Năng lượng: Giá dầu tăng 5%
Giá dầu thô tăng trong phiên cuối tuần và tính chung cả tuần tăng tuần thứ 3 liên tiếp do nhà đầu tư lạc quan về vắc-xin ngừa COVID-19, dù số ca mắc mới tiếp tục tăng đe dọa đến nhu cầu năng lượng.
Phiên cuối tuần, dầu Brent tăng 76 US cent (1,7%) lên 44,96 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 52 US cent (1,2%) lên 42,42 USD/thùng, dầu WTI kỳ hạn tháng 12/2020 – đáo hạn vào ngày 20/11/2020 – tăng 41 US cent (1%) lên 42,15 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, cả 2 loại dầu đều tăng giá khoảng 5%. Động lực chính thúc đẩy giá tăng là triển vọng về vắc-xin Covid-19 hiệu quả.
Pfizer Inc cho biết họ nộp đơn cho các cơ quan quản lý y tế Hoa Kỳ vào ngày 20/11 để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin của mình.
Bjornar Tonhaugen, người phụ trách mảng dầu mỏ của Rystad Energy cho biết: “Mặc dù thực tế là sẽ mất khá nhiều thời gian để vắc-xin được tiêm chủng rộng rãi trên toàn cầu, nhưng những tin tức tích cực về hiệu quả của các vắc-xin đang làm dấy lên hy vọng mỗi ngày cho các nhà giao dịch”.
Nhà phân tích Lukman Otunuga của FXTM cho rằng động lực đi lên của giá dầu trong tuần qua đến từ việc đồng USD yếu hơn cũng như những hy vọng về vắc-xin. Chỉ số USD giảm khoảng 0,4% trong tuần qua. Ông Otunuga cho rằng giá dầu có thể vẫn chịu tác động từ các tiến triển trong việc bào chế vắc-xin ngừa COVID-19 và những lo ngại về những hạn chế bổ sung được thực hiện do sự gia tăng số ca mắc trên toàn cầu.
Kỳ vọng OPEC+ sẽ hoãn việc nâng sản lượng lên cũng hỗ trợ giá dầu tăng trong phiên vừa qua. Bên cạnh đó, thông tin Lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Thượng viên Mỹ Mitch McConnecll đồng ý nối lại các cuộc thỏa thuận về gói cứu trợ chống Covid-19 trong trường hợp dịch bệnh bùng phát gia tăng cũng hỗ trợ cho giá dầu đi lên.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần qua đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên lần đầu tiên trong 10 tuần. Theo đó, số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ báo ban đầu về sản lượng trong tương lai, đã giảm 2 xuống 310 trong tuần này, với riêng số giàn khoan dầu giảm 5 xuống 231, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 5 vào tuần trước.
Tuy nhiên, thị trường cũng đang chịu một số áp lực do sản lượng của Libya tăng, và các công ty dầu mỏ nhỏ của Nga đang có kế hoạch tăng sản lượng trong năm nay bất chấp thỏa thuận về hạn chế sản lượng.
Nhà phân tích Michael Tran tại RBC Capital Markets cho rằng, nhìn chung, thị trường dầu thô đang cho thấy sự vững vàng, khi dầu thô từ lòng chảo Đại Tây Dương đang được tiêu thụ dễ dàng hơn, dù châu Âu tăng cường thực hiện phong tỏa, số ca mắc COVID-19 tại Mỹ gia tăng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động, sản lượng của Libya tăng và chưa rõ OPEC+ có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Trong khi đó, nhà phân tích Lukman Otunuga của FXTM cho rằng, trong trung hạn, giá dầu sẽ chịu sự chi phối từ cuộc họp của OPEC+ vào ngày 30/11. OPEC+ để ngỏ khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm ba tháng.
Kim loại quý: Giá vàng giảm trong tuần
Giá vàng tăng mạnh trong phiên cuối tuần sau thông tin từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin báo hiệu rằng các cuộc đàm phán về các biện pháp kích thích sẽ được nối lại.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.872,95 USD/ounce; tuy nhiên tính chung cả tuần giá giảm 0,8%; vàng giao sau trong cùng phiên tăng 0,7% lên 1.872,40 USD/ounce.
Ông Mnuchin cho biết ông và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows sẽ có buổi nói chuyện các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa về các cuộc đàm phán với Quốc hội về việc tăng cường kích thích kiinh tế.
Giám đốc phụ trách giao dịch kim loại David Meger của High Ridge Futures, cho rằng ý tưởng nối lại đàm phán về gói kích thích một lần nữa đã hỗ trợ giá vàng khi thanh khoản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các biện pháp kích thích tài khóa tiếp tục là động lực của thị trường vàng.
Giá kim loại quý này trong năm nay được thúc đẩy chủ yếu do những tác động kinh tế của đại dịch và các biện pháp kích thích trên toàn cầu.
Giá vàng trong 12 ngày vừa qua đã giảm khoảng 5%, kể từ khi có thông tin tích cực về vắc-xin của Pfizer và Moderna. Đối tác quản lý của CPM Group, Jeffrey Christian, cho rằng giá vàng sẽ vẫn được hỗ trợ, bởi sẽ mất nhiều tháng trước khi các nước có thể phân phối đủ vắc-xin ngừa COVID-19 để mang lại hiệu quả, trong khi Chính phủ Mỹ có thể sẽ tiếp tục bế tắc trong việc tung ra các gói hỗ trợ mới.
Kim loại công nghiệp: Giá quặng sắt tăng mạnh
Giá quặng sắt tăng trong phiên cuối tuần do nhu cầu mạnh. Kết thúc phiên này, quặng sắt giao dịch trên sàn Đại Liên tăng 1,7% lên 887,50 CNY (135,12 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá tăng 6,9%, là tuần tăng giá mạnh nhất kể từ đầu tháng 8/2020. Trên sàn Singapore, trong cùng phiên, giá quặng sắt cũng tăng 0,5% lên 124,89 USD/tấn.
Lượng thép tồn kho ở 184 nhà máy tại Trung Quốc nằm trong danh sách của công ty tư vấy Mysteel đã giảm 3,6% trong tuần này so với tuần trước, xuống mức thấp nhất 10 tháng (là 5 triệu tấn).
Nông sản: Giá đậu tương cao kỷ lục
Giá đậu tương đã trải qua 6 phiên liên tiếp và hiện duy trì ở mức cao nhất trong vòng 4 năm do thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ và lo ngại về nguồn cung giảm sút ở Mỹ.
Kết thúc phiên cuối tuần, đậu tương kỳ hạn tháng 1 tăng 3-1/2 US cent lên 11,81 USD/bshel, sau khi có thời điểm trong ngày đạt 11,96-3/4 USD/bushel, mức cao nhất kể từ 13/6/2016 đối với một hợp đồng giao dịch nhiều nhất
Giá ngô và lúa mì cũng đi lên trong phiên này. Theo đó, ngô giao tháng 3/2021 tăng 0,23% lên mức 4,282 USD/bushel, trong khi giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng nhích thêm 0,75% lên mức 5,995 USD/bushel.
Theo công ty nghiên cứu thị trường AgResource có trụ sở tại Chicago, giá các mặt hàng nông sản như ngô, đậu tương và lúa mỳ đều tăng lên trong bối cảnh thị trường có sự điều chỉnh sau khi chứng kiến hoạt động bán tháo chốt lời.
Bên cạnh đó, thời tiết khô hạn đang có tác động tiêu cực đến triển vọng sản lượng năm 2020, AgResource lưu ý.
Lượng mưa từ nay đến giữa tháng Một tới sẽ có vai trò rất quan trọng đối với sản lượng tiềm năng của khu vực miền Bắc Brazil. Trong giai đoạn từ ngày 1/9 đến 30/11, khu vực này đang hứng chịu đợt khô hạn nhất trong 40 năm trở lại đây.
Tình trạng khô hạn kéo dài cũng ảnh hưởng đến Argentina, nơi mà 25% sản lượng ngô sẽ không thể trồng trọt. AgResource cho rằng giá cả nông sản có thể tăng thêm đáng kể nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Giá cà phê giảm trong phiên cuối tuần, theo đó arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 5,15 US cent (4,2%) xuống 1,1805 USD/lb, trong khi robusta giao tháng 1 giảm 5 USD xuống 1.386 USD/tấn.
Các thương gia cho biết, ảnh hưởng do bão đối với vụ mùa ở Trung Mỹ trong niên vụ này không xấu như những đánh giá ban đầu.
Giá cacao trên thị trường New York phiên vừa qua tăng 47 USD (1,7%) lên 2.712 USD/tấn, sau khi có lúc đạt 2.746 USD/tấn – cao nhất kể từ cuối tháng 2/2020. Giá trên sàn London cũng tăng 25 GBP lên 1.816 GBP/tấn. Tồn trữ cacao theo số liệu trên giấy tờ hiện chỉ có 198.117 bao (1 bao = 60 kg), so với 310.446 bao cách đây một n ăm.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng ở phiên cuối tuần khi các nhà đầu tư mua vào trước kỳ nghỉ dài ngày ở Nhật, giữa bối cảnh lo ngại nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, tính chung cả tuần thì giá vẫn giảm.
Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 4 tăng 2,8 JPY (1,3%) lên 226,8 JPY (2,2 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá giảm 3,7%. Sàn Osaka sẽ đóng cửa nghỉ giao dịch trong ngày thứ 2 (23/11) nhân ngày lễ. Trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua, giá cao su kỳ hạn tháng 1 giảm 55 CNY xuống 14.230 CNY (2.166 USD)/tấn.

Số liệu về người nhiễm Covid-19 liên tục tăng ở Mỹ, đã tăng tới gần 50% chỉ trong 2 tuần qua, trong khi số người nhiễm ở Nhật cũng cao kỷ lục đang đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư cao su.

Giá hàng hóa quốc tế 

ĐVT

Giá 13/11

Giá 20/11

20/11 so với 19/11

20/11 so với 19/11 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

40,13

42,15

+0,41

+0,98%

Dầu Brent

USD/thùng

42,78

44,96

+0,76

+1,72%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

28.360,00

28.860,00

+220,00

+0,77%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

3,00

2,65

+0,06

+2,24%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

112,54

117,52

+1,27

+1,09%

Dầu đốt

US cent/gallon

120,42

128,63

+1,56

+1,23%

Dầu khí

USD/tấn

344,75

359,50

+1,75

+0,49%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

43.480,00

44.170,00

+410,00

+0,94%

Vàng New York

USD/ounce

1.886,20

1.872,40

+10,90

+0,59%

Vàng TOCOM

JPY/g

6.363,00

6.260,00

+12,00

+0,19%

Bạc New York

USD/ounce

24,78

24,49

+0,33

+1,35%

Bạc TOCOM

JPY/g

83,20

81,10

+0,40

+0,50%

Bạch kim

USD/ounce

894,40

950,40

-2,34

-0,25%

Palađi

USD/ounce

2.325,51

2.329,28

+3,86

+0,17%

Đồng New York

US cent/lb

318,50

331,00

+9,00

+2,80%

Đồng LME

USD/tấn

6.982,50

7.277,50

+184,50

+2,60%

Nhôm LME

USD/tấn

1.932,00

1.993,00

+0,50

+0,03%

Kẽm LME

USD/tấn

2.629,00

2.793,50

+34,50

+1,25%

Thiếc LME

USD/tấn

18.400,00

18.795,00

+65,00

+0,35%

Ngô

US cent/bushel

419,50

428,25

+1,00

+0,23%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

602,00

599,50

+0,75

+0,13%

Lúa mạch

US cent/bushel

295,50

312,00

0,00

0,00%

Gạo thô

USD/cwt

12,37

12,47

+0,03

+0,20%

Đậu tương

US cent/bushel

1.148,00

1.181,00

+3,50

+0,30%

Khô đậu tương

USD/tấn

387,80

392,50

+0,20

+0,05%

Dầu đậu tương

US cent/lb

36,96

38,34

-0,17

-0,44%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

560,50

576,50

+4,20

+0,73%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.365,00

2.712,00

+47,00

+1,76%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

112,20

118,05

-5,15

-4,18%

Đường thô

US cent/lb

14,96

15,21

-0,07

-0,46%

Nước cam

US cent/lb

122,60

127,70

-0,20

-0,16%

Bông

US cent/lb

70,40

72,96

+1,29

+1,80%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

578,30

630,10

+13,20

+2,14%

Cao su TOCOM

JPY/kg

157,40

154,90

-0,60

-0,39%

Ethanol CME

USD/gallon

1,48

1,39

0,00

0,00%

 

Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg