Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đồng ý giữ nguyên sản lượng vào tháng 4/2021 với lý do nhu cầu phục hồi từ cú sốc COVID-19 song vẫn còn mong manh.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 2,67 USD (tương đương 4,2%) lên 66,74 USD/thùng, trước đó cùng phiên có lúc giá đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2020 là 67,75 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 4,2% (2,55 USD) và khép phiên ở mức 63,83 USD/thùng, trong phiên có lúc giá đạt mức 64,86 USD/thùng - cao nhất tính từ tháng Một năm ngoái.
Yếu tố chính tạo lực đẩy cho giá dầu trong phiên này là việc OPEC cùng các đồng minh (OPEC+) đồng ý giữ nguyên sản lượng vào tháng 4/2021, trái ngược với dự đoán của nhiều nhà phân tích rằng OPEC+ sẽ tăng sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày.
Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng OPEC+, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman thông báo các thành viên OPEC+, trừ Nga và Kazakhstan, sẽ tiếp tục duy trì cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, Nga được phép tăng sản lượng thêm 130.000 thùng/ngày trong tháng Tư tới, còn Kazakhstan cũng được chấp thuận nâng sản lượng thêm 20.000 thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia cũng cho biết họ sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày. Bộ trưởng Abdulaziz cho biết Saudi Arabia sẽ từng bước chấm dứt cam kết này vào một thời điểm “phù hợp” những tháng tới.
Ông Bart Melek, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa thuộc công ty tư vấn đầu tư TD Securities, cho hay OPEC đã làm nhà đầu tư ngạc nhiên. Theo ông, thông điệp mà OPEC đang gửi đến thị trường là họ sẵn lòng để giá dầu “tăng nóng” và chấp nhận đi một chặng đường dài để giảm lượng dầu tồn kho lớn vào năm ngoái vì COVID-19.
Theo ông Abdulaziz, mặc dù công tác triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã giúp tăng cường lạc quan, song sự không chắc chắn về dịch bệnh hiện vẫn ở mức cao. Do đó, lộ trình đúng đắn hiện nay là cần chuẩn bị các kịch bản đối phó với những hệ quả không mong muốn.
Quyết định mới của OPEC+ đồng nghĩa liên minh dầu mỏ này sẽ cắt giảm tổng cộng khoảng 7 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2021, ít hơn mức 7,05 triệu thùng/ngày của tháng 3 và 7,125 triệu thùng/ngày trong tháng Hai vừa qua.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất gần 9 tháng trước áp lực từ sự gia tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ của Mỹ, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát đi tín hiệu trước mắt sẽ chưa có động thái nào để ứng phó với sự tăng mạnh của lợi suất trái phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch, vàng giao ngay trên thị trường vàng bạc London giảm 0,9% xuống 1.695,26 USD/ounce, trước đó có lúc giảm xuống đúng ngưỡng 1.700 USD/ounce lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 cũng giảm 0,9% xuống 1.700,7 USD/ounce.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2020 càng gây áp lực giảm lên giá vàng.
Chuyên gia Phillip Streible, giám đốc chiến lược thị trường của Blue Line Futures ở Chicago, cho biết vàng có thể sẽ bắt đầu đi xuống từ thời điểm này.
Chuyên gia Suki Cooper của Ngân hàng Standard Chartered nhận định giá vàng lại một lần nữa chịu áp lực khi lợi suất trái phiếu tăng mạnh sau khi thị trường thất vọng với những bình luận của ông Powell. Sự gia tăng gần đây của lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một biện pháp đề phòng lạm phát, khi nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữa kim loại quý không sinh lời này.
Trong khi đó, đồng USD đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2020, qua đó tạo thêm áp lực lên giá vàng vốn được định giá bằng “đồng bạc xanh”.
Lượng vàng do quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 trong phiên 3/3.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 3,2% xuống 25,24 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 3,7% và được giao dịch ở mức 1.123,49 USD/ounce, và palađi giảm 3,7% xuống 1.123,49 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhất loạt giảm. Giá đồng giảm từ mức cao nhất 10 năm của tuần trước xuống 8.833 USD/tấn trong tuần này (giảm 3%), nhôm giảm 2,2% xuống 2.151 USD/tấn, kẽm giảm 1,3% xuống 2.750,50 USD/tấn, chì mất 1,8% xuống 2.015 USD/tấn và thiếc giảm 3,2% xuống 23.320 USD/tấn.
Đáng chú ý, giá nickel tiếp tục giảm mạnh trong phiên vừa qua, theo đó hợp đồng tham chiếu kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 7,6% xuống 16.100 USD/tấn, thấp nhất khoảng 3 tháng.
Nickel là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thép không gỉ và một số ứng dụng công nghiệp khác. Liên tục lao dốc từ ngày 24/2 tới nay, chỉ trong vòng một tuần qua, giá nickel đã mất khoảng 12%.
Trên sàn Thượng Hải, nickel kỳ hạn tháng 6 phiên hôm qua cũng giảm 6% xuống 130.510 CNY/tấn, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 5/2000.
Tập đoàn nickel và thép không gỉ Trung Quốc, Tsingshan Holding Group, thông báo sẽ cung cấp 100.000 tấn nickel tấm cho Huayou Cobalt và hãng sản xuất nguyên liệu ắc quy CNGR Advanced Material. Thông tin này cho thấy thị trường nickel đã chuyển từ trạng thái thiếu cung sang cân bằng.
Giá sắt thép phiên này cũng giảm. Theo đó, trên sàn Thượng Hải, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 5/2021 giảm mạnh 6% xuống13.990 CNY (2.162,09 USD)/tấn sau thông tin từ Tsingshan cho thấy nguồn cung nickel đã dần ổn định. Giá các sản phẩm thép khác trên sàn Thượng Hải dao động nhẹ, theo đó giá thép thanh vằn hôm nay giảm 0,2% xuống 4.834 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng nhích 0,1% lên 5.012 CNY/tấn. Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 2% lên 1.175 CNY/tấn, quặng sắt 62% nhập khẩu giá 176,5 USD/tấn.
Tồn trữ thép không gỉ (loại 304) tại Trung Quốc tuần qua đã tăng 15,38% so với tuần trước đó, lên 520.5000 tấn, theo thông tin từ công ty Mysteel.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tăng mạnh do thời tiết bất lợi ở Nam Mỹ gây lo ngại suy giảm nguồn cung.
Theo đó, giá đậu tương tăng 3 xu ở mức 14,10-1 / 2 USD/bushel vào lúc đóng cửa, sau khi có lúc đạt mức cao nhất trong phiên là 14,38 USD.
Trái lại, ngô và lúa mì giảm tiếp. Theo đó, giá ngô giảm 2-3/4 cent xuống 5,32-1/2 USD/bushel, lúa mì giảm 5 cent xuống 6,51 USD/bushel.
Giá đường thô hồi phục khỏi mức thấp nhất 1 tháng do đồng USD mạnh lên khiến cho giá đường tính theo real Brazil đắt lên.
Kết thúc phiên giao dịch, đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 0,4% lên 16,26 cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất trong một tháng là 15,96 trong phiên trước đó. Đường trắng phiên này cũng tăng 0,8% lên 462 USD/tấn.
Giá cà phê arabica tiếp tục giảm, mất 0,7% giá trị còn 1,321 USD/lb; robusta cũng giảm 20 USD/tấn (1,4%) xuống 1.406 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, theo đó giá trên sàn Osaka tăng 5,9 JPY, tương đương 2,3%, lên 266,9 yên/kg.
Giá hàng hóa thế giới sáng 5/3/2021