Trên thị trường năng lượng, giá dầu biến động trái chiều trong bối cảnh các nhà giao dịch tiếp nhận dữ liệu về sản lượng dầu của Mỹ và những nhận định mới đây của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về chính sách tiền tệ.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2021 tăng 31 US cent lên 63,53 USD/thùng. Trong khi đó, tại trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại giảm 16 US cent, xuống 66,88 USD/thùng.
Sự biến động ngược chiều diễn ra sau khi cả hai loại dầu chủ chốt này đều chứng kiến mức tăng hơn 2,5% ở phiên trước đó. Eugen Weinberg, nhà phân tích năng lượng tại Commerzbank Research, cho biết, những người tham gia thị trường dường như được trấn an bởi những bình luận của Chủ tịch Fed Powell trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 25/2, khi ông nêu ra triển vọng về chính sách tiền tệ siêu lỏng trong nhiều năm tới. Ông Powell cho hay, Fed sẽ không nâng lãi suất cho đến khi lạm phát vượt quá 2% và tin rằng Fed có thể làm được điều này cũng như dự đoán có thể duy trì mức lãi suất ổn định trong hơn ba năm.
Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, sản lượng dầu của Mỹ trong tuần trước giảm rõ rệt khi hàng loạt cơ sở sản xuất phải đóng cửa do tình trạng băng giá ở Texas. Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt trung bình 9,7 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 19/2, thấp hơn 1,1 triệu thùng/ngày so với tuần trước đó và giảm 3,3 triệu thùng/ngày so với thời điểm này năm ngoái.
Giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp quan trọng của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào ngày 3/3 tới.
Hồi tháng 1/2021, OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC +, đã đồng ý duy trì hầu hết các quy định hạn chế sản lượng dầu từ tháng Hai đến cuối tháng Ba năm nay. Họ dự kiến sẽ thảo luận về chiến lược tương lai trong cuộc họp vào tuần tới.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm sau các số liệu cho thấy kinh tế Mỹ khả quan hơn dự đoán được công bố ngày 25/2, làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn.
Cuối phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,8% xuống 1.772,86 USD/ounce sau khi trước đó đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 19/2 tại 1.765,06 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4 đóng cửa giảm 1,3% xuống 1.775,4 USD/ounce. Vàng đã giảm gần 6% từ đầu năm tới nay sau khi có năm 2020 tốt nhất trong một thập kỷ bởi lo sợ virus, lãi suất giảm và các biện pháp kích thích chưa từng có.
Trong khi vàng được tìm kiếm như một rào cản chống lại lạm phát, lợi suất trái phiếu tăng đã làm xói mòn tình trạng đó vì chúng làm tăng chi phí nắm giữ vàng.
Bộ Lao động Mỹ cho biết đã có 730.000 người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 20/2, tốt hơn dự đoán và cũng thấp hơn so với con số 841.000 người trong tuần trước đó.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết lượng đơn đặt hàng mới với các mặt hàng tiêu dùng lâu bền đã tăng 3,4% trong tháng Một, mức tăng lớn nhất trong sáu tháng. Cũng theo Bộ Thương mại Mỹ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 4,1% trong quý IV/2020 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự đoán tăng 4%.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng Năm giảm 0,87% xuống 27,685 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giao tháng Tư giảm 2,1% và khép phiên ở mức 1.231,5 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ do các nhà đầu tư tranh giành mua kim loại để phòng hộ chống lại lạm phát từ kích thích của ngân hàng trung ương.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 1,6% lên 9.457 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2011 tại 9.617 USD/tấn. Giá đồng đã giảm 6% từ mức cao kỷ lục 10.190 USD/tấn đã đạt được hồi tháng 2/2011.
Chủ tịch Fed cho biết phải mất hơn 3 năm để đạt được mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương. Kim loại và các hàng hóa khác đã trở thành nơi trú ẩn an toàn trong trường hợp áp lực lạm phát vượt quá tầm kiểm soát. Đồng thời, vấn đề nguồn cung vẫn tiếp tục trong thị trường.
Tại Trung Quốc, hợp đồng đồng giao tháng 4 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng khoảng 4,5% lên 70.740 CNY (10.964,04 USD)/tấn, một mức chưa từng thấy kể từ tháng 3/2011.
Trong nhóm sắt thép, giá thép của Trung Quốc tăng do kỳ vọng nhu cầu toàn cầu phục hồi từ mức thấp, trong khi lo lắng về nguồn cung bởi hạn chế sản xuất tại Đường Sơn thành phố sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc cũng hỗ trợ đà tăng.
Hợp đồng thép thanh giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã tăng khoảng 3,8% lên 4.746 CNY (735,53 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 8/2009. Hợp đồng này đóng cửa tăng 2,5% lên 4.686 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng tăng 2,4% lên 4.908 CNY/tấn; thép không gỉ ở Thượng Hải giao tháng 4 tăng 1,8% lên 15.500 CNY/tấn khi đóng cửa. Giá quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,4% lên 1.131 CNY/tấn; quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe xuất sang Trung Quốc giảm 2 USD xuống 173,5 USD/tấn trong ngày 24/2, theo công ty tư vấn SteelHome.
Nhu cầu đối với 5 sản phẩm thép chính tại Trung Quốc, gồm thép thanh, thép cuộn, cuộn cán nóng, cán nguội và thép tấm tăng 24% lên 7,43 triệu tấn tính tới ngày 25/2 so với một tuần trước.
Trên thị trường nông sản, giá đường thô kỳ hạn tháng 5 chốt phiên giảm 1,6% xuống 16,84 US cent/lb, giá đã đạt đỉnh gần 4 năm tại 17,52 US cent trong ngày 23/2; đường trắng kỳ hạn 5 giảm 2,5% xuống 468,0 USD/tấn.
Anh sẽ giới thiệu loại xăng E10 (một nhiên liệu động cơ được pha trộn với 10% nhiên liệu tái tạo) vào tháng 9 năm nay. Hiện nay xăng ở Anh chứa chưa tới 5% ethanol. Ethanol sinh học làm từ các nguyên liệu bao gồm cả đường.
Nhà phân tích Green Pool đã giảm dự báo dư thừa đường toàn cầu niên vụ 2020/21 chủ yếu do cắt giảm ước tính của các nhà sản xuất chủ chốt Ấn Độ và Thái Lan.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 2,8 US cent hay 2,0% lên 1,4005 USD/lb sau khi đạt đỉnh trong hơn một năm tại 1,4045 USD/lb; cà phê robusta cùng kỳ hạn tăng 13 USD hay 0,9% lên 1.476 USD/tấn sau khi đạt mức cao nhất trong hơn một năm vào ngày 24/2.
Giá cà phê tăng bởi thời tiết khô hạn hơn bình thường ở Brazil làm giảm triển vọng vụ mùa tới, tình trạng thiếu hụt container vận chuyển trên toàn cầu và bởi hy vọng phục hồi kinh tế.
Ở Châu Á, giá cà phê Việt Nam tăng do lạc quan về giá thế giới và nguồn cung hạn chế khi nông dân găm hàng với hy vọng giá có thể tăng tiếp. Cà phê nhân xô ở Tây Nguyên được bán với giá 33.500 – 34.000 đồng (1,46-1,48 USD)/kg, tăng từ 32.300 đồng/kg một tuần trước; cà phê robusta xuất khẩu (loại 2 với 5% hạt đen và vỡ) ở mức cộng 60 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5 tại London, giảm từ mức cộng 90 – 100 USD trong tuần trước.
Một lái thương cho biết nông dân đã bán 40 – 50% lượng cà phê của họ trong vụ thu hoạch 2020/21.
Tại Indonesia, mức cộng của robusta tại tỉnh Lampung giảm tuần thứ 2 liên tiếp, một thương nhân bán ở mức cộng 220 USD so với hợp đồng tháng 4, giảm từ 270 – 280 USD một tuần trước.
Giá cao su Nhật Bản tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 năm do dự đoán lạm phát thúc đẩy nhu cầu với các hàng hóa, trong khi một sự đảm bảo lãi suất của Mỹ vẫn ở mức thấp và một đồng JPY yếu hơn thêm phần hỗ trợ.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 15,9 JPY hay 5,8% lên 290 JPY (2,7 USD)/kg. Trong phiên giá đã đạt 293,6 JPY, cao nhất kể từ tháng 2/2017.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng tăng 900 CNY lên 16.995 CNY (2.629 USD)/tấn, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2017 tại 17.335 CNY trước đó trong phiên.
Giá hàng hóa thế giới sáng 26/2/2021