1,6% lên 24.960 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 25.470 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 2/2012. Giá chì tăng 0,7% lên 2.125,5 USD/tấn, sau khi đạt 2.149 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 11/2019.
Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng 7% do kỳ vọng nhu cầu hồi phục, khi nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 1 tuần, với các dấu hiệu nền kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh làm gia tăng sự lạc quan.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Đại Liên tăng 7,1% lên 1.131,5 CNY (175,22 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.134,5 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 22/12/2020. Tính từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt tăng gần 14% do nguồn cung thắt chặt, cùng với đó là tập đoàn khai thác khổng lồ Vale Brazil khó khăn trong việc thúc đẩy sản lượng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Singapore tăng 1,5% lên 169,4 USD/tấn.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây tăng 3,3%, thép cuộn cán nóng tăng 2,5% và thép không gỉ tăng 2,3%.
Các nhà máy thép Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cường sản xuất để bổ sung dự trữ, khi nhiều công trình xây dựng vẫn hoạt động trong suốt kỳ nghỉ lễ và để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Nhà chiến lược gia hàng hóa cao cấp Daniel Hynes thuộc ANZ cho biết, thị trường quặng sắt cũng được hậu thuẫn bởi triển vọng tích cực từ các nhà xuất khẩu lớn.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc và đường tăng tiếp, trong khi cao su giảm tiếp.
Theo đó, giá ngô và đậu tương Mỹ giảm sau khi Bộ Nông nghiệp nước này dự báo diện tích trồng trọt 2 loại cây trồng này tăng lên mức cao kỷ lục. Trong khi, giá lúa mì tăng lên mức cao nhất 2,5 tuần do giá lúa mì tại châu Âu tăng, đồng USD suy yếu và lo ngại về cây trồng lúa mì vụ đông tại Mỹ bị ảnh hưởng bởi thời tiết băng giá khắp khu vực vành đai trồng lúa mì.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 8-3/4 US cent xuống 13,75 USD/bushel và giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 2-3/4 US cent xuống 5,5-1/4 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 18-1/2 US cent lên 6,62-1/2 USD/bushel.
Giá đường tăng lên mức cao nhất gần 4 năm do nguồn cung thắt chặt và giá năng lượng tăng.
Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 3% lên 17,51 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 17,54 US cent/lb – cao nhất kể từ tháng 3/2017; giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 1,9% lên 473,2 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 473,7 USD/tấn.
Tập đoàn hàng hóa Czarnikow dự kiến tiêu thụ đường toàn cầu trong năm nay sẽ trở lại mức năm 2019, do nền kinh tế toàn cầu hồi phục từ đại dịch virus corona.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 tăng phiên thứ 3 liên tiếp, tăng 1,9 US cent tương đương 1,5% lên 1,293 USD/lb, trong phiên có lúc đạt 1,2965 USD/lb – cao nhất 1 tháng, do gia tăng kỳ vọng nền kinh tế hồi phục và hoạt động bán ra từ nước sản xuất hàng đầu – Brazil – hạn chế đã gây áp lực giá. Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 0,6% lên 1.380 USD/tấn.
Ở Châu Á, thị trường Việt Nam giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết, song giao dịch thưa thớt. Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) được chào giá cộng 90-100 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London, không thay đổi so với tuần trước kỳ nghỉ. Cà phê nhân xô được bán nội địa với giá 32.300 VND (1,4 USD)/kg, tăng so với mức giá 31.200-31.700 VND (1,35-1,39 USD)/kg tuần trước Tết Nguyên đán.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 270-280 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 4/2021, giảm so với mức cộng 290 USD/tấn 2 tuần trước đó.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm trở lại sau khi đạt mức cao nhất gần 3 tháng trong đầu phiên giao dịch, khi số liệu kinh tế bổ sung cho thấy rằng nền kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục từ đại dịch Covid-19.
Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Osaka giảm 1,8 JPY xuống 257,8 JPY/kg, trong đầu phiên giao dịch đạt 265,6 JPY/kg – cao nhất kể từ ngày 3/12/2020.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 535 CNY lên 15.205 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 19/2/2021


 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg