Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp xuống mức thấp nhất một tuần do sự gia tăng bất ngờ lượng dự trữ dầu thô của Mỹ và lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh ở Ấn Độ.
Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 1,25 USD, hay 2%, xuống 65,32 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng Tư giảm 1,32 USD, hay 2,1%, xuống 61,35 USD/thùng. Cả 2 mức giá này đều thấp nhất kể từ ngày 13/4. Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ đã lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với 295.041 ca mắc và 2.023 ca tử vong chỉ trong ngày 21/4; tại do Covid-19, cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 21/4 cho biết lượng dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng 594.000 thùng trong tuần trước lên 493 triệu thùng, trái ngược với dự đoán giảm 3 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Ngoài ra, một diễn biến làm gia tăng khả năng nguồn cung dầu tăng lên trong tương lai là Iran và các cường quốc trên thế giới đã đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán nhằm “cứu” thỏa thuận hạt nhân năm 2015, mà nếu thành công, các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ được dỡ bỏ và sản lượng dầu của nước này sẽ gia tăng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng đảo chiều tăng do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD suy giảm.
Chốt phiên giao dịch, vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.792,77 USD/ounce; trước đó có thời điểm giá lên mức cao nhất gần hai tháng qua là 1.797,41 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6/2021 cũng tiến 0,8% lên 1.793,10 USD/ounce.
Chuyên gia thị trường cấp cao của OANDA Edward Moya cho hay giá vàng chịu tác động xấu trong vài tháng qua do lợi suất trái phiếu tăng, nhưng hiện giá kim loại quý này đã tăng khá nhiều. Chuyên gia Moya cho biết thêm triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn có nhiều biến động và giới đầu tư sẽ được chứng kiến nhiều biện pháp thận trọng hơn trong quý tới.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 1,6%, làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ vàng, tài sản không sinh lời, trong khi đồng USD ở mức thấp.
Ngoài ra, giới đầu tư đang tập trung sự chú ý đến cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày 22/4 và cuộc họp vào tuần tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 2,3% lên 26,47 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,9% lên 1.210,03 USD/ounce, trong khi giá palađi tăng 24%. Được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác để làm sạch khí thải ô tô, palađi đã tăng giá mạnh sau khi Nornickel, nhà sản xuất lớn nhất thế giới của Nga, tạm ngừng một phần hoạt động tại hai mỏ của họ vào ngày 24/2.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng, cùng với thị trường chứng khoán hồi phục và đồng USD suy yếu, song mối lo ngại về các trường hợp nhiễm virus corona tăng đã hạn chế đà tăng.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,3% lên 9.440 USD/tấn; giá nhôm trên sàn London tăng 2,5% lên 2.367 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2018.
Kỳ vọng nhu cầu đồng tăng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế cacbon thấp và nền kinh tế toàn cầu hồi phục, đẩy giá đồng tăng lên mức cao nhất gần 10 năm (9.617 USD/tấn) trong tháng 2/2021.
Ngoài ra, giá đồng được hỗ trợ bởi sản lượng đồng tinh chế của Trung Quốc trong tháng 3/2021 tăng 18,2% so với tháng 3/2020, song vẫn chạm mức thấp nhất (870.000 tấn) kể từ tháng 7/2020, Cơ quan Thống kê Quốc gia cho biết.
Giá thép cây và thép cuộn cán nóng tăng, do lo ngại việc kiểm soát công suất và sản lượng trong những tháng tới nghiêm ngặt hơn, khi các cơ quan quản lý thắt chặt việc giám sát.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 1,5% lên 5.188 CNY (799 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,7% lên 5.484 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2021 giảm 0,1% xuống 13.915 CNY/tấn. Là nguyên liệu sản xuất thép, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng phiên thứ 5 liên tiếp, tăng 1,4% lên 1.101 CNY/tấn; giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng 5 USD lên 186,5 USD/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương tăng lên mức cao nhất nhiều năm, được hậu thuẫn bởi nguồn cung vụ cũ suy giảm và vấn đề thời tiết đe dọa triển vọng vụ thu hoạch 2021.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 19 US cent lên 6,25-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 6,28-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2013. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 21-3/4 US cent lên 14,79-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 14,99-3/4 USD/bushel – gần ngưỡng 15 USD/bushel – lần đầu tiên kể từ tháng 6/2014. Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 13-3/4 US cent lên 6,75 USD/bushel.
Giá đường thô tăng lên mức cao nhất 7 tuần, do nguồn cung thắt chặt khi triển vọng cây trồng tại Brazil và châu Âu suy giảm. Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 0,17 US cent tương đương 1% lên 16,94 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 16,99 US cent/lb – cao nhất kể từ ngày 26/2/2021; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 1,2 USD tương đương 0,3% lên 463,3 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 0,25 US cent tương đương 0,2% xuống 1,342 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London tăng 12 USD tương đương 0,9% lên 1.410 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm do lo ngại các trường hợp nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản và Ấn Độ tăng, khiến nhu cầu cao su toàn cầu hồi phục chậm lại và dự kiến chính phủ Thái Lan có thể giải phóng hàng tồn kho cũ.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Osaka giảm 1,7 JPY tương đương 0,7% xuống 233,2 JPY (2,2 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 120 CNY lên 13.910 CNY (2.141 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 22/4/2021

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg