Năng lượng: Giá dầu giảm tuần thứ 2 liên tiếp, khí gas vững
Giá dầu vừa trải qua tuần giảm thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh dự trữ dầu trên thế giới tăng mà nhu cầu tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong phiên cuối tuần, giá dầu Brent giảm 23 US cent (0,6%) xuống 39,83 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3 US cent lên 37,33 USD/thùng. Tính chung cả tuần, cả giá dầu Brent và WTI đều mất khoảng 6%.
Giới quan sát nhận định, việc Saudi Arabia và Kuwait giảm giá bán chính thức cho các khách hàng châu Á, tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng và các nhà giao dịch dầu mỏ đang tăng cường đặt kho chứa dự trữ là những yếu tố tiêu cực đối với thị trường dầu mỏ ở thời điểm hiện tại.
Kỳ nghỉ Lễ Lao động ngày 7/9 như thường lệ đã đánh dấu sự kết thúc mùa cao điểm với nhu cầu tiêu thụ năng lượng cao vào mùa Hè ở Mỹ. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu nhiên liệu suy yếu tại quốc gia này trong thời gian tới.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc mới đang gia tăng có thể khiến sự hồi phục kinh tế thế giới chậm lại và làm giảm nhu cầu đối với các loại nhiên liệu, trong đó có dầu diesel và nhiên liệu máy bay.
Thị trường đang chờ đợi những động thái mới tại cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/9.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại Châu Á tương đối ổn định trong tuần qua giữa bối cảnh một số khách hàng trong khu vực tích cực mua vào. Giá LNG trung bình giao tháng 10 tới đông bắc Á ước tính ở mức 4,55 USD/mmBtu cao hơn 0,05 USD/mmBtu so với tuần trước; khí gas kỳ hạn tháng 11 ước tính là 4,75 USD/mmBtu.
Kim loại quý: Giá vàng tăng
Phiên cuối tuần qua, giá vàng thế giới giảm sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Chính phủ Mỹ đều không đưa ra thêm biện pháp kích thích nào. Giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.941,07 USD/ounce trong khi vàng giao sau giảm 0,8% xuống 1.947,90 USD/ounce.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, kim loại quý này vẫn tăng giá do còn nhiều lo ngại về đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde mới đây đã phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này sẽ không mở rộng chương trình kích thích, trong khi Thượng viện Mỹ đã chặn một dự luật về gói cứu trợ kinh tế mới sau dịch COVID-19 do đảng Cộng hòa đề xuất. Nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới OANDA, Edward Moya, cho biết thị trường phiên cuối tuần hơi thất vọng với ECB, vì đa số kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương này sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ được tổ chức vào hai ngày 15-16/9. Trường lao động Mỹ đã hoàn toàn bị đình trệ, còn Quốc hội nước này đã không có thêm bất cứ gói cứu trợ nào kể từ cuộc họp gần nhất của Fed.
Việc số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ ở mức cao cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động tại đây đang chậm lại, qua đó càng thúc đẩy nhu cầu về vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Ông Carsten Menke, nhà phân tích tại Julius Baer, cho biết giá vàng có khả năng giao dịch đi ngang do những lo ngại về suy thoái vốn đã gây ảnh hưởng trên thị trường và các nhà đầu tư hiện đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong chính sách của ngân hàng trung ương.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Daniel Pavilonis thuộc công ty tư vấn RJO Futures cho biết thế giới đang chuyển đổi sang môi trường hậu COVID-19, đồng nghĩa là các chính phủ sẽ không “bơm” ra cùng một loại hình kích thích kinh tế mãi. Điều đó cũng báo hiệu cho thị trường rằng tình hình trong tương lai sẽ có một chút khác biệt. Ông Pavilonis cho biết giá vàng thậm chí có thể chạm mức 2.300 USD/ounce vào cuối năm do sự bất ổn trên thị trường chứng khoán, nền kinh tế toàn cầu và cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 11 ở Mỹ.
Kim loại công nghiệp: Giá tăng
Phiên cuối tuần, giá đồng tăng do lạc quan về nhu cầu tại Trung Quốc, trong bối cảnh tồn kho thấp trong lịch sử tại sàn giao dịch kim loại London và đồng USD giảm giá. Giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch LME tăng 1,1% lên 6.745 USD/tấn. Giá kim loại này đã chạm mức cao nhất trong 26 tháng tại 6.830 USD/tấn trong đầu tháng này.
Nhu cầu đồng của Trung Quốc quý I/2020 đã giảm 15% do đại dịch Covid-19, nhưng đã có sự phục hồi mạnh trong quý 2. Nhu cầu đồng đã tinh luyện của Trung Quốc dự kiến tăng 1 tới 2% trong năm nay. Nhu cầu đồng của Trung Quốc mạnh có thể được thấy qua nhập khẩu tăng lên mức cao kỷ lục 762.210 tấn trong tháng 7. Nhập khẩu đã tăng 38% so với một năm trước trong 8 tháng đầu năm nay lên 4,27 triệu tấn.
Lượng đồng lưu kho trên sàn LME ở mức 75.550 tấn, thấp nhất kể từ năm 2005, gây bởi nhu cầu của Trung Quốc đang tăng lên.
Giá quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa phiên cuối tuần tăng sau khi giảm trong đầu phiên, do những dấu hiệu nhu cầu thép toàn cầu phục hồi, nhưng nguyên liệu thô này vẫn có tuần giảm khi nhu cầu của các nhà máy yếu.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1 trên sàn giao dịch Đại Liên đóng cửa phiên tăng 0,8% lên 837 CNY (122,45 USD)/tấn. Giá đã giảm 2,4% trong tuần này. Giá thép trên sàn giao dịch Thượng Hải cũng tăng 0,1% lên 3.665 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên 3.779 CNY/tấn; hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tháng 11 ở Thượng Hải giảm 0,4% xuống 14.215 CNY/tấn.
Công suất hàng tuần tại 163 lò cao ở các nhà máy của Trung Quốc ở mức 84,86% tính tới ngày 11/9, mức thấp nhất kể từ tháng 5, theo số liệu của công ty tư vấn Mysteel. Xuất khẩu thép của Trung Quốc có thể tăng nhẹ trong tháng này do sự phục hồi nhu cầu thép toàn cầu và chênh lệch giá giữa giá xuất khẩu của Trung Quốc và các nhà cạnh tranh khác đang thu hẹp.
Nông sản: Giá cà phê tăng
Phiên cuối tuần, giá ngũ cốc nông sản giao kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, diễn biến trái chiều, trong đó giá ngô và đậu tương tăng, trong khi giá lúa mỳ giảm.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2020 khép phiên 12/9 tăng 3,5 US cent (0,96%) lên 3,685 USD/bushel và giá đậu tương giao tháng 11/2020 tăng 18,5 US cent (1,89%) lên 9,96 USD/bushel. Giá lúa mì giao tháng 12/2020 chốt phiên với mức giảm 6,25 US cent (1,14%) xuống 5,42 USD/bushel.
Công ty nghiên cứu AgResource Research có trụ sở tại Chicago cho hay bão Derecho ở bang Iowa và hạn hán ở khu vực Midwest Mỹ đã làm tổng sản lượng ngô của nước này giảm 253 triệu bushel và đậu tương giảm 150 triệu bushel. Trong khi đó, dự trữ cuối vụ chính trên thế giới đã giảm 9,9 triệu tấn xuống còn 719,8 triệu tấn.
Dự trữ ngô thế giới trong niên vụ 2020/2021 được dự báo sẽ tăng 6 triệu tấn so với niên vụ trước, ngay cả khi lượng ngô bán ra trên thế giới tăng lên 186 triệu tấn. Dự trữ đậu tương cuối niên vụ 2020/21 của Mỹ đã giảm khoảng 150 triệu bushel xuống 460 triệu bushel, với giả định khoảng 2.125 triệu bushel được xuất khẩu.
Đối với mặt hàng đường, giá đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,01 US cent hay 0,1% lên 11,92 US cent/lb, trước đó giá đã xuống 11,76 US cent, thấp nhất kể từ cuối tháng 7; đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 2,9 USD hay 0,8% lên 357,2 USD/tấn.
Các đại lý cho biết sản lượng đường của Brazil trong niên vụ này đạt hơn 37 triệu tấn, sản lượng tính tới nay cao hơn 43,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,75 US cent hay 0,6% lên 1,3245 USD/lb, vẫn gần mức đỉnh 8 tháng đã đạt được trong tuần trước; cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 10 USD hay 0,7% lên 1.433 USD/tấn.
Tình trạng khô hạn quá mức tại Brazil, được dự báo sẽ làm giảm năng suất cà phê, đã hỗ trợ giá mặt hàng này. Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ hôm 10/9 cho biết hiện tượng thời tiết La Nina đã xuất hiện ở khu vực Thái Bình Dương, có thể dẫn đến lượng mưa dưới mức trung bình ở Brazil trong quý IV/2020.
Bên cạnh đó, cà phê Arabica còn nhận được sự hỗ trợ do nguồn cung từ Colombia, nhà sản xuất cà phê Arabica lớn thứ hai thế giới, giảm sau khi số liệu từ Liên đoàn các nhà trồng cà phê Colombia cho thấy xuất khẩu cà phê Colombia trong tháng 8/2020 đã giảm 8% xuống 1,118 triệu bao (1 bao=60kg).
Giá cao su Nhật Bản giảm trong phiên cuối tuần, đánh dấu tuần thứ 2 giảm giá liên tiếp theo thị trường Thượng Hải và giá dầu yếu. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) chốt phiên giảm 2,8 JPY xuống 176,7 JPY (1,66 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá đã giảm 1,8% sau khi giảm 3,2% trong tuần trước. Hợp đồng cao su giao tháng 1 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 30 CNY xuống 12.210 CNY (1.786 USD)/tấn.
Lượng cao su lưu kho trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,7% so với tuần trước, làm tăng lo ngại về dư cung. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 11,6% so với cùng tháng năm trước lên 2,19 triệu chiếc, tháng thứ 5 tăng liên tiếp.
Giá hàng hóa thế giới

ĐVT

Giá 4/9

Giá 11/9

11/9 so với 10/9

11/9 so với 10/9 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

39,77

37,33

+0,03

+0,08%

Dầu Brent

USD/thùng

42,66

39,83

-0,23

-0,57%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

28.800,00

27.520,00

+150,00

+0,55%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,59

2,27

-0,05

-2,32%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

117,72

109,49

-0,28

-0,26%

Dầu đốt

US cent/gallon

115,15

108,96

+0,72

+0,67%

Dầu khí

USD/tấn

335,50

324,00

+1,25

+0,39%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

42.240,00

40.700,00

+80,00

+0,20%

Vàng New York

USD/ounce

1.934,30

1.947,90

-16,40

-0,83%

Vàng TOCOM

JPY/g

6.608,00

6.628,00

-13,00

-0,20%

Bạc New York

USD/ounce

26,71

26,86

-0,43

-1,59%

Bạc TOCOM

JPY/g

91,40

91,20

0,00

0,00%

Bạch kim

USD/ounce

904,05

930,83

+0,81

+0,09%

Palađi

USD/ounce

2.295,22

2.324,35

+23,62

+1,03%

Đồng New York

US cent/lb

306,20

303,95

+4,10

+1,37%

Đồng LME

USD/tấn

6.710,00

6.739,00

+70,50

+1,06%

Nhôm LME

USD/tấn

1.786,50

1.775,00

-14,50

-0,81%

Kẽm LME

USD/tấn

2.483,00

2.471,00

+54,50

+2,26%

Thiếc LME

USD/tấn

18.250,00

18.102,00

+102,00

+0,57%

Ngô

US cent/bushel

358,00

368,50

+3,50

+0,96%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

550,25

542,00

-6,25

-1,14%

Lúa mạch

US cent/bushel

270,00

270,50

-1,75

-0,64%

Gạo thô

USD/cwt

12,40

12,12

-0,36

-2,92%

Đậu tương

US cent/bushel

968,00

996,00

+18,50

+1,89%

Khô đậu tương

USD/tấn

317,20

324,60

+7,10

+2,24%

Dầu đậu tương

US cent/lb

32,89

33,71

+0,51

+1,54%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

503,70

517,40

+7,60

+1,49%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.595,00

2.548,00

+11,00

+0,43%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

134,00

132,45

+0,75

+0,57%

Đường thô

US cent/lb

11,93

12,60

+0,02

+0,16%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

119,90

116,65

-1,40

-1,19%

Bông

US cent/lb

64,99

64,81

0,00

0,00%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

641,50

640,40

+29,00

+4,74%

Cao su TOCOM

JPY/kg

139,00

133,90

-0,90

-0,67%

Ethanol CME

USD/gallon

1,31

1,31

0,00

0,00%

 

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg