Năng lượng: Giá dầu tăng 6%
Phiên cuối tuần qua, giá dầu quay đầu giảm nhẹ do có sự điều chỉnh sau đợt giá tăng mạnh. Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 17 US cent (0,3%) xuống 66,77 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) phiên này giảm 33 US cent (0,5%) xuống 63,13 USD/thùng.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá dầu tăng 6% do triển vọng nhu cầu tăng mạnh mẽ và những dấu hiệu về sự hồi phục kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ lấn át những lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở nhiều nền kinh tế lớn.
OPEC+ sẽ nới lỏng chính sách cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 5 tới, và ngày 28/4 sẽ nhóm họp để xem xét những điều chỉnh bổ sung cho thỏa thuận chung.
Tuy nhiên, số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Theo số liệu của Công ty Dịch vụ Năng lượng, Baker Hughes Co, số giàn khoan dầu và khí – chỉ báo về sản lượng dầu mỏ của Mỹ trong tương lai – đã tăng thêm 7 giàn lên 439 giàn trong tuần tới 16/4. Như vậy, số giàn khoan đã tăng thêm 80% kể từ mức thấp chỉ 244 giàn hồi tháng 8/2020. Trong đó, riêng giàn khoan dầu tăng 7 lên 344.
Giá than luyện cốc trên thị trường Trung Quốc tăng gần 6% trong phiên cuối tuần, đạt mức cao nhất trong vòng 3 tháng, sau khi mọt số khu vực sản xuất than lớn ở nước này tăng cường việc kiểm tra, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.
Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên, kỳ hạn giao tháng 5, tăng 5,75% lên 1684 CNY (251,17 USD)/tấn trong phiên cuối tuần, lúc sáng cùng này có lúc giá đạt 1,703,5 CNY/tấn, cao nhất kể từ 19/1. Giá than cốc cũng tăng 1,4% lên 2.472,5 CNY/tấn.
Các nhà chức trách ở các tỉnh và khu vực bao gồm Sơn Tây, Hà Nam và Nội Mông gần đây đã tăng cường kiểm tra các mỏ than sau một số vụ tai nạn trong vài tháng qua, và yêu cầu những cơ sở có nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động phải ngừng sản xuất để chấn chỉnh.
Dữ liệu từ cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy sản lượng than nước này trong tháng 3 giảm 0,2% so với cùng tháng năm trước đó xuống còn 340,76 triệu tấn.
Dự trữ than luyện cốc tại 110 nhà máy thép ở Trung Quốc tuần này giảm 1,5% so với tuần trước.
Kim loại quý: Giá vàng tăng mạnh nhất kể từ đầu năm
Tuần giao dịch vừa qua, giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng theo tuần mạnh nhất từ đầu năm đến nay, với các yếu tố chi phối chính vẫn là lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và giá đồng USD.
Ngay phiên đầu tuần 12/4, giá vàng đi xuống khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cao. Phiên này, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao nhờ đợt đấu giá loại trái phiếu kỳ hạn ba năm diễn ra tốt đẹp.
Giá kim loại quý này tăng gần 1% lên 1.747,6 USD/ounce trong phiên 13/4, hưởng lợi từ số liệu cho thấy giá tiêu dùng trong tháng Ba ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 8 năm rưỡi. Những dự báo về một giai đoạn lạm phát cao hơn giúp làm gia tăng sự hấp dẫn cho vàng và gây sức ép lên đồng USD. Kim loại quý này thường được coi là một công cụ hữu hiệu để chống lạm phát.
Phiên 15/4, giá vàng giao ngay có thời điểm đạt đỉnh của hơn một tháng, còn giá vàng kỳ hạn tiến hơn 1,8% khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm bất chấp các số liệu kinh tế tốt hơn dự kiến. Xu hướng tăng kéo dài đến phiên cuối tuần 16/4. Cụ thể, giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,8% lên 1.778,04 USD/ounce, trước đó có lúc giá đạt mức cao nhất kể từ ngày 25/2, là 1.783,55 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 6 phiên này cũng tăng 0,8% lên 1.780,20 USD/ounce.
Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 2% - mức tăng mạnh nhất theo tuần kể từ 18/12/2020.
Nhà phân tích Suki Cooper thuộc Standard Chartered nhận định, trong quý II/2021, môi trường vĩ mô vẫn có những “sóng gió” đối với vàng khi đồng USD tạm thời mạnh lên.
Tuy nhiên, sau đó, đồng bạc xanh sẽ trở lại xu hướng suy yếu, lợi suất thực âm và kỳ vọng lạm phát tăng sẽ là những nhân tố làm tăng sức hấp dẫn của vàng đối với nhà đầu tư. Diễn biến đó đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua vàng như một nơi “trú ẩn an toàn” để đề phòng khả năng lạm phát leo thang trong thời gian tới.
Ông Jeffrey Sica, người sáng lập tổ chức tư vấn Circle Squared Alternative Investments, cho biết khả năng lạm phát leo thang phi mã gần như chắc chắn sẽ thành hiện thực. Khi đó, vàng sẽ là tài sản tốt nhất để sở hữu khi thị trường bắt đầu nhận được mức lạm phát có thể cao lịch sử.
Theo Lukman Otunuga, nhà phân tích cấp cao tại FXTM, vàng tiếp tục hưởng lợi nhờ lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm, đồng bạc xanh yếu đi và tình trạng lây nhiễm COVID-19 ngày càng tồi tệ hơn ở châu Âu. Chuyên gia này nhận định, nếu lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục đi xuống và đồng USD vẫn yếu đi trong tuần tới, giá vàng có thể tăng lên ngưỡng 1.800 USD/ounce.
Mặc dù vậy, nhà phân tích Otunuga lưu ý, các số liệu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng rất đáng khích lệ và có thể thúc đẩy tâm lý của nhà đầu tư toàn cầu.
Thời điểm này cũng là lúc bắt đầu mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp, do đó các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán sẽ hấp dẫn hơn và có thể khiến một số nhà đầu tư rời bỏ vàng trong ngắn hạn.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng tăng mạnh nhất kể từ tháng 2
Giá đồng giảm trong phiên cuối tuần nhưng tính chung cả tuần đã tăng mạnh nhất trong vòng 2 tháng do những dữ liệu kinh tế khởi sắc phát đi từ Mỹ và Trung Quốc, và cũng do thị trường chứng khoán toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục trong khi một số ngân hàng đầu tư dự đoán giá đồng sẽ còn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, các dữ liệu từ Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, lẫn lộn cả yếu tố tích cực và tiêu cực, với hoạt động của các nhà máy đang tăng mạnh, nhưng thấp hơn mức dự báo và dự kiến sắp tới sẽ tăng chậm lại.
Trên sàn London phiên 16/4, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng giảm 1% xuống 9.190,50 USD/tấn, tính chung cả tuần tăng khoảng 3%, lên 9.617 1, cao nhất kể từ năm 2011.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết: “Dữ liệu của Trung Quốc chỉ thực sự tốt ở cái nhìn đầu tiên ... động lực đã giảm đi ở một mức độ nào đó".
Sự lạc quan trên thị trường chứng khoán hỗ trợ cho kim loại và nhu cầu mạnh mẽ trong quý II - mùa xây dựng truyền thống của Trung Quốc - có thể nâng giá đồng lên cao hơn nữa trong ngắn hạn, nhưng ông Briesemann dự báo giá sẽ giảm vào cuối năm.
Về những kim loại cơ bản khác, giá kẽm giảm 0,3% xuống 2.855,50 USD/tấn, nickel giảm 0,1% xuống 16.345 USD, chì tăng 0,9% lên 2.035 USD/tấn và thiếc tăng 0,9% ở 26.585 USD/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 0,9% lên 1.046 CNY/tấm; quặng 62% sắt nhập khẩu trong phiên liền trước cũng tăng 3 USD lên 176,5 CNY/tấn.
Trái với sắt, giá thép đồng loạt giảm. Thép thanh vằng trên sàn Thượng Hải giảm 0,1% xuống 5.116 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng giảm nhẹ xuống 5.143 CNY/tấn. Riêng thép không gỉ tăng 0,6% lên 13.925 CNY/tấn.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc tháng 3 tăng cao nhất trong 7 tháng lên 94,02 triệu tấn do nhu cầu mạnh và biên lợi nhuận khá bất chấp những hạn chế về môi trường tại các khu vực sản xuất thép chính.
Nông sản: Giá một số mặt hàng tăng
Giá đậu tương Mỹ tăng trong phiên cuối tuần do thời tiết khô hạn đi kèm lạnh giá, trong khi giá lúa mì giảm xuống mức thấp nhất kể từ 8/3 do hoạt động bán chốt lời.
Theo đó, đậu tương kỳ hạn tháng 5 trên sàn Chicago tăng 15 US cent lên 14,33-1/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 1/4. Trái lại, giá ngô phiên này giảm 4-1/2 US ccent xuống 5,85-1/2 USD/bushel, và lú mì giảm 1-1/4 US cent xuống 6,52-1/2 USD/bushel. Giá dầu đậu tương đã tăng 4 phiên liên tiếp.
Tính chung cả tuần, giá ngô giảm nhưng giá đậu tương và lúa mì tăng.
Nông dân Mỹ đang cố gắng tăng diện tích trồng đậu tương, mặc dù giá ngô đầu tuần này tăng lên mức cao kỷ lục gần 8 năm. Lý do bởi lo ngại nguồn cung dầu thực vật toàn cầu bị thắt chặt.
Giá đường thô phiên cuối tuần tăng 0,34 cent, tương đương 2,1%, kêb 16,72 cent/lb; tính chung cả tuần giá tăng 8,2%. Đường trắng cũng tăng 6,9 USD (1,5%) lên 463,3 USD/tấn.
Tính chung cả tuần, giá đường tăng hơn 6% nhờ kinh tế vĩ mô phát đi những tín hiệu tích cực.
Giá cà phê arabica giảm 3,55 US cent, tương đương 2,7% xuống 1,2915 USD/lb. Robusta phiên này cũng giảm 9 USD (0,7%) xuống 1.354 USD/tấn.
Giá cà phê arabica tăng mặc dù nhu cầu có dấu hiệu được cải thiện, thể hiện qua khối lượng dự trữ của tư nhân ở các cảng biển Mỹ giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 5 năm, theo Hiệp hội Cà phê xanh Mỹ.
Giá cao su giao dịch ở Nhật Bản tăng trong phiên cuối tuần và là phiên tăng thứ 3 liên tiếp sau khi Tung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhát thế giới – thông báo tăng trưởng kinh tế twang mạnh.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka tăng 0,8 yên, tương đương 0,4%, lên 237,7 JPY/kg. Cao su giao dịch trên sàn Thượng Hải cũng tăng 9 CNY (0,8%) lên 13.775 CNY/tấn.
Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng trong quý đầu tiên, ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 18,3% do nhu cầu tăng mạnh ở cả trong và ngoài nước và Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho các công ty nhỏ.
Giá một số mặt hàng chủ chốt