Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng 1% so các số liệu kinh tế mạnh mẽ từ Trung Quốc và Mỹ, qua đó bù đắp một số mức giảm giá sâu của phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 59 US cent (tương đương 1%) lên 62,74 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 68 US cent (1,2%) lên 59,33 USD/thùng.
Các báo cáo mới nhất cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ đã chạm mức cao kỷ lục trong tháng Ba. Vào cùng giai đoạn, lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc cũng mở rộng mạnh mẽ với doanh số bán hàng tăng nhanh nhất trong ba tháng qua.
Việc nước Anh dự kiến nới lỏng các hạn chế đi lại để phòng dịch COVID-19 vào ngày 12/4, trong đó cho phép các nhà hàng, phòng tập thể thao, tiệm làm tóc và các địa điểm ngoài trời mở cửa trở lại cũng hỗ trợ giá dầu đi lên trong phiên này.
Trong phiên đầu tuần 5/4, cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều giảm khoảng 3 USD do kế hoạch nâng dần sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối.
Bà Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy cho biết dù OPEC + đã đi ngược lại hầu hết kỳ vọng của nhà đầu tư và giới quan sát, thị trường hiện đang báo hiệu rằng họ chấp nhận động thái đó và sẵn sàng hưởng lợi từ sự ổn định.
Thông tin về số ca mắc COVID-19 mới gia tăng ở Ấn Độ và một số khu vực của châu Âu cũng khiến thị trường lo ngại. Việc một số chính phủ châu Âu phải tái áp đặt các lệnh phong tỏa mới cũng ảnh hưởng đến giá năng lượng.
Nhà phân tích Warren Patterson của ngân hàng ING nói diễn biến này làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi trong nhu cầu năng lượng. Vì trong hiện tại, một phần lớn lòng tin trên thị trường dựa trên giả định rằng nhu cầu dầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.
Giới đầu tư cũng đang chú ý tới các cuộc đàm phán gián tiếp tại Vienna giữa Mỹ và Iran vào thứ Ba (theo giờ địa phương) để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới. Nếu thành công, điều này có thể dẫn đến việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Iran.
Dù có những lo ngại, ngân hàng Goldman Sachs nhận định bất kỳ sự phục hồi tiềm năng nào trong hoạt động xuất khẩu dầu của Iran sẽ không ảnh hưởng lớn đối với thị trường. Ngân hàng này dự báo ngành năng lượng Iran sẽ chưa phục hồi hoàn toàn trước mùa Hè năm 2022.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng tăng khoảng 1% lên mức cao nhất trong hơn một tuần nhờ đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.743,04 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 25/3 là 1.745,15 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng lên mức 1.743 USD/ounce.
Đồng USD đã giảm xuống mức thấp của gần hai tuần, khiến vàng rẻ hơn đối với những nhà giao dịch nắm giữ đồng tiền khác, cùng với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng hạ. Chiến lược gia thị trường Phillip Streible thuộc Blue Line Futures tại Chicago nhận định chỉ số đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm đã giúp giá vàng đi lên.
Người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa thuộc TD Securities Bart Melek cho hay giới đầu tư tin tưởng rằng thị trường sẽ không chứng kiến thêm mức tăng mạnh nào nữa của lợi suất trái phiếu, và điều này là một sự “tiếp sức” mang tính kỹ thuật cho vàng.
Giới đầu tư cũng đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách cuối cùng của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), công bố ngày 7/4, để tìm kiếm thêm manh mối về chính sách tiền tệ.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại Cleveland Loretta Mester ngày 5/4 nói rằng triển vọng kinh tế Mỹ đang dần tươi sáng hơn tuy nhiên ngân hàng trung ương này sẽ duy trì chính sách nới lỏng để hỗ trợ hơn nữa cho tăng trưởng.
Về những kim loại quý khác, đồng bạc giao ngay tăng 1% lên 25,14 USD/ounce, giá palađi tăng 0,5% lên 2.676,74 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 2% lên 1.232,52 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do những lo ngại về nguồn cung, sau khi nước sản xuất hàng đầu – Chile – đóng cửa biên giới, bởi các trường hợp nhiễm virus corona tăng đột biến. Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 3,1% lên 9.059 USD/tấn.
Giá thiếc trên sàn London tăng 2,7% lên 25.800 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 3 tuần (26.065 USD/tấn) do lo ngại nguồn cung, trong bối cảnh kiểm tra môi trường và bảo trì nhà máy luyện tại Trung Quốc và sau khi Trung Quốc hạn chế di chuyển tại Ruili – biên giới với Myanmar do Covid-19 lây lan. Trong khi đó, Myanmar chiếm hơn 95% nhập khẩu thiếc cô đặc vào Trung Quốc năm 2020.
Giá thép tại Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục, được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa tăng mạnh và mối lo ngại về các hạn chế nguồn cung tại nước sản xuất và xuất khẩu vật liệu xây dựng và sản xuất lớn nhất thế giới.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 2,1% lên 5.180 CNY (791 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt 5.200 CNY/tấn – cao nhất kể từ năm 2011. Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 5.566 CNY/tấn, trước đó đạt 5.589 CNY/tấn – cao nhất kể từ năm 2014. Giá thép không gỉ tăng 0,6%. Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên giảm 0,6% xuống 971 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tại Mỹ tăng do diện tích trồng trọt tại Mỹ thấp hơn so với dự kiến và mưa đã trì hoãn việc thu hoạch đậu tương tại Brazil, khiến nguồn cung thắt chặt.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 6 US cent lên 14,18-3/4 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 1 US cent lên 5,54-1/4 USD/bushel, trong khi giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 2-1/2 US cent xuống 6,15-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô tăng hơn 2%, được thúc đẩy bởi giá dầu thô và các hàng hóa khác trên thị trường tăng. Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 0,32 US cent tương đương 2,2% lên 15,16 US cent/lb, hồi phục từ mức thấp nhất 3 tháng (14,67 US cent/lb) trong tuần trước đó; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 4,3 USD tương đương 1% lên 427,7 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 4,75 US cent tương đương 3,9% lên 1,2685 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 9 USD tương đương 0,7% lên 1.334 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm do lo ngại tình trạng thiếu chip toàn cầu có thể giảm sản lượng ô tô và nhu cầu lốp xe. Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Osaka giảm 3,1 JPY xuống 247,6 JPY (2,2 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 75 CNY lên 14.315 CNY (2.186 USD)/tấn.
Nhà phân tích Toshitaka Tazawa thuộc công ty môi giới hàng hóa Fujitomi Co. cho biết, sự gia tăng về mối lo ngại thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu có thể khiến sản lượng ô tô và nhu cầu lốp xe giảm gây áp lực thị trường.
Giá hàng hóa thế giới sáng 7/4/2021

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg