Năng lượng: Giá dầu biến động mạnh
Thị trường dầu thế giới trồi sụt thất thường trong tuần qua, khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi diễn biến cuộc họp chính sách của Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
Trong khi đó, tình tình đại dịch COVID-19 tại châu Âu trở nên phức tạp hơn khiến nhiều người thêm lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong tương lai.
Phiên đầu tuần này (ngày 29/3), giá dầu thế giới tăng gần 1% sau khi chứng kiến đà giảm trong phiên cuối tuần trước do thông tin siêu tàu container Ever Given có chở dầu bị mắc kẹt trên kênh đào Suez trong gần một tuần qua đã được giải cứu.
Phil Flynn, nhà phân tích cao cấp tại Price Futures Group ở Chicago, nhận định thị trường đang "tạm gác lại" tình hình trên kênh đào Suez và hướng sự chú ý đến cuộc họp của OPEC+, với nhiều dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy tổ chức này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Những đồn đoán xung quanh cuộc họp của OPEC+ lại khiến giá dầu đảo chiều đi xuống trong hai phiên giao dịch liền sau đó, khi những kỳ vọng về đà phục hồi của nhu cầu dầu mỏ đã bị đẩy lùi phần nào do sự gia tăng mạnh số ca mắc COVID-19 có nguy cơ gây quá tải cho các bệnh viện ở các nước châu Âu và làm giảm nhu cầu dầu.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3/2021 đã phần nào bị hạn chế khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ bất ngờ giảm 876.000 thùng trong tuần trước do hoạt động lọc dầu gia tăng, trái ngược với dự đoán tăng 107.000 thùng của giới phân tích, theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Trong phiên 1/4, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần này do thị trường đóng cửa nghỉ lễ thánh Thứ Sáu tốt lành (Good Friday), giá dầu thế giới tăng hơn 2 USD bất chấp thông tin nhóm OPEC+ đã đạt được một thỏa thuận sẽ nới lỏng dần việc cắt giảm sản lượng từ tháng 5/2021.
OPEC+ đã nhất trí sẽ nới lỏng mức cắt giảm sản lượng khoảng 350.000 thùng/ngày trong tháng 5/2021, và thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng Sáu và lên 400.000 thùng/ngày vào khoảng tháng Bảy. Theo thỏa thuận đạt được ngày 1/4, từ tháng 5/2021 tới, OPEC+ sẽ thực hiện cắt giảm hơn 6,5 triệu thùng dầu/ngày. Trước đó, OPEC+ đang thực hiện cắt giảm 7 triệu thùng/ngày và Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.
Tại cuộc họp ngày 1/4, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng khoảng 5-5,5 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2021. Ông Novak hy vọng lượng dầu dự trữ trên toàn cầu sẽ trở lại mức bình thường trong hai đến ba tháng tới.
Kết quả của phiên giao dịch ngày 1/4 đã giúp giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ WTI lần lượt ghi nhận mức tăng 0,7% và 0,8% trong cả tuần qua. Giá dầu Brent đã giảm 3,9% trong cả tháng Ba, nhưng tăng 22,6% tính chung cả quý I/2021, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 3,8% trong tháng Ba và tăng 21,9% trong quý vừa qua. Đà tăng trong quý I của giá dầu chủ yếu là nhờ tâm lý lạc quan về sự phục hồi trong nhu cầu sau khi vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu được triển khai tiêm chủng.
Thị trường dầu cũng được tiếp sức sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra kế hoạch chi tiêu 2.300 tỷ USD để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như cầu đường, cùng với việc giải quyết biến đổi khí hậu.
Thông tin về lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ phần nào tác động đến giá dầu, nhưng nhanh chóng được củng cố sau báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy các kho dự trữ dầu thô tại nước này đã bất ngờ giảm trong tuần trước.
Kim loại quý: Giá vàng giảm 
Thị trường vàng tuần qua kết thúc sớm hơn 1 ngày do đóng cửa nghỉ lễ Ngày thứ Sáu tốt lành.
Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 29/3, giá vàng rơi xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần, do việc đồng USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ mạnh lên đã làm giảm sức hút của kim loại vốn được coi là nơi phương tiện đầu tư an toàn này. Bên cạnh đó, giá kim loại quý này cũng chịu áp lực đi xuống khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư hy vọng vào sự phục hồi kinh tế nhanh chóng ở Mỹ. Phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 1.713,36 USD/ounce, còn giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng lùi 1,2%, xuống còn 1.712,20 USD/ounce.
Trong phiên 30/3, giá vàng giảm gần 2%, khi đồng USD mạnh lên, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng và kỳ vọng về sự phục hồi nhanh hơn của kinh tế Mỹ đã làm giảm nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn như vàng. Giá vàng giao ngay giảm 1,6% xuống 1.684,64 USD/ounce, sau khi có thời điểm giảm khoảng 2% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 8/3 là 1.678,40 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giảm 1,7% và chốt phiên ở mức 1.686 USD/ounce.
Ở phiên 31/3, giá vàng kỳ hạn tại Mỹ tăng 1,8% lên 1.715,60 USD/ounce nhờ đồng USD giảm. Tuy nhiên, đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn khiến giá kim loại này hướng đến quý giảm lớn nhất trong hơn bốn năm.
Theo một ước tính, giá vàng giảm hơn 9% trong quý I/2021 và là quý giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 12/2016.
Tại phiên giao dịch cuối tuần ngày 1/4, giá vàng giao tháng Sáu tăng 12,8 USD, hay 0,8%, lên 1.728,4 USD/ounce, nhờ lợi suất trái phiếu của Mỹ giảm và đồng USD yếu, ngay sau khi kim loại quý này khép lại quý I/2021 với mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2016. Tính chung cả tuần, giá giảm 0,2% do mấy phiên đầu tuần đều giảm.
Giá tăng trong phiên 1/4 do lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống dưới 1,7% và đồng USD giảm trở lại. Đồng USD yếu hơn có thể khiến các tài sản được định giá theo đồng tiền này hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn và lợi suất trái phiếu giảm có thể làm giảm chi phí cơ hội cho việc đầu tư vào các kim loại quý. Đồng thời, giá vàng cũng nhận được sự hỗ trợ từ số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tăng 61.000 trong tuần vừa qua, lên 719.000.
Một số chuyên gia nhận định rằng hoạt động mua vào vào cuối tháng Ba cũng như việc tái cân đối các khoản đầu tư vào cuối quý I có thể đang góp phần thúc đẩy giá vàng.
Các nhà đầu tư đang đánh giá các chi tiết của kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden và khả năng kế hoạch này được thông qua tại Quốc hội, điều sẽ có ảnh hưởng đến giá vàng, trong lúc các nhà giao dịch đang xem xét tác động của của việc tăng cường các biện pháp kích thích và tăng thuế đến nền kinh tế Mỹ.
Ông Jeff Wright, Giám đốc đầu tư của Wolfpack Capital, không cho rằng đà giảm của giá vàng đã kết thúc, nhận định giá kim loại này có thể vẫn chịu sức ép trong tuần tới.
Kim loại công nghiệp: Giá quặng sắt giảm mạnh
Quặng sắt Trung Quốc tăng trong phiên cuối tuần nhưng tính chung cả tuần giảm hơn 10%, trong khi giá thép thanh và thép cuộn cán nóng đóng cửa lên mức cao kỷ lục do nguồn cung hạn chế.
Hợp đồng quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,8% lên 979 CNY (149,18 USD)/tấn, nhưng giảm 10,1% trong tuần qua.
Trong khi đó, giá thép tiếp tục tăng do tiêu thụ phục hồi. Nhu cầu thép thanh và thép cuộn cán nóng tăng lần lượt 7% và 2% so với tuần trước. Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe ở Trung Quốc tăng 2 USD lên 168 USD/tấn.
Thép thanh giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 3,7% lên 5.157 CNY/tấn, tăng 9 tuần liên tiếp; thép cuộn cán nóng tăng 2,5% lên mức kỷ lục 5.556 CNY/tấn. Hợp đồng này tăng tuần thứ 4 liên tiếp và kết thúc tuần này tăng 6,9%; thép không gỉ tại Thượng Hải giao tháng 6 giảm 0,2% xuống 14.275 CNY/tấn.
Bộ Công nghiệp và cơ quan kế hoạch nhà nước Trung Quốc đã công bố các cuộc thanh tra theo kế hoạch để kiểm tra việc thực hiện cắt giảm công suất thép trong vài năm qua và nhắc lại ý định hạn chế sản lượng thép thô hơn nữa trong năm 2021 để giảm lượng khí thải.
Công suất sử dụng tại 163 lò cao ở Trung Quốc giảm xuống 76,92% trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2019, theo số liệu từ công ty tư vấn Mysteel.
Trong nhóm kim loại cơ bản, sàn London đóng cửa phiên 2/4. Còn tại Trung Quốc, giá đồng Thượng Hải tăng trong phiên cuối tuần do lo ngại về nguồn cung đồng đã tinh chế bị hạn chế sau khi số liệu cho thấy hoạt động luyện đồng toàn cầu giảm do thiếu nguyên liệu.
Hợp đồng giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 2,4% lên 67.090 CNY (10.227,91 USD)/tấn, tính chung cả tuần tăng 0,9%.
Tháng 3 việc luyện đồng trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, đặc biệt ở Trung Quốc, nhà sản xuất đồng tinh luyện hàng đầu thế giới.
Nguồn cung quặng đồng khan hiếm một phần lấn át dấu hiệu nhu cầu đồng tinh chế yếu hơn so với dự kiến tại Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, do nước này bước vào mùa nhu cầu mạnh trong quý 2.
Tồn kho đồng trên sàn Thượng Hải tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2020 tại 197.628 tấn.
Công ty khai thác kim loại Sumitomo, nhà luyện đồng lớn thứ hai của Nhật Bản dự kiến sản lượng đồng đã tinh luyện của họ trong năm tài chính 2021/22 giảm 5% xuống 421.000 tấn vì bảo dưỡng tại nhà máy luyện Toyo.
Nông sản: Giá cao su tăng
Các sàn giao dịch nông sản Mỹ đóng cửa trong phiên cuối tuần.
Tại Châu Á, giá cao su Nhật Bản tăng ở phiên 2/4 sau khi một số số liệu cho thấy hoạt động sản xuất phục hồi tại Châu Á và Châu Âu, thúc đẩy hy vọng một sự phục hồi kinh tế mạnh từ đại dịch Covid-19.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 6,1 JPY hay 2,5% lên 251,5 JPY/kg.
Các nhà máy khắp Châu Âu và Châu Á tăng sản xuất trong tháng 3 do nhu cầu phục hồi vững chắc hỗ trợ các nhà sản xuất vượt qua những thất bại do đại dịch, củng cố sự lạc quan của thị trường rằng việc triển khai vaccine và tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ, Trung Quốc sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu trở lại tăng trưởng.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 2,6% đóng cửa tại 14.405 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg