Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh sau khi một siêu tàu bị mắc cạn ở kênh đào Suez, giữa bối cảnh triển vọng nhu cầu dầu thô từ các nhà máy lọc dầu sẽ hồi phục mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch dầu Brent tăng 3,62 USD, tương đương 6%, lên 64,41 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 3,42 USD 95,9%) lên 61,18 USD/thùng; trái ngược với xu hướng giảm 6,2% ở phiên liền trước.
Việc giá dầu đảo chiều mạnh mẽ trong phiên vừa qua chủ yếu là do một con tàu chở hàng lớn dài 400 mét, rộng 59 mét mang cờ Panama đã bị mắc kẹt và chắn ngang kênh đào Suez. gây ách tắc ở cả 2 chiều.
Theo chuyên trang theo dõi tàu thuyền, con tàu gặp sự cố là Ever Given, một tàu chở hàng lớn dài 400 mét, rộng 59 mét mang cờ Panama. Do con tàu nằm chắn ngang dòng nước nên các con tàu khác không thể lưu thông. Kênh đào Suez là tuyến đường thủy duy nhất từ Biển Địa Trung Hải sang Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Hiện Ai Cập đang nỗ lực hết sức để xử lý sự cố của tàu Ever Given. Chuyên trang theo dõi tàu thuyền cho biết, một máy xúc nhỏ đang tìm cách đẩy mũi tàu khỏi bờ cát, trong khi khoảng 10 tàu kéo đang tìm cách đẩy con tàu mắc cạn vào vùng nước sâu hơn.
Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi thông tin từ Cơ quan Năng lượng Mỹ cho thấy hoạt động lọc dầu ở nước này đang hồi phục mạnh mẽ sau đợt bão tuyết mùa đông khiến ngành dầu mỏ ở Texas phải tạm dừng hoạt động trong một khoảng thời gian.
Nhà phân tích cấp cao của Price Futures, Phil Flynn, cho biết: "Các nhà máy lọc dầu đã gần như hồi phục hoàn toàn sau đợt bão tuyết. Với việc các nhà máy lọc dầu khôi phục hoạt động trở lại, tồn kho dầu thô sẽ giảm trong những tuần tới".
Ở Châu Âu, trong khi Italy, Pháp và nhiều nước Châu Âu khác đã áp lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, Đức – nước tiêu thụ dầu lớn nhất khu vực – trước sự chỉ trích dữ dội của dân chúng về kế hoạch phong tỏa nghiêm ngặt, đã rút kế hoạch phong tỏa nghiêm ngặt dịp lễ Phục sinh, thay vào đó kêu gọi dân chúng ở nhà. Theo đó, Thủ tướng Angela Merkel cùng thủ hiến 16 bang của Đức quyết định đình chỉ lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng dịp lễ Phục sinh ngày 1-5/4, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Công giáo (CDU) Armin Laschet cho biết trong cuộc họp nghị viên bang Bắc Rhine-Westphalia ngày 24/3.
Ngày 1/4 tới, các nước OPEC+ sẽ họp lại để xem xét kế hoạch sản xuất trong giai đoạn tiếp theo. Một số nguồn tin cho biết, trong bối cảnh hiện tại, dự báo OPEC+ sẽ vẫn duy trì mức sản lượng dầu mỏ như hiện tại chứ chưa nâng lên theo lộ trình dự kiến ban đầu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng sau phát biểu trấn an của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về cam kết tiếp tục duy trì lãi suất thấp gần 0%, bất chấp lợi suất trái phiếu và đồng USD tăng.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.734,36 USD/ounce; vàng giao sau tăng 0,5% lên 1.733,20 USD/ounce. Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Blue Line Futures, Phillip Streible, nhận định vàng khó có thể vượt khỏi biên độ 1.700 -1.750 USD/ounce cho đến cuối năm nay
Trong buổi điều trần trước Quốc hội mới đây, Chủ tịch Fed Powell cho rằng lạm phát sẽ có lúc tăng nhưng sẽ “không tăng quá nhiều và cũng không kéo dài”. Fed cam kết giữ nguyên mức lãi suất thấp gần 0% trong cuộc họp chính sách tuần qua. Vàng tăng giá bất chấp lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cao cùng với một đồng USD mạnh lên. Đồng USD mạnh hơn khiến việc nắm giữ vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Blue Line Futures ở Chicago, Phillip Streible, cho hay vàng khó có thể vượt khỏi biên độ 1.700 -1.750 USD/ounce cho đến cuối năm nay khi tăng trưởng và lạm phát dường như đình trệ với các nhà đầu tư ưa thích các tài sản và hàng hóa theo sát đà tăng của lạm phát.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 25,12 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,4% lên 1.172,82 USD/ounce, trong khi giá palađi tăng 1,2% lên 2.635,19 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do USD mạnh lên và Châu Âu bước vào đợt phong tỏa mới – sẽ làm hạn chế hoạt động ở các nhà máy.
Kết thúc phiên, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,8% xuống 8.907 USD/tấn.
Các nhà đầu tư chuyển sang tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn giữa bối cảnh đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng và dịch Covid-19 bùng phát ở Châu Âu. Khả năng Mỹ tăng thuế và căng thẳng giữa phương Tây với Trung Quốc cũng góp phần đẩy đồng USD mạnh lên, nhưng lại gây áp lực giảm giá những tài sản có độ rủi ro cao như đồng.
Lượng đồng lưu kho trên sàn LME tăng lên 129.950 tấn, cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, so với 74.000 tấn hôm 3/2.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm tăng 1,3% lên 2.20 USD/tấn, kẽm giảm 1,6% xuống 2.791 USD/tấn, chì giảm 0,7% xuống 1.935 USD/tấn, thiếc giảm 2,3% xuống 25.310 USD/tấn, nickel tăng 0,2% lên 16.185 USD/tấn.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 2 liên tiếp sau đợt bán tháo tuần trước, khi một số n hà phân tích cho rằng việc giảm giá trong tuần qua đã quá mức.
Quặng sắt trên sàn Đại Liên kỳ hạn tháng 5 tăng 2,8% lên 1.050 CNY (161,43 USD)/tấn. Tuy nhiên, hợp đồng giao tháng 4 trên sàn Singapore vẫn giảm 0,7% xuống 154,05 USD/tấn, trái với việc tăng 2,6% ở phiên trước đó.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tiếp tục tăng do tác động từ thị trường dầu thực vật. Theo đó, hợp đồng đậu tương giao dịch nhiều nhất trên sàn Chicago tăng 9-1/2 US cent lên 14,32-3/4 USD/bushel.
Mặc dù nhu cầu xuất khẩu đậu tương Mỹ giảm, song thị trường này vẫn đang tăng giá do nhu cầu dầu ăn mạnh mẽ, liên quan đến tình trạng nguồn cung hạt có dầu và dầu thực vật của Mỹ bị thắt chặt và kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu sinh học ở Mỹ sẽ tăng dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Ngô cũng tăng trong phiên vừa qua, trong khi lúa mì giảm. Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 5 tăng 2 US cent lên 5,35-1/4 USD/bushel, lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 10 US cent xuống 6,24-3/4 USD/bushel.
Giá đường đảo chiều tăng sau 6 phiên liên tiếp giảm, rời xa khỏi mức thấp nhất 3 tháng do nhu cầu mua mạnh. Việc thu hoạch mía ở Brazil chậm cũng hỗ trợ giá đường thô.
Đường thô kỳ hạn tháng 5 phiên vừa qua tăng 0,2 US cent (1,3%) lên 15,63 US cent/lb. Phiên liền trước, hợp đồng này chạm mức thấp nhất 3 tháng là 15,05 US cent. Đường trắng phiên này cũng tăng 9,8 USD (2,2%) lên 450,3 USD/tấn.
Xuất khẩu đường ở khu vực trung nam Brazil trong niên vụ 2021/22 (bắt đầu vào tháng 4) dự kiến sẽ giảm 3 triệu tấn, còn 26,5 triệu tấn.
Tình trạng tắc nghẽn cảng ở Brazil cũng có thể làm chậm dòng vận chuyển hàng ra khỏi nước này trong những tuần tới.
Giá cà phê arabica giảm 1,1 US cent (0,9%) xuống 1,265 USD/lb, thấp nhất trong vòng 2 tuần, do nhu càu yếu khi các nước Châu Âu bước vào đợt phong tỏa mới. Cà phê robusta cũng giảm 11 USD (0,8%) xuống 1.366 USD/tấn.
Giá cao su giảm trong phiên vừa qua, xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng do lo ngại về đợt dịch Covid-19 ở Châu Âu và căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Trung Quốc – nước nhập khẩu nguyên liệu hàng đầu thế giới.
Cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 5,1 JPY (2%) xuống 256,9 JPY (2,4 USD)/kg, trong phiên có lúc xuống mức thấp nhất kể từ 19/2, là 255,5 JPY.
Giá hàng hóa thế giới sáng 25/3/2021

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg